Review Phim Parasite - Bong Joo Ho

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi LeeKey947, 7 Tháng bảy 2019.

  1. LeeKey947 Chờ nàng mèo quay về TT^TT

    Bài viết:
    2
    [​IMG]

    기생충 (Parasite)

    Tên tiếng Việt: Ký sinh trùng

    Đạo diễn: Bong Joo Ho

    Quốc gia: Hàn Quốc

    Diễn viên: Song Kang Ho, Jang Hye Jin, Lee Sun Kyun, Jo Yeo Jung, Choi Woo Sik, Park Bo Dam

    Trong khoảng thời gian gần đây cái tên "Ký sinh trùng" bỗng trở nên rất hot trong giới phim điện ảnh. Lí do rất đơn giản, đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Hàn Quốc đoạt giải Cành Cọ Vàng - giải thưởng danh giá của liên hoan phim Cannes (Pháp). Theo cách nhìn của tôi, "Ký sinh trùng" là phim nghệ thuật rất có chiều sâu, đánh giá để xem trong mùa hè này.

    Thông thường khi nhắc đến ký sinh trùng các bạn sẽ nghĩ? Chắc hẳn ai cũng đều liên tưởng đến những sinh vật nhỏ sống bám, ký sinh trên thân thể của vật chủ, chiếm lấy sinh chất của vật đang sống để chúng tồn tại nhỉ! Tôi cá là các bạn khi nghe cái tên này liền nghĩ tới bộ phim này mang yếu tố kinh dị. Nhưng sự thật "Ký sinh trùng" là một hình ảnh hàm ý nhằm ám chỉ cái cách sống "bám", phụ thuộc của kẻ "nghèo" với người "giàu" và những kẻ "giàu" với nhau.

    Bộ phim xoay quanh hai gia đình đại diện cho giai cấp giàu - nghèo của xã hội Hàn Quốc.


    + Gia đình "nghèo" thất nghiệp: Bố Kim Ki Taek (Song Kang Ho), mẹ Chung Sook (Jang Hye Jin), con trai Ki Woo (Choi Woo Sik) và con gái Ki Jung (Park So Dam). Họ sống trong căn nhà hầm đầy mùi khó chịu và u tối, kiếm sống bằng cách gấp hộp pizza.

    + Gia đình "giàu" của giám đốc công ty IT toàn cầu Park Dong Ik (Lee Sun Kyun), phu nhân Yeon Kyo (Jo Yeo Jung), con gái Da Hye (Jung Ji So) và con trai Da Song (Jung Hyun Jun)


    Bộ phim bắt đầu khi người bạn thân "giỏi và giàu" của Ki Woo đến thăm và tặng gia đình "hòn đá phong thủy", cùng lời nhờ vả Ki Woo làm gia sư cho cô con gái của gia đình "giàu". Ki Woo có cơ hội bước chân vào căn nhà giàu có của ông Park. Từ đó những âm mưu lập ra để gia đình "nghèo" lần lượt kiếm được việc trong gia đình "giàu".

    Mọi việc tưởng chừng suôn sẻ nếu không có sự xuất hiện của "vị khách không mời". Nhà Park đi cắm trại, nhân cơ hội đó nhà Kim tiệc tùng thâu đêm. Đột nhiên, bà Moon Kwang (quản gia cũ) đến và xin lấy một thứ mà bà không thể mang đi khi bị đuổi việc. Nhà Kim phát hiện một tầng hầm sau tủ rượu nơi chồng bà Moon – "vị khách không mời" sinh sống nhiều năm. Sau một hồi vật lộn, nhà Kim nhốt vợ chồng bà quản gia cũ dưới hầm.

    Bà Park gọi điện báo bà Kim nấu đồ ăn vì kế hoạch cắm trại đổ vỡ. Gia đình "nghèo" dọn dẹp dấu vết, ẩn nấp và trốn thoát khỏi căn biệt thự.

    Bà Park tổ chức tiệc sinh nhật cho Da Song – con trai út. Cầm theo hòn đá, Ki Woo xuống tầng hầm và phát hiện bà quản gia cũ đã chết. Bất ngờ bị "vị khách không mời" tập kích, Ki Woo ngã xuống. Tiếp theo đó là những bi kịch liên tục xảy ra trong buổi tiệc sinh nhật, Ki Jung bị đâm chết, bà Kim giết chồng quản gia cũ và ông Kim đâm chết ông Park.

    Xuyên suốt bộ phim, "vị khách không mời" là một nhân vật gây ấn tượng, mang tính quyết định cho phim. Như đã giới thiệu ở trên, ông ta đã sống dưới căn hầm ngầm của căn biệt thự trong 4 năm. Tại sao lại nói gây ấn tượng? Nếu bà Moon – quản gia cũ tỏ ra như thể bà ta là chủ của căn biệt thự, hay cả gia đình nhà Kim điên cuồng lập kế hoạch thoát khỏi cuộc sống nghèo khó thì đây là nhân vật duy nhất chấp nhận cuộc sống "ký sinh trùng" này. Điều này giải thích vì sao ông ta nói "Respect!" với ông Park, ông ta chấp nhận và cảm ơn kẻ đã cho ông ta được sống

    Tiếp đó là Ki Woo – con trai của gia đình "nghèo", xét về khía cạnh nào đó, mọi chuyện sẽ chẳng xảy ra, gia đình nhà Kim sẽ không bị ly tán nếu cậu ta không nổi lòng tham mà lập ra kế hoạch thoát nghèo. Ki Woo ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần bám sát kế hoạch, cả gia đình họ Kim sẽ có việc làm, kiếm nhiều tiền. Thoát nghèo là mục tiêu đúng nhưng cách thực hiện mục tiêu ấy của gia đình họ Kim có phần điên cuồng. Giống như Ki Jung đã nói "Hãy lo cho mình trước đi", họ sẵn sàng lập kế hoạch để đuổi những người có chung cảm ngộ và thay thế bản thân vào để kiếm được bát cơm, nhưng cái giá phải trả lại quá đắt. Cái chết của Ki Jung chính là sự trừng phạt cho tham vọng đấy.

    Trong bữa tiệc sinh nhật của Da Song, khi đứng trên lầu nhìn xuống quang cảnh nhộn nhịp bên dưới, Ki Woo nhận ra cuộc sống giàu sang ấy vốn dĩ không phải thuộc về mình.


    Trong một phân cảnh, Ki Woo đã nói cậu sẽ tỏ tình với Da Hye khi cô bé lên đại học. Theo cảm nhận chủ quan của tôi, có lẽ Ki Woo có tình cảm với Da Hye, nhưng dường như thứ tình cảm ấy không thuần khiết hoàn toàn, nó còn xen lẫn sự đố kị và mặc cảm. Đố kị với tài hoa, giỏi giang giàu có của người bạn thân (người nhờ vả) và mặc cảm vì hoàn cảnh bần hàn, nghèo khó của mình. Cũng chính vì thân phận ấy mà cậu ấy sinh ra khoảng cách với Da Hye, mà khoảng cách ấy chính là giàu – nghèo.

    Nhưng Da Hye thì sao? Cô bé đơn thuần yêu mến Ki Woo bởi chính bản thân cậu ấy mà thôi. Vì lí do gì Da Hye lại yêu mến Ki Woo? Bởi cậu là người duy nhất giúp cô bé có cảm giác được quan tâm. Trong một phân cảnh khi đối thoại với Ki Woo, Da Hye đã nói Da Song không phải thiên tài gì cả. Cô bé tỏ ra đố kị với người em của mình bởi ba mẹ quan tâm và thương yêu cậu nhóc hơn. Da Hye tưởng như sinh ra đã ở vạch đích nhưng thật ra cô bé lại chẳng có gì cả. Sống trong gia đình giàu có nhưng thiếu thốn tình thương khiến cô bé cảm thấy ngột ngạt, tù túng. Cho đến một ngày Ki Woo xuất hiện. Cậu tuy không phải một bạch mã hoàng tử giàu có nhiều tiền nhưng lại như ánh sáng đẹp đẽ khiến cô bé cảm nhận được điều mình cần. Trong phim bà Park nói con trai mình là thiên tài, có năng khiếu nghệ thuật. Nhưng khi nhìn những bức tranh kì quái mà Da Song vẽ thì đó có phải nghệ thuật hay không? Thực ra cậu bé chỉ là một con người bình thường mà thôi, chẳng có thiên tài nào ở đây cả, chỉ có những kẻ tự cho mình là "cao cấp" mới có suy nghĩ ảo tưởng, không thực tế như vậy. Bức tranh Da Song vẽ chính là "vị khách không mời" chui lên từ tầng hầm trong cái đêm sinh nhật cậu.

    Chi tiết đắt giá nhất của bộ phim có lẽ là cơn mưa lớn trong cái đêm đen u tối. Trong cái đêm ấy, những người nghèo vật lộn, chiến đấu để giành cơ hội sống "ký sinh" trong căn biệt thự của người giàu. Cái nghèo đói khiến tâm hồn họ trở nên thối nát, họ đấu đá, giẫm đạp lên nhau như những kẻ điên, điên vì cái nghèo. Khi trốn dưới gầm bàn nghe ông Park miêu tả về cái mùi ẩm mốc trên người Ki Taek, cảm nhận được sự miệt thị, khinh thường của "kẻ giàu" khiến Ki Taek cay đắng, nghẹt thở, ông càng thêm "thấm" về hoàn cảnh của mình. Bong Joo Hi đã khéo léo khi để ông Park miêu cả cái mùi của cả nhà Kim như mùi củ cải thối – thứ đồ rẻ mạt nhất tại Hàn Quốc hay cái mùi "ẩm mốc" của tầng hầm, cái mùi mà chỉ có những kẻ nghèo nơi ổ chuột mới có.

    Hình ảnh gây ám ảnh nhất trong bộ phim đấy chính là những bậc thang. Bậc thang của giàu và nghèo. Nếu những bậc thang bước lên tiến vào căn biết thự giàu có đại biểu cho ước nguyện thành công, đổi đời của người "nghèo". Thì những bậc thang bước xuống căn nhà hầm của nhà họ Kim, hay bậc thang tiến vào tầng hầm của "vị khách không mời" lại bộc lộ sâu sắc cho sự nghèo đói, sự mịt mù, vô vọng và tương lai tăm tối của người nghèo.

    Ba bố con nhà Kim như những con chuột trốn chui trốn nhủi dưới cái gầm bàn, giành giật từng giây phút để trốn thoát khỏi căn biệt thự của ông Park. Khi Ki Woo chạy tới bậc thang ở khu phố ổ chuột, cậu ấy dừng lại, cậu cuối xuống nhìn dòng nước chảy mạnh dưới chân mình. Khoảng khắc ấy cậu nhận ra bản chất cay đắng của mình cùng sự chênh lệch khoảng cách giữa giàu và nghèo, tại sao người giàu lại bước lên còn người nghèo lại đi xuống? Người giàu tại sao lại ngẩng cao đầu đứng giữa ánh sáng, có được sự ngưỡng mợ, kính trọng từ mọi người, trong khi gia đình họ lại phải chui nhủi, rúc lại trong những xó u tối, chịu sự khinh miệt, thóa mạ của người "giàu".


    Đỉnh điểm của câu chuyện chính là khi Ki Taek chạy tới cầm dao và đâm chết ông Park khi chứng kiến hành động bịt mũi đẩy xác chồng bà quản gia cũ để lấy chìa khóa xe. Tại sao ông ấy lại làm vậy? Đó chính là khi cái mặc cảm, tự ti của ông bị kéo đến đỉnh.

    Vợ chồng ông Park tuy khinh thường, miệt thị người nghèo, nhưng họ đâu có làm ra hành động sai trái chèn ép người nào. Ông ấy đẩy cái xác ra lấy chìa khóa để nhanh chóng đưa con trai ông ấy tới bệnh viện.

    "Ký sinh trùng" cho người xem có cái nhìn khách quan về hai giai cấp giàu và nghèo trong xã hội. Người giàu có chắc đã xấu? Hay người nghèo thật sự đáng thương? Thật ra giàu và nghèo không ai biết họ ác hay đáng thương cả. Con người sinh ra đều bình đẳng, nhưng theo sự phát triển của xã hội, tham vọng, đố kị nảy sinh khiến con người tự phân chia giai cấp mà thôi. Nhưng xét về một khía cạnh nào đó, giữa người giàu và nghèo vẫn có thể sống chung với nhau bằng mối quan hệ "cộng sinh". Tôi cho anh thứ anh cần, anh trả lại tôi thứ tôi muốn.

    Ki Taek giết ông Park và trốn trong căn hầm nơi "vị khách không mời" từng ở. Ông hối hận về việc mình đã làm, vì sự tham lam, đố kị của bản thân, và cái giá phải trả đó chính là cái chết của người con gái yêu quý Ki Jung, chịu cảnh gia đình ly tán, sống chui nhủi, thấp hèn nơi cái hầm tối tăm để ăn năn, hối hận.

    Đoạn kết trong phim tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng lại lắng đọng, gây ám ảnh nhẹ nhàng cho người xem. Ki Woo được cứu sống và đọc bức thư của người cha qua mã Morse từ hệ thống đèn của ngôi biệt thự. Khi phải chịu cảnh mất đi người em gái, người cha trốn chạy, cậu mới nhận ra rằng không có "kế hoạch" nào có thể khiến gia đình đoàn tụ. Muốn thoát khỏi cái nghèo khó thì phải nỗ lực học tập, tiếp thu tri thức, kiếm tiền bằng chính sức lực của mình chứ không phải từ âm mưu quỷ kế. Cậu tưởng tượng đến một ngày mua được căn biệt thự, đứng giữa khoảng vườn xanh rộng, đắm chìm ánh nắng, lúc đấy cả nhà của cậu sẽ lại đoàn tụ, cậu sẽ ôm lấy người cha thân yêu. Nhưng đấy chỉ là trong giấc mộng tương lai của cậu, còn thực tế Ki Woo vẫn sống trong căn nhà hầm tăm tối không thấy ánh mặt trời.

    "Ký sinh trùng" là một bức tranh thấm đẫm "bi hài" của cuộc sống. Tác phẩm có thể khiến bạn cười nhưng cũng sẽ làm bạn khóc. Bởi đâu đó trong cuộc sống này, bạn sẽ bắt gặp được hình ảnh tương tự của những con người trong phim. Họ vì mưu sinh để chạy theo âm mưu thủ đoạn, những sự phù phiếm mà đánh mất bản thần, giá trị thực của cuộc sống. Khiến bạn vừa chỉ trích mà cũng lại xót xa.
     
    LieuDuongHàm Dương Tiểu Tịch thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...