Review phim As the Gods will: Bộ phim sinh tồn mang màu sắc văn hóa dân gian Nhật Bản: Đối với những fan hâm mộ chân chính của những bộ phim theo thể loại sinh tồn thì có lẽ cái tên "As the Gods will" đến từ Nhật Bản có lẽ không còn xa lạ nữa. As the Gods will (Tạm dịch: Như ý nguyện của Thượng Đế) là một phim kinh dị học đường Nhật Bản với chủ đề chính là một trò chơi sinh tồn để thông qua đó, Thượng Đế sẽ tìm được những người con ưu tú nhất của Ngài để tiến vào vòng "nâng cấp". Nôm na, nó tương tự như một sự chọn lọc tự nhiên để tạo ra đời F1 xuất sắc nhất trên thế giới này. Cụ thể, Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Takahata Shun, một nam sinh bình thường với một cuộc sống khá nhàm chán. Một ngày nọ, thầy giáo của cậu đang giảng bài bỗng nhiên bị nổ tung và một con búp bê Daruma kỳ quái xuất hiện. Từ đó, cậu và các bạn học bị cuốn vào một cuộc chơi sinh tồn với hàng loạt trò chơi chết chóc. Nếu là một fan của manga Nhật, ắt hẳn bạn sẽ biết vòng đời tiêu chuẩn của một bộ manga: Truyện – anime – live-action. Tuy nhiên thì As the Gods will là phiên bản live-action đi thẳng từ bộ truyện gốc "Kamisama No Iu Toori", chứ không thông qua anime. Các fan của truyện đánh giá rằng phim đã hoàn toàn thành công với việc đem toàn bộ những gì hay ho nhất của truyện ra mắt màn ảnh rộng. Ngoài những yếu tố kinh dị, bạo lực, máu me thì xuyên suốt bộ phim ta còn được tìm hiểu về một số nét văn hóa Nhật Bản thông qua những món đồ chơi dân gian truyền thống được lồng ghép như búp bê Daruma, mèo chiêu tài Manekineko, búp bê Kokeshi, gấu Shirokuma, v. V Chẳng ai ngờ những đồ vật tưởng như vô hại này khi đem vào phim phóng to lên và lồng ghép vào các trò chơi kinh dị thì lại trở nên ám ảnh đến vậy. 1. Búp bê Daruma: Daruma là một loại búp bê truyền thống của Nhật Bản, được mô phỏng theo Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập ra truyền thống Thiền tông của Phật giáo. Daruma có dạng hình cầu, rỗng ruột, thường được sơn màu đỏ và mô tả một người đàn ông có râu (Bồ Đề Đạt Ma) ; tuy nhiên, Daruma cũng có nhiều phiên bản với sự khác nhau về màu sắc và thiết kế tùy thuộc vào từng nhu cầu, khu vực và nghệ sĩ chế tác. Đối với người ngoại quốc, Daruma có thể chỉ được xem như một món đồ chơi hay quà tặng, thế nhưng với người Nhật, đó là biểu tượng giàu tính văn hóa. Daruma được xem như là biểu trưng của sự bền bỉ, phúc hạnh, may mắn.. khiến chúng trở thành một món quà khích lệ phổ biến của nhiều thế hệ người Nhật. Búp bê Daruma không bao giờ bị ngã, tượng trưng cho ý chí kiên cường, không khuất phục trước khó khăn của người Nhật. Khi mua hoặc được tặng Daruma, bạn có thể ước một điều ước, sau đó tô đen vào một mắt của nó. Nếu điều ước thành hiện thực, bạn hãy tô đen nốt con mắt còn lại rồi mang Daruma trở về chùa và đốt đi. Việc làm đó nhằm thể hiện rằng bạn đã giữ tròn lời hứa của mình với thần linh. Vẻ ngoài đáng sợ của Daruma như một lời nhắc nhở mạnh mẽ để người chủ có thêm động lực hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, màu đỏ rực của Daruma còn tượng trưng cho khả năng trừ tà, bởi theo quan niệm của người Nhật từ thời cổ đại, màu đỏ có tác dụng xua đuổi tà ma và bảo vệ con người khỏi thiên tai, bệnh tật. Ngày nay, búp bê Daruma đã trở thành một vật không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Nhật Bản. Họ thường hay sử dụng Daruma làm quà tặng cho những người thân hay các đối tác trong kinh doanh để gắn kết mối quan hệ và cầu chúc may mắn. Trò chơi vận động Daruma-san ga Koronda: Ở trò chơi đầu tiên trong phim, chắc hẳn các bạn còn nhớ các học sinh phải cố gắng nhấn được vào nút đằng sau búp bê Daruma để sống sót. Trò chơi này được lấy ý tưởng từ trò "Daruma-san ga Koronda" (Búp bê Daruma ngã xuống rồi) của trẻ em Nhật Bản và có nhiều nét tương đồng với trò "Một Hai Ba" ở Việt Nam. Trong As The Gods Will, nếu ai bị bắt được khi đang di chuyển thì ngay lập tức đầu họ sẽ bị nổ tung. Hơn nữa, trong bộ phim, tại game Daruma đầu tiên này, ở đó còn là hình ảnh ẩn dụ cho sự ganh đua trong học tập thi cử của giới học sinh Nhật Bản lúc bấy giờ khi mà tỉ lệ chọi là một và tất cả. 2. Mèo thần tài Maneki-Neko: Mèo thần tài Maneki-Neko hay còn gọi là mèo may mắn có xuất xứ từ Nhật Bản, trong đó "Neko" nghĩa là con mèo còn "Maneki" mang ý nghĩa là sự hấp dẫn, mời gọi, có thể hiểu là Mèo vẫy gọi hoặc Chiêu tài. Chú mèo này được xem như là linh vật giúp chiêu dụ may mắn về tài lộc và sức khoẻ, được không ít giới kinh doanh sử dụng trong công việc, buôn bán. Bên cạnh đó còn có các tác dụng về cầu duyên, cầu gia đạo. Mèo thần tài thường được trưng bày trong các cửa hàng kinh doanh, trung tâm thương mại.. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về nguồn gốc, vị trí đặt và ý nghĩa, màu sắc của từng loại mèo. Tại Nhật, có rất nhiều truyền thuyết về sự ra đời của mèo Maneki Neko, tuy nhiên nguồn gốc của chúng được biết đến chủ yếu thông qua truyền thuyết về một ngôi đền nhỏ có tên là Gotokuji. Người ta truyền tai nhau rằng, vào khoảng thế kỷ 17, có một thầy tu hành nghèo sống khổ sở trong ngôi đền ở Tokyo. Dù cuộc sống vô cùng khó khăn, ông vẫn chia sẻ phần ăn của mình cho chú mèo cưng có tên là Tama. Một ngày nọ, lãnh chúa Nakaota Ii của quận Hikone trên đường đi săn bỗng gặp cơn mưa bão đã dừng chân trú ở một cái cây to gần đền. Trong lúc đang đứng trú dưới gốc cây thì ông thấy một con mèo cứ giơ tay vẫy gọi mời ông vào đền. Cảm thấy tò mò, ông đã tiến về phía đền để nhìn cho rõ hơn chú mèo kì lạ kia. Không ngờ, khi ông vừa rời gốc cây thì một tia sét lớn giáng xuống ngay chỗ gốc cây đó. Vị lãnh chúa đã may mắn thoát chết nhờ chú mèo. Để bày tỏ lòng biết ơn chú mèo đã cứu sống mạng mình, vị lãnh chúa trở thành người bảo trợ cho ngôi đền. Ông đã cho người đến sửa chữa nó trở nên khang trang hơn và đổi tên thành đền Gotokuji vào năm 1697. Sau khi mèo Tama chết, chú đã được chôn ở một nghĩa địa riêng dành cho loài mèo ở trong ngôi đền, cùng với đó họ dựng một bức tượng mèo có tên là Maneki Neko để tưởng nhớ chú mèo đặc biệt này đã ra đời từ đó. Tuy nhiên, chú mèo thần tài trong phim As the Gods Will thì không hề mang lại may mắn tí nào mà còn đem đến một cuộc thảm sát tàn khốc cho các học sinh. Với game thứ 2, khi người chơi trở thành những con chuột bị Manekineko đùa giỡn, cũng nói lên thông điệp về việc học sinh chỉ giống như những con chuột bạch bị đem ra thử nghiệm hết lần này đến lần khác bởi xã hội. 3. Búp bê Kokeshi: Kokeshi (こけし) là những con búp bê dân gian bằng gỗ thường được bán làm quà lưu niệm tại các khu suối nước nóng ở miền Bắc Nhật Bản, có nguồn gốc từ thời Edo. Hiện nay, có 11 kiểu búp bê Kokeshi khác nhau theo hình dạng và hoa văn. Đây là loại búp bê thủ công thường dùng làm đồ chơi trẻ em, chế tác từ nhiều chất liệu gỗ khác nhau. Một đặc trưng của búp bê Kokeshi là chúng không có tay chân. Cũng giống như Squid Game lấy câu hát "Hoa dâm bụt đã nở" trừ trò chơi tuổi thơ của người Hàn, bộ phim sinh tồn As The Gods Will cũng có một bài đồng dao cho trò chơi tử thần ghê rợn. Bài hát này có tên là Kagome Kagome. Kagome Kagome thực chất cũng là một trò chơi quen thuộc với trẻ em Nhật Bản. Trò này có 7 người cùng tham gia, 1 người trong số đó phải đóng vai Oni (quỷ). Oni phải đứng giữa và bịt mắt, trong khi mọi người đi xung quanh và hát bài hát đồng dao này. Khi bài hát kết thúc, Oni sẽ phải đoán xem ai đang đứng sau lưng mình. Nếu đoán đúng thì người kia trở thành Oni, còn nếu đoán sai thì trò chơi sẽ bắt đầu lại. Thực chất, đã có rất nhiều truyền thuyết ghê rợn được người Nhật Bản truyền tai nhau, với mỗi giai thoại lại có dấu ấn quỷ dị, rùng rợn riêng. Theo giai thoại này, khi xưa người Nhật rất nghèo khổ. Cả làng vì đã lâm vào cảnh quá đói khát nên sử dụng trò chơi Kagome, Kagome nhằm tìm ra những người thua cuộc. Nạn nhân đoán sai sẽ bị dân làng giết thịt để ăn. Đây là truyền thuyết dã man nhất, đáng sợ hơn cả là rất có thể đã từng xảy ra. Đáng chú ý, từ "kagome" trong tiếng Nhật có thể dịch thành "người phụ nữ mang thai". Chính vì thế, nhiều người đồn thổi rằng câu hát "Hỡi chú chim trong lồng" cũng chính là ám chỉ một thai nhi trong bụng mẹ. Người phụ nữ này đã bị ai đó hãm hại, đẩy ngã dẫn tới sẩy thai ( "Cả sếu và rùa đều trượt ngã"). Đó là lý do mà cô ta sử dụng trò đồng dao này để đi tìm kẻ đứng đằng sau đã hãm hại mình ( "Ai là người đứng ngay sau chú?"). Xuất hiện trong trò chơi thứ 3 là những con Kokeshi biết nói với tính cách quái đản và ma lanh, còn biết châm biếm và giễu cợt người khác bằng giọng nói vô cùng kỳ dị. Tuy nhiên trên thực tế, búp bê Kokeshi truyền thống mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh độc đáo. Người Nhật tin rằng nếu đứa trẻ chơi với những con búp bê này sẽ được thần linh che chở, khỏe mạnh và bình an. Trong phim, các học sinh sẽ lần lượt đóng vai Oni và những con búp bê Kokeshi sẽ đóng vai các người chơi khác, trên thân của những con búp bê này đều có tên riêng. Nếu đoán sai tên thì sẽ bị chúng giết hại. Nhờ dùng một số thủ thuật mà Takahata Shun (Sota Fukushi) đã lừa được các con búp bê Kokeshi và may mắn vượt qua vòng chơi này. Đến với game 3, trò chơi với rối gỗ Kokeshi, phép ẩn dụ rõ ràng nhất chính là học sinh chỉ giống biết nghe theo những gì có sẵn mà không sáng tạo hay tạo ra cái mới, giống như những con vẹt chỉ biết học mà không suy nghĩ. 4. Văn hóa linh vật Yuru-kyara: Yuru-chara "là một thuật ngữ tiếng Nhật để chỉ một loại nhân vật linh vật, thường được tạo ra để quảng bá một địa điểm/khu vực, sự kiện, tổ chức/doanh nghiệp hay sản phẩm. Không chỉ quảng bá hình ảnh, Yuru-kyara còn có thể mang về nguồn thu lớn cho địa phương và tạo sự gần gũi giữa người dân với khách du lịch. Theo một thống kê vào năm 2012, Yuru-chara trở thành một ngành kinh doanh phổ biến và sinh lợi, với doanh thu do nhân vật phụ trách đạt gần 16 tỷ đô la tại Nhật Bản. Xuất hiện trong trò chơi thứ tư, tưởng chừng như" lạc quẻ"giữa dàn biểu tượng đậm chất truyền thống Nhật Bản bởi đây rõ ràng là một con gấu Bắc Cực, nhưng thực tế gấu Shirokuma là một linh vật rất được yêu thích ở Nhật Bản vì độ dễ thương của nó. Game 4 là một bài học cho thói sống ảo và ỷ lại vào công nghệ hiện đại, mà không lo trau dồi kiến thức cho bản thân trong cuộc sống. 5. Thất Phúc Thần: Có lẽ một số người sẽ khá bỡ ngỡ khi bài viết có nhắc đến Thất Phúc Thần (七福神), nhưng chưa nhận ra nhân vật này xuất hiện ở tình tiết nào trong phim. Bạn có nhớ những con búp bê Matryoshka xuất hiện trong trò chơi thứ 5 (phần này không xuất hiện trong nguyên tác manga gốc) ? Thực tế, người nghệ nhân đã tạo ra bộ búp bê Nga gồm 7 con này cho biết họ đã lấy ý tưởng từ bộ búp bê gỗ mang chủ đề Thất Phúc Thần, bảy vị thần may mắn trong thần thoại Nhật Bản. Mỗi vị thần đều mang một ý nghĩa khác nhau. Thất Phúc Thần (Shichi Fukujin) là bảy vị thần mang lại may mắn trong thần thoại và văn hóa dân gian Nhật Bản. Các vị thần này thường là đề tài sáng tác của nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ kích cỡ nhỏ netsuke và các loại hình nghệ thuật khác. Thất Phúc Thần được cho là xuất hiện sau thời Chiến quốc (bắt đầu từ giữa thế kỷ 15 đến giữa t hế kỷ 16) để thể hiện mong ước thái bình của dân chúng. Theo người Nhật, các vị thần này sẽ xuống trần gian vào đêm giao thừa và ở lại trong 3 ngày đầu năm mới trên một con thuyền gọi là Takarabune chở vận đỏ, thịnh vượng ban phát cho người trần. Trẻ em thường đặt tranh vẽ 7 vị thần trên chiếc thuyền Takarabune này dưới gối vào đêm giao thừa để cầu mong may mắn. Trong game 5, vốn dĩ không có trong bản gốc, và được dựng lên độc lập để dành riêng cho phim. Tuy nhiên, game là phép ẩn dụ hoàn hảo nói về lòng tin mù quáng vào các thế lực siêu nhiên của học sinh. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình!