Phân tích về chiến thuật khám xét chỗ ở

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mộc Nguyệt, 21 Tháng chín 2021.

  1. Mộc Nguyệt

    Bài viết:
    13
    MỞ ĐẦU

    Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, những tài liệu, chứng cứ mà các cơ quan có thẩm quyền thu thập được như: Công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật mang dấu vết tội phạm.. luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định, chứng minh tội phạm và người phạm tội. Thực tế cho thấy, một phần đáng kể những tài liệu, chứng cứ này được thu thập thông qua hoạt động điều tra khám xét. Khám xét là một trong những biện pháp điều tra có tính chất cưỡng chế, tác động đến những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Trong đó đáng quan tâm hơn cả là khám xét chỗ ở. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này em xin lựa chọn đề bài: "Hãy phân tích về chiến thuật khám xét chỗ ở. Nêu một tình huống mà trong đó Cơ quan điều tra tổ chức và thực hiện chiến thuật khám xét chỗ ở".

    NỘI DUNG

    1. Khái quát về hoạt động khám xét

    1.1. Khái niệm, nhiệm vụ của khám xét

    Có nhiều khái niệm khác nhau về khám xét, tuy nhiên đều có những điểm tương đồng về đặc điểm, mục đích của khám xét. Khám xét là hoạt động điều tra được qui định trong BLTTHS. Thực chất đây là một biện pháp điều tra nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án. Mặc dù là biện pháp điều tra nhưng khám xét lại mang tính cưỡng chế, thường đụng chạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, thư tín, điện tín của công dân. Do đó, khi khám xét phải có lệnh của người có thẩm quyền. Điều 192 BLTTHS qui định về Căn cứ khám xét.

    1.2 Chiến thuật khám xét

    Chiến thuật khám xét là hệ thống những biện pháp, thủ thuật và những điều chỉ dẫn ở các giai đoạn chuẩn bị, tiến hành khám xét, lập biên bản khám xét, nghiên cứu đánh giá kết quả khám xét trong quá trình điều tra vụ án.

    1.2. 1. Chuẩn bị khám xét

    Khám xét là một biện pháp điều tra tổng hợp, đòi hỏi phải có nhiều lực lượng tham gia, sử dụng nhiều biện pháp và phương tiện trong quá trình tiến hành.

    Khi tiến hành khám xét thường xảy ra nhiều tình huống phức tạp như đối tượng bị khám xét và nhân thân của bị can chống trả, cản trở hoặc không có mặt tại nơi khám xét, điều kiện ánh sáng, thời tiết, khí hậu.. không thuận lợi cho cuộc khám xét.

    Kết quả của cuộc khám xét chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố trong đó đặc điểm của từng vụ án, trong từng tình huống điều tra cụ thể, đặc điểm nhân thân của đối tượng bị khám xét, đặc điểm nhân thân của đối tượng khám xét.. Vì vậy, để chủ động trong khám xét, đảm bảo hiệu quả của khám xét đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo và đầy đủ. Nội dung của bước chuẩn bị bao gồm: Nghiên cứu hồ sơ vụ án, thu thập phân tích và đánh giá những tài liệu có liên quan đến cuộc khám xét. Nghiên cứu đối tượng khám xét. Lập kế hoạch khám xét.

    Kết quả khám xét phụ thuộc nhiều vào công tác chuẩn bị. Việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động khám xét đạt kết quả cao. Trong trường hợp ngược lại, sẽ khó tránh khỏi lúng túng trong chỉ đạo và tiến hành khám xét hoặc vi phạm pháp luật. Sau khi lập kế hoạch khám xét, điều tra viên chủ trì cuộc khám xét phải báo cáo cho lãnh đạo phê duyệt. Hoạt động khám xét được tiến hành theo kế hoạch đã vạch ra và đồng thời cần căn cứ vào diễn biến thực tế của cuộc khám xét để có những điều chỉnh cho phù hợp.

    1.2. 2. Tiến hành khám xét

    Khi đến địa điểm cần khám xét, lực lượng tiến hành phải nhanh chóng bước vào và triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cuộc khám xét, tiến hành các thủ tục tố tụng cần thiết. Nếu gặp sự chống cự, cản trở phải khắc phục ngay. Nếu đương sự và người nhà cố tình vắng mặt, bỏ trốn mà việc khám xét không thể trì hoãn thì lực lượng tiến hành khám xét tự mở cửa hoặc phá cửa để đột nhập vào.

    Sau khi đột nhập vào, điều tra viên cần xác định chính xác đối tượng cần khám xét. Tiếp theo, giới thiệu thành phần lực lượng khám xét và đọc lệnh khám xét. Đọc xong phải đưa cho đương sự xem lệnh khám xét và giải thích quyền và nghĩa vụ của đương sự. Trước khi khám xét, yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án nếu đương sự từ chối thì thực hiện như theo kế hoạch đã vạch sẵn ra.

    1.2. 3. Kết thúc cuộc khám xét

    Những công việc cần làm khi kết thúc cuộc khám xét:

    - Lập biên bản khám xét

    - Đóng gói, niêm phong các đồ vật, tài liệu.. đã thu thập được trong quá trình khám xét.

    - Đánh giá kết quả của cuộc khám xét. Có thể đánh giá kết quả cuộc khám xét dựa vào những nội dung sau:

    + Cuộc khám xét có được chuẩn bị chu đáo không

    + Có giữ bí mật đối với đối tượng bị khám xét hay không

    + Có khám xét những nơi, địa điểm cần khám xét hay không.

    + Các đồ vật, tài liệu, vật chứng đã phát hiện và thu giữ hết chưa, kết quả như thế nào.

    + Những thiếu sót cần khắc phục.

    + Có cần khám xét lại không.

    Khi kết thúc khám xét, trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản. Biên bản khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm là một văn bản tố tụng, phản ánh toàn bộ diễn biến và kết quả của cuộc khám xét nên phải được lập theo quy định.. Biên bản khám xét phải được lập tại nơi tiến hành việc khám xét và phải được đọc lại cho mọi người tham gia việc khám xét, người bị khám xét, chủ nhà, người chứng kiến nghe, cùng kí tên xác nhận và phải giao cho người bị khám xét một bản. Trong trường hợp phải thu giữ nhiều vật chứng và tài liệu có liên quan đến vụ án thì có thể lập bản thống kê kèm theo. Việc lập, thông qua, ký xác nhận bản thống kê phải theo đúng quy định của pháp luật.

    Ngoài việc lập biên bản khám xét, sau khi khám xét xong, cần tự mình hoặc yêu cầu đối tượng và thân nhân của họ sắp xếp gọn gàng lại đồ đạc trong khu vực khám xét. Những đồ vật, tài liệu thu giữ phải được bảo quản phù hợp để đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển chúng về cơ quan điều tra. Những đồ vật cần niêm phong theo đúng thủ tục pháp luật quy định.

    2. Phân tích về chiến thuật khám xét chỗ ở.

    Chỗ ở là nơi một người hay một hộ sử dụng làm nơi cư trú như nhà riêng, căn hộ của Nhà nước, tập thể cho thuê để ở; buồng trọ, phòng trọ của khách sạn đã được tư nhân thuê để ở; các phương tiện giao thông như tàu, thuyền.. của cá nhân hoặc do cá nhân thuê để ở, được giao để ở. Chỗ ở còn bao gồm cả những vùng phụ cận như vườn, đất đai, các công trình vệ sinh.

    Khám xét chỗ ở là việc tìm tòi, lục soát toàn bộ chỗ ở, đồ vật có trong phạm vi khu vực chỗ ở và những vùng phụ cận của nó.

    Trình tự, thủ tục khám xét chỗ ở được quy định tại các Điều 192, 193, 195 Bộ luật tố tụng hình sự. Nhằm mục đích đảm bảo yếu tố bất ngờ khi khám xét, các phương tiện vận tải cần đỗ xa nơi khám xét. Việc tập trung nhiều người tại nơi khám xét được tiến hành từ từ và tránh ồn ào. Khi có thang máy thì lên cao hơn vài tầng rồi đi bộ xuống tầng cần đến để tránh gây phản ứng định hướng, chú ý. Qua mắt cửa chỉ nên nhìn thấy một người trong số những người trong số những người đến khám xét.

    Sau khi đột nhập vào chỗ ở và tiến hành các thủ tục cần thiết, lực lượng tiến hành khám xét phải triển khai phương án bảo vệ an toàn cho cuộc khám xét và quan sát sơ bộ khu vực cần khám xét để xác định phương pháp và trình tự khám xét phù hợp.

    Khi khám xét chỗ ở, cần phải tiến hành tìm tòi, lục soát liên tục từ đầu đến cuối một khu vực hay một đồ vật nhằm tránh bỏ sót khu vực hay đồ vật nào đó có tại chỗ ở. Việc vận động khi khám xét cũng phải theo một trình tự nhất định: Từ trái sang phải hay theo chiều kim đồng hồ, theo trình tự xoáy ốc.. Thường khám trong nhà trước, khám xét từ vật này sang vật khác, sau đó đến giữa nhà, tường nhà rồi khám ra ngoài sân, vườn và các nơi khác của chỗ ở.

    Để đảm bảo cho cuộc khám xét được tiến hành thuận lợi và ngăn ngừa khả năng đối tượng tiêu hủy vật chứng của vụ án cũng như thông báo, đánh động cho các đối tượng khác, điều tra viên cần tập trung những người có mặt tại nơi khám xét tập trung lại một chỗ, giám sát chặt chẽ họ, không để họ tự ý đi lại, nói chuyện, gọi điện thoại v. V.. Những người có mặt tại nơi khám xét cần được kiểm tra, xác định họ tên, địa chỉ, quan hệ với đương sự.. Nếu phát hiện được người có tên trong lệnh truy nã thì phải tiến hành bắt họ. Những người có mặt tại nơi khám xét có thể bị giữ đến khi kết thúc hoạt động này. Nếu khi đang khám xét mà có người lạ mặt đến thì cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ, yêu cầu họ giải thích nguyên nhân xuất hiện tại nơi khám xét. Khi thấy cần, có thể giữ họ lại cho đến khi kết thúc khám xét. Nguyên tắc này không áp dụng đối với những người xuất hiện ở nơi khám xét vì thực hiện công vụ của mình (bác sĩ, người đưa thư, những người có chức vụ).

    Điều tra viên cần chú ý theo dõi thái độ của người bị khám xét. Dựa vào biểu hiện thái độ của họ, có thể nhận định, phán đoán được nơi cất giấu đồ vật, tài liệu cần phát hiện, thu giữ và phải tập trung khám xét.

    Khi khám xét tường, nền, trần nhà, cần chú ý những dấu vết lạ hoặc mới xuất hiện. Nhà bị trát lại hoặc màu sơn mới hơn so với những nơi khác. Những nơi đó có thể được thủ phạm sử dụng làm nơi cất giấu đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án. Khi quan sát kiểm tra nền gạch, cần chú ý đến các loại văn hoa, độ vững chắc của từng viên, đặc điểm của vữa, nếu có sự khác nhau có thể là đối tượng đã đào lên và xây lại bằng vật liệu khác với vật liệu ban đầu. Những nơi nghi rỗng, có thể kiểm tra bằng cách gõ vào các bề mặt của nền nhà, bức tường. Nếu đối tượng đào hầm bí mật ở nền nhà thì thường có những dấu hiệu như nền nhà bị lõm, móp, có các vết nứt nhỏ ở đường ranh giới, chân tường bị phá. Những lỗ thông gió, nơi tiếp giáp giữa tường và mái nhà cần kiểm tra trong điều kiện có ánh sáng, sờ mó bằng tay, quan sát qua gương phản chiếu.

    Khi xem xét các vật bằng gỗ treo trên tường thì tháo gỡ khỏi tường để mở ra hoặc dùng các phương tiện khác để thăm dò, xem xét.

    Khi khám tủ sách, tủ làm việc phải xem xét tỉ mỉ từng ngăn, từng buồng theo một trật tự thống nhất và xem xét từng trang, từng quyển sách. Đối với quyển sách, vở cần kiểm tra theo trình tự. Lúc đầu cầm gáy của từng quyển sách, quyển vở lắc và rung mạnh, sau đó kiểm tra từng trang.

    Đối với các đồ dùng, phương tiện trong nhà như tủ lạnh, vô tuyến, đài, máy giặt, bếp điện.. cũng cần được xem xét, nghiên cứu thận trọng, đặc biệt chú ý xem xét dấu niêm phong kỹ thuật của các đồ dùng, phương tiện đó.

    Đồ đạc phải được lật ngược lên và kiểm tra đáy: Vỏ gối, vỏ đệm phải lột ra để kiểm tra bên trong.. Phải kiểm tra hộp chịu nước trong bình xả bồn cầu, chai thuốc xem có đúng đựng loại thuốc ghi bên ngoài không.

    Khi khám xét khu vực xung quanh chỗ ở như sân, vườn, cây cối.. phải chú ý quan sát để phân chia khu vực theo địa hình tự nhiên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám xét. Đặc biệt, cần sử dụng các phương tiện kỹ thuật như máy dò kim loại, máy tìm xác chết, máy dò vàng, gậy sắt để kiểm tra thận trọng từng gốc cây, giếng nước, cống rãnh, những đống nguyên vật liệu xây dựng, đống phân, đống cỏ v. V.. Ngoài ra, cũng cần xem xét kỹ lưỡng những vật bình thường khác như khúc gỗ, lốp xe đạp, xe máy, vỏ đồ hộp, chai lọ.. có ở nơi khám xét.

    Khi tiến hành khám xét không được gây thiệt hại về tài sản của đương sự một cách không cần thiết. Đồng thời, cần tôn trọng phong tục tập quán của gia đình và địa phương nhất là khi khám xét bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Chúa..

    Đồng thời, trong khi khám xét, các đối tượng cùng kiểu loại phải được so sánh cẩn thận. Chẳng hạn, việc giấu đồ vào trong bức tượng chỉ có thể phát hiện được khi so sánh trọng lượng của nó với trọng lượng của bức tượng tương tự.

    Khi phát hiện được tài liệu, vật chứng, phải cho những người tham gia, người chứng kiến, đại diện chủ nhà thấy. Chỉ cho họ thấy là đã phát hiện được tài liệu, vật chứng gì, ở đâu. Nếu tài liệu vật chứng có thể viết vào đó được thì phải ghi rõ ngày, giờ, nơi phát hiện và yêu cầu đương sự ký vào đó. Đối với những tài liệu vật chứng quan trọng thì có thể chụp ảnh tại nơi thu được cùng với đương sự.

    Sau khi khám xét xong, phải sắp xếp lại đồ đạc trong nhà như cũ, không được vất bừa bãi. Các đồ vật, tài liệu thu giữ phải lập biên bản theo đúng quy định của Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự.

    3. Ví dụ về tình huống

    Ngày 20/03/2020, Phòng Cảnh sát Hình Sự (PC02, Công an TP. HCM) cho biết đơn vị này triệt phá đường dây ma túy do Nguyễn Hoàng Danh (23 tuổi, quê Đồng Tháp) và Đặng Xuân Hải (60 tuổi, quê Nghệ An) cầm đầu.

    Giữa t háng 2, PC02 phát hiện Danh, Hải cùng đồng bọn có hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng; mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn nên xác lập chuyên án triệt phá.

    Lúc 9h ngày 25/02/2020, Trần Minh Hải hẹn Danh tại quán cà phê ở quận 1 để nhận ma túy. Hải treo bịch nylon chứa 1 bánh heroin lên xe SH rồi chạy ra trước cổng chợ Thái Bình, quận 1.

    Tại đây, bà Phạm Thị Mỹ Trinh (42 tuổi, ngụ quận 1) đi xe đạp cùng một phụ nữ tên Hạnh chạy xe gắn máy đến gặp Hải. Trinh trực tiếp lấy bịch nylon chứa bánh ma túy treo lên xe của Hạnh. Hạnh sau đó trả cho Hải 210 triệu đồng.

    Lấy được tiền, Hải chạy xe về lại quán cà phê đưa tiền cho Danh và được trả công 5 triệu đồng.

    Đầu giờ chiều cùng ngày, Hạnh gọi cho Hải yêu cầu đổi lại bánh heroin do không đạt chất lượng. Hải gọi cho Danh xin ý kiến và người này đồng ý. Hải và Danh hẹn nhau tại quán cà phê ở quận 4 để lấy bánh heroin đổi lại cho Hạnh.

    Hải sau đó chạy xe mang bánh heroin đến trước cổng chợ Thái Bình gặp Trinh. Người phụ nữ lấy bánh heroin và để lại bánh heroin mua lúc sáng. Ngay lập tức, trinh sát PC02 và Phòng 3 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) ập vào bắt quả tang.

    Căn cứ lời khai của Hải, cảnh sát ra lệnh bắt giữ Danh. Khám xét nơi ở của Danh và Hải, cảnh sát phát hiện thêm 10 bánh heroin.

    Danh khai mua số ma túy trên của người tên Hương ở một chung cư tại quận Bình Thạnh rồi đem về cất, đợi tiêu thụ. Khi nghe được lời khai của Danh cảnh sát đã tiếp cận hiện trường nhằm tránh chứng cứ bị tẩu tán. Kiểm tra căn hộ chung cư, cảnh sát thu giữ thêm 20 bánh heroin cùng nhiều loại ma túy khác. Khi khám xét cân hộ cảnh sát và điều tra viên đã quan sát xung quang nhà và thấy khả nghi trong nhà vệ sinh nên đã vào kiểm tra. Phát hiện y đã cất dấu heroin ở hai bên bệ bồn cầu nhằm che dấu

    Mở rộng điều tra các nhánh nằm trong đường dây của Hải ở Bình Dương, cảnh sát bắt giữ thêm Kiều Văn Quyết (29 tuổi, quê Hà Nội), Nguyễn Thành Trung (24 tuổi), Trần Đình Trung (30 tuổi, cùng quê Hà Tĩnh), Đoàn Giai Trung (45 tuổi, ngụ Bình Thạnh).

    Tổng tang vật thu giữ trong vụ án này gồm: 50 bánh heroin, 35 kg ma túy đá, 1 kg ma túy dạng khay..

    Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Hoàng Danh, Đặng Xuân Hải cùng 5 người trên về tội Mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.

    Ví dụ trên đã cho chúng ta thấy rõ về chiến thuật khám xét chỗ ở của Cơ quan điều tra. Nhiều cảnh sát đã được điều động để bảo vệ tiếp cận hiện trường, phục vụ cho quá trình các điều tra viên khám xét.. Trong quá trình khám xét chỗ ở các cán bộ đã chú ý quan sát để phân chia khu vực theo điều hướng nhà, chú ý các điểm khả nghi, sử dụng các phương tiện kỹ thuật để phục vụ cho cho hoạt động khám xét.. Cụ thể trong quá trình khám xét toàn bộ căn chung cư của chị Hương các cán bộ phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã đã phát hiện túi đựng heroin ở hai bệ bồn cầu. Đối tượng đã gian xảo cất giấu tang vật chỗ không ai ngờ tới. Các cảnh sát và điều tra viên đã sử dụng nghiệp vụ, chiến thuật khám xét chỗ ở để điều tra phát hiện ra nơi cất giấu herion. Nhờ có chiến thuật khám xét chỗ ở mà các cán bộ đã thu thập được nhiều bằng chứng quý báu phục vụ cho công tác điều tra góp phần nhằm nhanh chóng giải quyết vụ án.

    Mục đích của khám xét là phát hiện, thu thập những tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa đối với công tác điều tra ; phát hiện, thu giữ những đồ vật, tài sản phục vụ cho việc bồi thường thiệt hại hoặc những đồ vật, tài liệu thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành ; phát hiện bọn tội phạm đang có lệnh truy nã, xác chết hoặc người bị bắt cóc. Chính vì vậy, Cơ quan điều tra phải thực hiện đúng theo như chiến thuật khám xét mới có thể đạt được mục đích của khám xét đồng thời hoàn thành tốt công tác điều tra nói riêng và các bước tiếp theo của hoạt động tố tụng nói chung.

    KẾT LUẬN

    Tóm lại chiến thuật khám xét chỗ ở có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều tra. Bởi vậy cần xây dựng và hoàn thiện chiến thuật khám xét chỗ ở cũng như các chiến thuật cho các hoạt động khác nhằm thu thập chứng cứ một cách chính xác nhất. Có như vậy, sẽ hạn chế được việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, không bỏ lọt tội phạm, tạo niềm tin đối với người dân vào pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Giáo trình Khoa học điều tra hình sự, trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân.

    2. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

    3 "Nghiên cứu khoa học phân tích về chiên thuật khám xét chỗ ở"

    4. "Chiến thuật khám xét chỗ ở trong giai đoạn tiến hành khám xét"

    5"Bắt băng buôn 50 bánh heroin, 35 kg ma túy đá"

    6. Luật Dương Gia "Chiến thuật khám xét chỗ ở trong giai đoạn tiến hành khám xét".

    7. "Một số vấn đề cần chú ý khám xét chỗ ở"

    8. "Tài liệu Hãy phân tích về chiến thuật khám xét chỗ ở.
     
    LỤC TIỂU HỒNGPorcus Xu thích bài này.
    Last edited by a moderator: 21 Tháng chín 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...