Soạn bài: Con chào mào – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống Tri thức văn học 1. Tác giả Mai Văn Phấn - Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Ninh Bình. - Ông sáng tác thơ và viết tiểu luận phê bình. Thơ Mai Văn Phấn rất phong phú về đề tài; có những cách tân về nội dung và nghệ thuật; một số bài thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng. 2. Bài thơ Con chào mào - Xuất xứ: Bài thơ Con chào mào được trích trong Bầu trời không mái che, NXB Hội nhà văn, 2010. (Dẫn theo Sách giáo khoa Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục, 2021) - Văn bản: Con chào mào đốm trắng mũ đỏ Hót trên cây cao chót vót triu... uýt... huýt... tu hìu... Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ Sợ chim bay đi Vừa vẽ xong nó cất cánh Tôi ôm khung nắng, khung gió Nhành cây xanh hối hả đuổi theo Trong vô tăm tích tôi nghĩ Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu Trái cây chín đỏ Từng giọt nước Thanh sạch của tôi triu... uýt... huýt... tu hìu... Chẳng cần chim bay lại về Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ. (Mai Văn Phấn, Bầu trời không mái che, NXB Hội nhà văn, 2010, tr. 26) - Thể loại: thơ tự do. - Bố cục: 3 phần: + Phần 1: 3 câu đầu: Hình ảnh và tiếng hót của con chào mào. + Phần 2: 11 câu tiếp: Suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật "tôi" muốn giữ con chim ở lại bên mình. + Phần 3: Còn lại: Hình ảnh và tiếng chim chào mào đã được nhân vật "tôi" lưu giữ trong ký ức. - Nội dung: Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của chú chim chào mào. Từ đó ta thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên và tình yêu của con người đối với thiên nhiên. - Nghệ thuật: + Thể thơ tự do phù hợp với mạch tâm trạng, cảm xúc; + Sử dụng các biện pháp điệp ngữ nhằm miêu tả, nhấn mạnh hình ảnh, vẻ đẹp trong tiếng hót của con chim chào mào. Từ đó làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên và cảm xúc của chủ thể trữ tình với thiên nhiên. Soạn văn 6: Con chào mào - Kết nối tri thức với cuộc sống- Trả lời câu hỏi văn 6 trang 76Câu 1. Em có thể hình dung, tưởng tượng những hình ảnh gì khi đọc ba dòng thơ đầu? Ba dòng thơ đầu khiến em hình dung những hình ảnh thật đẹp về chú chim chào mào. Chú chim có bộ lông màu đốm trắng rất đẹp và chiếc mào màu đỏ nổi bật. Tiếng hót của chim chào mào du dương, trong trẻo, say đắm. Tiếng hót ấy hòa vào thiên nhiên cao rộng, thoáng đãng, bình yên. Câu 2. Hãy nêu những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật "tôi" khi "vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ". - Khi ngắm chú chim chào mào có bộ lông đẹp đẽ và lắng nghe tiếng hót du dương của nó, nhân vật "tôi" đã nhanh chóng "Vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ". Chiếc lồng đan kết bằng ý nghĩ này thể hiện niềm yêu thích đặc biệt của nhân vật đối với chú chim, "Sợ chim bay đi" nên muốn giữ mãi chú chim bên mình, là của riêng mình, một mình mình ngắm nhìn và thưởng thức tiếng hót của nó. - Khi con chim bay đi, nhân vật "tôi" đã "hối hả đuổi theo", thậm chí còn mang theo cả không gian đầy nắng, gió, cây xanh mong níu giữ con chim chào mào và tiếng hót. Nhân vật tôi qua hành động đuổi bắt này vẫn thể hiện khát khao mãnh liệt níu giữ chú chim. - Nhưng khi không còn thấy tăm tích, nhân vật "tôi" đã hình dung con chim chào mào đang mổ những "con sâu", "trái cây chín đỏ", "giọt nước thanh sạch của tôi" - ý nghĩ này khiến ta hình dung, nhân vật "tôi" dù không còn thấy chim nữa, nhưng cảm thấy chú chim ấy vẫn ở rất gần, vẫn sẽ có lúc chú quay trở về và tận hưởng những món quà của "tôi". Nghĩa là, dù bay lượn với cuộc sống tự do của nó, nhưng chú chim và "tôi" vẫn có sự kết nối. Sự kết nối trong tự do, chứ không phải kết nối trong sở hữu, độc chiếm. Câu 3. Vì sao lúc đầu nhân vật "tôi" "sợ chim bay đi" nhưng kết thúc bài thơ lại khẳng định: "Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ"? - "Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ". Hai câu thơ thể hiện những nhận thức đầy nhân văn của nhân vật "tôi": Tôi dù yêu thích tiếng chim, nhưng đã hiểu ra rằng chim chào mào là một phần của thiên nhiên, chim cần có cuộc sống tự do của riêng nó. Nên "tôi" đã trân trọng điều đó, vui vẻ để nó bay đi, kể cả khi nó không trở lại. Và dù chú chim có thể không trở lại, nhưng "tôi" vẫn nghe "rất rõ" tiếng hót vang lên từ trong tâm hồn. Tình yêu dành cho chú chim đã khiến tiếng chim trở thành một phần ký ức của nhà thơ và điều đó giúp nhà thơ lúc nào cũng có thể lắng nghe âm thanh du dương của tiếng chim từ chính tâm hồn mình. Đây chính là một quy luật tâm lý: khi ta thực sự dành tình yêu cho một ai đó, thì người đó dù khuất dáng hình nhưng sẽ mãi ở trong tâm trí của ta. Như vậy, qua hai câu thơ, ta thấy nhân vật "tôi" đã biết ứng xử với thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tình yêu chứ không phải bằng mong muốn "độc chiếm" hẹp hòi, ích kỉ. Tình cảm và cách ứng xử nhân văn ấy khiến cho tâm hồn con người trở nên rộng mở, bao dung, bình yên và vui vẻ. Câu 4. Dòng thơ nào được lặp lại trong bài thơ? Theo em, việc lặp lại như vậy có tác dụng gì? - Dòng thơ "triu... uýt... huýt... tu hìu..." được lặp lại 2 lần trong bài thơ. - Tác dụng: + Chuỗi âm thanh thực của tiếng chim ở khổ 1 bài thơ, được lặp lại trọn vẹn thành chuỗi âm thanh vang vọng tâm hồn nhà thơ ở cuối bài khiến ta hình dung: Dù là âm thanh thực, hay âm thanh trong tâm tưởng, thì âm thanh ấy vẫn không thay đổi, vần trong trẻo, du dương, mang lại những cảm nhận bay bổng, thú vị. + Chuỗi âm thanh lặp lại ấy còn tạo ấn tượng về tiếng hót của chú chim chào mào cứ ngân nga, ngân nga mãi trong tâm trí của "tôi", chẳng bao giờ biến mất dù chú chim kia không quay trở về. Âm thanh ấy đã trở thành một phần tâm hồn của nhà thơ, thành điệu nhạc cất lên từ trái tim ấm áp. Câu 5. Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) miêu tả một hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp được em lưu giữ trong ký ức. Những gì là trải nghiệm đầu tiên thường khiến ta nhớ mãi không quên. Và tôi cũng vậy, lần đầu tiên được đến với biển khiến tôi không thể quên cảm giác vui thích tràn ngập trong lòng, cũng như không thể quên khung cảnh biển đẹp yên bình, thơ mộng. Tôi đến với biển vào một buổi sớm mai, khi ánh mặt trời vừa ló rạng, ánh nắng lấp loáng trên mặt biển mờ sương. Tôi dạo quanh trên bờ biển, từng làn gió mang vị mặn của biển khơi ùa vào lồng ngực. Sóng biển sớm mai chỉ khẽ ì oạp xô bờ. Từng đợt sóng gối đầu lên nhau bọt tan trắng xóa. Đây đó những thân dừa cong cong đổ dáng xuống bờ cát mênh mông. Một vài con thuyền thấp thoáng ngoài khơi xa buồm căng trong gió. Nước biển xanh lam hòa cùng màu trời trong vắt thật đẹp và yên bình. Xem thêm: Soạn Bài: Chùm Ca Dao Về Quê Hương Đất Nước – Ngữ Văn 6 Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống