Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn - Én Nhỏ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ennho, 29 Tháng năm 2021.

  1. ennho Bé Mọt

    Bài viết:
    97
    DÀN Ý CHI TIẾT

    1. Mở Bài:

    • giới thiệu chung về tác giả Lỗ Tấn.
    • Những tác phẩm tiêu biểu: AQ chính truyện, các tập truyện ngắn: Nhật ký người điên, Gào thét, Bàng hoàng..
    • đề tài chủ yếu của tác giả: Phê phán những căn bệnh tinh thần khiến cho quốc dân mê muội. Tự thỏa mãn "ngủ say trong một cái hộp sắt không có cửa sổ".

    2. Thân Bài:

    • Nhan đề của truyện ngắn chứa đựng rất nhiều thông điệp. Ở đây thuốc chính là phương thức để chữa căn bệnh ho lao cho nhân vật Thuyên. Nhưng chiều sâu "Thuốc" ở đây còn là mong ước tìm được một phương thức để trị căn bệnh ấu trĩ của nhân dân Trung Hoa về việc mê tín dị đoan. Bệnh ngu muội về chính trị của nhân dân.
    • căn bệnh ấu trĩ, kém hiểu biết:

    • Thiếu hiểu biết về kiến thức y khoa: Dùng một phương thuốc kinh dị để chữa bệnh mà không một ai kiểm chứng.
    • thiếu hiểu biết về chính trị: Giết những người cách mạng đang cố gắng thay đổi cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Cứ tưởng rằng mình đang sống ở cái thời tốt đẹp nhất rồi.

    • Căn bệnh vô cảm:

    • Vì sĩ diện bản thân, vì đồng tiền mà xui khiến người khác làm việc không đúng. Như "bác cả Khang" dù chẳng có căn cứ gì, cũng có thể chỉ là muốn mình có giá trị trong mắt người khác mà mách phương thuốc ho lao kì dị cho vợ chồng lão Hoa. Không biết gì về chính trị nhưng phán xét Hạ Du là một người phản quốc và có tội. Đem chuyện sống chết của một người để mua vui.
    • Dùng cái chết của người để làm phương thuốc chữa bệnh.

    • Mê tín dị đoan: Khi con quạ về đậu trên cây gần mộ Hạ du, khi thấy vòng hoa tang ai đó đặt trên mộ của người bị chết chém.
    • Hình ảnh u ám của một xã hội đang ở bờ vực suy thoái: Bối cảnh u ám thê thảm của đất nước TQ phong kiến, những người chết chém vì làm cách mạng ngày càng nhiều thì những người chết vì nghèo và vì bệnh tật ngày càng tăng.
    • Phương thuốc trị "nghèo đói", "bệnh tật" và bất công chính là "cách mạng" nhưng người dân TQ quá ngu muội nên không biết.
    • Hình ảnh con đường mòn: Lối suy nghĩ lạc hậu, ấu trĩ của nhân dân Trung Hoa: Tự phân rẽ ruột thịt đồng bào của mình.
    • Hình ảnh vòng hoa: Niềm tin vào một tương lai tươi đẹp. Tinh thần cách mạng vẫn còn âm ỉ đâu đó trong xã hội Trung Hoa.

    3. Kết Bài:

    • Lỗ Tấn được tôn vinh là linh hồn của dân tộc, được phong tặng "danh nhân văn hóa nhân loại".
    • truyện ngắn của Lỗ Tấn cô đọng, súc tích, nội dung rành mạnh cụ thể nhưng chứa đựng nhiều bài học. Có cả những nụ cười châm biếm và những đánh giá sâu sắc bên trong từng chi tiết nhỏ.
    • Bệnh tật luôn đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn mọi loại bệnh tật chính là căn bệnh tinh thần. Nó không chỉ giết chết một hay nhiều người mà còn giết đi cả một thế hệ.

    BÀI VIẾT:

    Văn học nghệ thuật của Trung Hoa ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn học Việt Nam. Ngoài nền văn học trung đại có bề dày lịch sử lâu đời thì nền văn học hiện đại của Trung Hoa cũng có ảnh hưởng không ít đến hệ tư tưởng sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam. Tiêu biểu cho nền văn học hiện đại của Trung Quốc phải kể đến tác gia Lỗ Tấn.

    Nhà văn Lỗ Tấn được biết đến với nhiều tác phẩm có nội dung chủ yếu là nói về những căn bệnh tinh thần của nhân dân Trung Hoa thời bấy giờ. Tác giả gọi đó là sự tự thỏa mãn "ngủ say trong một cái hộp sắt không có cửa sổ". Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Lỗ Tấn như: Các tập truyện ngắn: Nhật ký người điên, gào thét, bàng hoàng, hay AQ chính truyện trở thành tuyệt tác để đời của tác giả.

    Trong những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Lỗ Tấn có lẽ không thể bỏ qua được truyện ngắn "Thuốc". Một trong những tác phẩm nêu rõ về căn bệnh tinh thần đáng sợ của nhân dân Trung Hoa thời bấy giờ. Căn bệnh ngu muội về chính trị và vô cảm về đạo đức của người dân mang đến những hậu quả còn nặng nề hơn cả một cơn bệnh dịch hại đến sức khỏe. Nội dung của truyện ngắn này đã thể hiện ngay ở tiêu đề. "Thuốc" ở đây về nghĩa đen chính là phương thuốc chữa bệnh lao cho người con trai độc đinh của gia đình lão Hoa. Nhưng ý nghĩa ngầm định ở đây "thuốc" còn là sự trăn trở của chính nhà văn để tìm ra phương pháp chữa dứt hẳn những căn bệnh ấu trĩ, lạc hậu, mê tín và kém hiểu biết về chính trị của cả một thế hệ người dân Trung Hoa thời bấy giờ.

    Sự kém hiểu biết thể hiện rõ nhất đó chính là việc bỏ cả gia tài chỉ để mua về một thứ thuốc kinh dị nhất trên đời: "Bánh bao tẩm máu người". Không có kiến thức về y học lại đi tin vào những phương thuốc truyền miệng không có người kiểm chứng, không ai đảm bảo sẽ khỏi bệnh. Kết quả là đẩy một người có lẽ sẽ còn sống ít cũng vài tuần, vài tháng hay may mắn hơn là vài năm nữa vào cửa tử nhanh hơn bao giờ hết.

    Bên cạnh những người kém hiểu biết là những người tự cho mình là hiểu biết như bác Cả Khang chẳng hạn. Ông ta được tác giả miêu tả là một gã có diện mạo chẳng hề đàng hoàng, ấy thế mà nhờ cái miệng giỏi khua môi múa mép nên đã lấy được lòng tin của rất nhiều người. Chỉ tính trong không gian truyện ngắn thì ông ta đang đầu độc tất cả những người có mặt trong quán trà của lão Hoa bằng thứ kiến thức ngu xuẩn của mình. Chỉ vì muốn mình được người khác nể trọng mà bác Cả Khang dám lấy cả tính mạng của một con người ra để thử nghiệm. Ông ta không phải là một thầy lang, không phải là một bác sĩ. Cũng chẳng phải là người của nhà nước nhưng dám khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng chiếc bánh bao tẩm máu người ấy có thể chữa bách bệnh - nhất là bệnh lao. Ông ta còn cho rằng những người như Hạ Du là kẻ điên khi nói rằng: "Thiên hạ Mãn Thanh chính là của chúng ta".

    Xã hội Trung Hoa đã thối nát đến tận đáy nhưng người dân vẫn cứ sống trong đám bùn đáy với đôi mắt ngây thơ vô lo nghĩ. Họ đâu biết rằng cuộc sống của họ đang hằng ngày bị thu hẹp dần và đang chết dần chết mòn như một người bị nhốt trong một chiếc hộp sắt lớn không có cửa sổ, không có lỗ thoát khí nhưng vẫn được cho ăn cho uống no nê. Họ không biết rằng rồi họ sẽ chết ngạt trong chiếc hộp ấy. Chết một cách đau đớn và từ từ. Đạo đức con người thời bấy giờ chẳng khác nào cầm thú. Đám người trong quán trà đều lấy mạng sống của người khác ra mua vui hay làm trò giải trí. Kẻ như bác cả Khang lấy sức khỏe của Thuyên ra để khoe mẽ về tài hiểu nhiều biết rộng. Khi lão cả Khang thấy Thuyên không giảm ho đi thì lão vẫn không một giây lo lắng hay sốt ruột mà chỉ mải mê khoe mẽ sử hiểu chuyện của mình về việc vì sao Hạ Du chết, những ai được lợi từ cái chết của kẻ điên đó. Họ xúm vào nói với nhau về cái chết của một người vô tội một cách hứng thú như thể đó chỉ là việc xẻ thịt của một con heo, con bò trong xóm. Những người cùng nghe cũng thật gan lỳ, máu người và xác người là thứ tanh hôi, kinh dị nhưng họ đề cập đến nhẹ nhõm như không.

    Nếu như cậu Thuyên sống thì mọi chuyện đã khác. Nhưng cậu ta vẫn chết dù cho được mách thứ thuốc thần dược kinh dị đến vậy. Kết quả của sự ngu muội và nông cạn của một bộ phận người dân Trung Hoa, điển hình là những kẻ như bác cả Khang đó là làm cho mạng của những người vô tội chết đi một cách vô ích. Họ biết một người đang sống trở thành một phương thuốc và lấy đi mạng của một người đáng lẽ sẽ còn được sống. Kết quả của cả một cộng đồng, của cả một lớp người ngu muội đó là biết đất nước Trung Hoa giàu đẹp trong mắt họ thành một địa ngục trần gian với vô vàn cảnh chết chóc vì bệnh tật, vì chém giết lẫn nhau. Căn bệnh ngu muội ấy đã khiến cho mảnh đất nghĩa địa cứ ngày một nhiều hơn những nấm mồ chết oan.

    Lối mòn được tạo ra từ những người đưa tiễn cũng như thăm viếng ngôi mộ đã trở thành ranh giới chia đôi giữa một bên là mộ của người chết chém, chết vì có tội; một bên là những ngôi mộ chết vì nghèo đó hay bệnh tật. Đến cả chết rồi họ còn phân biệt chia cách lẫn nhau như vậy, hỏi tình người với người trong thời đại ấy sẽ ra sao. Qua hình ảnh lối mòn tác giả muốn gửi gắm một thông điệp rằng chính cái suy nghĩ theo lối mòn, theo cái mà nhiều người khác đang dẵm lên và cứ cho rằng nhiều người đi thì chắc chắn con đường ấy là đúng nên người ta cứ tự mình dấn thân đến một lối suy nghĩ lệch lạc, sai trái. Có thể có những người muốn đi ra khỏi lối suy nghĩ lệch lạc ấy nhưng không dám bởi nếu họ đi một mình thì sẽ lạc dù cho con đường ấy mới là đúng đắn. Sự giác ngộ ấy chỉ như một vòng hoa nhỏ đột nhiên được đặt trước một của Hạ Du. Lén lút và ngấm ngầm ủng hộ chứ chưa thể công khai.

    Hình ảnh vòng hoa có một ý nghĩa thật đẹp đẽ giữa nghĩa địa u ám như địa ngục trần gian. Vòng hoa trắng như một sự an ủi đối với người mẹ già của Hạ Du. Bà ấy thương con nhưng chưa đủ sáng suốt để biết việc con mình làm là đúng hay sai, bà ấy cũng chưa đủ sáng suốt để hiểu rằng việc có một vòng hoa trắng trên mộ không phải của một thế lực siêu nhiên nào mà là của những người cùng chí hướng với Hạ Du đang động viên bà và an ủi linh hồn người con chết oan của bà.

    Hình ảnh hai người mẹ già cùng ra mộ con, số phận nghiệt ngã đã để mẹ của "thuốc" gặp mẹ của "bệnh nhân". Sau tất cả họ đều là nạn nhân của những người vô cảm ngoài kia. Họ nói bất cứ điều gì họ muốn và họ nghĩ bất cứ điều gì họ nói đều đúng miễn hậu quả không phải họ gánh là được.

    Với cách kể chuyện bằng ngôi thứ ba, nhà văn Lỗ Tấn để cho người đọc được đứng ở vị trí nhìn bao quát nhất để đánh giá tất cả những vấn đề đang xảy ra trong bối cảnh truyện. Những tình huống truyện và những lời thoại đầy chân thực nhưng lại ẩn chứa nhiều bài học quý giá. Mượn lời văn đầy châm biếm để người đọc có thể tự mình đánh giá và nhận thức đúng sai từ trong lương tri của mỗi người. Nhà văn Lỗ Tấn vì vậy mà được cả thế giới công nhận tài năng và những đóng góp to lớn về giáo dục tư tưởng đối với nhân loại.

    Bệnh tật luôn đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn mọi loại bệnh tật chính là căn bệnh tinh thần. Nó không chỉ giết chết một hay nhiều người mà còn giết đi cả một thế hệ.

    Hết.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...