Review Sách Review Tiểu Thuyết Suối Nguồn (Ayn Rand) - Riddles

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Riddles, 18 Tháng mười một 2021.

  1. Riddles

    Bài viết:
    7
    SUỐI NGUỒN - Ayn Rand

    [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Tác Giả Riddles - Việt Nam Overnight

    [​IMG]

    Hàng ngàn năm trước có một người tìm ra cách tạo lửa. Anh ta có lẽ đã bị thiêu sống bởi chính ngọn lửa mà chính anh đã dạy cho đồng loại mình cách tạo ra. Anh bị coi là kẻ xấu vì có quan hệ với ma quỷ, nhưng kể từ đó, loài người có lửa để giữ ấm, nấu nướng và xua đi bóng tối.

    "Suối nguồn" là một bản hùng ca tôn vinh người sáng tạo. Cái giá họ phải trả? Như trên. Và thành quả của họ đã được tiếp nhận như một sự hy sinh to lớn. Và kẻ sống thứ sinh (kẻ tìm kiếm sự vĩ đại dưới con mắt của những người khác) rao giảng về chủ nghĩa vị nhân sinh- hy sinh bản thân mình vì người khác- để củng cố quan hệ anh ta với mọi người và được họ nuôi sống, như một con đỉa hút lấy linh hồn. Có phải vậy? Liệu một người có thể hy sinh sự chính trực của anh ta? Danh dự? Tự do? Lý tưởng? Sự trung thực trong cảm giác và khả năng tư duy độc lập? Người sáng tạo có cái tôi, vì lẽ đó bị coi là "vị kỷ", ích kỷ. Nghe chẳng đẹp. Người vị kỷ không sống vì ai, nhưng cũng không yêu cầu ai phải sống vì anh ta. Chính cái-tôi-không-chịu-hy-sinh này chính là điều mà ta phải kính trọng nhất ở một con người.

    Suối nguồn kể về Howard Roark, một kiến trúc sư xây dựng những công trình của mình theo một phong cách khác biệt với quan niệm về cái đẹp cổ điển. Việc thiết kế nhằm phục vụ ai đó, hay vật chất, sự công nhận, danh vọng với anh là không quan trọng, so với sự vĩ đại của tòa nhà mà anh hình dung. Anh cực đoan đến mức bị ghét bỏ, và phải chịu sự dè bỉu của xã hội vì không chia sẻ với bất cứ ai về tầm nhìn của mình. Và anh đã nhiều lần đau khổ. Ta sẽ thấy ngưỡng mộ bởi những giá trị của anh, mà anh sẽ không bao giờ thỏa hiệp để có được sự nổi tiếng. Anh chính trực theo-đúng-nghĩa. Nếu chính trực chỉ đơn giản là không móc đồng hồ khỏi túi người hàng xóm, thì đến 95% nhân loại là người chính trực: Chính trực là khả năng trung thành với một tư tưởng. Anh như vị "Hầu tước de Sade" của ngành kiến trúc, theo đuổi sự tự do một cách quyết liệt đến mức như hành xác. Người ta đã gào lên rằng Roark dành cả sự nghiệp để ra vào các phiên tòa. Người ta kiện anh vì thiết kế những công trình trái với tiêu chuẩn, kiện anh vì phá huỷ tòa nhà mà anh thiết kế đáng ra để phục vụ công chúng. Nhưng họ đã quên mất nếu không có anh, thì lấy đâu những thứ ấy cho họ? Ai mới có quyền xét xử ai đây - Roark hay là xã hội này?

    Nữ văn sĩ Ayn Rand đã thể hiện một thế giới như-nó-đang-là, và hướng tư tưởng của mình đến thế giới như-nó-sẽ-là và phải-là. Cả câu chuyện được hòa quyện phi lí một cách cố ý như một bản giao hưởng.

    Peter Keating - một kiến trúc sư có tài, nhưng vì bị ảnh hưởng bởi công chúng nên khả năng dần mai một. Không lý tưởng, là một kẻ sống thứ sinh điển hình, hẳn nếu không có sự đánh giá của công chúng thì không thể tồn tại được. Tiền tài, danh vọng khiến anh không từ thủ đoạn để có được nó, và anh khinh bỉ bản thân mình hơn bất cứ ai! Anh ta sống mà phải vay mượn tài năng của Roark để nâng cao mình lên, để rồi bị lợi dụng như một công cụ của Toohey để thao túng linh hồn nhân loại. Peter là một người đã phản bội và từ bỏ cái tôi của chính mình.

    Ellsworth Toohey là ngôi sao của câu chuyện, hắn mang danh nghĩa một nhà phê bình kiến trúc, một nhà xã hội học, rêu rao về chủ nghĩa vị nhân sinh, thâu tóm quyền lực một cách không ai ngờ tới. Không phải roi da, đao kiếm, súng đạn, mà là linh hồn; nếu biết cách cai trị linh hồn của một người thì có thể cai trị toàn nhân loại. Caesar, Attila hay Napoleon vì thế mà chỉ là đồ ngốc và chẳng thể tồn tại được lâu. Linh hồn không thể cai trị được- phải phá huỷ nó. Khiến cho họ nhỏ bé và tội lỗi, rao giảng về xóa bỏ cái tôi, bảo với mọi người rằng sống vì người khác mới là một lí tưởng cao quý, khiến họ cảm thấy mình vô giá trị- sẵn sàng để người ta bịt mắt mà dẫn lối. Họ sẽ không thể đạt tới lí tưởng cao nhất; họ vứt bỏ nó, khát vọng, mọi ý thức về giá trị bản thân. Phá huỷ sự vĩ đại từ bên trong, dựng lên những tiêu chuẩn về sự thành đạt mà cả những kẻ bất tài nhất cũng đạt được, vì thế chặn đứng mong muốn phấn đấu của tất cả: Của kẻ vĩ đại lẫn tầm thường. Toohey là hiện thân của cả một xã hội!

    Gail Wynand- quí ngài đến từ Hell's Kitchen, khu ổ chuột tệ nạn của New York- ông vươn lên đến vị trí chủ bút tờ báo lá cải ăn khách nhất: Tờ Ngọn Cờ. Quyền lực, địa vị, của cải, ông có thừa. Vốn dĩ ông không sinh ra để làm kẻ thứ sinh, ông từng sống cùng mạt cực kì. Ông nhận ra một cách muộn màng rằng mình đã tình nguyện thành một kẻ khờ của xã hội, sự chính trực không mang lại danh vọng. Và ông thay đổi, bán linh hồn mình cho công chúng, như cách Faust của Goethe bán cho quỷ Mephisto. Có tin được hai câu chuyện khi đưa lên mặt báo: Một cô hầu phòng mang thai đứa con của tử tù nhận được nhiều tiền ủng hộ hơn một thiên tài ấp ủ ra đời phát minh vĩ đại. Roark chỉ là một trong số những kẻ mà tờ báo ném ra cho công chúng xâu xé. Vì thế mà Wynand là người mang nhiều tội lỗi nhất. Như một trò đùa, định mệnh đưa ông đến với Roark: Ông phải lòng những tòa nhà mà Roark thiết kế. Roark khiến ông về với bản chất, hai người vì thế có một tình bạn khắng khít. Roark đứng trước bản án của xã hội, ông bảo vệ bằng quyền lực mà ông gây dựng từ công chúng. Ông lầm. Toohey đã đoạt lấy tất cả, một cách rõ ràng nhưng không được ông để ý. Ông quyết tới cùng, dù có từ bỏ mọi thứ để thắng cuộc thánh chiến của mình. Nhưng ông đã gục ngã vào lúc cuối, và kéo theo Toohey "xuống vực" dù chỉ phần nào.

    Dominique Francon - một nhân vật phụ đóng vai trò vô cùng đặc sắc trong truyện. Cô là người tình không công khai của Roark. Vẻ đẹp của cô khiến những tỉ lệ vàng của kiến trúc trở nên lố bịch. Vẻ đẹp ấy khiến người ta sững sờ, vì lần đầu tiên hiểu nghệ sĩ nói gì về cái đẹp. Vẻ thuần khiết lạnh lẽo, đanh đá một cách tao nhã. Và ẩn dưới vẻ đẹp ấy là sự sắc sảo của trí tuệ.. Ngay cả Wynand, nhà tài phiệt quyền lực muốn gì có nấy cũng phải thèm muốn cô. Cô và Roark có cùng lý tưởng, nhưng không thể đối chọi với công chúng như anh. Cô là một nhà báo thông minh, bao lần bảo vệ Roark bằng cách mỉa mai tài năng của anh để tách biệt anh khỏi công chúng. Cô chọn cách thỏa hiệp với thế giới mà cô khinh bỉ, từ bỏ quyền được hạnh phúc trong thế giới của họ, giành lấy sự đau khổ để sống vì Roark; và như thế có vẻ như là xứng đáng với anh. Hành động của cô thật khó hiểu. Cách cô nói chuyện khiến người ta mê mẩn, không phải vì sự hoa mĩ thuần tuý, mà vì nó táo tợn, nhưng hàm ý thật tinh tế. Khó có thể bắt gặp lối văn phong này ở bất cứ đâu khác, có lẽ Ayn Rand đã đặt chính bản thân mình vào nhân vật này. Đúng hơn là toàn thể nhân vật trong câu chuyện.

    Tiểu thuyết "Suối nguồn" đã gây ra quá nhiều tranh cãi mặc dù không đáng có.

    Những kẻ sống thứ sinh đã khoác lên cho mình một lớp "phục trang" giả dối: Sự công nhận của quần chúng. Tại sao một thứ lại trở nên thiêng liêng bởi nó không phải do ta nghĩ ra? Các quy tắc, không phải được định ra bởi vì số lượng người đã thay thế cho nội dung của chân lí. Một con người không vay mượn các bộ phận cơ thể anh ta. Một tòa nhà không vay mượn những mảng miếng linh hồn của nó. Chính vì thế, những thứ vốn dĩ như-bản-thân-nó-phải-là mới chính là điều mà ta nên trân trọng. "Suối nguồn" là một danh từ cao quý để diễn đạt điều đó. Với 4 chương- 1200 trang giấy- cuốn sách đã khắc họa một cách sống động bức tranh toàn cảnh về một xã hội đáng khinh, của những con người theo đuổi những giá trị phù phiếm, và bên cạnh đó vẫn còn những con người "tử tế" thật sự..

    [​IMG] ~~~

    Chúc mọi người một ngày tốt lành

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng mười một 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...