Soạn văn 6: Gió lạnh đầu mùa – Kết nối tri thức với cuộc sống Tri thức văn họcTác giả Thạch Lam. Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sinh ra ở Hà Nội, lúc nhỏ sống ở quê ngoại – phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông sáng tác ở nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút...) song thành công nhất vẫn là truyện ngắn. Truyện ngắn của Thạch Lam giàu cảm xúc, lời văn bình dị và đậm chất thơ. Nhân vật chính thường là những con người bé nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu. Tác phẩm của Thạch Lam ẩn chứa niềm yêu thương, trân trọng đối với thiên nhiên, con người, cuộc sống. Các tập truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc... (Dẫn theo Sách giáo khoa Ngữ văn 6, Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục 2021). Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa. - Văn bản: Những Truyện Ngắn Thạch Lam Hay Nhất - Gió lạnh đầu mùa - Đề tài: Gió lạnh đầu mùa là một trong những truyện ngắn xuất sắc viết về đề tài trẻ em của Thạch Lam. - Bố cục: + Đoạn 1: Từ đầu... Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt: Những thay đổi của cảnh vật và con người khi gió lạnh tràn về. + Đoạn 2: Tiếp... trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui: Cảnh Sơn và Lan chơi cùng các bạn nhỏ ngoài chợ và hành động cho bé Hiên chiếc áo của em gái đã mất. + Đoạn 3: Còn lại: Thái độ, cách ứng xử của mọi người khi phát hiện hành động cho áo của hai chị em. - Tóm tắt Gió lạnh đầu mùa: Khi gió lạnh đầu mùa tràn đến, Sơn được mẹ mặc cho áo ấm và cùng chị Lan ra ngoài chợ chơi cùng những đứa trẻ con nhà nghèo. Sơn nhận thấy dù gió lạnh nhưng bọn trẻ ăn mặc chẳng khác gì ngày thường, mong manh, rách rưới. Da thịt chúng tím bầm đi vì rét, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Sơn và chị Lan trông thấy con bé Hiên đứng co ro bên cột quán chợ, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, ngày nhỏ thường chơi với Duyên – em gái đã mất của Sơn. Thấy Hiên không còn áo để mặc, Sơn nảy ra ý định cho Hiên chiếc áo bông cũ của em Duyên. Nghĩ là làm, nên chưa xin phép mẹ, nhưng chị Lan đã chạy về lấy áo mang ra cho Hiên mặc. Buổi trưa, hai chị em về nhà, vú già mách phải đi xin lại áo, nếu không mợ(mẹ) về sẽ bị đòn. Chiếc áo bông ấy là chiếc áo mà mẹ Sơn rất quý, vì là kỉ vật của em Duyên để lại. Nghe vú già nói vậy, hai chị em sợ quá, đi tìm Hiên nhưng không gặp. Trở về nhà, Sơn và Lan đã thấy mẹ con Hiên đến trả áo. Còn mẹ Sơn thì lấy tiền cho mẹ Hiên mượn để may áo cho Hiên. Trái với nỗi lo sợ của Sơn và Lan, mẹ chẳng những không đánh đòn hai chị em, mà còn trách yêu: "Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?" - Ý nghĩa truyện Gió lạnh đầu mùa: Truyện ngắn khắc họa hình ảnh những người ở làng quê nghèo khó, có lòng tự trọng và những người có điều kiện sống tốt hơn biết chia sẻ, yêu thương người khác. Từ đó, truyện đề cao tinh thần nhân văn, biết đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ những người thiệt thòi, bất hạnh. - Nghệ thuật: + Truyện sử dụng phương thức tự sự kết hợp miêu tả; + Giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng giàu chất thơ; + Cách miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế. Soạn bài: Gió lạnh đầu mùa lớp 6 – Kết nối tri thức với cuộc sốngTrả lời câu hỏi văn 6 trang 73, 74 Câu 1. Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy? Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba – người kể chuyện không xuất hiện mà giấu mình đi. Câu 2. Liệt kê một số chi tiết, hình ảnh miêu tả thái độ của chị em Sơn với các bạn nhỏ. - Đối với những đứa trẻ nghèo ngoài chợ: Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn. - Khi thấy Hiên đứng nép một chỗ không ra chơi cùng: + Gọi ra chơi cùng. + Ân cần hỏi han: "Áo lành đâu không mặc?"; "Sao không bảo u mày may cho?" Câu hỏi đó thể hiện sự quan tâm của chị em Sơn, Lan đến Hiên. + Sơn bấy giờ mới chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo,... Sơn thấy động lòng thương,... Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong tâm trí, Sơn lại gần chị thì thầm: - Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ. Và rồi hai chị em quyết định đem cho Hiên chiếc áo. Câu 3. Chỉ ra các câu văn miêu tả ý nghĩ của Sơn khi nghe mẹ và vú già trò chuyện về chiếc áo bông của em Duyên; khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy giúp em cảm nhận được gì về nhân vật này? - Khi nghe mẹ và vú già nói chuyện về em: + Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá; + Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt. - Khi Sơn chợt nhớ cuộc sống nghèo khổ của chị em Hiên: Sơn thấy động lòng thương,... Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong tâm trí, Sơn lại gần chị thì thầm: - Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ. Những chi tiết trên thể hiện tình cảm trong sáng của trẻ thơ, tấm lòng nhân hậu, biết cảm thông, chia sẻ của nhân vật Sơn. Câu 4. Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn cảm thấy như thế nào? Cảm xúc ấy giúp em hiểu gì về ý nghĩa của sự chia sẻ? Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn "trong lòng tự nhiên thấy ấm áp, vui vui". Cảm xúc ấy giúp ta hiểu rằng: Khi ta biết cảm thông và chia sẻ, thì không chỉ mang đến niềm vui, sự an ủi cho người khác, mà chính bản thân mình cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Sẻ chia có ý nghĩa thật đặc biệt, nó không làm ta "mất đi", ngược lại còn khiến ta được "nhận về" nhiều hơn. Câu 5. Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ có làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn không? Vì sao? Cho áo xong, trở về nhà, Sơn và Lan mới hiểu mẹ rất quý chiếc áo bông ấy, sợ mẹ về bị đòn nên đi tìm Hiên để đòi áo. Chi tiết này cho thấy hai chị em vẫn còn rất ngây thơ, trẻ con: đã cho bạn rồi còn đòi lại. Trẻ con, ai chẳng có lúc như vậy, nên chi tiết này không làm giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn. Vì Sơn dù còn ngây thơ, trẻ con, nhưng đã biết đồng cảm và chia sẻ. Cách miêu tả của Thạch Lam khi khắc họa nhân vật trẻ em rất chân thực, tự nhiên, gần gũi. Câu 6. Hãy nhận xét về cách ứng xử của mẹ Hiên và mẹ Sơn trong đoạn kết của truyện. - Mẹ của Hiên nhà nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc nên không đủ tiền để may áo cho con. Nhưng khi biết Sơn cho Hiên chiếc áo, mẹ Hiên không tham lam, tùy tiện nhận áo mà mang trả. Trả áo xong, mẹ Hiên cũng không xin xỏ gì mà đi về luôn. Đó là cách cư xử đúng đắn, giàu tự trọng của một người mẹ nghèo khổ, dù nghèo nhưng không hèn, nghèo nhưng không tham. - Mẹ của Sơn: nhận lại áo, cho mẹ Hiên vay tiền để may áo cho Hiên. Đó là cách cư xử nhân hậu, tế nhị của một người mẹ có điều kiện sống khá giả hơn. Sau khi mẹ Hiên về, mẹ Sơn trách yêu hai chị em: "Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?". Dù không đồng tình khi con tự tiện lấy áo đem cho mà chưa được sự đồng ý, nhưng mẹ Sơn cũng không trách mắng nặng nề vì các con biết chia sẻ, giúp đỡ người khác... Đó là cách cư xử vừa nghiêm khắc, vừa yêu thương. Câu 7. Đọc lại một số đoạn văn tác giả miêu tả những đổi thay của đất trời khi mùa đông đến. Em có thích những đoạn văn này không? Vì sao? + Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy ... như sắt lại vì rét. + Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh ....nhịp guốc của hai chị em. Em thích những đoạn văn này vì đoạn văn giúp em hình dung rõ hơn thời tiết lạnh giá của đất trời khi vào đông, hiểu được cảm giác buốt lạnh của những đứa trẻ nghèo khi không có áo ấm để mặc. Những đoạn văn này còn khiến em cảm nhận được Sơn là cậu bé rất nhạy cảm khi có thể nhận thấy sự thay đổi của cảnh vật xung quanh, đặc biệt nhận thấy cây lan như sắt lại vì rét... Câu 8. Hãy chỉ ra một vài điểm giống nhau và khác nhau giữa hai nhân vật cô bé bán diêm và bé Hiên. - Giống: + Cả hai đều là những em gái nghèo khổ, có hoàn cảnh đáng thương; + Đều xuất hiện trong không gian khắc nghiệt của mùa đông. - Khác: + Hiên: Thiếu thốn, nghèo khổ nhưng bù lại, em nhận được tình yêu thương của mẹ, sự đồng cảm chia sẻ của những người xung quanh: mẹ con Sơn. Cuối cùng, Hiên được giúp đỡ để có áo ấm mặc. + Cô bé bán diêm: mồ côi mẹ, sống trong sự thiếu thốn tình yêu thương: bị cha đánh đập, mắng chửi. Em cũng không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của những người xung quanh: bị lấy mất chiếc giầy cuối cùng, không ai mua diêm hay bố thí cho em chút gì. Mọi người đều lãnh đạm, thờ ơ với em. Cuối cùng, em phải chết đói, chết rét. Trả lời câu hỏi văn 6 trang 74 - Viết kết nối với đọc Có nhiều nhân vật trẻ em xuất hiện trong truyện Gió lạnh đầu mùa. Hãy viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu trình bày cảm nhận về một nhân vật mà em thấy thú vị. Sơn là nhân vật để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Có lẽ Sơn chỉ trạc tuổi tôi, nhưng suy nghĩ và cách ứng xử của Sơn trước hoàn cảnh đáng thương của bé Hiên khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Là đứa trẻ con nhà khá giả, Sơn không kiêu kì như những em họ của mình, ngược lại, Sơn rất hòa đồng với những đứa trẻ nhà nghèo. Và khi biết Hiên không có áo ấm để mặc, Sơn đã cho Hiên chiếc áo bông cũ mà em gái đã mất của mình để lại. Vậy là, dù không phải chịu lạnh, nhưng Sơn vẫn cảm nhận được cái lạnh đang hành hạ Hiên. Không phải ai cũng có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để nhận ra điều đó. Nhất là khi Sơn chỉ là một đứa trẻ. Trái tim cậu thật ấm áp, tâm hồn cậu thật thánh thiện biết bao. Trái tim ấy, tâm hồn ấy như ngọn lửa ấm nóng xua tan u ám, giá rét mùa đông và thức tỉnh mỗi chúng ta cần nuôi dưỡng trong mình tình yêu thương, lòng thấu cảm... Xem thêm: Thực Hành Tiếng Việt Lớp 6 Trang 74, 75 – Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống
Gió lạnh đầu mùa là tác phẩm nổi tiếng mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc sống. Câu chuyện rất xúc động
Trong truyện, những người có điều kiện sống khá giả hơn nhưng vẫn biết chia sẻ, yêu thương người khác (Sơn, Lan), biết cách ứng xử tế nhị (mẹ Sơn). Truyện còn có cả mẹ Hiên cũng cư xử rất đẹp, mẹ Hiên dù nghèo khó, nhưng không tham lam, vẫn có lòng tự trọng. Từ cách ứng xử của những nhân vật đó, truyện đề cao tinh thần nhân văn, biết đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ những người thiệt thòi, bất hạnh. Ngoài truyện này, Thạch Lam còn có rất nhiều truyện khác nhẹ nhàng mà lắng sâu: Một cơn giận, Nhà mẹ Lê, Trở về..