Vào những ngày đầu mùa hạ, chúng ta thường hay bắt gặp hình ảnh những con đom đóm phát ra những ánh sáng nhấp nháy, lung linh, huyền ảo, phản chiếu rợp cả dòng sông hay khắp cánh đồng. Cảnh tưởng đó mới thật đẹp làm sao! Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi "Tại sao đom đóm lại phát sáng mà loài người chúng ta lại không có khả năng đặc biệt đó nhỉ?". Nếu bạn chưa có câu trả lời thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé! Đom đóm là gì? Đom đóm là những loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang. Chúng là những sinh vật có tập tính hoạt động về ban đêm. Con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ. Con cái thường không có cánh và chỉ có khả năng bò dưới đất. Đom đóm phát sáng nhằm mục đích gì? Với đom đóm trưởng thành, ánh sáng được chúng phát ra như một cách để hấp dẫn bạn tình. Còn ở ấu trùng thì sự phát sáng nhằm mục đích tự vệ, do ấu trùng đom đóm chứa các hóa chất có mùi vị khó chịu và có thể là độc đối với các động vật ăn thịt khác. Tại sao đom đóm phát sáng? Đom đóm phát ra ánh sáng lạnh màu đỏ cam hay vàng xanh (bước sóng 510 - 670 nm) và chỉ phát sáng vào ban đêm. Ánh sáng của đom đóm được phát ra từ một vài đốt cuối bụng. Bên trong lớp da bụng là dãy các tế bào phát quang, trong cùng là lớp tế bào phản quang, có chức năng như mặt gương giúp phản chiếu ánh sáng ra ngoài. Vậy quá trình phát quang diễn ra như thế nào nhỉ? Các tế bào phát quang có chứa hai loại chất là luciferin và luciferase. Men luciferase đóng vai trò là chất xúc tác, thúc đẩy quá trình oxy hóa luciferin (quá trình dùng ôxy đốt cháy luciferin). Quá trình oxy hóa này tạo ra quang năng và thế là đom đóm phát sáng. FMNH 2 + O 2 + RCHO → FMN + RCOOH + H 2 O + ánh sáng Như vậy có thể hiểu đơn giản đom đóm phát sáng được là nhờ vào hai loại chất luciferin và luciferase có trong tế bào phát quang của đom đóm. Bây giờ thì chúng ta đã hiểu tại sao đom đóm phát sáng rồi nhỉ? Thật là kì diệu phải không ạ? Mùa hạ sắp đến rồi, hãy rủ bạn bè hay người thân của bạn cùng nhau rong ruổi khắp cánh đồng lộng gió để săn đom đóm nhé!