PHƯƠNG PHÁP VIẾT CHỮ HÁN NHANH MÀ ĐẸP I, Đặc điểm của chữ Hán * Văn tự là hệ thống các ký hiệu ghi chép ngôn ngữ của các dân tộc, văn tự trên thế giới có thể chia thành hai loại chính, văn tự biểu âm và văn tự biểu ý. Sự khác biệt cơ bản của hai loại văn tự này là văn tự biểu âm chỉ dùng một lượng có hạn các ký hiệu (ký hiệu nguyên âm, phụ âm, thanh điệu) để ghi chép ngữ âm của một ngôn ngữ, trong khi đó văn tự biểu ý phải dùng một lượng tương đối lớn các ký hiệu để biểu thị ý nghĩa của các ngữ tố hay từ của ngôn ngữ đó. Chữ Hán cổ là loại văn tự biểu ý, mặc dù hiện nay đại đa số các học giả đều đồng ý rằng chữ Hán hiện đại là loại văn tự ngữ tố biểu thị ý âm (意音语素文字), song tác dụng biểu âm của chữ Hán là rất hạn chế. Điều này hoàn toàn khác với chữ Quốc ngữ, loại chữ biểu âm của Việt Nam. Sinh viên Việt Nam rất bỡ ngỡ khi bắt đầu học viết chữ Hán, việc viết chữ được ví như là vẽ chữ. Hơn nữa, do chữ Hán không phải là loại văn tự biểu âm nên người học phải nắm một lượng lớn số chữ mới có thể sử dụng được. Chính vì vậy, chữ Hán luôn được coi là một trong những khó khăn lớn nhất của sinh viên Việt Nam trong khi học tiếng Hán. Chưa bàn đến chữ viết có đẹp hay không, riêng việc viết đúng chữ Hán đã là một khó khăn rất lớn, hiện tượng viết sai, viết nhầm diễn ra rất phổ biến. Không chỉ vậy, kết quả khảo sát cho thấy có nhiều chữ sinh viên không viết được phải bỏ trống hoặc chỉ viết phiên âm. II. Thực trạng và nguyên nhân học tiếng Hán hiện nay của sinh viên Việt Nam * Tiếng Hán trong mười năm trở lại đây đã thực sự gây nên ―cơn sốt tại Việt nam. Bạn có thể bắt gặp chữ Hán ở bất kỳ nơi nào ở đất nước này, từ những nơi linh thiêng nhất như chùa chiền, miếu mạo hay những biển hiệu cửa hàng hiện đại nơi đô thị và gần gũi hơn nữa là những đồ dùng nhu yếu phẩm hàng ngày như quần áo, bao bì thực thẩm, thuốc men. Những bộ phim truyền hình dài tập Trung Quốc như món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi tối lại kéo các thành viên gia đình quay quần bên máy thu hình. Cùng với sự phát triển của hợp tác kinh tế quốc tế, lượng công ty, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt nam nói chung và Hải phòng nói riêng không ngừng tăng lên. Đáp ứng yêu cầu ―Đào tạo theo nhu cầu xã hội, các trường Đại học mở rộng quy mô liên kết đào tạo với Trung Quốc, Đài Loan; các trung tâm Ngoại ngữ mọc lên như nấm sau mưa các lớp Hán ngữ liên tục chiêu sinh nhằm đáp ứng nhu cầu của người học. Tuy nhiên, sinh viên ngay từ những bài đầu của học phần 1 đã cảm nhận ngay được sự khó khăn khi lần đầu tiên thực sự bắt tay vào học loại văn tự tượng hình này bởi những đặc điểm vốn có của nó như: Khó nhớ, khó đọc, khó viết với lượng chữ quá nhiều, cấu tạo phức tạp, âm đọc không theo quy luật. Những ấn tượng về nét ―phương múa rồng bay của thư pháp chữ Hán bị thay thế bởi những cách viết như ―vẽ chữ, nguệch ngoạc, sai kết cấu, nét nọ ghép với nét kia. Chữ Hán của các em chưa được đánh giá cao bởi tỷ lệ chữ viết sai, viết xấu khá nhiều với các lỗi sai khác nhau. Có những em yêu thích luyện viết chữ Hán song không được luyện tập bài bản nên thiếu sự kiên trì và chữ Hán viết cũng thiếu chính xác. Mặt khác, chất lượng chữ Hán của sinh viên cũng phản ánh phần nào những hạn chế của chương trình giảng dạy nói chung và phương pháp truyền đạt của giáo viên nói riêng. III. Phương pháp viết chữ Hán nhanh mà đẹp cho sinh viên 1.8 nét cơ bản trong tiếng Trung * Nét ngang Nét thẳng ngang, kéo từ trái sang phải. * Nét sổ thẳng Nét thẳng đứng, kéo từ trên xuống dưới. * Nét phẩy Nét cong, kéo xuống từ phải qua trái. * Nét mác Nét cong, kéo xuống từ trái qua phải. * Nét hất Nét thẳng, đi lên từ trái sang phải. * Nét ngang gập Nét ngang kết hợp với nét sổ, nhưng bị gập lại. * Nét móc Nét ngang móc ở cuối nét. * Nét chấm Một dấu chấm từ trên xuống dưới 2.8 quy tắc viết chữ Hán Quy tắc 1: Ngang trước sổ sau Ví dụ: Chữ Thập "十" (số 10) Viết nét ngang trước, nét dọc viết sau. Quy tắc 2: Phẩy trước mác sau Ví dụ: Chữ Bát "八" (số 8) Viết nét phẩy trước, nét mác viết sau. Quy tắc 3: Trái trước phải sau Ví dụ: Với chữ Châu "州" (châu) Viết lần lượt các nét từ trái qua phải: Chấm, phẩy, chấm, sổ, chấm, sổ. Quy tắc 4: Trên trước dưới sau Ví dụ: Chữ Tam "三" (Số 3) Mỗi nét được viết từ trái qua phải và lần lượt từ trên xuống dưới. Quy tắc 5: Ngoài trước trong sau Ví dụ: Chữ Phong "风" (Gió) Bên ngoài viết trước, bên trong viết sau. Quy tắc 6: Vào trước đóng sau Ví dụ: Chữ Hồi "回" (Trở về) Khung ngoài viết trước, viết tiếp bộ khẩu bên trong và cuối cùng là đóng khung lại. Quy tắc 7: Giữa trước 2 bên sau Ví dụ: Chữ Thủy "水" (Nước) Nét ở giữa viết trước, tiếp đến là viết bên trái, rồi viết bên phải cuối cùng. Quy tắc 8: Bộ 辶 và 廴 viết sau cùng Viết các bộ khác trước, bộ sước辶và bộ dẫn viết sau cùng. Ví dụ: Chữ Đây "这" (Đây, này). Bộ văn viết trước, bộ sước viết sau: 3. Cách viết đẹp nét trong chữ Hán Và việc đầu tiên bạn cần làm đó chính là hãy chọn cho mình những chiếc bút mực nước nét đậm và 1 quyển vở tập viết chữ Hán, 1 quyển sách hướng dẫn viết chữ để viết thật dễ nhé, tránh viết bút bi khi mới bắt đầu bởi vì nó có thể sẽ làm cho những chữ bạn thành 1 thói quen ngay từ ban đầu, sau này muốn sửa sẽ rất khó đấy. Sau đó trong quá trình viết bạn cần phải chú ý nét chữ, cấu tạo chữ Hán, bộ thủ.. nếu có thể hãy "bắt chước" trong sách từng nét hất, móc, sổ, đậm, nhạt.. Điều rất quan trọng đó là bạn cần phải nắm được quy tắc viết chữ. Vì chữ Hán nhiều nét, lại là chữ tượng hình không giống như các ngôn ngữ khác có bảng chữ cái do vậy không phải thích viết thế nào là có thể viết mà cần phải thực hiện những quy tắc dưới đây: – Từ trên xuống dưới như chữ tam, công, nghệ.. 三、工、芸 – Từ trái sang phải như chữ xuyên, hiệu, hồ.. 川、校、湖 – Từ ngoài vào trong như chữ quốc, điền, đồng.. 国、田、同 – Ngang trước sổ sau như chữ thập, đại, thổ.. 十、大、土 – Giữa trước trái phải sau như chữ tiểu, thuỷ, băng.. 小、水、氷 – Sổ giữa sau cùng như chữ trung, bán, bình.. 中、半、平 – Nét ngang sau cùng như chữ nữ, tử, mẫu.. 女、子、母 Tiếp theo khi viết chữ Hán vào quyển tập viết thường có kẻ ô sẵn – mỗi chữ viết 1 ô bạn cần phải viết ngay ngắn, thẳng hàng và mỗi con chữ cần phải đều nhau. Cái khó ở đây là các ô chia sẵn thì rất đều nhau nhưng chữ Hán thì lại không có chữ nhiều nét, có chữ ít nét, có chữ to, chữ bé.. Vậy làm thế nào để cân đối các chữ trong các ô vuông đó? Thực ra chính là cách trình bày các chữ ít nét, nhiều nét vào trong ô vuông đều nhau. Hãy nhìn theo mẫu trong sách mà cân đối các nét. Nếu có thể hãy tìm đến sự trợ giúp của thầy, cô. Khi viết chữ Hán bạn cần phải thả lỏng tay của mình, không nên cầm quá chặt bút bởi như vậy sẽ làm cho các đường nét, con chữ của bạn thô cứng, lệch và xấu.. Thả lỏng tay viết mềm mại, nhẹ nhàng như khi bạn viết tiếng Mẹ đẻ của mình vậy. Và điều cuối cùng mình muốn nhắc nhở các bạn rằng muốn viết tốt, viết đẹp chữ Hán thì cần thường chăm chỉ thường xuyện luyện tập. 4. Một số mẹo viết chữ Hán Một số mẹo viết chữ đẹp: Chữ Hán là chữ tượng hình, các nét là đơn vị nhỏ nhất cấu thành nên chữ Hán. Cần chú ý viết đúng và đẹp các nét chữ ngay từ ban đầu, như vậy chữ Hán của chúng ta mới hoàn chỉnh cả về hình ảnh và ý nghĩa. Cũng như cách viết tiếng mẹ để, muốn viết chữ Hán đẹp cần lưu ý những điều sau đây: · Chữ Hán được quy định viết trong 1 ô vuông (đã có sẵn), chúng ta cần căn chỉnh sao cho hợp lí, vừa mắt để có thể viết chữ gói gọn trong 1 ô như vậy. Bạn nên xem mẫu có sẵn hoặc tra từ điển để tham khảo cách viết · Xây dựng tư thế viết chữ và cách cầm bút theo quy chuẩn nhất định. Đặt bút nhẹ hoặc nhấn mạnh đậm nhạt tùy theo sở thích và yêu cầu. · Đưa bút nhẹ nhàng, thả lỏng tinh thần hình dung như bạn đang luyện viết tiếng mẹ đẻ. Lưu ý rằng chữ Hán muốn đẹp trước tiên cần phải viết đúng. Do đó các nét chữ Hán cần viết rõ ràng: Ví dụ nét ngang không được nhầm sang nét mác.. · Khi đã viết xong, nhấc bút nhẹ nhàng, hoặc nhấn nhẹ để tạo các nét hất (nếu có) · Mỗi ngày bạn nên dành ít nhất 30 phút để luyện chữ. Luyện chữ nhiều sẽ giúp bạn viết đẹp hơn, nhớ chữ đó lâu hơn! · Một số mẹo viết chữ nhanh: Cách 1: · Luyện viết chữ thật nhiều, viết tăng tốc độ dần dần. · Bật file nghe, phim ảnh, bài hát lên, nghe và viết lại. · Nhớ thật kĩ các chữ đã học bởi nếu bạn muốn viết nhanh nhưng không nhớ chữ đó viết như thế nào thì tất nhiên bạn sẽ không thể viết nhanh được. · Khi luyện viết chữ, tư thế ngồi cũng rất quan trọng. Nếu bạn ngồi thẳng, đúng tư thế thì tốc độ viết chữ cũng sẽ được cải thiện một cách đáng kể. · Khi mới học viết, không nên vội vàng bắt chước các chữ mẫu viết liền nét bút mà cần viết đúng theo thứ tự và số nét của chữ đó. Cách 2: Luyện gõ chữ Hán trên máy tính, điện thoại. Thật may mắn khi hiện giờ bạn có thể gõ chữ Hán trên máy tính, điện thoại mà không cần viết tay nữa. Ngoài, học thư pháp cũng là một cách hay để bạn có thể vừa luyện chữ. Vừa rèn luyện đức tính kiên nhẫn, đồng thời tìm hiểu sâu hơn nữa về văn hóa thư pháp vốn tồn tại rất lâu đời của Trung Hoa. Nếu muốn viết chữ Hán đẹp, bạn có thể không cần đăng kí các lớp học thư pháp thay vào đó tập luyện hàng ngày theo mục tiêu nhất định. Ví dụ: 1 ngày bạn đặt chỉ tiêu viết 20 lần chữ 德, tin rằng nếu áp dụng cách này thành công, các bạn không chỉ viết chữ Hán đẹp mà còn làm phong phú thêm vốn từ vựng tiếng Trung của bản thân rất nhiều. 5. Kết luận: Viết chữ Hán cân đối, đẹp là một kĩ năng. Kĩ năng này cần được rèn luyện trong một quá trình trên cơ sở nắm vững các kiến thức cơ bản về chữ Hán và viết chữ Hán. Khi dạy học viết chữ không chỉ phải đặc biệt chú ý đến phương pháp dạy học viết nét, viết chữ mà còn phải chú ý đến việc tổ chức dạy học. Viết đúng chữ Hán đã khó, viết chữ theo quy phạm, viết đẹp lại càng khó nên cần có sự quan tâm và đầu tư thích đáng.