Chào mừng các bạn đã quay trở lại với gameshow "Ai là nhà tâm lý tài ba?" Và sau đây là câu hỏi của số phát sóng thứ 14 Tại sao con người lại hay bắt chước đám đông? Làm cách nào để có thể dừng việc đó Tại sao con người ta đôi khi không thể tự làm theo ý mình mà phải theo đám đông nhỉ? Lạ hén! Các bạn ơi, hãy giúp mình trả lời câu hỏi này nhé
Vì ngay từ khi đến thế giới này, con người đã học bằng cách bắt chước. Trẻ em bắt chước để biết cách cười, nói, đi, đứng là chuyện thường tình. Nhưng, bản năng đó khi con người lớn lên thì nó cũng lớn theo. Chúng ta luôn có những khái niệm về "an toàn" tồn tại trong tiềm thức và trong đó có khái niệm quy phục số đông. Như trong lớp học, khi giáo viên đưa ra câu hỏi thì đa số học sinh sẽ lựa chọn cúi đầu dù cho biết đáp án đó hay không. Nếu giáo viên hỏi ai mang đủ tài liệu thì tất cả đều giơ tay dù có mang hay không. Nhưng trước đó, các học sinh sẽ đảo mắt một vòng quanh lớp. Nó là một hành động theo số đông và nó cũng khiến cho con người thấy an toàn. An toàn là một thứ mà ai ai cũng muốn có. Và một trong những cách con người ta cảm thấy an toàn nhất là có nhiều người như mình, giống mình và mình không khác biệt. Điều đó không sai, nhưng khi bị một điều vì đó dẫn dắt thì bản năng đó sẽ biến thành một thứ vũ khí có sức sát thương cao đến không ai trong chúng ta cảm nhận được. Người duy nhất cảm nhận được nó là nạn nhân trên đầu sóng. Nếu có một cách hữu hiệu để dừng việc này thì chính chúng ta phải tự vận dụng tư duy của "động vật bậc cao" lấn át đi phần bản năng vốn có để chống lại nó. Chống lại một bản năng vốn có là một khó khăn mà vô số người dùng cả đời cũng không thể vượt qua, nhưng chúng ta phải luôn cố gắng không ngừng để chống lại nó. Đấy cũng là cách sinh tồn trong thế giới loài người đầy phức tạp này.
Trước hết, giải thích một cách giản đơn thì đây chỉ là "hiệu ứng tâm lý". Khi ta phải đưa ra một quyết định nhưng lại không chắc chắn liệu nó đúng hay sai, thì ta thường hỏi mọi người, hoặc là sẽ chọn ra quyết định mà được nhiều người chọn nhất. Một phần vì ta cảm thấy có thể quyết định của mọi người sẽ đúng, một phần lại vì ta không đủ tự tin vào bản thân. Ngay cả một người "giỏi" còn có những lúc quyết định sai, mà đặc biệt là trong những quyết định hệ trọng thì lại càng "nguy hiểm", họ cần cảm giác an toàn. Một ví dụ đơn giản mà em biết đến, khi chơi chứng khoán, ta thường nghe theo số đông, vì đơn giản là ta không biết gì, thấy nhiều người lựa chọn "bán" thì ta nghĩ là họ biết, họ hiểu rõ về lĩnh vực ấy (trí tuệ của đám đông).. nên ta cũng "bán" và ngược lại họ "mua" thì ta cũng "mua". Như đã khẳng định, đây chính là "hiệu ứng tâm lý" của con người, còn có một cái tên khoa học là "hiệu ứng bầy đàn" hoặc là "tâm lý đám đông". Và em xin khẳng định thêm một điều hiệu ứng này là do "người phải đưa ra quyết định" TỰ NGUYỆN chọn theo số đông. Không một ai ép buộc họ làm vậy nhưng vì thiếu cảm giác an toàn, không muốn nhận kết quả xấu khi chọn phải quyết định sai, không muốn tồn tại cảm giác "bị loại khỏi đám đông" nên họ chọn theo. Vì vậy, muốn dừng "hiệu ứng bầy đàn" lại thì cực khó vì đây chính là "hiệu ứng tâm lý" rồi. Phải đủ tự tin rằng mình sẽ đúng, chịu được cảm giác "khác biệt". Nói chung là lý do tại sao mình lại nghe theo người ta (thiếu cảm giác an toàn, thiếu tự tin, không muốn khác biệt) thì cứ bổ sung những khiếm khuyết đó rồi QUYẾT ĐỊNH theo ý mình mà thôi.
Đơn giản là họ sợ sự cô đơn hay còn gọi là hiệu ứng đám đông. Lấy ví dụ cả thế giới này không nghe nhạc mà chỉ có mình bạn nghe nhạc thì tự khắc bạn sẽ trở thành lạc loài, hay là quái thai dị dạng.
Vì sao con người lại hay bắt chước đám đông? - Trước hết, vì con người không thể tách rời tập thể. Một quy luật bất biến đó là không có một cá thể riêng biệt nào tồn tại trong xã hội mà không có bất kì mối quan hệ nào được. Chúng ta cần phải xây dựng rất nhiều mối quan hệ phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Các mối quan hệ đó có thể ngắn hạn hoặc dài hạn tùy vào duyên số của mỗi người, nhưng khi một mối quan hệ đóng lại thì mối quan hệ khác sẽ mở ra, cứ như vậy. - Xã hội hiện nay đang giết chết cái gọi là "cá thể", là "ta", là "tôi". Joker có câu nói bất hủ: "Họ cười tôi vì tôi không giống họ. Tôi cười họ vì họ quá giống nhau". Nhưng thử hỏi được mấy ai như Joker? Thậm chí, một người như Joker - cái kết của cuộc đời ông cũng chẳng tốt đẹp gì. Khi trong một đám tang ai cũng khóc thút thít, tôi cười vì chúc người đó ra đi bình an, cười vì giúp người đó ra đi không vướng bận. Nhưng tôi chỉ nhận lại những ánh mắt dè bỉu, một phần vì tuổi tác còn trẻ, những người trung niên nhìn tôi với ánh mắt biết nói, rằng tôi là một người bất lịch sự, luôn như vậy. Hay trong ngay chính chương trình giáo dục "đề cao tính sáng tạo" đã thẳng thừng cho điểm 0 một học sinh có lỗi suy nghĩ khác trong sách giáo khoa. Xã hội ngày nay, chính tôi, hay chính các bạn đều ít nhiều đều đang có những hành động như thế. Từ đó, con người ngại thể hiện cái tôi vốn có của mình, ngại phát biểu, ngại bộc phát, ngại thổ lộ, chỉ biết cười hùa, nói hùa, thậm chí là khóc hùa. - "Trend" - một thuật ngữ không còn xa lạ với các bạn trẻ, nhiều người sẽ cùng thực hiện các hành động, sự việc giống nhau để thể hiện mình đang chạy theo xu hướng, theo "trend". Thực ra, mục đích của việc này không quá xấu, nó đem đến cơ hội làm ăn cho nhiều người. Nhưng bản chất của nó thì lại là một sự sao chép thể hiện rõ. Và khi thuật ngữ này trở nên quá phổ biến, một cô bạn yêu hoa không hay chạy theo xu hướng cũng có thể trở thành đề tài bàn tán, dè bỉu. Thật kì lạ! - Tuy nhiên, việc bắt chước đám đông đôi khi chỉ là một sự phản xạ có điều kiện. Trong một số trường hợp, khi bị ngoại cảnh tác động, ta cũng trở nên bị chi phối trong phút chốc, đó gọi là sự bất đắc dĩ. Ví dụ như chúng ta hay vô tình lặp lại cái động tác hay cách nói chuyện của một bé gái qua đường quá dễ thương, hay một đứa trẻ cười theo khi thấy người đối diện cười đùa nhìn nó.. Làm cách nào để dừng lại việc này? - Trước hết, nên phân biệt giữa bắt chước đám đông và những phản xạ như đã nói trên, vì một bên cần sửa còn một bên thì không. - Thay đổi cách nghĩ, luyện sự can đảm. Không phải ai cũng có thể đứng dậy hô to suy nghĩ trong đầu của mình, đối với một số người, việc này cần có một sự can đảm rất lớn. Bạn có thể tự luyện tập nó hằng ngày hoặc tìm một người nào đó thúc đẩy bản thân trở nên gan dạ hơn.. - Hãy trở thành một người ưu tú. Như mọi người thấy, những người thường dân hay bắt chước điệu bộ của các bậc vua chúa, hay nói cách khác, người ở bậc thấp hơn sẽ có xu hướng bắt chước người ở bậc cao hơn. Cũng đúng thôi, vì chỉ người ở dưới ngước nhìn lên chứ người ở trên làm gì có tâm trạng nhìn xuống. Vì vậy, hãy trở thành một người ưu tú để không phải bị cuốn theo dòng đám đông xung quanh. Hãy là tâm điểm của bữa tiệc, hãy là vai chính, đừng làm vai quần chúng cả đời!
Thứ nhất, người ta không muốn lạc loài á. Ai cũng theo xu hướng thì mình cũng bắt chước theo để dễ hòa nhập hơn Thứ hai, thường xu hướng bắt đầu từ một thần tượng nào đó nên đã là thần tượng. Của mình thì mình muốn theo rồi. Thứ ba, đi ngược lại với xu hướng không khéo bị cô lập. Thứ tư, thiếu tự tin, lo lắng, muốn theo đuổi xu hướng của mọi người để che giấu cảm xúc lo sợ, cô đơn của bản thân Thứ năm, nhiều xu hướng rất đẹp nha, chẳng hạn như là bronchi nè, thích chết đi được á (><) Thứ sáu, họ không xác định được sở thích hoặc không có gì thẩm mĩ tốt nên theo xu hướng là cách chọn trang phục tốt nhất Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, từ trước đến nay, hoa sa theo đuổi là sở thích của bạn thân: Đa phong cách. Tất nhiên, các bạn cũng có lúc thấy hoa sa lạc loài nhưng lạc thì lạc thôi, hoa sa dễ thương như vầy thì sao mọi người cô lập nổi chứ. Đùa thôi :) Các bạn chỉ cần làm sao cho mình thoải mái, vui vẻ, không nhất thiết phải theo đuổi xu hướng đâu. Còn người ta tạo ra xu hướng chớ không phụ thuộc vào xu hướng. Sở thích của các bạn là tốt nhất đấy thôi.
Vì: 1. Vì tâm lý sợ sệt, sợ sự khác biệt, sợ bị cô lập, lâu dần hình thành thói quen bắt chước một cách vô thức. 2. Theo trào lưu của thế giới hiện đại, đua theo các trend, để thể thể hiện đẳng cấp, để tạo sự vui vẻ.. Muốn dừng lại: 1. Thật bản lĩnh và dũng cảm, người tài giỏi họ không cần bắt chước ai cả, vì họ hiểu giá trị của bản thân mình. 2. Những người không thích đua theo trend hoặc không có điều kiện để theo sẽ dừng lại thôi.
Vì con người dù sao cũng chỉ là 1 loài động vật bậc cao thôi, mà đã là động vật thì có tập tính bắt chước người khác, đứa nào càng hay bắt chước đám đông thì phần con càng nhiều và phần người càng ít!
Tại sao con người lại bắt chước đám đông à, theo suy nghĩ của mình thì là: Thứ nhất, tâm lý sợ khác biệt. Bằng chứng là khi có những người khác biệt, chúng ta thấy họ phải chịu đả kích, soi mói và chỉ trích. Từ đó hình thành lên nỗi sợ bày tỏ những quan điểm, những hành vi khác biệt trước đám đông, mặc dù quan điểm hay hành động của mình có xấu hay tốt đi chăng nữa. Thứ hai là cách giáo dục từ khi còn bé. Đa số chúng ta từ khi còn nhỏ được tiếp nhận cách nuôi dạy và sự giáo dục cũ, bố mẹ ở nhà bảo: "Con nhìn chị này, anh kia kìa.." "Con thấy con bác hàng xóm không?".. hay thậm chí đồng phục trường học cũng đã mang đến cho chúng ta cảm giác đồng điệu và nhàm chán. Đa số thầy cô dạy theo kiểu rập khuôn, giảng theo sách, có khi còn chép lên bảng cho học sinh chép theo.. Lâu dần gây cho chúng ta cảm giác sợ sai, sợ phát biểu, sợ biểu hiện ý kiến của bản thân. Thứ ba, tâm lý sợ lẻ loi cô độc. Xã hội ta đang sống là một quần thể bao gồm rất nhiều cá nhân, con người cần đoàn kết yêu thương nhau để tồn tại. Tưởng tượng một ngày cả thế giới chống lại bạn xem, đáng sợ lắm đúng không? Nếu vậy thì bắt chước đám đông là tốt hay xấu? Có lẽ tùy vào hoàn cảnh và trường hợp, nếu chúng ta cảm thấy đám đông đang làm những việc tốt cho cộng đồng hoặc làm những điều đáng để học hỏi và phát triển bản thân, thì ngại gì ta không "bắt chước", học hỏi. Điều này không những tốt cho mình mà còn tốt cho xã hội. Hơn nữa ta còn có thể lan tỏa làn sóng tốt đẹp cho những người xung quanh, góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Làm sao để can đảm tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của bản thân? Để làm được điều này chúng ta cần phải trau dồi và học hỏi nhiều kiến thức đúng đắn hơn nữa. Có như thế chúng ta mới có thể tự tin vào bản thân, đi ngược lại số đông và chứng tỏ quan điểm của mình là đúng đắn. Biết đâu số đông lại quay ngược sang "bắt chước" bạn không chừng.