Soạn bài: Chùm ca dao về quê hương đất nước – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 10 Tháng mười 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Soạn bài: Chùm ca dao về quê hương đất nước – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống


    Tri thức ngữ văn


    Thơ lục bát là gì? Đặc điểm của thơ lục bát

    - Thơ lục bát (6 – 8) là thể thơ mà các dòng thơ được sắp xếp theo từng cặp, một dòng sáu tiếng và một dòng tám tiếng.

    - Vần trong thơ lục bát: Tiếng cuối của dòng sáu vần với tiếng thứ sáu của dòng tám; tiếng cuối của dòng tám lại vần với tiếng cuối của dòng sáu tiếp theo.

    - Thanh điệu trong thơ lục bát: Trong dòng sáu và dòng tám, các tiếng thứ sáu và thứ tám là thanh bằng còn tiếng thứ tư là thanh trắc. Riêng trong dòng tám, mặc dù tiếng thứ sáu và thứ tám đều là thanh bằng nhưng nếu tiếng thứ sáu là thanh huyền thì tiếng thứ tám là thanh ngang và ngược lại.

    - Nhịp trong thơ lục bát: Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn (2/2/2; 2/4; 4/4)

    Lục bát biến thể là gì?

    Lục bát biến thể không hoàn toàn tuân theo luật thơ của lục bát thông thường mà có sự biến đổi số tiếng trong các dòng, biến đổi cách gieo vần, cách phối thanh, cách ngắt nhịp..

    (Theo Sách giáo khoa Ngữ văn 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục, 2021)​

    Soạn văn 6: Chùm ca dao về quê hương đất nước – Kết nối tri thức với cuộc sống


    Trước khi đọc:

    1. Với em, nơi đâu là quê hương yêu dấu? Nếu có thể nói những ấn tượng đẹp đẽ và sâu sắc nhất về quê hương, em sẽ nói điều gì?

    2. Em thích bài thơ nào viết về quê hương? Hãy đọc diễn cảm một vài câu trong bài thơ đó.

    Gợi ý:

    - Quê hương yêu dấu là nơi em sinh ra, lớn lên, nơi có gia đình và những người thân yêu.

    - Ấn tượng đẹp đẽ và sâu sắc nhất về quê hương: Cảnh đẹp quê hương, tuổi thơ lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè, thầy cô..

    - Bài thơ viết về quê hương:

    + Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,

    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.


    (Ca dao)

    + Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

    "Ai bảo chăn trâu là khổ?"

    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.


    (Quê hương – Giang Nam)

    + Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

    Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

    Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

    Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca..


    (Ta đi tới – Tố Hữu)

    Sau khi đọc:

    Trả lời câu hỏi văn 6 trang 92 – Kết nối tri thức với cuộc sống

    Câu 1. Đọc các bài ca dao 1, 2 và cho biết: Mỗi bài ca dao có mấy dòng? Cách phân bố số tiếng trong các dòng cho thấy đặc điểm gì của thơ lục bát?

    - Mỗi bài ca dao có 4 dòng.

    - Cách phân bố số tiếng trong các dòng: Câu lục (câu trên) : 6 tiếng; câu bát (câu dưới) : 8 tiếng.

    - Cách phân bố số tiếng trong các dòng cho biết đặc điểm của thơ lục bát là: Mỗi cặp lục bát bao gồm hai câu, câu trên sáu tiếng, câu dưới tám tiếng. Bài thơ là sự nối tiếp của các cặp lục bát.

    Câu 2. Đối chiếu với những điều được nêu trong mục Tri thức đọc hiểu ở đầu bài học, hãy xác định cách gieo vần, ngắt nhịp và phối hợp thanh điệu trong các bài ca dao 1 và 2.

    Bài 1:

    Gió đưa cành trúc la đà

    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

    Mịt mù khói tỏa ngàn sương

    Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ .

    - Gieo vần: Tiếng "đà" câu 6 vần với tiếng "gà" câu 8. Tiếng "Xương" câu 8 vần với tiếng "sương" câu 6 kế tiếp. Tiếng "sương" câu 6 lại vần với tiếng "gương" câu 8 tiếp theo.

    - Ngắt nhịp: Câu 1, 3: 2/2/2; Câu 2, 4: 4/4.

    - Phối thanh:

    Câu 1, 3: Tiếng 4 (T) – tiếng 6 (B)

    Câu 2, 4: Tiếng 4 (T) – tiếng 6 (B) – tiếng 8 (B)

    Bài 2:

    Ðường lên xứ Lạng bao xa,

    Cách một trái núi với ba quãng đồng.

    Ai ơi đứng lại mà trông,

    Kìa núi thành Lạng kìa sông Tam Cờ.


    [​IMG]

    - Gieo vần: Tiếng "xa" câu 6 vần với tiếng "ba" câu 8. Tiếng "đồng" câu 8 vần với tiếng "trông" câu 6 kế tiếp. Tiếng "trông" câu 6 lại vần với tiếng "sông" câu 8 tiếp theo.

    - Ngắt nhịp: Câu 1, 3: 2/2/2; Câu 2, 4: 4/4.

    - Phối thanh:

    Câu 1, 3: Tiếng 4 (T) – tiếng 6 (B)

    Câu 2, 4: Tiếng 4 (T) – tiếng 6 (B) – tiếng 8 (B)

    Câu 3. So với hai bài ca dao đầu, bài ca dao 3 là bài lục bát biến thể. Hãy chỉ ra tính chất biến thể của thể thơ lục bát trong bài ca dao này trên các phương diện: Số tiếng trong mỗi dòng, cách gieo vần, cách phối hợp thanh điệu..

    Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,

    Đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình.

    Lờ đờ bóng ngả trăng chênh,

    Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non.

    [​IMG]

    - Số tiếng: Hai câu đầu mỗi câu 8 tiếng. Hai câu sau là một cặp lục bát 6 – 8.

    - Cách gieo vần:

    Tiếng cuối câu thơ đầu tiên "Đá" vần với tiếng thứ tư của câu thứ hai "Dạ". Tiếng cuối câu thơ thứ hai "Sình" vần với tiếng cuối câu lục thứ ba "chênh". Tiếng cuối câu ba "chênh" vần với tiếng thứ 6 của câu cuối "tình". Tuy nhiên, các vần này không thật khớp.

    - Cách phối thanh:

    Câu 1: Tiếng 4 (B), tiếng 6 (B), tiếng 8 (T).

    Câu 2: Tiếng 4 (T), tiếng 6 (T), tiếng 8 (B).

    Câu 3: Tiếng 4 (T), tiếng 6 (B).

    Câu 4: Tiếng 4 (T), tiếng 6 (B), tiếng 8 (B).

    Câu 4. Trong cụm từ "mặt gương Tây Hồ" tác giả dân gian đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

    Trong cụm từ "mặt gương Tây Hồ" tác giả dân gian đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ: "Mặt gương" ẩn dụ chỉ mặt nước.

    Tác dụng: Nhấn mạnh vẻ đẹp yên bình của mặt nước Tây Hồ, nước trong và phẳng lặng, giống như mặt gương.

    Câu 5. Nêu tình cảm của em về tình cảm tác giả dân gian gửi gắm trong lời nhắn gửi: Ai ơi, đứng lại mà trông . Hãy tìm một số câu ca dao có sử dụng từ ai hoặc có lời nhắn Ai ơi..

    - Tình cảm tác giả dân gian gửi gắm trong lời nhắn gửi: Ai ơi, đứng lại mà trông là lời mời gọi, lời nhắn nhủ tha thiết đến mỗi người, nếu có dịp ghé qua xứ Lạng, hãy dừng lại để ngắm nhìn và tận hưởng vẻ đẹp kì thú của cảnh sắc thiên nhiên. Lời thơ thể hiện niềm tự hào, tình yêu tha thiết dành cho quê hương xứ sở của những người con xứ Lạng.

    - Một số câu ca dao có sử dụng từ ai hoặc có lời nhắn Ai ơi:

    +Cày đồng đang buổi ban trưa

    Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

    Ai ơi bưng bát cơm đầy

    Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

    + Ai đi đâu đấy hỡi ai,

    Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm.

    + Ai ơi chua ngọt đã từng,

    Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

    + Thân em như củ ấu gai,

    Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

    Ai ơi, nếm thử mà xem!

    Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.


    Câu 6. Bài ca dao 3 đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh nào để miêu tả thiên nhiên xứ Huế? Những từ ngữ, hình ảnh đó giúp em hình dung như thế nào về cảnh sông nước nơi đây?

    - Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả thiên nhiên xứ Huế: Đò Đông Ba, đò Đập Đá, đò Vĩ Dạ, ngã ba Sình, lờ đờ, bóng ngả, trăng chênh, tiếng hò, xa vọng..

    - Những từ ngữ, hình ảnh đó giúp em hình dung thiên nhiên xứ Huế vừa thơ mộng, trữ tình với sông nước mênh mang, với những điệu hò mái nhì mái đẩy thiết tha, lay động lòng người, nhưng cũng vừa phảng phất nét buồn – nỗi buồn gợi lên từ sự tĩnh lặng của cảnh vật.

    Câu 7. Các bài ca dao trữ tình thường bộc lộ tình cảm trực tiếp, cảm xúc của con người. Qua chùm ca dao trên, em cảm nhận được gì về tình cảm của tác giả dân gian đối với quê hương, đất nước?

    Miêu tả những phong cảnh đặc sắc của mỗi vùng miền, chùm ca dao đã thể hiện lòng tự hào và tình yêu thiết tha, sâu nặng của các tác giả dân gian đối với quê hương đất nước.

    Tình yêu đó có khi lặng lẽ, kín đáo như trong bài ca dao 1; cũng có khi thốt lên thành lời thơ tha thiết: Ai ơi đứng lại mà trông (bài ca dao 2) ; Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non (bài ca dao 3).

    Viết kết nối với đọc – trang 92

    Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nghĩ của em về một danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước.

    Ai đã từng đến với Tây Bắc, hẳn lòng không khỏi đắm say trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với trùng trùng thung núi, bát ngát mây ngàn, rừng xanh bất tận.. Và ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Sa Pa chắc chắn không khỏi luyến lưu khi cất bước trở về. Không phải ngẫu nhiên mà Sa Pa trở thành điểm thu hút khách du lịch lớn nhất nhì của đất nước nhỏ bé hình chữ S này. Sa Pa là một thị trấn nhỏ của tỉnh Lào Cai. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, phong cảnh thơ mộng, trữ tình. Nơi đây có nhiều dãy núi trập trùng cao thấp ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở những hoa ban hoa đào tháng giêng. Đến với Sa Pa, du khách sẽ được đi thăm thác Bạc. Nước thác trên cao đổ xuống theo sườn núi tựa như một dải lụa trắng vắt ngang bầu trời. Rồi qua cầu Mây, một chiếc cầu treo bắc qua thũng lũng. Từ trên cầu nhìn xuống, cảnh đẹp đến say lòng. Và nếu có điều kiện, bạn hãy chinh phục đỉnh Phan-xi-păng - đỉnh núi cao nhất Đông Nam Á, cảm giác đứng trên đỉnh núi dõi tầm mắt tới không gian bạt ngàn của núi rừng xung quanh thật vô cùng tuyệt vời. Quả thật, Sa Pa đã để thương, để nhớ trong lòng người nhiều lắm.


    Xem thêm: Thực Hành Tiếng Việt Lớp 6 Trang 92, 93 – Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng tám 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...