SỰ TRẢ THÙ CỦA ĐÀN BÀ Tác giả: Đặng Thị Mỹ Phượng - Em có sửa soạn, ăn mặc lên thế nào cũng không bằng bạn gái anh. Em khỏi tốn thời gian và công sức nữa đi. Sau câu nói từng từ vang vọng vào tai chị, đôi mắt nhìn thẳng vào mặt chị, anh với tay lấy điện thoại và ra đi. Đêm đó anh không về, đêm đó là đêm anh không muốn che giấu nữa rằng anh có người phụ nữ bênh ngoài, người ta đẹp, bên người ta đầu óc anh giãn ra và giấc ngủ của anh cũng ngọt ngào trong màu nến. Chị ngồi đấy, ánh đèn trong nhà vẫn sáng để soi dung nhan chị lúc này đây. Chị bắt đầu tập tành trang điểm chi khi lớp phấn son vội vã ấy không che được đôi mắt thâm quầng, mái tóc uốn bồng bềnh chi để nó càng thêm rối, chiếc áo hai dây mỏng manh chi để khuôn ngực gầy gò của chị lộ rõ hơn, đôi bàn tay có sơn hồng chi khi nó vẫn thường tiếp xúc với tạp uế. Chị không hấp dẫn, chị là người phụ nữ không biết sửa soạn, chị là vợ phó giám đốc công ty xây dựng mà chẳng biết chưng diện làm nở mặt nở mày cho chồng. Giờ có làm đẹp, có lên đồ thì muộn rồi. Thế đấy, chị mất chồng. Đêm đó chị ngồi đấy, im lặng, không nước mắt. Có lẽ hai năm nay những đêm anh phải tiếp đối tác, những đêm anh đi công tác xa chị đã khóc cạn nước mắt rồi. Đêm nay anh thành thật quá mà "em.. thế nào cũng không bằng bạn gái anh". Phải, anh đã nói thật rồi, chị không còn phải suy diễn, hy vọng nữa. Chị biết khóc vì đều gì bây giờ? Khóc vì sao 6 năm bên nhau đã biến chị từ một cô gái đẹp thành người đàn bà mà người ta phải thương hại chị, xót xa cho thời đã qua của chị. Hay chị phải khóc vì chị tự biến mình thành thế này? Hay chị phải khóc vì từ nay chị sẽ được gắn với ba tiếng "bị chồng chê". Chị không khóc. Có tiếng khóc ré trong phòng. - Mẹ đây, mẹ vào đây, ngủ tiếp đi con. Hai tâm hồn nhỏ dại ấy, một tâm hồn nhỏ dại rồi sẽ trưởng thành, một tâm hồn mãi mãi nhỏ dại. Nhìn chúng ngủ say khi bão giông đang vây kín nhà nó, chị thở.. nhẹ. Giọng anh như vẫn còn vang vọng đâu đây "Em đem nó vào Trung tâm bảo trợ trẻ em đi.. em có thể bớt dành thời gian cho nó để cơm nước đàng hoàng được không.. em có thể giữ cho chúng trật tự được không, tôi làm việc đầu tắt mặt tối mà về nhà thế này chẳng khác gì bị tra tấn.. em nghỉ dạy tôi nuôi, chỉ cần em làm tốt việc nhà.. nó lại trây trét uế ra nữa đấy, em làm ơn mang nó vào phòng riêng dùm tôi.. sao em cố chấp vậy, em mang con đến Trung tâm bảo trợ đi, người ta có kinh nghiệm chăm sóc, em ôm ôm lo nhìn em có giống hình người hay thây ma? Phụ nữ sao mà sinh ra con thế.. hừ". Ai biểu chị không vâng lời anh mang đứa con tật nguyền đến Trung tâm bảo trợ chi, để anh không thấy cảnh ô uế, để anh khỏi mất mặt với đồng nghiệp đến chơi nhà là anh có đứa con đời sống thực vật, để chị đâu đến nỗi thân tàn ma dại thế. Đấy, chị không mang nó đi thì giờ anh đi. Chị mặc sức chăm sóc, mặc sức lau chùi, giặt giũ, mặc sức đút nó mà dọn cơm trễ nãy, mặc sức vừa thay bộ áo dài đi dạy ra thì quần xăn áo vo, tóc tai cọng buộc cọng rớt, mặc sức nhờ mẹ ruột chị đẩy xe cho nó ra đường hít thở gió trời cho thiên hạ thấy rồi vồ vã hỏi con ai, rồi xót dùm. Đấy, không nghe lời chồng. Đấy, với đồng lương giáo viên chị có giỏi thì nuôi con một mình đi. Căn nhà, nội thất anh chừa lại đó. Đừng nói anh ác nhé! Anh chỉ mang đi thân xác và sự tự do của mình. Chị từng van xin anh "Đừng mang con xa vòng tay em" khi anh nằng nặc đòi mang nó đến Trung tâm bảo trợ. Đấy, giờ đây anh cho chị toại nguyện, anh chẳng mang theo đứa nào, kể cả đứa con gái hai tuổi bụ bẫm kháu khỉnh. Mẹ chị lại đến bên chị, bà nhẫn nại chăm sóc cháu những giờ chị lên lớp dạy, bà đút cơm đứa lớn, bón sữa cho đứa nhỏ. Bà không dám thở dài, bà không nói gì, giá con bà cứ vỡ òa ra mà khóc với bà đi. Vòng tay người mẹ, giọng nói an ủi của người mẹ, trái tim của người mẹ sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau cho chị. Chị vẫn im lặng, nhẫn nại chăm sóc hai con, vẫn sống vì con như ngày nào. Căn nhà ấy về đêm thêm rộng hơn, vắng hơn và lạnh hơn. Con ngủ say, chị xem bài dạy cho ngày mai, chấm bài kiểm tra ban sáng, chị vào điểm, viết học bạ.. đêm vẫn còn dài.. chị lên mạng học cách may áo cho con. Đó có thể là công việc để mau hết thời gian những đêm không ngủ của chị. Các con cứ thế lớn và việc may vá của chị càng thạo hơn, chị không những may áo cho con, chị may được cả áo dài cho chị. Những chiếc áo dài làm cho chị thướt tha và nhu mì, những chiếc áo dài đã làm toát lên vẻ đẹp cuốn hút người nhìn ở chị. Chị đã đẹp lại từ lúc nào? Có lẽ khi đau khổ cuồn cuộn đến chạm đáy thì phải dội ngược lên thôi. Chị tươi tỉnh, hồng hào hơn. Những đồng nghiệp trong trường xuýt xoa với những chiếc áo dài khéo léo từ tay chị, các cô đặt may, rồi các cô trường lân cận cũng tìm đến chị, rồi đồng phục áo dài các trường cũng tìm đến nhà may của chị. Chị chỉ nghề cho các cô giáo đồng nghiệp có đam mê. Mỗi bận khai giảng, vải và áo dài trắng treo đầy các tủ. May ngày không kịp, các cô lại họp lại nhà chị may đêm. Các con của chị cũng quấn quýt bên các cô giáo-thợ may, nhà chị không ngớt người. Trong tuần, dù bận rộn chị cũng dành hai buổi đưa con đến Trung tâm bảo trợ, chị ở lại đó suốt buổi với con. Bằng kĩ năng và tình yêu thương của mình, các cô ở Trung tâm đã giúp bé biết biểu hiện cảm xúc vui mừng, và biết gọi đớt đát "me.. e.. ẹ". Để rồi mỗi lần lên lớp về, chị hạnh phúc thấy con nằm huơ tay mừng chị, những lúc chị đứng cắt may con nằm kế bên gọi "me.. e. Ẹ". Cô con gái nhỏ khi thì lấy nước đút anh, khi lau mặt cho anh hộ mẹ. Mẹ chị cũng không còn suy nghĩ "giá mà con khóc đi sẽ vơi nỗi lòng hơn." Mẹ chồng chị, thi thoảng ghé qua thăm cháu nhưng muốn giúp chị thì chắc không thể. Bà đủ bệnh trong người. Hôm ấy bà ghé qua thăm cháu cũng là ngày.. Bà vừa bước vào bậc thềm thì cơn đau tim của bà phát lên dữ dội, bà ôm ngực và lịm dần. Chị nhào về phía bà.. tiếng còi xe cứu thương hú nát đoạn đường. Ngoài cửa phòng cấp cứu, chị bấm lại từng số điện thoại. Đó là lần đầu tiên, sau ba năm chị gọi anh. Anh và cô bạn gái xinh đẹp ấy đang ấm áp trong màu nến vàng nơi khách sạn trời Tây. - Đấy, anh thấy chưa, cổ hại mẹ anh còn vờ điện anh báo tin nữa. Anh về đến nơi thì hỏi kĩ sao mẹ anh chết đi. Biết đâu lại là bí mật động trời. Hùm.. ùm em nói anh biết phụ nữ ghê lắm.. trả thù bằng ngọt ngào. Anh vội vội vàng vàng gọi điện, vò đầu bức tóc đặt vé máy bay nhưng anh vẫn nghe rõ những từ "trả thì bằng ngọt ngào". Anh không nói gì.. Ngày anh về đến nơi là ngày ba anh thẩn thờ ngồi bên quan tài, hoa huệ trắng nồng lắm và trắng lắm, trắng như vành khăn tang trên đầu chị. Giữa tiếng kèn, tiếng trống rền rĩ đó nếu ai để ý kĩ lắm chắc nghe được câu nói "Ai coi là dâu mà để tang. Hùm.. dùng ngọt ngào để trả thù, thâm thật". Anh thì chắc không nghe rồi, nhưng chị thì nghe bởi người nói cố ý đứng gần chị quá mà. Bốn năm nay, trước ngày giỗ bà, chị lại nhận được tin nhắn "Mai, độ giờ nghỉ trưa tôi và anh ấy về đến, ai đó có muốn chứng tỏ dâu hiền dâu thảo thì làm ơn đốt nhan rồi ra về trước khi chúng tôi có mặt ở đó. Cám ơn vì đã lịch sự". Người đàn bà "tốt nước sơn" kia sợ chồng chị gặp lại chị ư? Sợ anh ấy rung động trước vẻ đẹp hiền hậu và mặn mà của chị ư? Năm nào chị cũng đến thắp hương vì đó là nội của các con chị. Không biết từ lúc nào, chị đã trở thành mạnh thường quân của Trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật nơi đây. Chị vẫn đẩy xe đưa cậu con trai đến đó tuần hai lần. Chị và các cô giáo- thợ may của mình đã tự may tặng các bé những bộ đồ mới khi tết đến. Chị mang bánh và lồng đèn đến cho các bé khi trung thu về. Giữa bao nhiêu đứa trẻ tật nguyền ấy, hôm nay, bỗng chị dừng đôi mắt trìu mến của mình trước một bé trai có chiếc đầu bị hóp một bên và tóc không mọc nơi ấy. Đây là lần đầu tiên chị nhìn thấy cậu bé nhưng đôi mắt này dường như chị đã gặp ở đâu.. từ lâu lắm rồi. Chị ngồi xuống, cài lại chiếc cúc áo và lấy chiếc mũ len trùm lại đầu cho cậu. Cậu bé không phản ứng gì bởi cậu không biết phản ứng. Tiếng xe ô tô đã dừng trước cổng Trung tâm tự lúc nào, người đàn ông đứng khựng ngoài cổng dõi mắt nhìn. Ánh nắng ban mai rọi vào khuôn mặt hiền hòa của chị, chỉ vậy thôi nhưng người đàn ông đó bất giác như không còn không khí để thở. Người đàn bà đi cùng khua từng tiếng giày đanh chát, vừa tiến về phía chị, cô ta vừa đay nghiến: - Ai cho phép chị đụng đến con tôi. Chị cố tình tiếp xúc con tôi đấy hả. Vờ tử tế, vờ nhân từ. Lo cho con mình đi, không ai nhờ chị lo hộ con người khác. Người đàn bà bước đến nơi và đẩy chị ra xa. Người đàn ông cũng kịp bước đến. Họ nhìn nhau nhưng không nói gì. Họ biết nhau mà. - Anh thấy chưa, cô ấy cố tình tiếp cận, cô định trút sự trả thù lên đầu đứa trẻ tật nguyền hay sao? Đàn bà bị chồng bỏ thì tâm địa cũng chẳng ra gì đâu. Chị không nói gì, chị đẩy chiếc xe cậu con trai đi về phía khác. Chị nghe rõ tiếng anh phía sau: - Cô im đi, cô làm mẹ mà không biết chăm sóc con. Cô chỉ biết mua sắm, bè bạn, du lịch. Con cô sinh mà cô để người giúp việc nuôi, để thằng bé ngã cầu thang. Con cô sống đời sống thực vật là vì cô. - À! Vì tôi à. Ai suốt ngày công việc, ai suốt ngày giao tiếp, ai chỉ biết mang tiền về không biết quan tâm vợ con. Tôi ru rú ở nhà ôm con để tàn tạ như người đàn bà kia, để anh có cớ ruồng bỏ tôi như anh đã từng biết cách ruồng bỏ đấy à? - Cô, cô. - Anh chị ơi! Sao lại to tiếng nơi đây- Tiếng chú bảo vệ đã ngắt ngang cuộc cãi vã của họ. Tiếng cửa xe đóng "rầm", rồi lại tiếng "rầm", cả hai đã lên xe. Chiếc xe lao vút nhanh qua cổng Trung tâm. Chị vẫn còn ngồi đấy, nơi ghế đứa, những hoa bàng nhỏ li li rơi đầy trên thảm cỏ. Chị đưa tay nhặt một hoa bàng rơi trên tóc con, cậu bé đưa tay sờ nhẹ vào mặt chị. Nắng như ấm hơn. Chiếc xe lao vùn vụt trên đường. - Gặp lại người xưa rồi nuối tiếc phải không. Cô ta vờ nhân hậu để tiếp cận con tôi. Chăm sóc ư? Cô ấy sẽ giết con tôi. - Em im đi, sao em không nhân hậu, không tự chăm sóc con mình đi. Khi con bị tai nạn em ở đâu? Em nhẫn tâm đẩy một đứa bé mất khả năng đi lại, mất khả năng nhận thức vào trung tâm để mặc người ta chăm sóc con em, để mặc người ta dọn tạp uế cho con em. Em thương con thế à? - Ai, ai bảo với tôi anh ly dị vợ vì cô ấy chỉ biết con không biết chồng. Ai bảo với tôi người đàn bà kia là đồ ngốc. À! Cô ta đâu có ngốc, cô ta thâm, cô ta thâm anh biết chưa. Cô ta trả thù anh bằng sự ngọt ngào, trả thù bằng sự ngọt.. rầm. Câu nói chưa kịp dứt thì đầu xe anh đâm xầm vào đuôi xe tải. Anh gục trên vô lăng, người đàn bà kia thì bất động trên sàn xe. Tiếng hụ của xe cứu thương vang lên. Người ta lấy điện thoại anh gọi vào số "em yêu" thì trong chiếc ví được giữ lại nơi hiện trường tiếng chuông điện thoại reo lên. Người ta điện vào số "vợ". Có tiếng trả lời. Câu nói hấp hối nơi phòng cấp cứu với bác sĩ là anh muốn gặp chị. Câu nói hấp hối với chị.. không biết anh đã nới gì, nhưng khi người đàn bà kia tỉnh dậy, lao nhào về phòng cấp cứu, cô ta chỉ nghe được anh nói với chị "Anh xin lỗi! Trái tim em không có sự hận thù. Trái tim em chỉ có sự nhân hậu và ngọt ngào". Mắt anh đã nhắm, tay chị vẫn giữ nguyên trong tay anh. Chị nhìn anh với ánh mắt.. ánh mắt của ngày anh nắm tay chị, đeo nhẫn vào ngón tay chị và nói "Anh mong em hãy chấp nhận làm vợ anh và làm mẹ của các con anh".