Tự Truyện Phụ Huynh Và Con Cái - Vỹ Nam Phong

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Vỹ Nam Phong, 17 Tháng bảy 2020.

  1. Vỹ Nam Phong

    Bài viết:
    13
    Tác giả: Vỹ Nam Phong

    Tác phẩm: Giải thoát linh hồn - Phụ huynh và con cái

    Thể loại: Tự truyện, nghe và kể lại


    Link thảo luận - góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Vỹ Nam Phong

    Bạn là một bậc phụ huynh, nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân rằng bạn có thực sự hiểu những đứa con của mình chưa?

    Lâu nay bạn luôn mặc định, vì bạn là phụ huynh nên bạn chắc chắn sẽ hiểu những đứa con của mình hơn ai hết, bạn biết chúng suy nghĩ những gì, biết chúng muốn những gì.. Bạn nghĩ bạn biết tất cả, nhưng thực chất thì bạn chẳng biết gì về chúng cả!

    Ừ thì bạn yêu thương con của bạn đấy, bạn luôn muốn những điều tốt đẹp dành cho con bạn đấy, nhưng sao bạn không hỏi chúng muốn gì? Hoặc là bạn đã từng hỏi, nhưng chúng im lặng, vì sao ư? Vì chúng sợ, chúng sợ khi nói ra mong muốn của bản thân thì bạn lại từ chối, như thế thì nói với không nói có khác gì nhau đâu. Hoặc là bạn chưa từng hỏi chúng muốn gì, bạn chỉ chăm chăm theo ý kiến của bản thân bạn.

    Tôi đi nhiều nơi, tôi tiếp xúc nhiều người, tôi nhìn thấy nhiều hoàn cảnh. Hôm nay, trong bài viết này tôi sẽ lấy ví dụ về một gia đình mà tôi từng thấy để các bậc phụ huynh có thể dạy con theo đúng cách và con cái sẽ mở lòng với mẹ cha hơn.

    (Lưu ý: Bài viết này được viết dựa trên cách nhìn phiến diện của bản thân tôi, là ý kiến chủ quan)

    Gia đình ấy có hai đứa con, một trai và một gái. Đứa con gái là đứa lớn, tính tình lúc nhỏ hoạt bát, vui vẻ và khá là ngoan với cha mẹ lẫn người ngoài. Khi càng lớn thì cô lại càng trở tính, ăn nói cộc lốc với cha mẹ hơn, đôi khi còn tỏ ra thái độ không vừa ý. Đối với cha mẹ là thế, nhưng với người ngoài thì lại cư xử rất lễ độ, nhiều người còn khen cô ngoan hiền lễ phép. Đọc tới đây chắc bạn sẽ nghĩ cô con gái của nhà này bị đa nhân cách hoặc có vấn đề về thần kinh phải không? Có vẻ là vậy, nhưng đừng chỉ nhìn kết quả, mà hãy nhìn quá trình để tạo ra kết quả đó.

    Tôi đã thử tiếp cận và trò chuyện cùng cô ấy. Lúc này tôi mới biết nguyên nhân khiến cô thường hay chống đối cha mẹ là gì. Khóe mắt cô ấy hơi nhòe đi, sống mũi ửng hồng khi tâm sự với tôi.

    "Nhà có hai chị em, tôi là đứa lớn, còn một thằng em nữa. Từ lúc có em, tôi cảm giác bản thân như một người thừa thãi trong chính căn nhà đó. Em tôi được thiên vị đủ đường, dù nó có sai thì người ba mẹ mắng mỏ đầu tiên vẫn là tôi. Đến khi nó lớn, đã ý thức và có suy nghĩ tự lập về mọi thứ rồi vẫn tiếp tục được thiên vị. Dù tôi có cố gắng ra sao, có làm tốt bổn phận của một đứa con, một người chị như thế nào thì vẫn không thể bằng được một đứa con trai.. Tôi biết mình là chị thì không nên có suy nghĩ ích kỉ như thế, nhưng tôi thực sự không hề thoải mái chút nào. Họ chưa từng hỏi về suy nghĩ của tôi, chưa từng hỏi tôi cảm thấy như thế nào."

    Nói tới đây, cô ấy đã khóc. Hóa ra cô ấy không hề mạnh mẽ như cái cách cô ấy thể hiện mọi ngày. Cô ấy nói tiếp:

    "Anh có hiểu cái cảm giác khi bốn người ngồi ăn một bữa cơm gia đình, nhưng ba, mẹ và em trai tôi thì cười nói vui vẻ, còn tôi thì một mình ngồi ở phía đối diện chỉ có thể cắm gằm mặt ăn cho nhanh hết bữa cơm hay không? Cảm giác đó giống như tôi đang nhai một trái khổ qua trong miệng vậy, nhai từ từ, nghiền nát nó ra, đến nỗi vị đắng theo tận xuống dạ dày vẫn chưa nguôi bớt!"

    Như vậy, ta có thể thấy nguyên nhân đầu tiên và dễ gặp nhất khiến con cái và cha mẹ ngày càng cách xa nhau ở những gia đình là cách yêu thương con cái còn chưa đồng đều. Đồng ý là anh/chị thì phải nhường nhịn em mình, bao gồm nhường luôn cả tình thương của cha mẹ; vì mình là người sinh ra trước, đã được nhận nhiều sự yêu thương hơn em mình rồi. Nhưng không thể vì thế mà các bậc phụ huynh lại "cắt xén" bớt tình thương của mình dành cho con cả được, không thể vì thế mà lơ là đi cảm xúc của con mình.

    Cô ấy im lặng một lúc, như là để tự trấn an lòng mình trước khi tiếp tục giãi bày tâm sự với tôi.

    "Tôi cũng rất thèm khát những lời tán dương, những lời khen thưởng từ ba mẹ. Họ cũng đã khen thưởng tôi, nhưng tôi cảm giác những lời đó rất giả, nó không hề thật chút nào.. Chắc do ngày thường họ hay răn đe tôi rằng không nên cảm thấy tự hào về những lời khen, những lời khen đó chỉ làm cho tôi ngày càng tệ, hãy nghe theo những lời chỉ bảo, những lời răn dạy, nó sẽ làm tôi tốt hơn. Những điều đó không hề sai, nhưng nếu như vậy thì tôi cảm giác mình chẳng khác gì một cỗ máy không cảm xúc, không có quyền tự hào về bản thân, chỉ có thể ngày càng cố gắng để tốt hơn, để không trở thành một phế vật. Tôi cố gắng rất nhiều, rất rất nhiều, nhiều đến mức tôi tưởng chừng mình sắp ngừng thở. Ba mẹ nào mà chẳng muốn con cái mình tốt hơn, ba mẹ tôi cũng vậy, tôi biết điều đó. Nhưng sao họ không không khích lệ tôi, động viên tôi thay vì chỉ biết đem tôi ra so sánh với con nhà người ta chứ, tại sao?"

    Cô ấy quẹt đi vệt nước mắt lăn dài trên gò má, uống hết cốc nước rồi ngước cổ lên để kiềm chế cảm xúc, kiềm chế những giọt nước mắt đang chực rơi xuống.

    Nghe cô ấy nói vậy, tôi thật sự cảm thấy bản thân may mắn khi từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng bị đem ra so sánh với bất kì một ai. Thế giới có bao nhiêu người? Có bao nhiêu gia đình? Có bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra ở những gia đình đó? Rất nhiều! Nhưng đâu có đứa trẻ nào được sinh ra trong hoàn cảnh giống nhau, được lớn lên trong môi trường giống nhau, được nuôi dạy bằng những cách thức giống nhau, ngay đến cả tâm tính của chúng cũng khác nhau thì các bậc phụ huynh lấy điểm gì tương đồng giữa chúng với "con nhà người ta" ra mà so sánh đây? Lẽ nào đem việc những đứa con của mình với "con nhà người ta" đều là con người ra để mà so sánh à? Thức tỉnh đi những bậc phụ huynh, con là do bạn sinh ra, là do bạn nuôi nấng, là do bạn dạy dỗ, là do chính bạn đã tạo ra chúng, không phải là người khác đã tạo ra chúng; vậy nên cũng đừng lấy chúng ra để mà so sánh với con nhà người ta nữa! Việc so sánh như vậy chẳng thể làm những đứa trẻ của bạn tiến bộ hơn, tốt hơn, đồng ý là cũng có những đứa trẻ dựa vào việc so sánh đó mà cố gắng để tiến bộ, nhưng đó chỉ là số ít; còn phần lớn chính là sẽ dễ khiến những đứa trẻ ấy càng tự ti hơn về bản thân, trở nên rụt rè và nhút nhát, nghiêm trọng hơn nữa có thể dẫn đến bệnh trầm cảm! Dừng việc so sánh lại đi, ít nhất thì bây giờ vẫn chưa là quá muộn.

    Cô ấy còn chia sẻ thêm với tôi về việc gia đình chẳng ai hiểu tính cách của cô ấy như thế nào, họ chỉ luôn muốn ép cô ấy vào một cái khuôn tính cách mà họ đã chuẩn bị sẵn.

    "Đâu phải ai cũng giống ai, cha mẹ sinh con trời sinh tính mà. Ba mẹ tôi cũng thật buồn cười, mãi rồi tôi chẳng thể hiểu rốt cuộc họ mong muốn tôi trở thành cái gì. Khi tôi sôi nổi, nhiệt huyết thì họ lại bảo tôi tiết chế lại, con gái con lứa mà lại chẳng thục nữ dịu dàng thế này thế kia. Khi tôi thâm trầm, học cách im lặng, học cách suy nghĩ trước khi nói, học cách ăn nói nhẹ nhàng thì họ lại chê bai tôi. Rằng tôi ngu ngốc, thứ gì cũng không biết, chẳng bằng một góc của em tôi. Thật ra những gì tôi biết còn nhiều hơn cả em tôi, chỉ là tôi im lặng, tôi không muốn mất thời gian vào việc tranh cãi vô ích ấy. Nhìn thấy em mình vì một xíu hiểu biết hiển nhiên mà được ba mẹ nức nở khen ngợi, tôi đã đố kỵ, đã tủi thân.."

    "Sao cô không thử ngồi xuống trò chuyện với họ để cha mẹ hiểu thêm về cô?"

    "Có chứ, tôi đã từng nói với họ suy nghĩ của tôi, nhưng cuối cùng tôi chỉ nhận được câu nói" Mẹ là mẹ con chứ không phải con của con! ". Tôi đủ thông minh để hiểu ý của bà ấy là gì. Ba mẹ tôi sẽ mãi mãi chẳng thể hiểu được tôi đâu.."

    Tôi thấy cô ấy cười trong nước mắt, nụ cười mới chua chát làm sao. Trước khi chia sẻ với tôi về gia đình, cô ấy cũng có nói ba mẹ cô ấy được sinh ra và lớn lên trong thời kì nửa phong kiến. Có lẽ vì vậy nên họ không thể tiếp cận được với cách giáo dục con cái đầy hiện đại. Ba mẹ tôi cũng được sinh ra trong thời kì nửa phong kiến như vậy, nhưng thật may mắn cho tôi vì họ sống ở một đất nước văn minh, nên đã sớm loại bỏ được những cách giáo dục cũ. Dù là vậy, có lẽ tôi cũng như cô ấy – ngưỡng mộ những đứa trẻ được sinh ra trong những gia đình văn minh, có cha mẹ biết cách thấu hiểu con cái, biết cách làm bạn với con cái thay vì chỉ biết đặt những đứa con của mình vào khuôn mẫu, cho chúng bước đi từng bước trên con đường cũ mà họ đã từng đi qua.

    "Lắm lúc tôi còn tự cười giễu bản thân. Cứ tưởng ba mẹ phải là người hiểu tôi nhất chứ, nhưng khi tiếp xúc với xã hội, tôi lại thấy rằng mức độ hiểu biết về tôi của ba mẹ lại còn chẳng bằng một người dưng!"

    Đừng để bản thân phải hối hận khi chưa từng một lần thử, hãy chọn một thời gian thích hợp, một ngày đẹp trời mà bạn chắc rằng hôm ấy tâm trạng của con bạn là tốt nhất, là cởi mở nhất để sẵn sàng giãi bày tất cả tâm tư từ lúc bắt đầu có sự hiểu biết về thế giới với bạn. Lúc ấy, hãy tạm quên đi thân phận của bạn là một người cha, người mẹ, hãy tạm quên đi công việc kiếm tiền của bạn, mà hãy trò chuyện với con như một người bạn thực sự. Lúc ấy, bạn chẳng cần nói gì, cũng đừng xen vào khi con bạn đang tâm sự với bạn, hãy cứ im lặng và lắng nghe thôi. Tôi tin rằng kết quả sẽ làm bạn ngạc nhiên hơn tưởng tượng đấy!

    END.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng bảy 2020
  2. Huyên Lê Nhân Ái Huyên Lê Nhân Ái

    Bài viết:
    2
    Dường như thấy được cái bóng của bản thân trong câu chuyện: >
     
    Vỹ Nam Phong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...