Tại sao chúng ta lại bị nấc cụt? Những mẹo hay chữa nấc cụt? Nấc cụt là một hiện tượng bình thường, nhưng lại gây ra nhiều bất tiện và khó chịu cho người bị. Đặc biệt là khi đang trong quá trình giao tiếp, nói chuyện, nấc cụt khiến người bị xấu hổ và ngượng ngùng với đối phương. Phổ biến trong cuộc sống là thế, thậm chí hầu hết bất cứ ai trong đời cũng từng bị nấc cụt, dù thời gian ngắn hay dài, vậy bạn có bao giờ thắc mắc, tại sao chúng ta lại bị nấc cụt chưa? Cơ chế của hiện tượng nấc cụt là gì? Nấc cụt xuất phát từ cơ hoành trong cơ thể bạn. Đó là tấm cơ giữa phổi và dạ dày của bạn giúp bạn hít vào thở ra. Nếu cơ hoành bị kích thích, nó sẽ co thắt một cách bất thường, khiến cho bạn đột nhiên phải hít một lượng không khí nhiều hơn. Không khí bị hít vào bất ngờ, va vào dây thanh của bạn, gây ra âm thanh đặc trưng khi nấc cụt. Ngoài ra, nhiều bác sĩ còn chỉ ra rằng nấc cụt phát sinh do ăn uống quá nhanh vội, hay do các cảm xúc đột ngột như cười lớn, nức nở, lo âu hoặc phấn khích. Cơn nấc cụt của bạn ngắn hay dài tùy thuộc vào nguyên nhân và cơ thể mỗi người. Có thể vài phút nhưng cũng có trường hợp ghi nhận cơn nấc cụt lên đến vài năm hay vài chục năm, thậm chí là suốt đời. Thật vậy! Charles Osborne (1894-1991) đã phải chịu đựng một cơn nấc cụt dài tới 68 năm từ năm 1922 đến tháng 5 năm 1990. Theo sách Kỷ lục thế giới Guiness, đây là cơn nấc cụt lâu nhất từng được ghi nhận. Ban đầu, trung bình cứ một phút thì ông nấc cụt khoảng 40 lần. Về sau, số lần nấc cụt của ông giảm dần xuống còn 20 lần/phút cho đến khi chứng bệnh trên của ông biến mất hoàn toàn một cách bí ẩn trước khi ông mất khoảng một năm. Tổng cộng ông đã nấc cụt hơn 430 lần trong suốt quãng đời của mình. Nấc cụt vẫn luôn là hiện tượng khoa học thú vị đối với các nhà khoa học trên thế giới. Có người cho rằng nó bắt đầu từ việc hô hấp bằng mang của các loài cá nguyên thủy, khi lên bờ, chúng mới chuyển từ hô hấp bằng mang sang hô hấp bằng phổi. Nấc cụt có chữa được không? Chưa có một bằng chứng khoa học chính xác nào về những biện pháp chữa nấc cụt, nhưng dân gian luôn truyền tai nhau nghe về những phương pháp chữa nấc cụt nhanh và hiệu quả. Đánh lạc hướng sự chú ý để ngăn chặn các cơn co thắt ở cơ hoành chính là vấn đề cần giải quyết chính. Sau đây là một vài biện pháp phổ biến nhất để dừng cơn nấc cụt của bạn! · Uống nước bằng ống hút: Chưa ai có thể lí giải tại sao cách này lại dừng được cơn nấc cụt của bạn nhưng nó rất có hiệu quả đối với trẻ em và thanh niên, người trưởng thành phải áp dụng liên tiếp nhiều lần. · Uống nước lạnh: Uống nhanh một ly nước lạnh sẽ khiến cơ hoành của bạn bị đánh lạc hướng và ngừng co thắt hiệu quả. Ngoài ra, thêm một chút mật ong vào ly nước sẽ giúp cơn nấc dừng lại nhanh hơn hẳn. · Nín thở: Hít một hơi thật sâu và nín thở trong một thời gian cho phép của cơ thể và thở ra một cách có kiểm soát, lập lại chu trình này cho đến khi hết nấc. · Đường: lấy một muỗng cà phê đường và ngậm trong miệng cho tự tan, uống thêm nước. Giải pháp này rất hữu ích cho trẻ em, đặc biệt là khi chúng không uống được nước lạnh và nín thở. · Giấm: mặc dù có mùi khó chịu nhưng giấm có tác dụng tương đương đường. Nuốt một ngụm cà phê giấm ăn hoặc giấm táo sẽ đẩy lùi cơn nấc hiệu quả. · Chanh: Vắt khoảng 1 muỗng cà phê chanh và uống. Điều này sẽ làm gián đoạn cơn nấc cụt do cơ hoàng co thắt bị kích thích và hoạt động lại bình thường. · Trồng cây chuối: Nghe có vẻ vô lí nhưng lại đem lại hiệu quả thực sự đó các bạn. Nếu bạn có thể thực hiện, trồng cây chuối giúp lật ngược cơ hoành, giảm cơn co thắt của cơ hoành. · Ợ hơi: Nuốt không khí vào cho đến khi bạn ợ hơi. Suy cho cùng thì luồng khí đó cũng sẽ muốn thoát ra dưới hành động ợ. Cách làm này sẽ giúp khởi động lại dây thần kinh phế vị của bạn, giúp loại bỏ cơn nấc cụt. Kết luận: Trên đây là những giải thích cho hiện tượng nấc cụt và một biện pháp giải quyết an toàn, hiệu quả và chi phí rẻ cho con người. Nấc cụt là hiện tượng sinh lí bình thường, tuy nhiên lại gây cảm giác khó chịu cho chúng ta. Hãy thử áp dụng những cách thức trên để đẩy lùi cơn nấc cụt của bạn nhé!