Phong tục đón trung thu của một số nước châu á

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi linhgiang99cat, 25 Tháng chín 2020.

  1. linhgiang99cat

    Bài viết:
    277
    Những nước có Tết Trung thu

    Trung Thu sắp tới, để hòa theo không khí của ngày lễ truyền thống (cũng là để hưởng ứng event), mình xin phép giới thiệu một số nét đặc biệt trong phong tục đón Tết Trung Thu của một số quốc gia Châu Á.

    Việt Nam

    Là người Việt, mỗi người trong chúng ta đều có ấn tượng với ngày Tết truyền thống này, nhỏ thì mong chờ những chiếc bánh ngọt ngào cùng cây đèn lấp lánh, âm thanh vang dội của những điệu múa lân hòa cùng tiếng cười nô đùa với bè bạn. Lớn thêm chút nữa là háo hức bên gia đình trải qua một ngày ấm áp hay cùng nhau đi chơi, qua những con đường tràn ngập ánh đèn và mặt nạ đủ hình dáng. Ở Việt Nam, Tết Trung Thu là của thiếu nhi.

    [​IMG]

    Tết Trung Thu ở Việt Nam không biết được bắt nguồn như thế nào, cũng chẳng có một mốc thời gian rõ ràng nào trong lịch sử ghi chép về sự xuất hiện của ngày này và đa số thì cho rằng: Rằm tháng Tám được du nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng có nhiều truyền thuyết để giải thích về ngày Tết này chẳng hạn như truyền thuyết về Hằng Nga (các bạn nhỏ thường gọi chị Hằng), Chú Cuội trông trăng, Thỏ Ngọc.. Mỗi câu chuyện có một sức hút riêng với các bạn nhỏ và đều chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, dù vậy bên cạnh những câu chuyện mang màu sắc kỳ ảo thì dựa vào thực tế trong quyển "Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam Quyển Hạ" nhà văn Toan Ánh cho rằng: Theo sách cổ thì Tết Trung Thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung Thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu trông trăng nên còn gọi là Tết Trông Trăng.

    Các hoạt động trong ngày này bao gồm: Cúng trăng (Tế nguyệt), Ngắm trăng (Thưởng nguyệt), Thi cỗ và thi đèn, Hát Trống quân, Múa Sư tử (múa lân)


    Cúng trăng - Tế nguyệt

    Trong đêm 15 tháng 8 âm lịch hằng năm, khi trăng rằm tỏa sáng, lễ tế thần mặt trăng bắt đầu. Trên bàn thờ có hoa quả, có bánh hình mặt trăng còn gọi là bánh "đoàn viên", bởi lẽ, trong dịp này, cả gia đình có dịp đoàn tụ để cùng ăn bánh và cùng thưởng thức ánh trăng thu trong trẻo và bầu không khí ấm áp của đêm rằm đến với mọi nhà.


    Ngắm trăng - Thưởng nguyệt

    Thú ngắm trăng dịp Trung thu trở nên thịnh hành, thể hiện nhiều trong thơ ca thời này. Nhưng đến đời Tống, lễ hội ngắm trăng mới chính thức trở thành Tết Trung thu. Tục lệ ăn bánh hình mặt trăng (bánh nướng, bánh dẻo) trong dịp Tết Trung thu cũng bắt đầu từ thời này.

    Tết Trung Thu là tết của trẻ em. Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gộp là bánh trung thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.

    Trẻ em đón tết có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống.. sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ. Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Trong dịp này, để thưởng trăng có rất nhiều cuộc vui được bày ra. Người lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.


    Thi cỗ và thi đèn

    Trong ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô.

    Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.

    [​IMG]


    Hát Trống quân

    Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng.


    Múa Sư tử - Múa lân

    Múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người ta thường múa Lân vào hai đêm 14 và 15 trong khi đó thì trẻ em thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, khoảng mùng 7, mùng 8 (đám Lân của trẻ em chỉ mang tính vui chơi). Ðám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân. Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.

    Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

    Những hoạt động này lưu truyền đến hiện nay, dù nhiều nơi không còn thực hiện đầy đủ như vậy nữa nhưng ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu vẫn không đổi thay: Trung Thu là Tết Thiếu nhi, cũng là ngày của đoàn viên.

    [​IMG]


    Trung Quốc - Trung thu là Tết đoàn viên

    "Hy vọng chúng ta sống lâu và có thể chia sẻ vẻ đẹp của mặt trăng cùng nhau, dù chúng ta có trăm dặm xa xôi"​

    Đây là câu thơ trong bài thơ nổi tiếng thời Đường của Tô Thức từng nói về ý nghĩa của ngày lễ Trung Thu trong văn hóa Trung Quốc.

    Trung Quốc được xem là cái nôi của nền văn hóa Phương Đông, vì vậy không lạ gì khi Trung Quốc cũng được coi như là "cha đẻ" của lễ hội Trung thu.

    Trong phong tục của người Hoa, tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Trong suốt hàng nghìn năm, Trung thu đã là dịp để các gia đình Trung Quốc và cộng đồng tụ họp cùng nhau, chúc mừng và cảm ơn mùa màng bội thu từ mùa hè. Cứ đến ngày này dù có làm ăn xa xôi ở đâu, mọi thành viên cũng sẽ đều trở về quê hương quây quần bên gia đình và ăn bữa cơm đoàn viên.

    Người Trung Quốc thường treo lồng đèn trước cửa nhà và trên phố vào Trung Thu. Trẻ em thì cầm đèn lồng và các cửa hàng hoặc gia đình làm bánh trung thu nhiều vị phong phú. Trong đêm rằm tổ chức rất nhiều hoạt động: Thả đèn trên sông, thả đèn lồng Khổng Minh lên trời để cầu may mắn, hạnh phúc đến với gia đình và người thân.

    Tương tự người Việt, mâm cỗ thưởng trăng của người Trung Quốc không thể thiếu được hai loại bánh truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền mà người ta có các loại bánh mang hương vị đặc trưng riêng. Sau bữa cơm sum họp, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau thưởng nguyệt (ngắm trăng) và ăn bánh trung thu dưới ánh đèn lồng lung linh. Một trong những hoạt động không thể thiếu được trong dịp Trung thu của người Hoa đó là rước đèn lồng và múa rồng lửa. Người dân tin rằng rồng lửa sẽ mang lại nhiều may mắn và an lành tới mỗi gia đình.

    Như vậy, các bạn có thể thấy nhiều nét tương đồng giữa phong tục đón Trung Thu của người Hoa và người Việt.

    [​IMG]


    Nhật Bản - Lễ hội ngắm trăng

    Lễ hội Trung thu được du nhập vào Nhật Bản bắt nguồn từ Trung Quốc từ hơn 1000 năm trước. Thay vì có nhiều sự tích giống như Việt Nam (chị Hằng, chú Cuội) truyền thuyết về tết Trung thu ở Nhật chỉ xuất hiện hình ảnh chú thỏ ngọc

    Mặc dù, sau thời Minh Trị Duy Tân (khoảng cuối thế kỷ 19), Nhật Bản không còn sử dụng lịch âm nữa nhưng cho đến nay, khắp nơi trên đất nước Nhật Bản vẫn còn gìn giữ tập tục ngắm trăng vào đêm Trung thu. Theo quan điểm người Nhật, Trung Thu là thời điểm trăng đẹp nhất và sáng nhất, dù không phải trăng lúc nào cũng tròn.

    Ở Nhật Bản, lễ hội Trung thu ngày Rằm tháng 8 Âm lịch được gọi là "thập ngũ dạ" (đêm mười lăm) hoặc "Trung thu danh nguyệt" (Trung thu trăng sáng). Vào ngày này, người Nhật thường bày bánh Tsukimi Dango (một loại bánh truyền thống nhất trong dịp Trung Thu, bánh Tsukimi thường được làm đơn giản và bày trên ban thờ để dâng lên Mặt Trăng) theo hình tam giác trên một kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki sau đó đặt mâm bánh ở bất cứ nơi nào có thể ngắm trăng rõ nhất, để vừa ăn bánh, vừa ngắm trăng, còn trẻ em được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.

    [​IMG]

    Ngoài ra, trong lễ Trung thu còn có các món ăn như khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen.. Bánh Tsukimi Dango là loại bánh được làm từ bột gạo, bánh tròn mềm, với xốt mặn, ngọt đặc trưng, thường được xiên vào que tre và uống kèm trà xanh.


    Hàn Quốc - Lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên

    Đối với người Hàn Quốc thì Trung Thu là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm (còn được gọi là Chuseok hay Hangawi), cũng được diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch, đây là lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên của người Hàn Quốc.

    Chuseok kéo dài trong 3 ngày, và cũng giống như Trung Quốc cùng Việt Nam, Chúeok là khoảng thời gian mọi người nghỉ ngơi và quanh quần bên gia đình, dù con cái ở xa cũng phải quay về đoàn tụ cùng cha mẹ. Là một lễ hội mừng mùa bội thu, trong ngày lễ Chuseok, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo.. để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên, còn trẻ em thì mặc trang phục truyền thống như người lớn, được vui chơi và ăn bánh trung thu.

    [​IMG]

    Bên cạnh đó, vào những ngày này người Hàn Quốc cũng thường tới thăm mộ tổ, dọn cây dại và làm sạch khu vực quanh mộ (truyền thống này giống với nghi thức tảo mộ ngày tết Thanh minh)

    Khác với bánh trung thu của Việt Nam và Trung Quốc, bánh trung thu Hàn Quốc gọi là Songpyeon, được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông, có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn hoặc vuông. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với nhiều màu sắc khác như: Hồng, xanh đậm, vàng..

    [​IMG]

    Khi làm lễ, người con trai trưởng mở cửa trước với hàm ý "mời" tổ tiên về nhà, sau đó dâng hoa, rượu, đồ ăn và châm hương, cùng các thành viên khác vái lễ. Người Hàn Quốc trong dịp này còn đi tảo mộ tổ tiên, một số người leo lên các ngọn núi để thể hiện tấm lòng đối với ông bà đã khuất.

    Theo truyền thống, sau khi người con trai trưởng làm lễ cúng tổ tiên, cả gia đình nhảy cùng nhau dưới ánh trăng, những cô gái mặc quần áo truyền thống nhiều màu sắc và chơi trò chơi truyền thống. Nếu trung thu ở Việt Nam có múa lân thì trung thu Hàn Quốc có múa mặt nạ Talchum, nhảy vòng tròn Ganggangsullae.​


    Thái Lan – Trung thu là "Tết cầu trăng"

    Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là "lễ cầu trăng", tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất.

    [​IMG]

    Mọi người đều tham gia lễ cúng trăng rằm. Mọi người ngồi quanh mâm cỗ với những món đồ đặc trưng của mùa thu như đào, sầu riêng, bánh Trung thu và chúc nhau mọi điều tốt lành. Đặc biệt bưởi là loại trái cây không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống. Người Thái tin rằng bưởi tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy.

    Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.

    Bởi vậy, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào. Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào.


    Campuchia Trung thu là lễ "bái nguyệt tiết" - Lễ hội vái lạy trăng

    Tết Trung thu ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn so với các nước châu Á khác. Người Campuchia thường tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch chứ không phải 15/8 như các nước Châu Á khác. Lễ hội này thường được gọi là lễ hội Ok Om Pok. Sáng sớm ngày 15, người Campuchia sẽ tổ chức "bái nguyệt tiết" (lễ hội vái lạy trăng) với các vật cúng gồm: Hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía.

    [​IMG]

    Cốm dẹp món ăn đặc trưng của lễ hội trông trăng của người Campuchia.

    Buổi tối, mọi người đặt đồ cúng vào khay, đem để trên một chiếc chiếu lớn và ngồi chờ trăng lên. Khi mặt trăng nhô lên đầu cành cây, mọi người thành tâm bái nguyệt, cầu xin ban phước. Sau đó, người già lấy gạo dẹt nhét vào miệng của trẻ con, nhét cho đến lúc không thể nào nhét vào được nữa mới thôi, để cầu viên mãn, điều tốt đẹp.

    [​IMG]

    Lễ hội thả đèn gió một nét văn hóa rất đặc trưng của Campuchia

    Trong lễ hội người ta thường tổ chức cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn.

    Có thể nói, dù ở những nền văn hóa khác nhau, Trung Thu luôn là một điều đặc biệt với bất cứ cá nhân nào, luôn là một dịp được đông đảo mọi người chờ đón!

    Chúc các bạn một kỳ Trung Thu vui vẻ, đáng nhớ!

    Tổng hợp nhiều nguồn.
     
    Last edited by a moderator: 29 Tháng tám 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...