Phương pháp xây dựng cốt truyện hay

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Wall-E, 23 Tháng bảy 2018.

  1. Wall-E

    Bài viết:
    589
    1. Định nghĩa cốt truyện

    Cốt truyện là hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định.

    Có thể tìm thấy qua một cốt truyện hai phương diện gắn bó: Một mặt, cốt truyện là một phương diện bộc lộ nhân vật, nhờ cốt truyện nhà văn thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách nhân vật - mặt khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội.

    Cần phân biệt hai khái niệm: Cốt truyện và sườn truyện. Sườn truyện để chỉ những nét bao quát nhất của câu chuyện, bao gồm những sự kiện chính, những biến cố chủ yếu cắm mốc cho sự phát triển của cốt truyện. Nếu sườn truyện chỉ là cái khung thì cốt truyện là một hệ thống những biến cố, sự kiện cụ thể để biểu đạt cái khung ấy. Cốt truyện là sườn truyện đã được chi tiết hóa, hình tượng hóa một cách cụ thể, sinh động.

    2. Các dạng cốt truyện

    Nhìn chung có thể chia cốt truyện thành hai dạng: Cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến.

    Trong cốt truyện đơn tuyến, hệ thống sự kiện được tác giả kể lại gọn gàng và thường là đơn giản về số lượng, tập trung thể hiện quá trình phát triển tính cách của một vài nhân vật chính, có khi chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời nhân vật chính. Vì vậy cốt truyện đơn tuyến thường có dung lượng nhỏ hoặc vừa. Cốt truyện đơn tuyến thường tồn tại trong các truyện ngắn, truyện vừa hoặc phần lớn các kịch bản văn học. Cốt truyện của "Truyện Kiều", "Tắt đèn" thuộc loại cốt truyện đơn tuyến.

    Cốt truyện đa tuyến là cốt truyện trình bày một hệ thống sự kiện phức tạp, nhằm tái hiện nhiều bình diện của đời sống ở một thời kỳ lịch sử, những diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật, do đó có dung lượng lớn. Hệ thống sự kiện trong cốt truyện đa tuyến được chia thành nhiều dòng, nhiều tuyến gắn liền với số phận các nhân vật chính của tác phẩm. Ví dụ: Cốt truyện của tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" thuộc vào loại cốt truyện đa tuyến.

    Tuy nhiên, không phải tác phẩm văn học nào cũng cần phải có cốt truyện. Trong các loại tác phẩm trữ tình, cốt truyện không tồn tại vì ở đây tác giả biểu hiện sự diễn biến của tình cảm, tâm trạng.

    3. Các thành phần chính của cốt truyện và cách triển khai

    Một cốt truyện thường bao gồm 5 thành phần chính.

    A. Phần trình bày:

    Đây là phần giới thiệu một cách khái quát về bối cảnh xã hội, các điều kiện, nguyên nhân nảy sinh xung đột và tình hình buổi ban đầu của nhân vật. Nhất thiết phải nêu hoàn cảnh xã hội của tác phẩm bởi lẽ câu chuyện nào cũng được đặt trong một bối cảnh, hoàn cảnh nhất định, và hoàn cảnh có sự tác động không nhỏ tới sự hình thành và phát triển tính cách của các nhân vật.

    Vì thế, khi xây dựng cốt truyện, người viết trước hết nên đặt nhân vật mình tạo ra vào một bối cảnh cụ thể về không gian, thời gian. Người viết nên đặt ra và trả lời câu hỏi: Truyện diễn ra vào khi nào, địa điểm cụ thể ra sao và thường sẽ trình bày nó trong những đoạn mở đầu của tác phẩm.

    Chẳng hạn, như trong truyện "Chí Phèo", Nam Cao bắt đầu giới thiệu Chí vừa đi vừa chửi, nhưng Chí không chửi trong nhà Chí, mà là ở ngoài đường, ngoài đường ấy là thuộc về làng Vũ Đại. Cái làng Vũ Đại này luôn ngoảnh mặt làm ngơ với những kẻ chửi đổng như Chí đến nỗi ai cũng nghĩ "chắc nó chừa mình ra", cái làng Vũ Đại với những Bá Kiến chuyên dùng những "thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò", rồi thì "cá lớn nuốt cá bé", cho nên mới sinh ra thằng Chí "ai cho tao lương thiện", chuyên đi uống rượu và đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ.

    Tính cách nhân vật nên được giải thích từ những sự kiện diễn ra trong đời hắn, cũng như những yếu tố ngoại cảnh tác động khá nhiều đến cuộc đời nhân vật.

    Hoặc như trong "Trăm năm cô đơn" của Market, nhà văn cũng dành cả chương đầu để giới thiệu về sự thành lập của làng Macondo, làm nền tảng cho các nhân vật của dòng họ Buyndia sống một trăm năm và tự kết thúc cuộc đời mình trong đau khổ ở đó.

    Dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết thì cũng đều là mặt cắt của dòng đời, của cuộc sống để đi vào trong tác phẩm. Thế nên, phần trình bày khái quát về bối cảnh xã hội luôn được xem là yếu tố đầu tiên khi xây dựng cốt truyện trong tác phẩm văn học.

    B. Phần thắt nút:

    Nếu như phần trình bày được xem là không quá khó khi xây dựng cốt truyện thì phần thắt nút lại là phần hết sức quan trọng và khiến cho khá nhiều cây bút mới tập viết gặp khó khăn. Cốt truyện có hay hay không, diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào phụ thuộc rất lớn vào nút thắt này.

    Phần thắt nút xuất hiện những biến cố đầu tiên trong hệ thống biến cố tạo nên xung đột của cốt truyện. Nhiệm vụ của phần thắt nút là bộc lộ trực tiếp những mâu thuẫn được tích tụ âm ỉ, dồn nén lâu ngày từ trước đó, đặt nhân vật trước những thử thách để thông qua đó, nhân vật thể hiện thái độ chân thực nhất.

    Trong năm thành phần chính của cốt truyện đã được liệt kê ở kỳ trước, mở đầu thường là phần trình bày và tiếp theo là đến phần thắt nút. Với phần thắt nút, tác giả sẽ bắt đầu đưa người đọc tới những biến cố, rắc rối đầu tiên mà nhân vật gặp phải.

    Những biến cố này xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân hoặc mâu thuẫn xã hội. Người viết cần trả lời cho câu hỏi: Nhân vật đang gặp khó khăn hoặc thách thức gì? Khó khăn ấy xảy ra như thế nào? Tâm trạng của nhân vật ra sao trước những biến cố vừa xảy đến? Người viết cũng có thể lồng cảm xúc của mình vào tác phẩm trong đoạn thắt nút này, có thể đồng cảm hoặc không.

    Với các tác phẩm văn học hiện thực Việt Nam trước Cách mạng, thường các biến cố tìm đến với nhân vật là điều tất yếu sẽ xảy ra theo quy luật đời sống trong tác phẩm. Trong "Tắt đèn", Ngô Tất Tố đã đưa chị Dậu vào một tình huống trớ trêu: Chồng chị bị bắt trói ngoài đình vì không có đủ tiền nộp sưu. Từ nút thắt này, biết bao điều đau khổ đã xảy đến với nhân vật, khiến chị đau đớn bán con, bán chó, rồi cả đi ở đợ mới đủ tiền chuộc chồng ra. Và đương nhiên, tình huống mà nhà văn tạo ra trong tác phẩm không phải từ trên trời rơi xuống, mà mang đầy tính điển hình, có thể xảy đến bất cứ lúc nào với những người nông dân thấp cổ bé họng trong xã hội thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng.

    Tuy nhiên, trong các tác phẩm của chủ nghĩa phi lý, mâu thuẫn đến với nhân vật lại phản ánh cái phi lý của thời đai, nơi mà con người có thể vướng vào những mâu thuẫn, những khó khăn thực sự từ "trên trời rơi xuống". Trong tác phẩm "Vụ án của Kafka", nhà văn đã để cho nhân vật Joseph K. Vướng vào một vụ án vô cùng mông lung, vô hình, thậm chí cho đến cuối tác phẩm, nhà văn cũng không giải thích tại sao nhân vật lại vướng vào vụ án đó, và thậm chí nhân vật cũng không biết mình phạm tội gì mặc dù đã đi khắp tòa án và hỏi các nhân viên công vụ ở đó.

    Thế nhưng, cho dù khó khăn của nhân vật là điều tất yếu xảy ra hay là những tai nạn từ trên trời rơi xuống, tài của người viết vẫn là ở chỗ khiến người đọc đồng cảm và bị cuốn vào tình huống mà nhân vật gặp phải trong truyện, hồi hộp như chính mình đang ở trong tình huống ấy vậy.

    C. Phần phát triển:

    Trong năm thành phần của cốt truyện thì phần phát triển chiếm nội dung dài nhất, nhiều nhất và đồng thời cũng quan trọng nhất, bao gồm nhiều cảnh ngộ, sự kiện và biến cố khác nhau. Tính cách nhân vật chủ yếu được bộc lộ rõ nét và được xác định chắc chắn trong phần này.

    Với các truyện được chia làm nhiều chương, nhiều kỳ, thường sẽ có rất nhiều biến cố xảy đến với nhân vật. Những khó khăn này có thể diễn ra đồng thời hoặc nối tiếp nhau trong cuộc đời nhân vật. Điều này tạo nên sự kịch tính, hồi hộp, là điều níu chân độc giả qua từng chương của tác phẩm.

    Tuy nhiên, nếu các biến cố xảy đến quá nhiều thì nên chia ra mỗi chương chỉ miêu tả một hoặc hai biến cố. Điều này sẽ khiến cho các chương truyện không trở nên quá nặng nề và tạo cảm giác dồn dập, bức bách cho độc giả. Trong mỗi chương cũng nên giải quyết từng phần nhỏ của biến cố, sau đó kết thúc bằng việc mở ra biến cố khác ở cuối chương, tạo sự tò mò cho người đọc hướng về những chương tiếp theo.

    Trong các tiểu thuyết chương hồi cổ điển, thường người đọc sẽ hay gặp câu: "Muốn biết chuyện như thế nào, xin đọc hồi sau sẽ rõ." hoặc "Muốn biết tình hình ra sao, xin hạ hồi phân giải.". Điều này ám chỉ cách viết của người xưa thường sẽ dừng lại ở khúc hồi hộp, gay cấn nhất để níu giữ người nghe, người đọc chờ đón những chương tiếp theo. Ta có thể bắt gặp cách kết thúc chương phổ biến này trong "Tam quốc chí'," Hoàng Lê nhất thống chí ", v. V.

    D. Phần đỉnh điểm:

    Đây là phần cao trào, bộc lộ cao nhất của xung đột. Đỉnh điểm là một thời khắc ngắn nhưng có tác dụng quyết định đối với nhân vật. Đến đây, mâu thuẫn, xung đột đã rất gay gắt và căng thẳng, đòi hỏi phải giải quyết theo một chiều hướng nhất định nào đó.

    Trở lại truyện ngắn" Chí Phèo "của Nam Cao, đỉnh điểm của biến cố đó chính là việc Chí không những bị cả làng Vũ Đại quay lưng, bị Bá Kiến sai vặt" dùng thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò "để lấy tiền mua rượu, mà còn bị Thị Nở từ chối, sau khi đã được thị thức tỉnh tình yêu thương và sự lương thiện trong con người. Rồi Chí uống rượu mà Chí vẫn không say, càng uống lại càng tỉnh. Trước mặt Chí chỉ có hai sự lựa chọn: Một là sống để rạch mặt ăn vạ, để tiếp tục làm con quỷ của làng Vũ Đại mà bấy lâu nay Chí vẫn làm trong cơn say rượu mà không nhận ra, hai là Chí sẽ đâm Bá Kiến rồi tự tử để được làm người lương thiện. Hai con đường này, nhân vật sẽ chỉ được chọn một mà thôi. Phần đỉnh điểm so với phần phát triển có dung lượng ngắn hơn nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, thể hiện toàn bộ tính cách và sự lựa chọn của nhân vật. Ở đây, Nam Cao đã rất tài tình khi lồng ý nghĩa phê phán xã hội đương thời của ông qua tính chất bắt buộc đối với sự lựa chọn của nhân vật. Sự lựa chọn này cho dù thế nào cũng mang đầy tính đau thương.

    Trong xây dựng cốt truyện, sau phần phát triển thường sẽ tới phần đỉnh điểm. Có thể coi phần đỉnh điểm là phân đoạn cao trào mà trong đó nó bộc lộ xung đột một cách rõ ràng và mãnh liệt nhất. Trong phần này, người viết cần tập trung trả lời cho câu hỏi: Mâu thuẫn trong tác phẩm đã được đẩy lên đến mức cao nhất hay chưa? Nhân vật đã thực sự bộc lộ tính cách như thế nào trong lựa chọn bắt buộc phải giải quyết mâu thuẫn?

    Thực tế thì có rất nhiều tác phẩm mang đến nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, tạo ra được những mâu thuẫn, xung đột bước đầu, nhưng chưa phát triển lên đến được đỉnh điểm đã vội vàng tháo nút, vội vàng kết thúc khiến cho độc giả hụt hẫng. Vì thế, tạo ra cao trào cần độ chín của ngòi bút, và là phần thiếu sót rất dễ nhận thấy ở những cây bút nghiệp dư hay còn non nớt. Cho nên, muốn tạo ra được một cốt truyện hay, các tác giả hãy chú ý đến cao trào này, hãy đưa xung đột của nhân vật đến đỉnh điểm nhất có thể.

    Với tiểu thuyết" Chiến tranh và hòa bình "của Lev Tolstoy, cuộc đời của Andrei Bonconsky là chuỗi những bi kịch đau khổ. Sinh ra trong một gia đình quý tộc thượng lưu giàu có, chàng trai có cuộc sống sung túc, đầy đủ và người vợ đẹp đẽ, dịu dàng, nhưng với chàng, cuộc sống ấy lại đầy tẻ nhạt. Andrei khao khát đi tìm lẽ sống, đi tìm khát vọng thoát khỏi cuộc sống tầm thường của mình. Mang trong mình hoài bão lớn, lại gặp lúc chiến tranh đang diễn ra, chàng xung phong ra trận. Nhưng chính trên chiến trường, mơ ước công danh cùng niềm hi vọng tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của chàng trai trẻ đã hoàn toàn sụp đổ. Chàng bị thương nặng. Ngước nhìn lên bầu trời xanh rộng lớn, Andrei thực sự nhận ra sự nhỏ nhoi của kiếp người. Giữa mênh mông, vô hạn của đất trời, nhân sinh nhỏ bé và hữu hạn biết bao.

    Thế nhưng, Lev Tonstoy đã không để bi kịch của chàng Bonconsky dừng lại ở đó, mà đẩy lên tới đỉnh điểm của cao trào. Sau khi bị thương trở về nhà, tâm hồn Andrei vốn đã đầy rẫy chán nản lại phải nhận thêm tột cùng của đau thương. Chàng tận mắt chứng kiến người vợ trẻ chết trong đau đớn sau khi sinh đứa con đầu lòng. Cái chết của Liza cùng với vết thương chiến tranh đã khiến cho Andrei tuyệt vọng. Chàng lui về ở ẩn. Để rồi những tưởng Natasha - cô gái dưới ánh trăng thơ mộng - sẽ mở ra trang mới trong cuộc đời của Bonconsky thì chàng lại bị cha phản đối cuộc hôn nhân, buộc phải trị thương ở nước ngoài. Và Natasha nhẹ dạ, cả tin đã bỏ trốn theo Anatole, con trai của công tước Vassili, khiến cho Andrei đau khổ trả lại kỷ vật.

    Lev Tonstoy đã tạo ra liên tiếp những biến cố trong cuộc đời của chàng quý tộc trẻ, mang trong mình hoài bão lớn lao mà phải trải qua những biến cố tưởng như tuyệt vọng. Nhà văn đã đầy tài năng khi đưa câu chuyện lên đến tận cùng của cao trào, kịch tính, trước khi" mở nút ", mở ra một trang mới trong cuộc đời chàng. Như vậy, phần đỉnh điểm chính là phần thứ tư trong quá trình xây dựng cốt truyện, cũng là phần khiến độc giả" ức chế "và tò mò nhất về hướng giải quyết trong phần truyện tiếp theo.

    E. Phần kết thúc (mở nút)

    Có nút thắt đương nhiên sẽ phải có nút mở. Tựu trung lại, phần mở nút chính là phần giải quyết xung đột của tác phẩm một cách cụ thể. Tại đây, tác giả sẽ trình bày cái kết của toàn bộ xung đột của cốt truyện.

    Cần phân biệt kết thúc của xung đột và kết thúc của tác phẩm. Kết thúc của xung đột có nghĩa là xung đột đã được giải quyết, dù theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Một tác phẩm chỉ trọn vẹn khi các xung đột đưa ra đã được giải quyết hoàn toàn. Còn kết thúc của tác phẩm mới là kết thúc đóng hoặc mở.

    Lại nói về truyện" Chí Phèo "của Nam Cao, kết thúc của tác phẩm là kết thúc mở, bằng chi tiết Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng mình cùng với hình ảnh của cái lò gạch cũ hiện ra. Tuy nhiên, xung đột giữa Bá Kiến và Chí Phèo đã hoàn toàn được giải quyết, dù là theo chiều hướng tiêu cực: Chí vác dao đến nhà Bá Kiến đâm chết hắn và tự kết liễu đời mình.

    Một số cây bút vẫn thường hay mắc phải lỗi này: Các xung đột chưa được giải quyết đã vội vàng kết thúc tác phẩm. Cách kết thúc này không phải là kết thúc mở, mà là yếu tố chỉ ra rằng tác phẩm còn đang dang dở và chưa thực sự là một câu chuyện hoàn chỉnh. Vì thế, khi viết truyện, các tác giả cần đặt ra câu hỏi: Các xung đột được đặt ra trong truyện đã được giải quyết hoàn toàn hay chưa? Nếu chưa được giải quyết thì cần phải thêm vào các tình huống để có thể giải quyết các xung đột này một cách hợp lý nhất.

    Phần mở nút đồng thời cũng chính là phần thể hiện tài năng của nhà văn: Một kết thúc hay của cốt truyện là một kết thúc giải quyết xung đột một cách tự nhiên, hợp lý, phù hợp với quy luật đời sống.

    TỔNG KẾT

    Như vậy, với việc xây dựng cốt truyện, tác giả thường trải qua năm bước chính, cũng là năm phần không thể thiếu:

    - Phần trình bày;

    - Phần thắt nút;

    - Phần phát triển;

    - Phần đỉnh điểm;

    - Phần kết thúc (mở nút).

    Tuy nhiên, tùy theo ý đồ khác nhau trong quá trình viết, mà thứ tự các thành phần này có thể thay đổi. Ta có thể bắt gặp phần" mở nút ", tình huống kết thúc truyện ngay từ đầu tác phẩm, sau đó mới là quá trình nhà văn ghi lại phần trình bày hoàn cảnh, nút thắt, v. V. Của xung đột diễn ra trong truyện. Cũng có khi, tác phẩm được bắt đầu bằng một cao trào, bắt đầu từ phần đỉnh điểm, sau đó mới đến phần thắt nút. Tất cả những sắp xếp này đều phụ thuộc vào tài năng và dụng ý nghệ thuật của từng tác giả đối với" đứa con tinh thần"của mình.

    Viết văn là một hành trình đầy gian nan, khổ cực nhưng đầy vinh quang. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được các tác giả tương lai một phần nào đó khi lên ý tưởng cho cốt truyện của mình. Xin chúc các tác giả thành công!

    ST.
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng mười 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. miyanoka

    Bài viết:
    38
    Cho e cảm ơn ah. Bài này bổ ích thiệt.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...