HOT Phân tích vai trò và tác dụng của văn học dân gian qua tác phẩm Thuật hứng 24 - Nguyễn Trãi - LCPS

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 2 Tháng chín 2021.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Đề bài: Phân tích vai trò và tác dụng của văn học dân gian qua tác phẩm "Thuật hứng 24" (Nguyễn Trãi).

    Người viết: Love cà phê sữa (bản quyền thuộc dembuon, tham khảo hoặc reup vui lòng thêm nguồn)

    Mỗi một giai đoạn văn học ra đời là kết quả của quá trình sáng tạo không ngừng, liên tục đổi mới cách thức chiếm lĩnh đời sống và thể hiện quan niệm khác nhau về hiện thực. Nhưng, nếu chỉ sáng tạo ra cái mới thôi thì vẫn chưa đủ để hình thành bệ phóng vững chắc giúp nền văn học ấy phát triển và đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Sứ mệnh của một giai đoạn văn học không chỉ dừng lại ở phạm vi ấy. Muốn sáng tạo nên "tác phẩm chung cho cả loài người", mỗi nhà văn nhà thơ cũng cần kế thừa tinh hoa từ nền văn học dân gian cổ truyền của dân tộc. Hiểu được điều ấy, Nguyễn Trãi đã tự "cởi trói" ngòi bút của mình, vượt ra khỏi khuôn mẫu để trở về với cội nguồn dân tộc. "Thuật hứng 24" là một trong những bài thơ thể hiện sâu sắc phong vị dân gian đặc trưng trong trang thi của Nguyễn Trãi, bậc kì tài về ngôn ngữ và tư tưởng.

    Từ lâu, văn học dân gian đã trở thành vùng đất lắng đọng phù sa màu mỡ và lưu giữ những trầm tích văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Như một lẽ tất yếu, dù chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm và đặc trưng của nền thi ca Trung Hoa nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn quay về với nguồn cội dân gian để hưởng thụ làn gió mát được tỏa ra từ mảnh hồn dân tộc. Ông đã khơi dậy mạch nguồn văn học dân gian vẫn ngấm ngầm cuộc chảy, lưu giữ và trao truyền cho các thế hệ để dòng nước ấy len lỏi từng thớ đất, thấm sâu vào nền văn học nước nhà. Ức Trai chính là người tiên phong thổi hồn dân gian vào từng câu chữ để sáng tạo nên dòng thơ Nôm trong suốt giữa cánh rừng văn chương chữ Hán bạt ngàn. Bằng vần thơ giản dị nhưng không hề giản đơn, gần gũi mà chứa chan ân tình, Nguyễn Trãi thể hiện quan niệm, tư tưởng đậm chất dân gian của mình:

    "Công danh đã được hợp về già,

    Lành dữ âu chi thế nghị khen.

    * * *

    Bui một tấc lòng chung lẫn hiếu,

    Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen."

    Do chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm Đường thi Trung Quốc nên thơ Nguyễn Trãi vẫn chuyên chở những tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo. Nhưng, điều đặc biệt ở đây là ông đã thổi vào nó một làn gió mới, khiến vần thơ thắm đượm hồn cốt dân tộc. Ông dân gian hóa những tư tưởng cao sang, bác học thành quan niệm gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Chính vì thế, nỗi lòng, tâm tư của Nguyễn Trãi được bày tỏ một cách chân thực, không gò bó, câu nệ. Qua đó, bạn đọc có thể thấy được tình yêu nước sâu đậm và lòng hiếu thảo vô bờ của nhà thơ.

    Không chỉ vậy, hai câu thơ đầu cũng thắm đượm phong vị dân gian, vì nó thể hiện kinh nghiệm sống quý báu (một trong những đề tài nổi bật của văn học dân gian) của chính nhà thơ. Sinh ra trong thời đại biến động dữ dội, lớn lên trong cảnh đất nước suy vi, gia đình tan tác, Nguyễn Trãi tận mắt chứng kiến bao cuộc đời bi kịch. Ông ra làm quan với khao khát xây dựng đất nước thái bình thịnh trị, vua dân hòa mục để chấm dứt chuỗi ngày đau khổ của nhân dân. Nào ngờ, ngay chính ông cũng bị cơn lốc lịch sử hất đổ hết lầu son gác tía. Sau 10 năm thăng trầm ở chốn quan trường bon chen danh lợi, Nguyễn Trãi quyết định về Côn Sơn ở ẩn. Bằng trải nghiệm đau đớn của mình, ông chiêm nghiệm rằng: "Công danh đã được" thì "hợp về nhàn", hưởng thụ cuộc sống chan hòa vạn vật, từ bỏ lòng ham danh lợi. Và, đặc biệt là không quan tâm đến thị phi lành dữ, khen chê để tránh mệt lòng trăn trở. Đó là kinh nghiệm sống quý báu có giá trị muôn đời. Ta cũng từng bắt gặp lời chiêm nghiệm như vậy về công danh sự nghiệp trong câu ca dao xưa:

    "Ta về cuốc bẫm cày sâu

    Công danh bánh vẽ, sang giàu chiêm bao."

    Chưa dừng lại ở đó, ta còn bắt gặp ở trang thơ Nguyễn Trãi một lối đi riêng để đến gần hơn với làng quê Việt, với tâm hồn Việt, con người Việt. Nhà thơ tiếp thu từ dòng chảy văn học dân gian nguồn cảm hứng về thiên nhiên để tái hiện lại khung cảnh làng quê thanh bình, dân dã, quen thuộc. Qua đó thể hiện lòng yêu thiên nhiên thiết tha, sâu đậm:

    "Ao cạn vớt bèo cấy muống.

    Đìa thanh phát cỏ ương sen."

    Nguyễn Trãi không bị bó buộc bởi sự câu thúc trong thi pháp thơ Đường. Ông tự "cởi trói" cho ngòi bút của mình, triệt để dân gian hóa đề tài mang tính cao nhã, tập cổ của nền văn học bấy giờ. Hình ảnh thiên nhiên trong "thuật hứng 24" không còn là "mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông" sang trọng được thể hiện một cách tinh vi để lột tả linh hồn của tạo vật, hay trở thành bình chứa những biểu tượng tượng trưng. Đó chỉ có thể là cảnh vật dân dã, quen thuộc với đường nét thanh tao nơi chốn quê thanh bình. Lần đầu tiên giữa đại ngàn Đường thi, những ao, bèo, rau muống, đầm, cỏ, sen ngồn ngộn sống dậy trên trang thơ Nguyễn Trãi. Đây đều là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong ca dao tục ngữ xưa:

    "Cạn ao, bèo đến đất."

    Hay: "Qua cầu áo ướt phơi phong

    Thấy anh có nghĩa em mong em chờ

    Chờ cho nên nỗi lại chờ

    Chờ cho rau muống lên bờ héo khô."

    Với cô gái yêu xa đang mong ngóng người yêu từng ngày thì rau muống là nhân chứng cho tấm lòng son sắt, thủy chung, cho lời thề nguyện "suốt đời, suốt kiếp đợi chờ" chàng trai của mình. Còn với Nguyễn Trãi, rau muống là thú vui điền viên ở miền thôn dã. Tác giả đã vận dụng một cách sáng tạo hình ảnh quen thuộc trong ca dao xưa, đồng thời phá vỡ tính quy phạm về đề tài của nền văn học bấy giờ. Những ao, bèo, rau muống, đầm, cỏ, sen thay thế cho "tùng, cúc, trúc, mai" như một lời khẳng định rằng: Cái đẹp không nhất thiết phải đến từ thiên nhiên sang trọng, tao nhã toát lên khí chất quân tử, cái đẹp đôi khi nằm ở cảnh vật bình dị, quen thuộc xung quanh chúng ta.

    Như vậy, về mặt nội dung, văn học dân gian là nguồn cảm hứng dồi dào, tiếp thêm chất liệu, cung cấp đề tài và thôi thúc sự sáng tạo của thi nhân. Nhờ có vần thơ đậm đà màu sắc dân gian ấy, Nguyễn Trãi đưa thơ Đường luật đến gần hơn với lời ăn tiếng nói hàng ngày và góp phần giữ gìn, bồi đắp nét đẹp bản sắc dân tộc. Không những vậy, việc hấp thu nguồn mạch văn học dân gian còn chắp cánh cho tư duy nghệ thuật, năng lực sáng tạo của nhà thơ, giúp "Thuật hoài 24" thoát ra khỏi chiếc bao chật hẹp của những quy ước khuôn sáo và hệ thống ước lệ phức tạp. Qua đó đưa đến cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ hơn, cách cảm nhận chân thực hơn.

    Không chỉ thể hiện ở phương diện nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm cũng đậm đà màu sắc dân gian. Trước hết, sự tiếp thu ấy thể hiện ở mặt thể loại. Nguyễn Trãi đã Việt hóa thể thơ Đường luật bằng việc xen câu lục ngôn vào thơ thất ngôn. Các câu 3, 4, 8 của thi phẩm "Thuật hứng 24" chỉ có sáu chữ. Lời thơ trở nên súc tích, giản dị, ý thơ được nhấn mạnh để làm nổi bật chân lí hay cảm xúc của thi nhân. Sự xuất hiện của các câu thơ lục ngôn còn dồn nén cảm xúc (câu 3, 4), đúc kết tư tưởng, bày tỏ tấm lòng, ý nguyện (câu 8) của tác giả. Chưa dừng lại ở đó, cách ngắt nhịp 2/2/2 ở câu 3, 4 và 3/3 ở câu cuối cùng gợi ta nhớ đến giai điệu truyền thống nhẹ nhàng, êm ái trong thể thơ lục bát quen thuộc. Ngôn ngữ trong bài thơ cũng đậm đà màu sắc dân tộc. Nguyễn Trãi sử dụng từ thuần việt thay cho từ hán việt và đồng hóa từ hán vào kho từ ngữ tiếng việt. Từ câu trong "luận ngữ" : "Ma nhi bất lận, miết nhi bất truy", Nguyễn Trãi viết thành: "Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen." Việc sử dụng tài tình ngôn ngữ văn học dân gian tạo ra được nét dung dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày, giúp câu thơ giàu sức gợi tả, gợi cảm.

    Như vậy, văn học dân gian thấm nhuần sâu đậm tạo nên hồn thơ đậm đà bản sắc dân tộc. Bằng việc tiếp thu tinh hoa của nền văn học cũ và sáng tạo phương thức thể hiện, cách thức chiến lĩnh đời sống mới, Nguyễn Trãi khẳng định được tầm vóc ví đại của mình trong văn mạch dân tộc.
     
    ThuyTrang, LieuDuong, Ngoc Pig23 người khác thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Văn bản dẫn chưa chuẩn nha Cà phê, bản chuẩn đây em:

    Công danh đã được hợp về nhàn,

    Lành dữ âu chi thế nghị khen.

    Ao cạn vớt bèo cấy muống,

    Trì thanh phát cỏ ương sen.

    Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,

    Thuyền chở yên hà nặng vạy then.

    Bui có một lòng trung liễn hiếu,

    Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

    (Thuật hứng bài 24 - Nguyễn Trãi)

    (Chú thích: về nhàn: Về quê hưởng thú nhàn; nghị khen: Dị nghị, khen ngợi; trì thanh: Đầm, ao xanh trong; bui: Duy chỉ; liễn: Và, với (có bản chép là lẫn ) ; chăng: Chẳng)
     
  4. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Dạ vâng ạ, em cảm ơn cô nhiều ạ!
     
    chiqudoll, ThuyTrangLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...