Tại sao chúng ta đối diện với nguy cơ thất nghiệp?

Thảo luận trong 'Nhật Ký' bắt đầu bởi Liberty, 10 Tháng sáu 2019.

  1. Liberty Once you choose hope, anything’s possible

    Bài viết:
    299
    TẠI SAO ĐỐI DIỆN VỚI NGUY CƠ THẤT NGHIỆP?

    Trong thời đại không ngừng phát triển ngày nay, nhu cầu nhân lực ngày một tăng lên. Khắp nơi tuyển nhân viên, tuyển người hợp tác, cần nhà lãnh đạo.. Thế nhưng, tại sao, một đất nước dồi dào nguồn lao động trẻ như Việt Nam thì lại có nhiều người thất nghiệp, đặc biệt là những cử nhân, thạc sĩ, những người tốt nghiệp đại học bốn năm với loại giỏi, loại khá?

    Chắc chắn rằng trước khi chọn bước con đường đại học, ai cũng từng đắn do suy nghĩ, mình sẽ học gì rồi sau này làm gì? Ngành nghề mình chọn có cơ hội làm việc nhiều không, rồi mình có bị thất nghiệp không?

    Vô số các câu hỏi được đặt ra, trong khi nhiều học sinh THPT còn không biết mình thích gì, muốn gì, có hợp với ngành nghề đó không? Câu hỏi đặt ra là: Làm sao họ có thể chọn đúng con đường phù hợp với mình? Hiện nay có rất nhiều chương trình giúp các học sinh cấp 3 định hướng tương lai, nhiều trường đại học về tuyển sinh, tư vấn chọn nghề nghiệp, trường đại học phù hợp. Nhưng nó chỉ là lí thuyết, là suy nghĩ và chưa chắc đúng, chưa chắc có thay đổi hay không.


    [​IMG]

    Đó chính là lí do có nhiều sinh viên bỏ giữa chừng hoặc không học đại học. Bốn năm là thời gian khá dài và học phí cũng là một vấn đề khá xa xỉ đối với những gia đình không có điều kiện. Nếu 4 năm miệt mài học hành cộng với số tiền gia đình chắt chiu từng đồng để chu cấp, mà sau này sinh viên có một công việc lương đủ nuôi sống bản thân, gia đình, không phải lo nghĩ về vấn đề tiền bạc, thoải mái tận hưởng cuộc sống thì công sức và tiền bạc cũng xứng đáng thôi. Nhưng nếu ngược lại thì sao? Sinh viên tốt nghiệp trường đại học nổi tiếng với loại giỏi, ngoan hiền lễ phép đi xin việc làm với lương khởi điểm chỉ 3-4 triệu đồng, thì thử hỏi làm sao nhiều người lại không muốn chui vào cổng trường đại học.

    Tôi đã từng nghe cô giáo tôi kể một câu truyện, và câu chuyên này là có thật. Cô kể rằng một anh sinh viên đại học tốt nghiệp khoa Tài nguyên môi trường, anh xin vào làm Phòng tài nguyên môi trường tại thị xã nơi anh sống. Anh nghĩ rằng anh yêu cỏ cây, anh muốn làm việc để giúp cho môi trường sống tốt hơn, muốn làm cho thị xã nơi anh sống mỗi ngày một rạng rỡ hơn trong màu xanh của lá cây và màu trong lành của không khí. Nhưng anh thật sự bất ngờ khi lương khởi điểm chỉ 500.000 đồng. Vâng không sai, chỉ năm trăm nghìn đồng mà thôi, làm việc từ sáng đến gần chiều tối. Đôi lúc, anh nghĩ rằng cuộc sống chỉ cần làm những điều mình thích là vui rồi. Ngày qua ngày, cuối cùng anh cũng được lãnh lương, nhìn bạn bè xung quanh, tuy chỉ là công nhân, nhưng họ cầm cả xấp tiền triệu, còn mình làm cho nhà nước chỉ vọn vẹn một tờ tiền trăm màu xanh. Đã vậy còn bị áp lực đủ điều từ sếp, đồng nghiệp và cả gia đình.


    [​IMG]

    Vậy thì câu truyện này đã giải thích được việc tại sao nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp chưa? Không phải vì họ không có việc gì làm đâu, họ có thể làm phục vụ, tạp vụ, công nhân, bán hàng, quần áo, giúp việc.. nhưng họ không làm thôi. Đơn giản vì họ thấy những công việc đó không đáng giá với những gì mình đã bỏ ra, không đủ ăn nữa thì làm sao mà sống và tiếp tục làm việc, rồi họ hàng, gia đình họ sẽ nghĩ sao?

    Tiếp tục câu chuyện của anh thanh niên tốt nghiệp khoa tài nguyên môi trường. Anh quyết định nghỉ việc và đi bán xôi, chỉ 10.000 – 20.000/ hộp xôi và bán ở chợ từ 5h đến 8h sáng là hết. Ngày đầu tiên anh bán, số tiền lời được bao nhiêu bạn có biết không? Là 500.000 đồng, không sai, chỉ một ngày 3 tiếng nấu + 3 tiếng bán mà thôi. Anh bắt đầu nấu nhiều xôi hơn và nhờ người thân bán dùm. Không lâu sau đó thì anh mở cả một cửa tiệm, khách đặt đám, khách mua mỗi ngày một đông hơn. Trung bình anh lời 1.000.000 đồng một ngày, vậy thì một tháng anh thu lãi là ba mươi triệu đồng . Anh dành một phần tiền nhỏ để ủng hộ quỹ môi trường nơi trước đây anh làm việc, một phần nhỏ để mua nhiều cây cảnh trang trí cho cửa tiệm của mình. Trong thời gian rảnh rỗi, anh còn đi phụ trồng cây ở các đường, khu xóm.. tham gia các hoạt động tình nguyện vì môi trường.. Vậy những gì anh mơ ước có thành hiện thực chưa?

    Bạn thấy đấy, bán xôi đâu cần bằng tốt nghiệp hay bằng đại học gì đâu? Chỉ cần mình có gan, có chí hướng, có quyết tâm thì sẽ làm được thôi. Đúng là không có việc gì dễ dàng, nhưng bạn không thử, sao biết được hay không.

    Bạn có biết tại sao các cử nhân giỏi như vậy lại không có được việc làm và mức lương như ý họ muốn không? Ba điều sau đây sẽ một phần giúp bạn hiểu ra được


    1. Công việc đó không phù hợp với nhu cầu cần thiết của xã hội

    Có thể bạn thích công việc đó, đam mê nó nhưng nó không phổ biến và không phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay. Và tất nhiên, thu nhập trong công việc đó là không cao

    2. Bạn không có kinh nghiệm

    Bạn học cả bốn năm trời với bao nhiêu lí thuyết và công sức bỏ ra nhưng nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm thì bạn lại không có. Những nơi đào tạo kinh nghiệm cho bạn với mức lương khởi điểm thấp thì bạn lại không muốn thử sức. Vậy thì đừng hỏi tại sao bạn thất nghiệp

    3. Bạn không chịu thay đổi tư duy và thái độ

    Đi làm với mức lương trung bình với hy vọng bạn sẽ được tăng lương vào một ngày nào đó. Nhưng mãi thì mức lương của bạn vẫn vậy. Tại sao? Đi làm thì trễ, công việc chưa giải quyết xong đã về, sếp nhắc nhở thì lí lẽ này nọ, không có trách nhiệm, không siêng năng, vô kỉ luật. Rồi tới khi bạn bị sa thải thì lại kêu ca thất nghiệp ư. Không đâu, cái gì cũng có cái giá của nó thôi.

    [​IMG]

    Tôi nghĩ rằng không phải công việc gì cũng khiến bạn hạnh phúc và đam mê nó, nhưng nếu bạn có tiền để thực hiện đam mê đó thì không có gì là sai cả. Cũng không thể đổ lỗi cho các bạn được, nếu như giáo dục Việt Nam tốt hơn một chút, có thể cho chúng tôi định hướng và trải nghiệm công việc mà học sinh chúng tôi thích từ nhỏ, ba mẹ chúng tôi khuyến khích và tìm cách để phát huy tiềm năng của chúng tôi thì chắc bây giờ những học sinh cấp ba, chẳng hạn như tôi không phải đau đầu chọn trường, chọn ngành nghề và định hướng cho tương lai của mình rồi.

    Trên đây chỉ là những nỗi niềm, ý kiến riêng của tôi khi đang bế tắc, không biết chọn lựa như thế nào. Tuy nhiên, hãy mạnh mẽ lên, mọi chuyện rồi sẽ tốt cả thôi mà
     
    shasha thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...