Cảm và cúm lây sang người khác thường nhất bằng các tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết (như nước mũi) của người bệnh, có thể là từ tay người này sang tay người khác, hoặc qua trung gian như nắm cửa.. Vi rút có thể tồn tại trong môi trường từ hai đến tám tiếng đồng hồ. Khi tay ta tiếp xúc với các chất tiết này, rồi dụi vào mắt, mũi, miệng của mình, ta sẽ bị lây bệnh. Do đó, điều quan trọng đầu tiên để phòng cảm và cúm là: - Nên rửa tay thường xuyên. Tốt nhất là rửa với xà bông và nước ấm, khoảng 20 đến 30 giây. Hai mươi đến ba mươi giây là khoảng thời gian mà ta hát bài "Happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday, happy birthday, happy birthday to you" khoảng hai lần. - Không vứt bỏ khăn chùi mũi bừa bãi. - Khi ho hay ách xì, nên che miệng bằng khăn giấy, nên bỏ khăn ngay sau khi dùng. Nếu không sẵn khăn giấy thì nên che miệng bằng cánh tay, chứ không phải bằng bàn tay, để giảm bớt các chất tiết dính vào bàn tay rồi qua các vật dụng hoặc bàn tay người khác. - Tránh sờ, móc tay, ngón tay vào mắt, mũi, miệng. Các vi rút cảm và cúm cũng có thể lan truyền qua các hạt li ti bay trong không khí sau khi người bệnh ho hay ách xì, do đó, nên tránh tiếp xúc kéo dài với người bệnh. Người bệnh cũng nên nghỉ làm khi còn triệu chứng, để mau giảm bệnh và tránh lây cho người trong sở làm. Dù nằm trong các hạt li ti trong không khí sau khi người bệnh ho hay ách xì ra, vi rút lại không có trong nước bọt của người bệnh trong 90% các trường hợp. Do đó, trên lý thuyết, điều lý thú là bị (hay được) người bệnh hôn, thường không khiến ta bị lây bệnh. Nhiều người vẫn tưởng là lạnh là một nguyên nhân gây ra cảm hay cúm. Thật ra, nhiều nghiên cứu cho thấy khí hậu lạnh không phải là nguyên nhân của cảm hay cúm. Lạnh có thể gây ra viêm mũi do co giãn mạch máu trong mũi, có triệu chứng giống như cảm, nhưng đó không phải là cảm, và không lây. Tuy nhiên, dù sao, giữ cơ thể đủ ấm vẫn là điều tốt và cần thiết. Bên cạnh các phương pháp phòng ngừa rất quan trọng kể trên, áp dụng cho cả cảm và cúm. Ta còn có thể để phòng cúm bằng cách dùng thuốc ngừa. Thuốc ngừa cúm gồm có vắc xin, và thuốc trị cúm cũng có thể dùng để ngừa cúm. Vắc xin ngừa cúm thường dùng nhất là loại thuốc chích, ra hàng năm. Nếu ngừa bằng thuốc này, ta phải dùng hàng năm, vì như đã nói, vi rút cúm rất mau thay đổi cấu trúc di truyền, và mỗi năm người ta đều phải chế ra thuốc ngừa cho năm đó. Thuốc ngừa có hiệu quả từ 70 đến 90%, và phải chích sớm, vì thuốc cần khoảng hơn hai tuần để cơ thể có thể tạo ra kháng thể. Hiện nay, cũng có loại thuốc hít ngừa cúm, nhưng chỉ có thể dùng cho người từ 2-49 tuổi mạnh khỏe và không có thai (những người không mạnh khỏe và có thai không nên dùng loại thuốc chủng hít qua mũi này), ngay cả ở những người tiếp xúc với những người có nguy cơ cao. Ai muốn ngừa cúm đều nên chủng ngừa cúm, nhưng những người có nguy cơ cao bị bệnh, và nếu bị thì dễ bị nặng, và bị biến chứng, cần chú ý để chủng ngừa hơn. Do bệnh cảm cúm thường có nhiều biểu hiện nhẹ với các triệu chứng rất phổ biến như sốt, ho dai dẳng trong một vài ngày nên nhiều người chủ quan cho rằng bệnh sẽ tự khỏi nên ít đến cơ sở y tế khám. Tuy nhiên, nếu không điều trị hoặc điều trị quá muộn, bệnh cảm cúm cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, nhất là với những người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, phổi mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch.. Nguy hiểm nhất là hội chứng Reye ở trẻ em (hội chứng Reye rất ít gặp nhưng biến chứng rất trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao). Hội chứng Reye hay xảy ra nhất trong khoảng từ 2 đến 16 tuổi, vài ngày sau khi bị cúm. Khi các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và nôn mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ lờ đờ hoặc mê sảng, giật kinh phong rồi đi dần vào hôn mê và có thể tử vong rất nhanh. Do vậy, khi có các triệu chứng của cảm cúm cần điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ, không nên coi thường bệnh mà nguy hại cho sức khoẻ. Rất nhiều trường hợp khi bị cảm cúm tự ý mua các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt về uống mà không đến cơ sở y tế khám. Điều này hết sức nguy hiểm bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn chứ không có tác dụng đối với virut nên việc tự điều trị kháng sinh với cảm cúm là không đúng và sẽ không giúp bệnh thuyên giảm. Hơn nữa, biểu hiện chính của bệnh cúm là sốt, ho, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên nếu chưa chẩn đoán chính xác được bệnh mà tự ý điều trị bằng kháng sinh càng khiến bệnh diễn tiến nặng hơn cũng như làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Người dùng kháng sinh cũng có thể phải chịu tác dụng phụ như ban đỏ, tiêu chảy trong khi bệnh cúm vẫn không khỏi. Thuốc kháng sinh chỉ được dùng nếu có biểu hiện của nhiễm khuẩn và phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh cảm cúm lây truyền do virus cúm từ người bệnh phát tán vào môi trường xung quanh, gia tăng mạnh trong thời gian này là do thời tiết trở lạnh. Để phòng chống bệnh cảm cúm, mọi người cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tránh đến chỗ đông người khi có dịch cảm cúm; Ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung vitamin cho cơ thể.. ; Người bị cảm cúm cần nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây lan virut. Do bệnh cảm cúm xảy ra quanh năm và ai cũng có thể lây cúm nên việc tiêm vaccin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất, tốt nhất niên tiêm khi cơ thể khoẻ mạnh để cơ thể sinh kháng thể phòng chống cúm hiệu quả.