Trong hành trang bước vào đời của mỗi người không thể thiếu chữ "nhẫn". Cổ nhân từng nói: Đối với việc nhỏ, chuyện nhỏ mà không biết nhẫn nại, chịu đựng, kiềm chế thì sẽ làm hỏng việc lớn. Vậy "nhẫn" là gì? -Nhẫn là nhẫn nhịn, dằn lòng xuống. Nhẫn thường đi liền với nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục. Nhẫn nhịn chịu nhịn, chịu dằn lòng xuống. Còn nhẫn nhục là dằn lòng chịu đựng những điều cực nhục, nhục nhã. Tất cả những động từ đó là tâm lí tự làm chủ bản thân rất cao trước áp lực bên ngoài. Trong cuộc sồng hành ngày, rất ít khi tránh khỏi mâu thuẫn và xung đọt. Không nên "việc bé xé ra to". Nếu chuyện nhỏ mà cố chấp, không nhẫn nhịn thì sẽ làm hỏng việc. Trong cuộc sống, để đảm bảo sự hài hòa trong mọi mối quan hệ, tạo không khí vui vẻ, hòa thuận trong giao tiếp, mỗi người đều nên lựa chọn cách hành xử phù hợp, có văn hóa. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn có ý nghĩa với gia đình, với xã hội. Vì thế, ông bà ta nói: Một điều nhịn, chín điều lành. Nhưng, trong cuộc sống hiện đại hôm nay, có người lại cho rằng: Một điều nhịn, chín điều nhục. Một điều nhịn, chín điều lành là câu tục ngữ khái quát về cách ứng xử trong cuộc sống, trong giao tiếp. Trong câu tục ngữ trên có hai vế, tạo nên sự cân đối, với hai khái niệm là nhịn và lành. Nhịn là đức tính nhẫn nại, nhún nhường, luôn giữ ôn hòa trong giao tiếp, ứng xử. Lành là kết quả tốt đẹp, thỏa đáng, đúng như mong muốn. Bằng cách so sánh đối lập mang tính cường điệu một điều với chín điều, câu tục ngữ nhấn mạnh hiệu quả mà con người đạt được khi biết giữ thái độ nhường nhịn, ôn hòa trong cuộc sống. Tại sao một điều nhịn lại bằng chín điều lành? Điều đó có đúng, có cần thiết không? Để lí giải được điều này, cần phải xuất phát từ bản chất cuộc sống của xã hội Việt Nam thời xưa. Khi đó, con người sống trong mối quan hệ cộng đồng, làng xã, mối gắn kết giữa các thành viên trong cuộc sống mang tính tập thể cao. Mọi hoạt động lao động, sinh hoạt, vui chơi đều phải có sự hợp tác của tất cả các thành viên. Muốn thế, con người cần phải hợp tác với nhau, phải gắn bó vói nhau để hướng đến mục đích đặt ra. Tuy nhiên, mỗi con người là một tế bào của xã hội. Họ không giống nhau trong cách sống, trong cách tư duy, cách ứng xử. Muốn hướng đến mục đích sống nhất định, cần phải có sự gắn bó, sự nhường nhịn nhau. Như vậy, nhịn vừa là cách sống, phẩm chất sống, vừa là phương pháp ứng xử quan trọng ở đời. Nói cách khác, đó là cách để tạo nên sự gắn kết giữa con người với con người. Trong cuộc sống nhiều khi ta phải làm ngơ trước những lời lẽ trái tai của những người nói năng hùng hồn, hiếu thắng. Có lúc bị bắt nạt mà ta không nên làm kẻ nóng nảy, nhẫn nại, chịu đựng cho qua. Liệu chúng ta có nên tranh luận, cãi lại những kẻ nói năng khó nghe, thậm chí là vô lễ hay không? Có một câu nói của Phật học như sau: "Vốn dĩ không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa bạn là ai? Giả sử bạn bị chó điên cắn bạn một phát, chẳng lẽ bạn cũng phải chạy đến cắn lại một phát?" Nhẫn nhịn, nhẫn nhục là đức tính đẹp khi ta biết làm chủ cảm xúc, kiềm chế lại cảm xúc trước những hoàn cảnh bất lợi. Có những lúc nóng giận mà ta nói những lời khó nghe, hành động khó chấp nhận thì mối quan hệ sẽ đi về đâu? "Lời nói đọi máu". Nhẫn nhịn, nhẫn nhục không phải là sự nhu nhược mà là biểu hiện của một phẩm cách tự tin, biết kiềm chế, bình tĩnh. Người biết kiềm chế, nhẫn lại là người sâu sắc, giàu bản lĩnh, trí tuệ, mưu lược. Ai cũng cần biết chữ "nhẫn" trong cuộc sống để rèn luyện bản lĩnh, chờ thời cơ, vươn lên trong cuộc sống.