Phân tích Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thư Min MIn, 19 Tháng tám 2020.

  1. Thư Min MIn

    Bài viết:
    12
    Cánh chim bồ câu trắng đã sải cánh tự do trên nền trời xanh, lá cờ đỏ sao vàng đã phất lên hiên ngang trước gió, có được những điều thiêng liêng ấy, phần lớn là nhờ máu và mồ hôi của biết bao anh hùng dân tộc, biết bao những chiến sĩ kiên trung, yêu nước thiết tha, đặc biệt là Bác Hồ – một Người lính Cách mạng, một Người cha đã dẫn dắt cả dân tộc thoát khỏi bóng đêm nô lệ lầm than. Thế nhưng, tuổi đời của Bác lại quá đỗi ngắn ngủi để có thể chứng kiến nước Nam – Tổ quốc Người yêu hoàn thành thống nhất. Sự ra đi ấy của Người đã để lại biết bao tiếc thương, xót xa cho đồng bào dân tộc trong đó không hể không kể đến Viễn Phương – một trong những cây bút có mặt sớm nhất ở lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam và thời kì chống Mĩ cứu nước. Ông đã viết nên tình cảm dạt dào cũng như nỗi niềm xót thương của mình khi ra Hà Nội thăm lăng Người vào bài thơ "Viếng lăng Bác" :

    "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

    Đã thấy trong sương hàng tre bắt ngát

    * * *

    Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

    Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này"

    Khi cuộc chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước ta thống nhất, lăng Bác cũng khánh thành. Lúc này, Viễn Phương – một người con miền Nam ra Bắc thăm Bác đã cho ra đời tác phẩm vô cùng thành công – "Viếng lăng Bác" vào năm 1976 với sự thành kính và niềm xúc động trực trào. Và xúc cảm dâng tràn này đã được nhà thơ miêu tả vô cùng chi tiết – khi vừa bước đến đứng trước lăng cho đến khi cùng dòng người đi vào lăng, nhìn thấy Người cha mà ông thầm mong mỏi tận mắt và cuối cùng là nỗi niềm không thể nén lại khi phải đối mặt với giờ phút ly xa cứ thế mà từ đó Viễn Phương khéo léo dẫn dắt người đọc đi qua từng cung bậc khác nhau của cảm xúc.

    Giờ đây, khi vừa đến trước lăng, vừa được trở về bên Bác sau khi đi từ một nơi rất xa về không gian và cả thơi gian, cảm xúc của người con như Viễn Phương đã không thể nào ngăn nổi mà tuôn tràn, xúc cảm ấy cũng đã được diễn tả rất sâu sắc trong đoạn thơ:

    "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

    Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

    Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

    Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng"

    Câu thơ mở đầu khổ cũng như mở đầu cho tác phẩm tựa một lời thông báo không mỹ miều nhưng dạt dào tình cảm chân thành, chứa đựng biết bao điều sâu xa. Nhà thơ nói mình ở miền Nam tức là ở tuyến đầu Tổ quốc, ở nơi máu đổ ròng rã suốt bao năm trời. Vậy rõ ràng, từ Nam ra Bắc thực tế có là cuộc hành hương xa xôi cách trở đi nữa cũng là chuyến đi mà Viễn Phương mong mỏi từ lâu bởi đó không phải đơn giản là đi ra thăm một công trình kiến trúc hay đi chiêm nghiệm trước vi hài một vĩ nhân mà đó là chuyến đi của một cái cây tìm về cội, lá tìm về cành, máu chảy về tim, sông trở về nguồn, là cuộc trở về để báo công với Bác, để được Bác âu yếm ôm vào lòng và khen ngợi. Ở đây, ta còn thấy tác giả đã xưng "con" – từ ngữ mà trong ngôn từ của nhân loại không có chữ nào lại có thể xúc động và sâu nặng bằng. Và chính cảnh xưng hô đậm chất Nam Bộ: "Con-Bác" vừa gần gũi, thân thiết vừa ấm áp tình thân thương mà vẫn rất mực thành kính, thiêng liêng này đã diễn tả được tâm trạng bồi hồi xúc động, tình cảm thiết tha dâng trào của một người con ra thăm nhà, thăm Người cha già tóc bạc mà mình luôn yêu thương hết mực sau bao năm xa cách. Nói là "thăm" – gặp gỡ, trò chuyện với người đang sống nhưng thật ra là viếng – đến chia buồn với thân nhân người chết, vậy ở dòng thơ này ta thấy Viễn Phương còn dùng biện pháp nói giảm nói tránh để giảm bớt nỗi đau buồn, xót xa vô ngần trước sự ra đi của Bác đồng thời còn khẳng định Bác vẫn còn mãi trong trái tim người miền Nam nói riêng và toàn dân tộc nói chung. Nhưng cái hay của khổ thơ không chỉ dừng lại ở việc dùng từ ngữ bình dị này mà còn ở hình ảnh cây tre thân thuộc – thứ gây ấn tượng đầu tiên trong lòng người thi sĩ Viễn Phương khi vừa đến lăng Bác. "Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát" - chắc hẳn rằng nhà thơ phải đến từ rất sớm mới bắt gặp được hình ảnh hàng tre bát ngát hiện lên trong màn sương long lanh, huyền ảo của bầu trời Hà Nội như vậy. Như ta đã biết thì bao đời nay, lũy tre xanh đã trở thành một nét đẹp của làng quê, đất nước Việt Nam. Tre đi vào đời sống tinh thần, trở thành người bạn thân thiết luôn giúp đỡ nhân dân ta trong mọi công việc: "Tre gữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín." Nhưng ở đây, hình ảnh hàng tre không chỉ dừng lại ở tầng nghĩa đó mà trước mắt Viễn Phương hiện lên là "hàng tre bát ngát", "bát ngát" – sự rộng lớn, mênh mông, qua đó mà nhà thơ so sánh gầm "hàng tre xanh xanh" với người Việt Nam và nước Nam. Tre luôn đoàn kết, gắn bó tạo nên một lũy thành to lớn, kiên cường, thách thức gió mưa, giông bão. Từ đó, Viễn Phương đã nhân hóa, ẩn dụ hàng tre như thế là tinh thần đoàn kết, khí thái hiên ngang, bất khuất và dũng cảm chiến đấu với kẻ thù của người Việt Nam. Tác giả bật lên sự cảm than – "Ôi!" vừa đầy thương cảm vừa mang vẻ tự hào khi ấn tượng về lũy tre, thương cảm bởi dân tộc ta đã phải gánh chịu bao nhiêu "bão táp mữa sa" và tự hào là dù trải qua bao khắc khổ, mỗi người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng vẫn "đứng thẳng hàng", một lòng kiên định, vững bền trong sự ngiệp giữ nước, thà là những người chết đứng chứ nhất quyết không chịu sống quỳ, suốt đời phải chịu kiếp nô lệ cho bọn giặc hung ác, đức tính cao quý này của dân tộc ta cũng được thể hiện rõ trong thơ của Nguyễn Duy:

    "Thân gầy guộc, lá mong manh

    Mà sao nên lũy nên thành tre ơi"

    Bên cạnh đó, từ láy "xanh xanh" trong "hàng tre xanh xanh" được sử dụng chính là để biểu đạt rằng dân tộc Việt Nam ta sẽ luôn "xanh" màu xanh bất diệt màu xanh bất diệt. Nhưng Viễn Phương không chỉ dùng biểu tượng với tất cả sự đẹp đẽ - hàng tre ấy để ca ngợi đất nước, con người Việt mà còn muốn nói đến mối liên kết giữa Bác với quê hương, người dân. Khi xưa, Bác từ giã làng quê cùng hàng tre xanh mát để ra đi tìm đường cứu nước và giờ đây, Bác lại về, về giữa vòng tay của quê hương, về bên những con người cần cù, chịu khó. Và những "hàng tre bát ngát", "hàng tre xanh xanh" bao quanh lăng ấy chính là tượng trưng cho vòng tay lớn của toàn thể dân tộc Việt đang bao bọc lấy vị lãnh tụ vĩ đại, là tượng trưng cho hình dáng những người con của dân tộc đang quây quần, đứng cạnh bên Bác – người cha già đang đi vào giấc ngủ an lành, sự sát cánh bên Cha ấy sẽ tồn tại mãi..

    [​IMG]

    Sau khi hiểu đươc những ý nghĩa của tre qua sự ẩn dụ khéo léo vừa hay vừa tạo sự kết nối, liên hệ chặt chẽ đầy đặc biệt giữa tre, con người Việt Nam và Bác Hồ thân thương, ta lại theo chân Viễn Phương tiến gần vào lăng Bác, trong không không khí trang nghiêm lúc này, nhà thơ chợt bắt gặp những hình ảnh đẹp nao lòng người:

    "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

    Thấy một mặt trời trên lăng rất đỏ

    Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

    Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"

    Hình ảnh "mặt trời đi qua trên lăng" là hình ảnh thực, đó là mặt trời kì vĩ, vĩnh hằng mà từ lâu luôn rọi chiếu ánh sáng của sự sống cho trái đất, nhân loại. Nếu như "mặt trời" trong câu thơ thứ nhất là một thực thể của thiên nhiên vũ trụ, của vạn vật thì "mặt trời" trong câu thơ thứ hai lại là một hình ảnh ẩn dụ sáng tạo cũng vô cùng tinh tế về Bác. Như vầng thái dương sáng ngời chân lý, Bác Hồ rọi ánh sáng cách mạng vào tâm hồn để vực dậy sự sống tươi đẹp cho những con người đang đắm chìm trong bóng đêm nô lệ. Người là thuyền trưởng lãnh đạo con thuyền đưa dân tộc Việt Nam đi qua những ngày tăm tối nhất, là nguồn sáng vĩ đại soi tỏ con đường Cách mạng cho toàn thể dân tộc Việt Nam đi đến chiến thắng trọn vẹn. Nếu như mặt trời của vũ trụ mỗi ngày tỏa ánh sáng ấm áp xuống nhân thế thì Bác – Người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng đất nước cũng là một mặt trời luôn ngời sáng, sưởi ấm linh hồn của nhân dân Việt Nam bằng tình thương trìu mến mà Tố Hữu đã từng so sánh Bác như "Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ" - cái nghĩa, cái nhân lớn lao của Bác đã tác động mạnh mẽ, sâu xa tới mỗi số phận con người. Và việc so sánh Bác tựa mặt trời đầy ý nghĩa như thế này thật ra cũng đã được sử dụng rất nhiều trong thi ca:

    "Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười

    Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi

    Người rực rỡ một mặt trời cách mạng

    Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng

    Đêm tàn bay chập choạng dươi chân người"

    ( "Sáng tháng năm" – Tố Hữu)

    [​IMG]

    Nhìn lại dòng đầu khổ thơ, ta thấy cụm từ "ngày ngày" chỉ sự liên tục của thời gian mà nhà thơ Viễn Phương sử dụng đã góp phần bất tử hóa hình ảnh Bác cũng như vĩnh viễn hóa những lý tưởng mà Người mang lại trong tâm trí người Việt Nam. Rồi cụm từ "ngày ngày" này tiếp tục được điệp lại ở dòng thơ thứ ba của khổ như nhà thơ đang muốn khẳng định mạnh mẽ một chân lí: Nếu mỗi ngày mặt trời đi qua trên lăng, mang ánh sáng ấm áp đến cho vạn vật sinh sôi là một điệp khúc không thay đổi của thời gian thì công ơn Bác ngự trị trong lòng người dân Việt là mãi mãi không thể mờ nhạt theo năm tháng dần trôi đi và cảnh tượng trải dài miên man vô tận của dòng người ngày ngày vào viếng lăng Bác đã trở thành một điệp khúc của lòng kính yêu Người. Cả đoàn người từ khắp mọi miền vào thăm lăng Bác Hồ cứ lặng lẽ xấp hàng "đi trong thương nhớ", nặng trĩu nhớ thương vị lãnh tụ kính yêu, nỗi nhớ da diết ấy kết thành "tràng hoa" dâng lên Người. "Tràng hoa" một hình ảnh ẩn dụ sáng tạo: Mỗi con người Việt Nam với tấm lòng yêu kính chân thành là một đóa hoa tươi thắm, hàng triệu con người Việt Nam với tấm lòng kính yêu chân thành sẽ trở thành một tràng hoa ngát hương, rực rỡ sắc màu dâng lên Người, dâng lên "bảy mươi chín mùa xuân". Ở đây, "bảy mươi chín mùa xuân" là hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho bảy mươi chín năm tuổi đời dành trọn cho non sống của Bác. Mỗi tuổi đời của Bác là một mùa xuân tươi đẹp dâng hiến cho Tổ quôc. Và giờ đây, Bác chính là mùa xuân còn dòng người là vô vàn đóa hoa tươi thắm, khoe sắc giữa "mùa xuân" – một hình ảnh đẹp đẽ, đắt giá biết bao!

    [​IMG]

    Đi theo dòng người mà đã được tác giả miêu tả ở khổ trên hết sức độc đáo, để lại nhiều dấu ấn đặc sắc đó vào viếng thăm Bác, giây phút này đây, người thi sĩ Viễn Phương đã nhìn thấy được Người cha già mà mình yêu quý, kính trọng hết mực:

    "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

    Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

    Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

    Mà sao nghe nhói ở trong tim"

    Bác nằm ở đó, nhẹ nhàng, thanh thản như đang chìm trong giấc ngủ ngon - Việc sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh của nhà thơ ở đây nhằm giảm nhẹ nỗi đau thương trong lòng những người con đất Việt khi Bác Hồ đã nằm xuống yên nghỉ. Bác Hồ đang nằm đó "nằm trong giấc ngủ bình yên", cả cuộc đời Người đã cống hiến hết sức lực cho việc nước với niềm mong ước mãnh liệt một ngày non sông, giang sơn Việt Nam ta được hòa bình, khi niềm mong ước phải đánh đổi biết bao vất vả, đau thương ấy đã thực hiện được, Người đã có thể nghỉ ngơi an yên trong giấc ngủ bình thản hơn bao giờ hết, giữa một thứ ánh sáng dịu hiền dìu dịu lan tỏa khắp không gian trong lăng Người, đó như là ánh sáng của vầng trăng – người bạn tri âm, tri kỉ của Bác. Là thế, hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền" đã gợi cho chúng ta nghĩ đến tâm hồn, cách sống cao đẹp, thanh cao, sáng trong của cụ Hồ không những thế còn cho ta nhớ đến người bạn luôn kế cận bên Người lúc sinh thời, người bạn mà Bác yêu quý và đã được Người ngợi ca vẻ đẹp qua biết bao sáng tác thơ ca:

    "Tiếng suối trong như tiếng hát xa

    Trăng lòng cổ thụ bóng lồng hoa"

    (Cảnh khuya)

    "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

    Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ"

    (Ngắm trăng)

    Suốt cả cuộc đời, Bác gắn bó mật thiết với người bạn trăng. Trong những năm tháng kháng chiến đầy gian lao, khắc khổ hay ngay cả trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch, vâng trăng thiên nhiên vẫn luôn là người bạn cận kề bên Bác, vầng trăng trở thành tri kỷ, chứng kiến những thăng trầm, gian truân cũng như những hi sinh mà Bác trải qua trong cuộc đời Cách mạng. Đến hôm nay, khi Người đã từ biệt cõi tạm mà trở về cõi vĩnh hằng, vầng trăng đẹp đẽ ấy vẫn tiếp tục ở cạnh vỗ về cho giấc ngủ ngàn thu của Người. Ta thấy, chỉ có thể bằng trí tưởng tượng, lòng yêu quý thiết tha những vẻ đẹp trong nhân cách cũng như sự thấu hiểu chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhà thơ mới sáng tạo nên những ảnh thơ đẹp như vậy! Và rồi, trong khoảnh khắc thiêng liêng bên cạnh nhìn Bác an nghỉ giữa ánh sáng nhè nhẹ tựa ánh trăng đó, nhà thơ không thể kìm nén nỗi đau xót cùng sự xúc động trong tâm khảm mà bật lên tiếng nấc nghẹn ngào, được thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ sâu xa: "Vẫn biết trời xanh là mãi mãi". "Trời xanh" trước tiên được hiểu theo nghĩa tả thực là hình ảnh thiên nhiên mà chúng ta hằng ngày vẫn đang chiêm ngưỡng, nó tồn tại mãi mãi. Còn mặt khác, "trời xanh" còn là hình ảnh ẩn dụ sâu xa rằng Bác vẫn còn mãi với con người và đất nước Việt Nam tựa trời xanh vĩnh hằng kia như Tố Hữu cũng từng viết: "Bác sống như trời đất của ta", bởi Bác đã hóa thân thành thiên nhiên để hòa với Tổ quốc, dân tộc. Nhà thơ Viễn Phương hay ai trong chúng ta cũng đều nghĩ trong lòng rằng vị lãnh tụ kính yêu chỉ đang ngủ, Ngài sẽ mãi trường tồn trên trời xanh vĩnh cửu mà dõi theo từng bước đi lên của dân tộc. Nhưng trong lí trí vẫn biết quy luật sinh tử của tạo hóa là điều bất biến - dẫu thế nào, ra sao Bác cũng đã thật sự ra đi. Việc Người bước sang một thế giới khác đã để lại sự mất mát to lớn, không gì có thể bù đắp nổi nơi con người và đất nước Việt Nam. Và chính cặp quan hệ từ "vẫn.. mà" đã cho ta thấy sự mâu thuẫn trong lý trí và tình cảm, mâu thuẫn giữa "vẫn biết trời xanh là mãi mãi" với "nghe nhói trong tim". Bởi, dù tỏ tường rằng quy luật tự nhiên là không thể thay đổi nhưng nhà thơ vẫn không thể chấp nhận sự thật mà "nghe nhói ở trong tim" – "nhói" – đỉnh điểm của sự đáu đớn, xót thương đến quặn thắt tim gan, dồn nén tới mọi giác quan trên cơ thể con người. Thứ cảm xúc ấy khiến người đọc thật đồng cảm, xúc động. Khoảnh khắc yếu lòng, cảm xúc đau đớn, tuyệt vọng này cũng có nơi Tố Hữu:

    "Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

    Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài

    Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm."

    Nỗi đau xót thấu tận tâm can của tác giả khi gặp Người – Hồ chủ tịch và giờ đây, khi đã đến phút phải chia ly, phải nói lời tạm biệt, xúc cảm ấy càng bộc lộ mạnh mẽ qua lời nói giản dị diễn tả tình cảm sâu lắng:

    "Mai về miền Nam thương trào nươc mắt"

    Ngày mai, tác giả phải rời xa vị lãnh tụ kính mến như thể một người con phải rời xa cha để trở vào miền Nam, ông nói lời giã biệt với Người cha già mà chẳng biết bao giờ mới có dịp được thăm lại Người. Một từ "mai" thôi đã cho thấy được khoảng thời gian ngắn ngủi mà nhà thơ còn ở lại nơi Bác nghỉ, trong lòng ông tràn đầy bao lưu luyến, bịn rịn không muốn rời xa. Cụm từ "thương trào nước mắt" nghe dào dạt mà thấm sâu, là sự kính yêu cuộc đời cao cả của Bác, là nỗi đau xót khi phải đối mặt với giờ phút chia ly cận kề. "Thương" ở đây bao trùm cả thương yêu, thương kính và thương xót, thương đã đến "trào nước mắt" là niềm cảm xúc mãnh liệt, không thể dừng lại, không thể kiềm chế mà tuôn trào theo dòng lệ - những giọt nước mắt trước lúc chia xa. Cảm xúc đó cũng chính là cảm xúc của hàng triệu con người Việt Nam, hàng triệu những trái tim ấm áp, rộng lớn luôn hướng về Người cha già của toàn thể nhân dân Việt Nam.

    Chính lúc này, những cảm xúc xót xa, đau thương nghẹn ngào dồn nén trở thành nguyên nhân để nhà thơ nói lên ước nguyện sâu thẳm trong tâm hồn:

    "Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

    Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

    Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này"

    Điệp ngữ "muốn làm" được lặp lại nhiều lần như để khẳng định ước muốn chân thành của nhà thơ. Đó là tâm nguyện mãnh liệt, là niềm khao khát cháy bỏng được hóa thân thành những hình ảnh thiên nhiên đẹp nhất ở lại bên Bác, để hòa nhập với Người cha sống giản dị, yêu thiên nhiên nồng nhiệt. Người thi sĩ Viễn Phương muốn làm "con chim" cất lên tiếng hót mê say ru thêm giấc ngủ ngon cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, muốn làm "đóa hoa tỏa hương thơm dâng lên Người cha già cũng như dâng hiến cho cuộc đời thêm nhiều sắc hương. Và thật cao đẹp là bao khi nhà thơ muốn hóa thân làm" cây tre "– một cây tre trung hiếu trong muôn ngàn khóm tre quanh lăng Bác như để có thể được ở lại bên Bác mãi. Hình ảnh cây tre ở những câu thơ đầu bài này được lặp lại trong những câu thơ cuối bài tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng giúp hoàn thiện biểu tượng cây tre Việt Nam, Nếu ở những câu thơ đầu bài, biểu tượng tre là tượng trưng cho phẩm chất kiên cường, bất khuất thì ở những câu thơ cuối, hình ảnh tre xuất hiện lại là tượng trưng cho phẩm chất trung hiếu của quân đội Việt luôn trung với Bác, hiếu với dân – cây tre giờ đây đã trở thành biểu tượng toàn vẹn cho phẩm chất của con người và dân tộc Việt Nam.

    [​IMG]

    Ta thấy, qua một loạt biện pháp nghệ thuật nhân hóa, điệp ngữ, ẩn dụ, hoán dụ đầy đặc sắc, cách nói giảm nói tránh cùng việc lựa chọn ngôn từ bình dị mà cô đúc mà tác giả đã thể hiện nỗi niềm xúc động, tâm trạng xót xa khôn xiết tâm can của chính mình và cũng là của triệu triệu con người Việt Nam khi Người cha đất Việt đã ra đi thật rõ nét. Chính tiếng khóc xé lòng vì Bác đã ra đi được viết vào tác phẩm này của ông cũng đã đưa độc giả đến những cung bậc cảm xúc đỉnh điểm nhất của nỗi nhớ thương Người cha già đáng kính của dân tộc.

    Tóm lại, qua tác phẩm" Viếng lăng Bác "với những biện pháp nghệ thuật và cách dùng từ đầy ấn tượng, nội dung được xây dựng cảm động, Viễn Phương đã viết nên những lời ca ngợi Bác, ca ngợi dân tộc vô cùng chân thành, chỉ ra mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Bác và dân cũng như những cảm xúc từ tận đáy lòng, từ sâu thẳm trong trái tim bình dị của mình từ khi vừa đến trước lăng cho đến lúc phải nói lời biệt ly một cách không phô trương, không cầu kỳ, hoa mĩ nhưng lại chạm rất mạnh mẽ vào tâm khảm độc giả. Viễn Phương đã ngỏ lòng mình rằng: Sự ra đi của Bác quả thật có đau đớn, xót xa, có mất mát, hi sinh, bi thương những lý tưởng Người để lại, ý chí và phẩm chất của Người sẽ mãi là ngọn lửa bất diệt soi tỏ con đường mà đứa con Việt Nam sẽ đi và mang vinh quang trở về. Bản thân tôi và các bạn hãy luôn đặt Hồ chủ tịch trong tim từ đó học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

    [​IMG]

    [​IMG]

    P/s: Vì là phân tích văn học nên dù là một học sinh giỏi văn thì mình cũng đi tham khảo ở những nguồn tài liệu khác (nguồn mình hay tham khảo nhất là thuthuat) để chỉnh chu câu văn của mình hơn đồng thời biết được những điều mới mẻ mà có thể là mình chưa kịp chiêm nghiệm ra cho nên khi đọc chắc chắn sẽ có một số hay thậm chí là nhiều câu văn các bạn sẽ ồ lên rằng" cái này hình như mình thấy ở đâu đó rồi"hihi. Và điều mình ngán ngẩm nhất khi làm văn là việc đọc lại thế nên khi các bạn đọc thấy có thiếu sót hãy thông cảm cho mình và bình luận phía dưới để mình còn biết mà sửa nhé <3.
     
    Phượng Chiếu Ngọc thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng chín 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...