Soạn văn 6: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 29 Tháng chín 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023

    Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả


    Tri thức văn học

    Tự sự là gì? Văn tự sự là gì?

    Tự sự hay kể chuyện là bất kỳ sự tường thuật nào để kết nối các sự kiện, trình bày cho người đọc hoặc người nghe bằng một chuỗi câu viết hoặc nói, hoặc một chuỗi hình ảnh.

    (Theo Wikipedia)

    Văn tự sự (còn gọi là văn kể chuyện) là phương thức trình bày các chuỗi sự việc, hiện tượng, từ sự việc hiện tượng này dẫn đến sự vật, hiện tượng kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc thể hiện một ý nghĩa.

    (Theo Ngữ văn 10 – NXB Giáo dục)

    Miêu tả là gì? Văn miêu tả là gì?

    Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc màu sắc, đường nét, nhạc điệu để làm cho người khác hình dung được hình thức các sự vật hoặc hình dáng, tâm trạng trong khung cảnh nào đó.

    (Theo Từ điển Tiếng Việt)

    Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, sự việc, con người, phong cảnh,...làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe.

    (Theo kiến thức Ngữ văn 6 – NXB Giáo dục)

    Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả:

    - Giới thiệu nhan đề bài thơ và tên tác giả;

    - Thể hiện được cảm xúc chung về bài thơ;

    - Nêu các chi tiết mang tính tự sự và miêu tả trong bài thơ; đánh giá ý nghĩa của chúng trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ;

    - Chỉ ra được nét độc đáo trong cách tự sự và miêu tả của nhà thơ.

    Dàn ý:

    - Mở đoạn: Giới thiệu tác giả và bài thơ, nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ: Bài thơ đó có tên là gì? Tác giả là ai? Nội dung của bài thơ là gì? Cảm xúc chung của em với bài thơ?

    - Thân đoạn:

    + Nêu ấn tượng, cảm xúc của em về câu chuyện được kể hoặc các chi tiết miêu tả có trong bài thơ:

    Các chi tiết tự sự trong bài thơ và ý nghĩa của nó trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.

    Các chi tiết miêu tả trong bài thơ và ý nghĩa của nó trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.

    + Làm rõ nghệ thuật kể chuyện và miêu tả của tác giả: Nét độc đáo trong cách tự sự và miêu tả của nhà thơ là gì?

    + Đánh giá tác dụng của việc kể lại câu chuyện kết hợp với các chi tiết miêu tả trong bài thơ.

    - Kết đoạn: Nêu khái quát điều em tâm đắc về bài thơ...


    Trả lời câu hỏi văn 6 trang 53 – Kết nối tri thức với cuộc sống


    Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người– có yếu tố tự sự và miêu tả.

    [​IMG]

    Giải thích về sự hình thành thế giới và muôn loài, ta nghĩ ngay đến những truyện cổ xưa: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích... vì vậy, Chuyện cổ tích về loài người của nữ sĩ Xuân Quỳnh là một bài thơ "lạ". Bài thơ thể hiện cách lí giải vô cùng độc đáo về nguồn gốc loài người. Vượt qua những thuật ngữ khoa học khô khan, sự xuất hiện của con người trên trái đất được nữ sĩ lí giải bằng ngôn ngữ thơ rất hồn nhiên, nhí nhảnh, đáng yêu. Dõi theo câu chuyện của Xuân Quỳnh, người đọc biết được rằng, không phải người lớn, mà chính trẻ con là người sinh ra trước nhất. Chuyện kể rằng, trẻ con do ông trời sinh ra. Lúc trẻ con đến với trái đất, trái đất vô cùng hoang sơ, không có cây cỏ, không có mặt trời. Tất cả chỉ là bóng đêm đen quánh, không có bất kì một màu sắc nào khác. Để trẻ con nhìn rõ mọi vật, mặt trời đã nhô lên, màu sắc của cây, của hoa, âm thanh của chim chóc, sự sống cũng theo đó mà thức dậy. Để trẻ con được tắm, những dòng sông bắt đầu xuất hiện. Để trẻ con được "đi khắp", vạn vạn suối sông đã làm nên biển lớn. Rồi những đám mây sinh ra để che cho trẻ con khỏi nắng. Những con đường xuất hiện để trẻ con tập đi. Thật là kì diệu. Nhưng ngần ấy chưa đủ để trẻ con lớn lên. Mẹ đã sinh ra để cho con tình yêu và lời ru. Lời ru của mẹ có cái bống cái bang, có cái hoa cánh cò, có vị gừng vết lấm, có cơn mưa bãi cát...đưa trẻ thơ vào thế giới của bình yên và đẹp đẽ. Chính những tình yêu và lời ru của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Không chỉ có mẹ, bà cũng xuất hiện để kể cho trẻ nghe những câu chuyện cổ về con cóc, nàng tiên, cô Tấm ở hiền, Lí Thông ở ác... để dạy cho trẻ những bài học làm người. Bố cũng được sinh ra để dạy cho con trẻ biết ngoan, biết nghĩ, biết nhận thức về vạn vật... Và vì con trẻ, thầy giáo, trường lớp cũng ra đời để dạy cho trẻ biết chữ, dạy trẻ biết mọi điều... Nếu như qua cách miêu tả, Xuân Quỳnh đã mang đến cho chúng ta những hình ảnh đẹp đẽ, phong phú, trong trẻo, yên bình của thế giới thuở sơ khai thì cách kể chuyện về nguồn gốc của loài người lại mang đến nhận thức vô cùng thú vị: trẻ con chính là trung tâm của vũ trụ cần được nâng niu, hướng dẫn; vạn vật trên trái đất được sinh ra là vì trẻ em; những người thân như ông bà, bố mẹ được sinh ra là để che chở, yêu thương, nuôi dạy trẻ em khôn lớn thành người. Cách kể mang nét độc đáo của lời tâm tình từ trái tim một người mẹ dành tình cảm yêu mến cho trẻ thơ, gần gũi với ca dao, tưởng phi lý nhưng lại rất đúng: Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu rồi mới sinh bà sinh ông. Sự khác biệt ấy thể hiện thông điệp nhà thơ muốn nhắn gửi tới trẻ em: Hãy yêu thương những người thân trong gia đình bởi họ đã dành cho các em những tình cảm tốt đẹp nhất; tới các bậc làm cha mẹ: Hãy yêu thương, chăm sóc và dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất bởi các em chính là tương lai của gia đình, đất nước... Bài thơ giản dị mà sâu sắc, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên.

    Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mây và sóng – có yếu tố tự sự và miêu tả.

    Bài thơ Mây và sóng của Ta-go là lời của một em bé kể lại cho mẹ nghe câu chuyện của mình với những người "trong mây" và "trong sóng". Qua câu chuyện hồn nhiên đáng yêu ấy, người đọc cảm nhận được tình yêu bao la mà em bé dành cho mẹ, và sự chở che, yêu thương vô bờ mà mẹ dành cho con. Trong bài thơ, em bé kể lại chuyện mình nghe được những lời mời gọi trong mây và trong sóng. Những lời mời gọi ấy thật hấp dẫn làm sao. Đi theo họ, em bé sẽ được đến với những nơi đẹp đẽ nhất, khám phá mọi thứ kì diệu trên thế gian và được vui vẻ ca hát suốt cả ngày. Em bé rất thích thú với điều đó. Trẻ con luôn có khát khao khám phá, khát khao ấy đã thốt lên thành những băn khoăn: "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?", "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?". Em bé háo hức được vui chơi cùng bình minh vàng, cùng vầng trăng bạc, được ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn, được ngao du nơi này nơi nọ...Thế giới mở ra trước mắt trẻ thơ với bao điều kì thú, như thúc giục, như vẫy gọi. Nhưng cuối cùng em bé đã không đi theo những người trong mây và trong sóng, vì một suy nghĩ đầy yêu thương: mẹ đang chờ ở nhà, mẹ luôn muốn em ở nhà các buổi chiều, làm sao em rời mẹ mà đi được. Và vì muốn được bên mẹ, vui chơi cùng mẹ, làm cho mẹ vui, em bé đã nghĩ ra những trò chơi ngộ nghĩnh: con là mây, là sóng, còn mẹ sẽ là ánh trăng, là bờ biển. Con vẫn được phiêu du khắp chốn, thỏa niềm ao ước. Còn mẹ vẫn được ở bên cạnh con, che chở, vỗ về...Hình ảnh em bé sà vào lòng mẹ và tưởng tượng như con sóng đang lăn vào bờ thật là một liên tưởng thú vị. Sự tương đồng giữa hai hành động ấy vừa gợi lên hình ảnh những con sóng nối tiếp nhau, chạy đuổi theo nhau lan xa trên mặt đại dương bao la rồi vỗ vào bờ cát, vừa gợi lên hình ảnh em bé hết lần này đến lần khác sà vào lòng mẹ đầy yêu thương. Bài thơ là câu chuyện cảm động về tình cảm mẹ con dành cho nhau. Tình cảm ấy chính là tình mẫu tử thiêng liêng, đáng trân trọng hơn bất cứ một sự mời gọi, cám dỗ nào. Tất cả ý nghĩa sâu xa, thấm thía ấy của bài thơ được biểu đạt bằng cách kể chuyện chậm rãi, êm ái, bằng những liên tưởng, tưởng tượng thú vị của nhà thơ Ta-go.

    Xem thêm bài tiếp theo: Soạn Văn 6: Cô Bé Bán Diêm - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống
     
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng mười 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...