Tại sao lại có cây trồng? Cây trồng khác cây dại như thế nào? Những hàng cây xanh mát, những đóa hoa, luống rau, cây trái trĩu nặng mang đến cho cuộc sống nhiều điều thú vị và hữu ích. Vậy bạn đã từng thắc mắc tại sao lại có cây trồng hay chưa? Nguồn gốc của nó từ đâu? Cây trồng khác cây dại như thế nào? Dưới đây là một số thông tin về cây trồng và cây hoang dại, nguồn gốc của cây trồng cũng như cách phân biệt cây trồng và cây hoang dại. Hãy cùng đón đọc nhé. Khái niệm cây trồng và cây hoang dại Cây hoang dại là gì? Cây hoang dại là loài thực vật hoang dại có quan hệ gần gũi, mật thiết với các loại cây đã được thuần hóa. Nó có thể là một tổ tiên hoang dại của các loài cây được thuần hóa hoặc có quan hệ gần gũi về mặt phân loại. Cây hoang dại đóng góp nhiều nguồn gen có ích cho cây trồng, các giống cây trồng có được ngày nay hầu hết đều có nguồn gen từ họ cây hoang dại của chúng. Hàng năm, con người đều nghiên cứu và sử dụng nguồn gen từ cây hoang dại để cải thiện năng suất cũng như chất lượng cây trồng với mong muốn có được một mùa màng bội thu. Cây trồng là gì? Cây trồng là loại cây đã được thuần hóa và con người lựa chọn chúng để trồng trọt, đưa vào sản xuất nông nghiệp. So với các loài cây hoang dại thì cây trồng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các loài cây trên Trái Đất. Cây trồng thường được thu hoạch theo mùa vụ, có thể là theo tháng hoặc theo năm. Các sản phẩm của cây trồng được dùng làm thức ăn cho người, cỏ khô dùng trong chăn nuôi gia súc và cho nhiều mục đích phát triển kinh tế khác. Phát triển giống và cải tạo chất lượng cây trồng là một phần của nông nghiệp. Bên cạnh nông nghiệp, còn rất nhiều loài cây được sử dụng trong công nghiệp. Chẳng hạn như các loại cây trồng được trồng và thu hoạch để phục vụ cho ngành công nghiệp dệt, sản xuất vải sợi, chế biến các sản phẩm (trà, cà phê) để bán thu lợi nhuận. Tại sao lại có cây trồng? Nguồn gốc cây trồng bắt nguồn từ đâu? Vào thời xa xưa, trong xã hội nguyên thủy con người chưa biết trồng cây mà chỉ biết hái lượm, thu nhặt những quả hoặc hạt, đào củ từ những cây cối mọc dại trong rừng về làm thức ăn. Càng về sau thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn cùng với việc con người chỉ hái lượm mà không trồng trọt nên lượng thức ăn trong tự nhiên giảm dần. Con người sinh sản và dân số ngày càng tăng lên nên càng cần nhiều thức ăn hơn. Vì thế để không bị đói, con người đã chủ động giữ lại giống của các loài cây để gieo trồng cho những mùa sau. Từ đó các loại cây trồng xuất hiện và đa dạng hơn qua nhiều thế hệ. Cây trồng có nguồn gốc từ cây hoang dại. Tùy vào mục đích sử dụng mà từ loài cây hoang dại ban đầu con người đã lai tạo thành nhiều giống cây trồng khác. Đặc biệt những giống cây trồng được lai tạo có chất lượng tốt và năng suất cao hơn nhiều so với tổ tiên hoang dại của chúng. Cây trồng khác cây dại như thế nào? Mặc dù cây trồng có nguồn gốc từ tổ tiên hoang dại, nhưng chúng có nhiều điểm khác biệt với cây hoang dại. Một số điểm khác nhau mà chúng ta có thể phân biệt giữa cây trồng và cây hoang dại đó là: Cây trồng đa dạng về chủng loại và đặc điểm của cây khác với tổ tiên hoang dại của chúng. Cây trồng có tính chất khác hẳn, phẩm chất cây tốt và cho năng suất cao hơn nhiều so với những cây hoang dại. Bởi vì cây trồng đã qua nhiều cải tiến, đồng thời được con người áp dụng các biện pháp như: Lai giống, tuyển chọn hoặc ghép phối.. để tạo ra những giống cây mới sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh và tuổi thọ kéo dài. Bên cạnh đó, con người cũng tạo điều kiện thuận lợi như: Cải tạo đất, bổ sung nước, bón phân, cung cấp ánh sáng và phòng trừ sâu bệnh hại để cây trồng phát triển tốt, cho ra những sản phẩm đúng với nhu cầu của con người. Chúng ta có thể lấy ví dụ để hiểu rõ hơn về điểm khác biệt giữa cây trồng và cây hoang dại, cụ thể như: Cây cải dại có lá nhỏ, thân dài và mảnh là tổ tiên của các loài cây thuộc họ cải được trồng hiện nay bao gồm: Súp lơ với thân to và cụm hoa lớn, bắp cải lá nhiều và lớn, su hào có thân củ to. Cây lúa dại là tổ tiên của các giống lúa được trồng ngày nay. Tuy nhiên cây lúa dại bông nhỏ, ít hạt, chất lượng hạt kém; ngược lại các giống lúa hiện nay có bông lớn và nhiều hạt, hạt chắc khỏe và có chất lượng tốt. Dù là cây trồng hay cây mọc hoang thì chúng đều mang lại những lợi ích to lớn cho con người và thiên nhiên. Vì thế chúng ta cần bảo tồn và phát triển sự đa dạng của cây trồng để hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp và kinh tế.