Truyện Ngắn Phận - Trang Sach

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi TRANG SACH, 27 Tháng chín 2021.

  1. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Tên truyện: PHẬN.

    [​IMG]

    (Ảnh: Từ internet, Sài gòn những năm 1960)​

    Tác giả: Trang sach .



    Thể loại: Truyện ngắn .



    Link thảo luân: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Sáng Tác Của TRANG SACH

    Buổi trưa, trời Sài Gòn nắng gắt. Khói xe và cái nắng làm cho người ta mỏi mệt. Vừa khám xong một bệnh nhân ở Bình Thạnh, tổng đài gọi cho tôi báo có một bệnh nhân ở Lữ gia, quận 11.

    "Bên khu đó không có bác sĩ sao?" Tôi hỏi "Vì anh đang ở tận Thanh đa."

    "Hôm nay các bác sĩ khác đều kẹt hết, chỉ còn mình anh thôi. Anh ráng đi nhá" tổng đài báo lại.

    "Ok em, anh sẽ đi, nhưng báo bệnh nhân là chờ phải gần một tiếng nhé."

    Khi ngồi lên xe, cái yên xe nóng hổi. Tôi đạp cần khởi động đến hơn mười lăm nhát máy vẫn không nổ. Tôi biết bệnh của chiếc cúp 78 đời cuối của tôi. Phải đẩy thôi. Tôi để số một, đẩy một đoạn khởi động máy. Mặc dù để số một đẩy xe rất nặng, nhưng sau ba lần đẩy xe và chạy một đoạn dài xe đã nổ được.

    Bài khởi động con ngựa sắt này tôi đã làm thường xuyên, nhất là xe để hơi lâu một tí. Mặt mũi, lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi. Trong nắng trưa và khói xe oi bức, tôi chạy về khu Lữ gia.

    Lữ gia, khu biệt thự cũ, yên tĩnh. Nhà nào cũng rất lớn, có tường bao. Từ cổng vào nhà đi qua một khoảng sân rộng với nhiều cây râm mát.

    Cả đoạn đường vắng, các biệt thự núp sau những vườn cây, cửa đóng im lìm trong giấc ngủ trưa. Nhà 12.. đúng địa chỉ tôi được báo. Cửa cổng nhà mở rộng. Trước cửa, bốn người phụ nữ đang ngồi trong im lặng.

    "Phải nhà có người bệnh cần khám không hả chị?" Tôi hỏi.

    Cả bốn người cùng đứng lên.

    "Đúng rồi chú, chú là bác sĩ hả?" Người phụ nữ gần sáu mươi tuổi hỏi.

    "Dạ vâng!"

    Người mẹ và ba cô gái chừng hai mươi đến ba mươi tuổi dẫn tôi vào. Đến hàng hiên tất cả dừng lại. Trong nhà ánh sáng mờ ảo. Từ ngoài trời nắng đi vào lóa mắt tôi chẳng thấy gì bên trong. Căn nhà tĩnh mịch um tùm cây lá bốn bề.

    "Bệnh nhân ở đâu?" Tôi hỏi.

    "Trong đó", cả bốn cánh tay chỉ vào trong nhà.

    "Ai vào mở đèn giúp tôi nhé?"

    Không thấy ai nhúc nhích. Cả bốn người nhìn tôi, tôi nhìn lần lượt bốn người trong yên lặng. Tôi bước đến cửa. Đã dần quen với ánh sáng trong nhà, cuối căn phòng rộng tôi thấy một cái phản gỗ trong góc và một bóng người rất gầy nằm trên đó. Tôi bước vào đến bên tấm phản để túi dụng cụ xuống, nhìn ra cửa chẳng thấy ai động đậy đi theo.

    "Bác bệnh thế nào?" Tôi hỏi.

    Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng lá xào xạc ngoài vườn và thỉnh thoảng ánh nắng lấp lóa chiếu vào trong căn phòng mờ ảo, tối tối.

    Trên tấm phản, một người đàn ông khoảng chừng hơn sáu mươi tuổi nằm ngửa yên lặng, rất gầy, có lẽ chưa tới ba mươi ki-lô-gam.

    "Bác thấy trong người thế nào?" Tôi hỏi lần nữa. Cũng chỉ là tiếng xào xạc của cây lá, ánh nắng lấp lóa chiếu qua khe cửa trong căn phòng tối.

    Tôi lấy dụng cụ ra khỏi túi bắt đầu khám. Khi bắt mạch cổ tay chẳng thấy đập. Tôi cố gắng tập trung cảm giác vào đầu ngón tay để có cảm nhận tốt nhất, vì đôi khi có những bệnh nhân mạch rất yếu, nhưng chẳng thấy một chút cảm nhận nào.

    Tôi nghe tim, cũng không có tiếng tim, không có rì rào phế nang. Cố gắng tập trung lần nữa, chẳng có một âm thanh nào trên ngực bệnh nhân, chỉ có tiếng xào xạc xào xạc của cây lá ngoài kia trong trưa vắng vọng vào. Cố đẩy ống nghe thật sát vào hai lỗ tai, tập trung hơn. Chẳng có tiếng tim, không hơi thở. Tôi nhìn ra cửa, trong bóng tối nhìn ra ánh sáng tôi thấy bốn phụ nữ vẫn chăm chú nhìn vào bên trong, nhưng ai cũng rất im lìm, lạ lùng. Họ chẳng nói một lời. Tôi đưa tay lên mũi bệnh nhân để cảm nhận hơi thở. Không có một làn hơi nhẹ nào cả. Da bệnh nhân âm ấm trong cái nắng nóng hâm hấp của buổi trưa hè Sài Gòn. Đèn pin tôi rọi vào mắt, đồng tử bệnh nhân dãn rộng. Tôi bước ra ngoài.

    "Bệnh nhân đã mất rồi mà?" Tôi nói.

    "Cần khám bệnh gì nữa mà gọi bác sĩ."

    "Dạ gọi bác sĩ để biết ổng đã đi thật sự chưa."

    Tôi mang túi dụng cụ ra về. Chẳng ai hỏi về tiền công khám bệnh cả. Tôi cũng không hỏi làm gì. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi ở với người chết một mình. Lúc trong đó vì tập trung khám nên bình thường. Giờ thấy trong người là lạ, cảm giác bần thần, râm ran. Thường thì ở bệnh viện, có những bệnh nhân không qua khỏi, xung quanh cũng có đồng nghiệp, người nhà của bệnh nhân. Lần đầu tiên tôi thấy người thân lại sợ người chết đến như thế. Ông ấy ra đi không có ai bên cạnh, không người thân, không hàng xóm, họ hàng. Tôi nghĩ ông ấy đã từng thành đạt mới có được căn biệt thự rất lớn trong khu này. Khi còn thân thế có lẽ lúc nào cũng có kẻ đưa người rước. Thế mà lúc từ dã cõi trần trong cô đơn. Ông ấy bạc phận thế. Thường trước khi nhắm mắt, con cháu, họ hàng vây quanh, nhà cửa đèn đuốc sáng trưng ồn ào. Người sắp ra đi nói lời trăn trối cuối cùng. Có những giọt nước mắt tiễn đưa, có những lời thương tiếc cảm động. Còn ông một mình ra đi trong trưa nắng hâm hấp, trong một căn nhà vắng, trong một khu biệt thự im lìm tĩnh lặng.

    Người tôi lại rung lên, điện thoại reo.

    "A- lô, có bệnh nhân khu sân bay nha anh."

    "Thế à, đọc địa chỉ đi, anh sẽ đi."

    Khu biệt thự gần sân bay Tân Sơn Nhất, khác hẳn với khu biệt thự Lữ gia. Những biệt thự mới, những cánh cổng cao, kiến trúc hiện đại. Đường mới, nhà mới, màu sơn mới, cảm giác tươi mới và có sức sống chứ không tĩnh lặng và lạnh lẽo cô đơn ở chỗ tôi vừa đi ra cách đây hơn nửa tiếng.

    Tôi bấm chuông. Chờ chừng ba phút, cánh cổng lớn được mở, tôi dắt xe vào.

    Từ phòng khách lớn, một phụ nữ mặc chiếc đầm màu xanh nước biển rất đẹp.

    Chị có dáng người cao, sang trọng. Vẻ mặt chị toát lên sự trẻ trung, tự tin và thành đạt

    "Chào chị."

    "Chào cậu."

    Chị nhìn con ngựa sắt, nhìn tôi từ đầu đến chân chầm chậm.

    "Cậu từ trung tâm 10.."

    "Dạ vâng!"

    Sau khi quan sát mang tính đánh giá không được lịch sự lắm cô ấy đưa tôi vào nhà.

    "Ông nhà tôi đang nằm ở trong phòng."

    Tôi khám: Nhiệt độ 39, 5 •C; huyết áp 138 / 95 mmHg..

    "Anh bị sốt siêu vi". Đây là bệnh của người giàu đứt tay. Ở quê tôi chỉ xông và ăn cháo tiêu hành là được.

    Tôi kê toa và cáo từ.

    Người phụ nữ hỏi giá khám bệnh.

    Tôi trả lời: "100.000 đ, như giá trung tâm đã báo chị."

    Cô ấy đưa tiền trong vẻ mặt lạnh lùng, không một lời cảm ơn, không một bước tiễn khách, nói vọng ra: "Chị cả, mở cửa."

    Thường tôi đi khám tại nhà bệnh nhân, đa số người ta trả tiền khám cho vào phong bì lịch sự, đôi khi có người thêm tiền típ ở trong đó. Thỉnh thoảng cũng có những người như chị. Cũng có những người bình dân, họ không có phong bì, chỉ đưa tiền thẳng trực tiếp, nhưng vẻ mặt và cách đưa của họ mình cảm nhận một sự trân trọng, một tình cảm chân thành.

    Dắt xe ra khỏi khu biệt thự mới với một tâm trạng không vui. Nhưng cũng có nhiều ngày gặp những gia đình chân chất tình cảm, mang lại niềm cảm thông cho nhau.

    Trời chiều, cái nóng dịu bớt, thành phố đã lên đèn. Ánh chiều chập choạng, khí trời oi bức của đầu hè làm người hâm hấp mồ hôi. Chuẩn bị về nhà để tắm gội cho mát mẻ. Mới đi được một quãng đường, điện thoại lại rung trong túi.

    "Anh ơi, ở quận 5 có bệnh nhân cần khám anh ráng đi thêm nhé?"

    "Thế à? Cũng không có bác sĩ gần đó à? Anh lại ở tuốt sân bay!"

    "Giờ còn mình anh thôi, ráng đi giùm em nhé!"

    Em tổng đài êm ái nỉ non.

    "Cũng chờ hơn nửa tiếng nha em."

    "Ok anh."

    Bệnh nhân ở trong một chung cư xây từ những năm 1960, đã xuống cấp nghiêm trọng. Ai cũng cơi nới, không còn ban-con hóng gió. Người ta còn hàn sắt qua khỏi ban-con để phơi đồ và để các vật dụng khác, không theo một trật tự nào.

    Chân cầu thang nào cũng có một gia đình ở và bán nước ở đó, chỉ chừa lại một lối đi hẹp. Tôi hỏi bệnh nhân là cô Lưu thị Phận, mười chín tuổi ở lô C

    "Con Phận à, ở đây cả ba lô A, B, C ai cũng biết nó." Chị bán cà phê ở căn góc sát cổng nói.

    "Bà Tám dẫn bác sĩ vô chỗ con bé Phận giùm."

    Chị gọi một bà lão đi ngang qua.

    "Bác sĩ theo bà Tám nha."

    "Dạ, cám ơn chị!" Tôi chào chị.

    "Tội nghiệp mẹ con nó. Con Lang, số nó thật khổ. Đẻ con Phận ra, bại liệt từ nhỏ, chồng bỏ đi biệt. Nó ở vậy nuôi con mười chín năm nay." Bà Tám vừa đi vừa kể. Bà nhiệt tình dắt tôi đến chỉ vào chân cầu thang: "Mẹ con nó ở đó."

    Trời bắt đầu mưa, những hạt mưa đầu mùa oi bức ngột ngạt.

    Ở gần cuối chân cầu thang có một bức vách chắn ngang bằng miếng ván ép mỏng.

    Người mẹ ốm gầy, hai má hóp sâu, mái tóc bạc và xơ xác. Đối diện cầu thang, một bàn nước, một tủ nhỏ trong đó có đủ thứ nước ngọt kê sát tường, ở trên vách chị treo đủ thứ mì gói, bánh snack, các đồ chơi của trẻ nhỏ nhà nghèo. Tôi bước theo chị vào trong. Một cái giường đơn kê sát vách, sát trên đầu là trần cầu thang.

    Trước mặt tôi không phải là cô gái tuổi mười chín thanh xuân căng tròn đầy sức sống như bao cô gái khác mà Phận như một bé gái nhỏ khoảng mười tuổi, ốm gầy, hốc hác.

    "Bé ho và sốt cả tuần nay rồi bác sĩ ạ. Bé thở rất khó khăn, không ăn uống được."

    "Bé bệnh nhiều lần chưa hả chị?"

    "Thỉnh thoảng bé vẫn bệnh, nhưng không mệt và thở khó như vậy. Lần này kéo dài hơn tuần mà thấy bé rất mệt nhọc, bỏ ăn mấy hôm nay rồi ạ."

    Khám bé xong, tôi báo chị:

    "Bé bị viêm phổi nặng rồi chị ạ. Em sẽ kê toa thuốc, ngày mai em sẽ tái khám lại. Tuỳ tình trạng của bé mà mình tiếp tục uống thuốc ở nhà hay phải đi viện."

    "Bác sĩ giúp làm sao ở nhà, chứ đi viện tôi không đủ tiền đâu."

    Ngoài trời mưa như trút nước, nước chảy lênh láng, tôi chưa thể về.

    Ngồi ở chân cầu thang cũ kỷ, gạch vữa lổ chổ trên vách, sàn trốc hết xi măng lồi lõm.

    "Chị sống thế nào? Cái tủ nước này có nuôi nổi hai mẹ con không?"

    "Cũng nhờ bà con thương tình cho ở đây, dưới gầm cầu thang này, lại còn mua giúp, thỉnh thoảng cho cái này cái nọ, mẹ con cũng qua ngày."

    Trời đã mưa nhẹ hạt. Bóng đèn điện đỏ quạch, mờ tối, heo hắt ở chân cầu thang ẩm ướt.

    "Xin phép chị em về đây."

    "Cậu cho chị gửi tiền khám bệnh?"

    "Em không cho mẹ con chị thêm nữa là lấy tiền khám. Em sẽ hỏi xin thuốc tốt cho bé. Chị mua đỡ toa này một ngày, mai em mang thuốc đến cho bé."

    Tôi bước ra đường, trời còn mưa lâm râm. Lòng mình lại xốn xang, cồn cào. Cuộc sống sao có quá nhiều mảnh đời đau thương thế!

    Cơn mưa lớn làm Sài Gòn mát dịu hẳn. Qua khu nhà chung cư mờ tối, tôi vào đường Trần Hưng Đạo, phố lớn lên đèn sáng tỏa lung linh những giọt mưa lấp lánh mát mẻ.

    (Hết)

    26-9-2021

    CTS
     
    nhiphuongpham, Dana Lê, Gi Gi48 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng ba 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...