"Sách" đơn giản chỉ là sự "Nghiện"! Hãy coi "Sách" là một chất kích thích để mình cùng nhau bơm hàng ngày Bài viết này tôi muốn dành cho các người bạn của tôi - những con hủi rảnh rỗi mùa dịch, giới thiệu để giúp các bạn có được "cái thứ" gì đó vừa chơi vừa dễ nghiện nhưng mà vẫn bổ ích. Hơn hết, tôi cũng muốn đơn giản hóa cái nhìn của các bạn về "cái thứ" cao siêu báo đài, truyền thông hay rỉ tai các bạn: "Người thành công, tỷ phú, siêu nhân, siêu anh hùng hay đọc sách để trở nên giàu vl, giỏi vl, uyên bác vl.. vân vân.. mây mây..". Đọc sách thực chất cũng nhẹ nhàng như là đam mê hát NIỀM ĐAM MÊ ĐỌC ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ MỘT SỰ NGHIỆN NGẬP TÌNH CỜ Đúng, việc đọc là một sự nghiện ngập bổ ích và đầy tình cờ mà bằng một cách nào đó chị tôi đã tạo dựng được cho tôi. Ngày tôi còn bé, khi mà bạn bè tôi, chúng nó chỉ biết vui đùa với bùn đất hay khóc thét đòi mua mấy băng DVD 5 anh em siêu nhân, thì tôi, thằng nhóc vừa mới biết đọc đã được hưởng một đặc quyền to lớn từ chị. Chị tôi nhịn ăn sáng, tiết kiệm những đồng tiền lẻ tiêu vặt hiếm hoi để có thể thuê truyện tranh, mua báo Hoa học trò hàng tuần và thi thoảng là mua cả sách cho cả 3 chị em cùng đọc. Niềm đam mê của tôi bắt đầu từ ngày bé xíu đó, dù bố mẹ không ủng hộ, thi thoảng tôi học kém lại lôi sách vở ra xé, ra đốt và cũng chẳng bao giờ cho tiền mua sách thì ông trời lại cho tôi điều rất may mắn thứ hai: Cả họ ngoại nhà tôi, ai cũng đi làm đồng nát. Nghe thì chẳng liên quan gì, nhưng ở thời ấy, smartphone và đồ điện tử chưa được phổ biến, thì đối với tôi, mấy bãi phế liệu là thiên đường đồ chơi (hỏng) và sách báo (cũ). Cứ ngày nghỉ là tôi lại leo lên con xe cọc cạch đạp còn chưa hết tầm chân, đi vài cây số ra nhà các dì, các bác kiếm sách và truyện tranh cũ. Ôi, cái cảm giác cứ lục mấy cái kho giấy báo được xếp gọn từng chồng cao ngất ngưởng là cả một chân trời trị thức hiện ra, nào là truyện tranh, sách văn học kinh điển, đến các sách self-help đời đầu, sách tản văn.. v.. v. Tuy cuốn thì rách bìa, cuốn thì ẩm mốc, có những cuốn rách cả một nửa thì tôi vẫn xin hết mang về tích cóp. Dần dần, theo một lẽ tự nhiên, phòng tôi được xếp kín những bìa catong sách, truyện. Tôi còn bị bố mẹ gọi là "thằng đồng nát" nhưng vẫn cực kỳ hứng thú với việc thi thoảng lại lôi ra phủi bụi, xếp theo thứ tự mình thích và cái đọc cũng đã vô tình từ khi nào đã biến thành một trong những đam mê cháy bỏng của tôi. Tôi đọc mọi lúc, mọi thời điểm, cứ rảnh là đọc, đọc hết thì đạp xe đi xin tiếp, bất chấp luôn những lần bị bố mẹ xé, đốt nguyên cả thùng, nhưng những thùng sách ấy sẽ chẳng bao giờ vơi và sự đọc vẫn là thứ đam mê, nghiện ngập ăn sâu cả vào máu thịt. Hình ảnh gợi nhớ về tôi của ngày xưa.. PHÚT TRẦM XUỐNG CỦA THẾ HỆ 10X ĐỜI ĐẦU CÙNG SỰ LÊN NGÔI CỦA SELF-HELP Cho tới cái ngày mà smartphone về đến xóm làng tôi, cùng với việc bị ép học thuộc văn, sử, địa như bài tập hàng ngày khiến tôi cảm thấy mệt mỏi khi nhìn mấy con chữ, chúng nó như nhảy múa rồi kéo sụp luôn lấy cả hai mí mắt tôi xuống mỗi tối. Thế rồi, tôi bỏ đọc sách. Đến cả truyện tranh cũng để một đống mà vứt rọ, bắt đầu lao vào chiến game cũng lũ bạn đến thâu đêm suốt sáng. Cái niềm đam mê với sách bị lãng quên rất tự nhiên cũng như cái cách mà nó đến. Hàng ngày, ngoài chơi game ra, tôi lại lướt Facebook, trên tường của bọn bạn cùng lớp tôi khi ấy thì chủ yếu là ảnh selfie, trò chơi điện tử hoặc cũng chỉ là mấy bài share làng nhàng về nhạc nhẽo, chó mèo hay về tình yêu lâm ly, bi đát, sướt mướt. Rồi tình cờ, sau khi bẵng đi một thời gian dài để dành cho những điều như trên, sách cũng đã quay trở lại. Nó trở lại với một tâm thế mới, như một làn sóng khiến các bạn trẻ đổ xô đi mua, để rồi chất thành đống, để ôm một giấc mơ làm giàu, để thay đổi bản thân nhanh chóng ngay cả khi còn đang ngửa tay xin bố mẹ từng đồng, đó là làn sóng dòng sách Self - help. Cá nhân tôi hiện tại thì không có ý niệm gì xấu với dòng sách này, bởi chính cái bản thân tôi khi còn là học sinh cấp 3 cũng đã từng đọc ngấu nghiến chúng và mơ về một tương lai tươi sáng. Ừ thì mơ cũng phải thôi, sách này họ bán kiến thức cho mình thì có tý xíu, thứ họ bán chủ yếu là "giấc mơ" kia. Nếu nghĩ kỹ một chút thì không tự nhiên mà chúng tạo ra một làn sóng lớn được như thế. Mà là vì khi còn là học sinh cấp 3, cái ý niệm duy nhất quan trọng với chúng ta là việc học, cùng với sự định hướng cho tương lai mơ hồ thì chỉ có học mới giỏi được, chỉ có học thì mới thi đỗ và cũng chỉ có học thì mai sau mới giàu. Sách self help khi đó như trở thành một sự khai sáng và cũng như một sự động viên cho đám học sinh như tôi về nổi lo lắng khi phải bước ra thế giới ngoài kia. Không chỉ là mỗi giấc mơ viển vông, sách self help còn bỗng dưng biến thành liều doping cho giấc mơ về cái "mai sau" đó, tiếc là khi đọc xong ta lại.. không làm gì cả và tiếp tục đi mua thêm thật nhiều sách self help về đọc. Tất nhiên, tôi sẽ không thể bỏ được "liều kích thích" này cho đến khi giật mình nhận ra rằng: Nội dung của các cuốn là rất giống nhau và chỉ là thay đổi cách truyền tải bằng một câu chuyện khác! Lấy một ví dụ nhỏ về chủ đề "làm sao để thu hút sự chú ý của người khác" - chủ đề mà các cuốn sách self help hướng tới rất nhiều, thì so sánh về hai quyển sách Kinh Điển "Đắc Nhân Tâm" và quyển "Never eat alone" (Đừng bao giờ ăn một mình) là một ví dụ điển hình. Dù chúng kể những câu chuyện khác nhau, lúc thì là câu chuyện làm ăn ngay trên sân golf, lúc lại là câu chuyện về lần đầu gặp gỡ trong buổi tiệc tùng, thì đều có một thông điệp nhắc lại và bắt chúng ta phải nhớ là: Mình phải sắp xếp thời gian, địa điểm để chớp lấy thời cơ, để có thể gặp mặt một nhân vật quan trọng bằng mọi giá, càng nhiều càng tốt, rồi phải moi cho được sự "chân thành" trong sâu thẳm của mình ra để thu hút đối tượng mình cần. Ủa? Làm thế nào để thực hiện một hành động theo sự chủ động dàn xếp, nhắm tới lợi ích cá nhân, lại bắt tôi phải cố tỏ vẻ ra là mình chân thành, mình thân ái với người ta? Đấy khác gì là lời khuyên cho trò bợ đỡ? Cho trò giả tạo đâu? Đó là chính là một trong những lý do khiến tôi dừng đọc dòng sách này và cũng mong các bạn tôi cân nhắc kỹ thật kỹ mỗi khi chọn sách! "FICTION VS NON-FICTION: 2 CON MẮT ĐỂ NHÌN ĐỦ CẢ THẾ GIỚI" Câu này tôi có nghe lỏm được của một anh trên Spiderum và thấy cực kỳ tâm đắc. Và nếu còn ai từng thắc mắc như tôi giữa lợi ích của hai thể loại Fiction (hư cấu) và Non-fiction (phi hư cấu) thì tôi xin phân tích theo ý hiểu của mình một chút: Fiction: Trước đây, với tôi thì dù là người hay đọc các tác phẩm văn học kinh điển nhưng tôi vẫn thấy nó chỉ là "truyện", mà "truyện" thì chẳng có gì gọi là to tát mà tự hào vô ngực "ta đây đang nghiền ngẫm sách vở" cả. Nhưng khi đọc càng nhiều, tôi bớt được cái thói tự cao đi phần nào, theo đó cái chất văn (vở) trong tôi đậm dần, tôi đọc hiểu được sâu hơn thông điệp muốn truyền tải của tác giả và cũng tưởng tượng được đủ rộng để hình dung rõ những gì mà tác giả muốn ta "nhìn thấy", "nghe thấy", "sờ thấy", "ngửi thấy" và thậm chí là "nếm thấy" qua từng câu chữ. Non-fiction: Ở một trường phái khác, sách Non-fiction như một đại dương kiến thức mà lúc nào đọc ta cũng phải sẵn sàng cho sự "Oah, Wow, Oh my God.." vì muôn ngàn kiến thức từ nông nhất đến chuyên sâu về đủ mọi ngành nghề, lĩnh vực khiến mở choàng ra trước mắt. Nó không chỉ cho ta sự thỏa mãn về kiến thức mà đôi khi còn là sự tự vả vào mặt vì nhận ra mỗi người chúng ta không phải là cái rốn của vũ trụ, kiến thức ngoài kia là trời bể và giữa dòng chảy thời gian vô tận, cùng với hơn 7 tỉ cá thể người kia trên quả đất, cuộc đời mấy chục năm của ta là quá ngắn ngủi và cảm thấy mỗi người chúng ta chỉ như một hạt sạn trong bánh răng vĩ đại của cả lịch sử nhân loại. Mấy lời diễn giải trên về 2 trường phái sách của tôi nghe thì có vẻ to tát. Nhưng thật ra nó đơn giản cũng chỉ là mấy con chữ tiếng Việt mà mình học từ lớp một, mỗi người đọc sẽ là một cảm nhận khác, có thể là nặng nề như mấy tập tài liệu chuyên ngành nhưng đôi khi cũng chỉ như một áng thơ thời cấp 3 mà ta đọc chỉ một loáng. Thế nên, gạt mấy cái sự sợ sệt đi mà cầm sách lên đọc nhé! Ảnh: Google CÁCH ĐỂ CÁC BẠN BẮT ĐẦU LÀM QUEN VỚI SÁCH MÀ KHÔNG BỊ LẠC LỐI Bước 1: Cách tìm (hoặc tìm lại) nguồn cảm hứng: Tuy bài viết này là dành để khuyến khích các bạn nên bắt đầu với việc đọc sách, nhưng với những bạn không thật sự hứng thú với việc đọc hoặc có ác cảm với những con chữ thì thật sự không nên tự ép bản thân bắt đầu một cách quá đáng. Các bạn có thể làm những thứ khác trước, những thứ cũng có giá trị không kém gì sách, như là: Xem những bộ phim xuất sắc, nghe podcast hay nếu có tài chính thì các bạn có thể đăng ký các khóa học online. Những bộ phim hay, những người giỏi giang mà bạn theo dõi, lắng nghe hàng ngày sẽ vô tình (khi nêu các trích dẫn từ sách) hay cố ý (khuyên khích bạn nên đọc những cuốn sách abcxyz này kia) sẽ gây được cho bạn sự tò mò và bắt đầu tìm đến với sách. Chính những cuốn sách mà bạn được khuyên đọc ở giai đoạn đầu này sẽ là bước đà đầu tiên cho việc đọc. Cách này cũng đã khiến tôi trở lại với sách sau những tháng ngày xa cách dài đằng đẵng, tôi làm được thì các bạn của tôi (những người giỏi hơn tôi gấc nhìu) cũng sẽ làm được! Bước 2: Tham gia các cộng đồng yêu sách và đọc review: Sau khi có niềm cảm hứng rồi thì cái bước thứ 2 này nó sẽ đến với bạn một cách rất là tự nhiên: Mình thích gì thì tự nhiên cái thứ đó sẽ vây quanh lấy mình. Một số gợi ý cho mọi người: - Tham gia các group Facebook như: Hội Yêu Sách, Hội review sách có tâm, Hội yêu các tác phẩm kinh điển.. để Facebook của các ngập tràn trong những review và tranh ảnh siêu xịn về sách. - Theo dõi những kênh Youtube của các Booktuber cute hột me ví dụ như chị: Hà Khuất, chuyên mục "Động Sách" của kênh Spiderum "Giải Trí" hay nếu bạn mê phim thì Phê Vlog đôi khi sẽ có seri "Phê team đọc gì". Cách tiếp cận này khá dễ vào vì nó ở dạng video hoặc video podcast, giúp bạn tận dụng được thời gian rảnh lại cực kỳ nhẹ nhàng. - Tìm được những người bạn hoặc các tiền bối có cũng sở thích. Điều thứ 3 này cực kỳ quan trọng vì ngoài việc có thể trao đổi kiến thức qua lại thì như các bạn biết, chơi cái gì có nhiều bạn bè cùng chơi thì càng vui, còn đọc cái càng nhiều người cùng đọc thì càng dễ.. mượn sách. Theo dõi 3 nền tảng như trên thì nguồn hiểu biết về sách của bạn sẽ khá rộng việc làm tiếp theo là "tìm hiểu sâu" Bước 3: Đào lại niềm hứng thú ban đầu: Quay trở lại một chút về thời còn trẻ con, thì bạn có nhớ: thể loại sách, truyện tranh nào từng "khiến bạn mất ăn mất ngủ?" Câu hỏi này nhằm gợi nhắc lại những thói quen hay những mối quan tâm của chúng ta với một thế loại nào đó đã đeo đuổi chúng ta và kéo dài đến tận bây giờ, nó sẽ giúp ta tạo được sự hứng thú đặc biệt mỗi khi được tiếp xúc lại thể loại mình từng yêu thích. Ví dụ như tôi, hồi nhỏ tôi sẽ xé bọc và có thể đọc ngay cho hết quyển sách giáo khoa lịch sử khi mới mua về mỗi đầu năm học mới, thì giờ tôi vẫn sẽ thích đọc thể loại sách nói về lịch sử. Hoặc hồi nhỏ tôi cực kỳ thích Đô-rê-mon thì giờ sẽ tìm đọc các tác phẩm về tương lai giả tưởng Dystopia hay Utopia, thích Conan thì thể loại nên tìm đọc là tiểu thuyết trinh thám.. v.. v. Các thể loại ở các tác phẩm bạn thích đọc từ khi còn bé đến giờ lại tìm đọc lại không chỉ những giúp khơi gợi lại niềm hứng thú cũ, mà với lượng kiến thức tích góp về chủ đề ấy đã lâu, bạn sẽ dễ dàng tưởng tượng, hình dung về các tình tiết khi đọc các tác phẩm dài và nặng đô hơn. Sau khi làm đủ ba bước như trên thì những cuốn sách bạn bỏ tiền ra để mua sẽ thực sự rất xứng đáng và đảm bảo bạn sẽ có động lực để bảo quản nó lâu dài, trường kỳ với thời gian! KẾT BÀI Tôi viết bài này chủ yếu là để các bạn tôi có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về sách, không còn coi như một thứ không thể tiếp cận, từ đó để các bạn xếp "đọc sách" có thể ngang hàng với những thú vui như hát hò, game gủng, rượu thuốc, trai gái.. Sách đơn giản chỉ là một sự "nghiện", làm ơn đừng quá đề cao người thích đọc sách, đừng khiến họ có suy nghĩ muốn tách biệt hay bị tách biệt ra khỏi thế giới quay cuồng của thế giới hiện đại. Hãy thử nhẹ nhàng một lần bước vào thế giới của sách, kết bạn với người yêu sách, bạn sẽ có những bước thật chậm nhưng vô cùng đáng giá! Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây, đọc đến đây là biết quý mình rồi, thế nên cứ đến nhà mình mượn sách thoải mái nha (rách thì đền 2 lần tiền!.. Đùa thôi, hai chấm ngoặc ngoặc)