Tại sao nói ngày 30 tháng 4 năm 1975 là mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc ta?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nntc6761, 17 Tháng bảy 2021.

  1. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi Nixon từ chức vào tháng 8 năm 1974, bên cạnh đó là những trận thua liên tiếp trên chiến trường. Sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam, sự trợ giúp quân sự của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng hòa giảm dần. Nền kinh tế và chi tiêu của Việt Nam Cộng hòa chủ yếu được duy trì bằng viện trợ của Hoa Kỳ. Ở miền Nam lúc bấy giờ, nền công nghiệp còn non trẻ, nông nghiệp bị tàn phá bởi chiến tranh. Siêu lạm phát và tham nhũng xảy ra cùng nhau, và sự lạm dụng quyền lực làm cho nền kinh tế trở nên bế tắc hơn. Tình hình kinh tế và quân sự ở miền Nam Việt Nam rất tồi tệ, khiến người dân bất mãn với chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

    Trong bối cảnh đó, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và nội các của ông tuyên bố đầu hàng chính phủ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam vô điều kiện. Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 là kết quả trực tiếp của trận đánh mùa xuân năm 1975 và là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 đã chấm dứt gông cùm của đế quốc và phong kiến trên đất nước ta, góp phần hoàn thành cách mạng dân tộc, thống nhất hai miền Nam Bắc, để non sông thu về một mối, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc.

    [​IMG]

    Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Việt Nam và mở đầu thời kỳ đất nước Việt Nam được thống nhất với tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng đánh dấu việc dân tộc Việt Nam đã tạo nên một kỳ tích tưởng chừng như không thể vào giữa thế kỷ 20. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển đã tự mình đánh bại các cường quốc và chủ nghĩa đế quốc, khẳng định sự anh hùng dũng cảm, ngoan cường, trí tuệ và tài năng cho toàn thế giới thấy.

    Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 là một chiến công chói lọi nhất trong công cuộc chống Mỹ cứu nước và được ghi vào lịch sử nước ta như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sự chiến thắng của trí tuệ nhân loại, được coi là chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, có ý nghĩa quốc tế to lớn và có ý nghĩa thời đại.

    Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đánh tan cuộc phản công lớn nhất của bọn đế quốc đầu sỏ chống lại lực lượng cách mạng kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến trường của chủ nghĩa đế quốc bị thu hẹp, đồng thời chiến trường của chủ nghĩa xã hội được mở rộng.

    Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 đã phá vỡ phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, phá vỡ chiến lược toàn cầu phản cách mạng, đẩy nước Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng có, làm suy yếu hệ thống đế quốc, gia tăng sức mạnh và bước tiến của phong trào cách mạng thời đại, mang lại niềm tin cho hàng trăm triệu người trên thế giới đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

    Ngày 30 tháng 4 năm 1975 ghi dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, đã đưa Việt Nam lên đỉnh cao của sự nghiệp giải phóng dân tộc và nâng cao uy tín quốc tế. Thắng lợi của Việt Nam trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ là nhân tố dẫn đến sự thay đổi rất quan trọng trong chiến lược của các cường quốc, mà còn là nhân tố làm thay đổi cơ cấu chính trị của khu vực Đông Nam Á.

    Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 chính là thắng lợi toàn diện của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thắng lợi vĩ đại, vẻ vang nhất trong lịch sử hàng thiên niên kỷ dựng nước của nhân dân ta, mở ra thời kỳ mới: Thống nhất, độc lập và tiến lên xã hội chủ nghĩa.

    Có thể thấy, ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ đi vào lịch sử nước ta, mà còn cả lịch sử thế giới, là một trang rực rỡ trong lịch sử nhân loại.
     
    LieuDuong, Linh Bư, Pim Pim16 người khác thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Tại sao phải giải phóng miền Nam trước mùa mưa

    Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975 vì thời cơ chiến lược đến nhanh ngay khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn. Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975". Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: "Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam" và đã đưa ra quyết định: "Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa".
     
  4. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Diễn biến ngày 30 tháng 4 năm 1975

    Sau khi quân Giải phóng bao vây Sài Gòn và chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rút khỏi Sài Gòn vào lúc 5 giờ 24 phút ngày 30 tháng 4; 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Tổng thống Dương Văn Minh và Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa hạ lệnh đơn phương ngừng chiến, sẵn sàng đón quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Lệnh này trên thực tế cũng không có nhiều tác dụng do phần lớn quân lực Việt Nam Cộng hòa lúc đó đã tan rã, hầu hết binh lính đã ra hàng hoặc vứt bỏ vũ khí về với gia đình.

    Trước đó, sáng sớm ngày 30/4, Thê đội 1 của đội hình thọc sâu gồm 7 xe tăng T-54 của Đại đội Xe tăng 1 và 4 xe K63 của Đại đội 11 do quyền đại đội trưởng Nguyễn Hồng Tư chỉ huy cùng với một đại đội bộ binh Quân Giải phóng tiến về phía Ngã tư Bảy Hiền, Sài Gòn. Bất chấp sự cản phá của không quân và bộ binh địch, lực lượng đi đầu do xe tăng T-54 số 979 của Nguyễn Hồng Tư dẫn đầu vừa đi vừa bắn, chiếm được ngã tư Bảy Hiền. Khi vượt qua ngã tư và rẽ trái để hướng về phía Cổng 5 của sân bay Tân Sơn Nhất thì xe 979 bị 1 xe tăng M48 Patton phục ở hướng bệnh viện Vì Dân bắn trúng. Xe bốc cháy, các thành viên tổ lái hy sinh. Xe tăng số 985 của trung đội trưởng Mai Trọng Hoạt vừa lao lên ngã tư cũng bị bắn hỏng pháo. Trưởng xe Mai Trọng Hoạt ra lệnh cho xe lao thẳng tới, định húc vào chiếc M48 đi đầu. Chiếc M48 vội lùi vào một ngôi nhà ven đường, ngôi nhà đổ sụp trùm lên chiếc xe, kíp lái M48 bỏ xe chạy mất. Chiếc M48 chạy sau quay đầu rồi chạy khỏi khu vực.

    Thê đội 1 của lực lượng thọc sâu tiếp tục bổ sung lực lượng và tiến về mục tiêu là sân bay Tân Sơn Nhất theo đường Võ Tánh (đường Hoàng Văn Thụ ngày nay). Liên đoàn Biệt kích Dù 81 phòng thủ ở đây có trang bị khá mạnh. 9 giờ 30, xe tăng và bộ binh quân Giải phóng bắt đầu tiến về hướng sân bay, khi vượt qua Lăng Cha Cả được khoảng 100 mét thì xe tăng số 875 đi đầu trúng đạn bốc cháy, xe T-54 thứ hai vừa vượt qua ngã ba cũng bị bắn cháy. Xe K63 của đại đội trưởng Đại đội 11 bám sát yểm hộ 2 xe tăng cũng bị trúng đạn. Mũi tiến công này của xe tăng và bộ binh bị chặn lại.

    Trung đoàn trưởng bộ binh và tiểu đoàn trưởng xe tăng điều 2 khẩu pháo 85mm lên bắn trực tiếp, đồng thời điều Đại đội xe tăng 2 lên thay cho Đại đội xe tăng 1 tiếp tục đột phá. Khẩu pháo đầu tiên của Trung Đoàn Pháo binh 4 do Đại đội trưởng Chính chỉ huy vừa vào tới khu vực bên trái Lăng Cha Cả, đang triển khai thì đã trúng hỏa tiễn. Pháo hỏng, cả khẩu đội cùng Đại đội trưởng Chính hy sinh. Trung đoàn phó Trương Văn Việt quyết định đột phá sang khu vực bên trái Lăng Cha Cả. Bộ binh được chia thành hai mũi: Một mũi cùng xe tăng đánh theo cổng số 5, một mũi đánh vào cổng phía Tây. Xe tăng số 326 vừa vượt qua Lăng Cha Cả lại bị bắn cháy, xe tăng số 815 vượt qua khu vực Lăng được một đoạn cũng bị bắn cháy. Xe tăng số 353 thì bị hư hại, tổ lái không rời xe mà tiếp tục dùng súng 12.7 mm chi viện bộ binh. Bên cổng phía Tây, sau khi tiêu diệt được một số chốt chặn, 3 xe tăng của Đại đội xe tăng 1 và 4 xe K63 của Đại đội 11 cùng bộ binh tiến vào sân bay, đánh chiếm Khu truyền tin, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân, Bộ Tư lệnh Dù..

    Trong khi đó, cánh quân của Tiểu đoàn xe tăng 2 và Trung đoàn Bộ binh 28 sau khi đánh chiếm được quân trường Quang Trung thì nhận lệnh nhanh chóng tiến công trụ sở Bộ Tổng tham mưu địch. Cuộc chiến đấu ở cổng Bộ Tổng tham mưu và cổng sân bay vẫn đang quyết liệt thì có tin Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, tuy nhiên một số lính biệt kích dù đã cho đó là lừa bịp và vẫn tiếp tục bắn trả lẻ tẻ. Đến khi các mũi tiến công khác làm chủ được sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu, quân dù mới đầu hàng hoàn toàn.

    Phía tiểu đoàn 1 (gồm Đại đội 1, 3 và 4), lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 do tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ chỉ huy tiến vào cầu Sài Gòn lúc 7 giờ sáng. Quân Sài Gòn huy động tới 14 xe tăng - xe thiết giáp, hai pháo hạm trên sông và hai đại đội bộ binh giữ cầu, có cả máy bay ném bom hỗ trợ. Trong trận đánh ác liệt ở đây, quân Giải phóng đã đánh tan cụm phòng ngự nhưng cũng bị bắn cháy 2 xe tăng và 2 xe khác bị bắn hỏng, tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ tử trận.

    Sau khi vượt qua khu vực cầu Sài Gòn, đoàn xe tăng tiếp tục tấn công, đi đầu là chiếc xe tăng Type-59 số hiệu 387, đi thứ hai là chiếc Type-59 số hiệu 390, xe T-54 số hiệu 843 của đại đội trưởng đại đội 4 Bùi Quang Thận đi thứ ba, theo sau là chiếc xe Jeep chở đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó trung đoàn bộ binh 66. Đến khu vực Hàng Xanh rồi rẽ trái, gần đến khu cầu Thị Nghè thì gặp ổ kháng cự có cả xe tăng M41 và M113. Chiếc xe 387 trúng đạn, bị hư hại phải dừng lại. Xe 390 bắn trả, tiêu diệt 1 chiếc xe thiết giáp M113. Xe 843 cũng bắn cháy 1 chiếc xe tăng M41 và 1 xe M113.

    Hai xe tăng 390 và 843 tiếp tục tiến về Dinh Độc Lập. Xe 843 đi trước, xe 390 của chính trị viên đại đội 4 Vũ Đăng Toàn theo sau. Vừa chạy qua khỏi cầu Thị Nghè lại đụng phải 3 chiếc xe tăng đánh chặn. Xe tăng 390 bắn cháy cả 3 chiếc xe tăng và vượt lên đi đầu. Bộ binh và mấy chiếc xe bọc thép của đối phương ở gần đó bỏ chạy.

    Được sự dẫn đường của nhân dân và biệt động Sài Gòn, lúc 10 giờ 30 phút, 2 xe tăng 843 và 390 đã tiến thẳng về Dinh Độc Lập. Xe 390 vì không biết đường nên chạy qua, đến cổng Trường Lê Quý Đôn thì nhận được tín hiệu của Bùi Quang Thận quay xe lại. Xe tăng 843 đến cổng Dinh Độc Lập trước, Bùi Quang Thận ra lệnh cho pháo thủ số 1 Thái Bá Minh và pháo thủ số 2 Nguyễn Văn Kỷ bắn pháo thẳng vào Dinh để thị uy, nhưng cả 2 viên đạn còn lại đều không nổ, liền ra lệnh cho lái xe Lữ Văn Hóa húc thẳng vào cổng Dinh.

    10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập và bị kẹt tại đó. Trung úy quân Giải phóng Bùi Quang Thận từ xe 843 nhảy xuống, cầm lá cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chạy bộ vào. Ngay sau đó, xe tăng 390 của Vũ Đăng Toàn húc sập cánh cửa chính và chạy vào trong sân dinh. Những phút sau đó, tiếp tục có thêm nhiều xe tăng - xe thiết giáp và bộ đội quân Giải phóng kéo vào trong dinh.

    Liên đoàn biệt kích dù 81 vẫn kháng cự lẻ tẻ ở phía trụ sở Bộ Ngoại giao (nay là Sở Ngoại vụ TP. HCM). Chiến sĩ tiểu đoàn 7 bộ binh Tô Văn Thành là người lính Giải phóng cuối cùng hi sinh, ngay trước dinh Độc Lập.

    11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh xuống sau đó kéo lá cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lên.

    Cùng lúc này, Đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 và Biệt động thành Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập bắt Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính phủ Sài Gòn.

    Dương Văn Minh nói: "Tôi chờ các ông tới để bàn giao chính quyền."

    Bùi Văn Tùng trả lời: "Các ông đã không còn gì để bàn giao. Thay mặt Cách mạng, tôi đề nghị ông ra lệnh đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu không cần thiết."

    Dương Văn Minh đồng ý.

    Khoảng 12 giờ trưa, Đại úy Phạm Xuân Thệ đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên xe Jeep để đến đài phát thanh. Chiếc xe thứ hai chở Trung tá Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Bùi Văn Tùng cùng hai nhà báo Borries Gallasch (người Đức, báo Der Spiegel ) và Hà Huy Đỉnh. Đến đài Phát thanh, tất cả lên phòng ghi âm nhỏ chỉ rộng khoảng 20 m vuông. Không khí căng thẳng thay đổi khi đại uý Thệ thay đổi thái độ, vui vẻ nói: "Anh Minh, anh yên tâm! Chúng tôi chiến đấu cho dân tộc, vì vậy chúng tôi buộc phải đánh bại những kẻ cam tâm bán nước. Nhưng bây giờ chúng tôi đã vào đây, không ai làm gì anh đâu và cũng không ai sẽ bắt tội anh."

    Chính uỷ Tùng muốn tướng Minh đọc qua những lời thảo trước khi ghi âm. Song không tìm thấy một chiếc máy ghi âm nào trong Đài Phát thanh do tòa nhà vừa trải qua một trận hôi của. Chỉ còn chiếc máy ghi âm nhỏ của báo Spiegel. Việc thu âm tiến hành đến ba lần.

    Lần thứ nhất ông Minh không đọc tiếp khi đến dòng chữ: "Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn.."

    Ông chỉ muốn giản lược là "Tướng Minh" và không muốn nhắc đến chức vị Tổng thống mới tiếp nhận được hai ngày.

    Cuối cùng mọi người nhất trí với lời văn: "Tôi, tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho tất cả binh sĩ hạ vũ khí đầu hàng.."

    Tại đài phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh thay mặt toàn bộ nội các của chính phủ Sài Gòn đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với quân đội cách mạng (tức quân Giải phóng miền Nam Việt Nam). Thay mặt các đơn vị quân Giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận đầu hàng. Thủ tướng Vũ Văn Mầu cũng tuyên bố đầu hàng sau đó. Chiến tranh kết thúc.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti, LieuDuongchiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng tư 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...