Bình Luận Phân Tích Thơ Xuân Vãn - Trần Nhân Tông

Thảo luận trong 'Văn Thơ' bắt đầu bởi Diệu Đạt, 2 Tháng tư 2021.

  1. Diệu Đạt

    Bài viết:
    41
    Tên tác phẩm: Xuân Vãn

    Tên tác giả: Trần Nhân Tông

    Thể loại: Thơ

    Giới thiệu: Thơ văn thời Lý - Trần luôn có những triết lý sâu sắc về Thiền- một hình thức tự tập của Phật giáo

    PHÂN TÍCH BÀI THƠ XUÂN VÃN CỦA TRẦN NHÂN TÔNG

    Trên hành trình vạn kỉ đi tìm cái đẹp, dù là ai đi chăng nữa, khi ngòi bút của họ được đặt xuống thì chắc chắn sẽ góp phần tô thêm màu sắc tươi sáng cho cuộc đời, tạo thành một nét đặc trưng cho một dân tộc, cho một quốc gia độc lập, vững mạnh. Thời nào cũng thế, cũng sẽ có những anh hùng trong làng thơ ca, họ đã biến những dòng chữ vô hồn trở nên bất diệt, góp phần nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần cho con người bước qua mọi khó khăn, trở ngại trong buổi đầu dựng nước và bảo vệ đất nước. Dù thời gian có âm thầm lướt qua vô tình, nhưng không bao giờ có thể chôn vùi đi những tác phẩm có giá trị nhân văn, ngược lại nó tôn vinh giá trị vĩnh cửu từ sáng tác của các bậc tiền bối đi trước cho hậu thế mai sau. Một trong những tác phẩm nổi bật không thể nào quên là bài thơ Xuân Vãn của một vị vua, một thiền sư mà người đời sau luôn kính trọng và ca tụng là Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

    Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của thời Trần – một thời đại anh hùng với hào khí Đông A. Ngài có tên húy là Trần Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông. Thuở nhỏ, Ngài đã có bẩm tính thông minh, tinh thông Phật học. Ngài luôn có cái bản lĩnh quả quyết vững vàng của một người làm tướng, có cái sắc bén bình tĩnh ung dung của một nhà chính trị ngoại giao và trên hết đó là có sự sâu sắc âm thầm của một nhà Thiền học. Nếu như những ngày đầu cầm quân đánh giặc giữ nước, Trần Nhân Tông đã hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo của mình thì những ngày tu hành, Ngài cũng có vị trí rất quan trọng trong lòng dân và đặc biệt hơn khi Ngài trở thành vị tổ đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm ở núi Yên Tử, Thiền phái này được thành lập dựa trên sự hợp nhất ba thiền phái (Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) tạo thành Phật giáo nhất tông.

    Hầu hết các thi phẩm của Trần Nhân Tông thì thơ xuân chiếm phần lớn. Có lẽ, thiên nhiên là cảm hứng chủ đạo chắp cánh cho những vần thơ của Ngài thêm bay bổng và lung linh. Sự tinh tế trong việc mượn cảnh để tả tình thì còn gì tuyệt vời hơn khi cảnh và tình cùng hòa quyện tạo nên một triết lý Thiền sâu sắc. Bài thơ Xuân Vãn là một bài thơ như thế. Bài thơ này được Ngài sáng tác bằng chữ Hán, theo lối cổ phong với thể thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt gồm: Bốn câu và hai mươi tám chữ. Nhìn qua, chúng ta sẽ thấy bài thơ có bốn phần: Vần, đối, luật, niêm đều được tác giả tuân thủ nghiêm ngặt, đúng đắn. Cách gieo vần bằng ở cuối câu 1, 2, 4 "không, trung, hồng" khiến bài thơ nhẹ nhàng, sâu lắng như tâm tư của tác giả dần hiển lộ. Có chăng, đó là sự suy tư về cuộc đời?

    Mở đầu bài thơ là sự chiêm nghiệm của tác giả: "Niên thiếu hà tằng liễu sắc không" (tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không). Câu thơ này có chức năng văn học là giới thiệu đề bài và kết nối đề bài với những phần còn lại trong bài thơ. Với tựa đề "Xuân vãn" (cuối xuân), mới nghe qua chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh mùa xuân đang hiện hữu nhưng sắp qua đi, tưởng chừng không bao giờ quay lại với một sự vấn vương tơ lòng, và chúng ta có thể khẳng định ngay lập tức đây là bài thơ tả cảnh cuối xuân, nhưng không phải vậy, dù tả xuân nhưng thực chất bài thơ không nói gì về xuân, mà chỉ lấy hư để tả thực, tức là mượn cảnh để nói lên quãng đời niên thiếu của tác giả, cũng ngầm hiểu là lúc chưa ngộ đạo. Khi chưa thấu hiểu lý bát nhã, chưa rõ thể tánh không của các pháp, tác giả cứ ngỡ thân tâm và cảnh vật đều thật có, nên tâm trạng không khỏi bồi hồi, xao xuyến trước cảnh xuân về.

    Câu thơ thứ hai có chức năng văn học là triển khai ý tứ của phần đầu, nó giải thích và nhấn mạnh rõ hơn về vẻ đẹp mê đắm lòng người của mùa xuân: "Nhất xuân tâm sự bách hoa trung" (xuân sang hoa nở rộn tơ lòng). Khi tuổi còn trẻ có ai không mộng mơ, yêu đời? Tác giả cũng thế, cũng đang đắm mình trong vẻ đẹp của thiên nhiên khi thấy ngàn hoa đua sắc, nở rộ trong lòng, đan xen với màu sắc lung linh ấy chắc hẳn phải là hình ảnh đặc trưng của đất trời sắp bước vào giai đoạn chuyển giao mùa, đó là sự thay đổi của những chồi non khi đã không còn e ấp, yếu ớt như ngày nào, chúng đã mạnh mẽ vươn mình, duỗi rộng thân để đón những tia nắng ấm áp, hay những cơn mưa rào đi ngang qua. Cảnh vật lộng lẫy, quyến rũ ấy như muốn níu lấy lòng người, chiếm trọn trái tim của con người trong từng nhịp đập, hơi thở với bao khát vọng, ước mơ và hoài bão của một thời non dại, nông nổi, bồng bột thì còn đâu nữa thời gian để hiểu về lẽ sắc không, rõ về lý bát nhã là: Sắc tức thị không, không tức thị sắc cơ chứ? Đây cũng là tâm trạng chung của con người khi chưa liễu đạo, hay còn non trẻ trên bước đường giác ngộ, bị cảnh trần chi phối, mê hoặc mà có phần lung lay ý chí, gục ngã trước sức hút vô hồn từ những tác nhân bên ngoài.

    Thế nhưng, dù cảnh xuân có đẹp đến nao lòng cũng có lúc bị con người khám phá ra mùa xuân thật, mùa xuân muôn đời. Tác giả khi đến lúc trưởng thành, tức là lúc ngộ đạo đã phải thốt lên rằng: "Như kim khám phá Đông hoàn diện" (Chúa xuân nay đã thành quen mặt). Chúa xuân ngoài nghĩa nói về vị trí quyền lực của mùa xuân khi nó là điểm bắt đầu trong năm, nhưng càng ý nghĩa hơn khi đó cũng là sự khám phá của tác giả về sự tuần hoàn tất yếu của thiên nhiên trong bốn mùa, và cũng ngầm nói lên trí tuệ khi ngộ đạo của tác giả đó là sự hiểu rõ cái chân thật của chính mình và tiến trình của vạn pháp theo bốn giai đoạn sinh, trụ, dị, diệt. Với hình ảnh "đông hoàn diện" là hình ảnh cuối của mùa đông trước hoàng hôn, báo hiệu mùa đông sắp kết thúc để chuẩn bị cho một mùa xuân mới tiếp diễn, đó là chi tiết nhấn mạnh về sự chuyển hóa liên tục của vạn pháp, tác giả nhận ra rằng kết thúc sẽ là sự bắt đầu chứ không phải là chấm dứt, dòng sinh tử của con người cũng vậy, sẽ chưa dừng lại nếu con người vẫn còn u mê chưa chịu giác ngộ.

    Đến đây rồi, Trần Nhân Tông đã có thể "Thiền bản, bồ đoàn khán trụy hồng" (nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng). Vì đã hiểu ra chân lý của cuộc đời, tác giả không còn mơ hồ về các pháp mà vẫn an nhiên, tự tại dù đang ngồi trên chiếc chõng, giường nhỏ hay bồ đoàn thì đều ngắm nhìn vạn vật bên ngoài từ chân tâm hằng thanh tịnh, khi hoa nở cũng như hoa rụng tâm không bị cảnh chuyển, vì đó là bản chất của mùa xuân, nó không trường tồn nhưng cũng không mất hẳn, xuân đến rồi đi như một quy luật tất yếu của vũ trụ, chúng ta đừng để tâm duyên theo cảnh mà cũng đến đi, rong ruổi khắp chốn, thay vào đó là hãy trở về trạng thái liễu ngộ, tâm thường tĩnh lặng nhưng vẫn thường tri, tức là tâm lặng yên nhưng vẫn sáng suốt, vượt khỏi dòng sông mê chấp, đến bên bờ giác ngộ, giải thoát.

    Bài thơ "Xuân Vãn" của Trần Nhân Tông mang tính phổ quát và trùm khắp mà ai cũng có thể hiểu vì có thể nói rằng mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của các thi sĩ từ xưa đến nay. Lại nữa, mùa xuân luôn gần gũi và thân thiện với con người, là mùa của sự sinh sôi, nảy nở và là mùa của niềm tin và hy vọng của đông đảo quần chúng về một khởi đầu tốt cho một năm thuận lợi. Do đó, bài thơ này phù hợp với số đông, dễ dàng được số đông đón nhận và lưu truyền.

    Không gian và thời gian là hai cặp phạm trù song hành không thể thiếu trong bài thơ "Xuân Vãn". Nếu nói đến không gian rộng là biểu trưng cho khát vọng, ý chí lớn, chắc chắn điều đó không xuất hiện trong sáng tác của Thiền sư. Nhưng biểu trưng cho một không gian gửi gắm vào nó ước muốn của cá nhân về sự thay đổi tất nhiên là có. Và không gian hẹp được dựng nên trong bài thơ của Trần Nhân Tông chính là cảnh cuối xuân, đó cũng chính là giây phút con người nhận ra lẽ thật của cuộc đời mà dừng lại vọng tâm của chính mình. Thời gian cũng góp phần phản ánh hiện thực, những liên hệ giữa ba thời để thấy được sự nhanh - chậm, bất động - biến động của thân tâm và ngoại cảnh. Để rồi chợt nhận ra vạn pháp vốn giai không, chỉ có sự tu hành và tỉnh giác mới là điều quan trọng nhất trong hiện tại của một kiếp người.

    Thiên nhiên trong bài thơ được nhìn nhận như một khách thể. Tác giả quan sát khách thể đó đến từng chi tiết như: "Bách hoa trung", "đông hoàn diện", mượn những hình ảnh sắc nét và sống động này để gửi tâm tư, tình cảm vào nó, dẫn dắt người đọc đi vào ý nghĩa sâu xa hơn từ vẻ đẹp bên ngoài của thiên nhiêm, đó là sự vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp để từ đó con người sống tích cực và lạc quan hơn, góp phần rất lớn trong việc ổn định trật tự xã hội thời bấy giờ.

    Có thể nói là thiếu sót nếu chúng ta không xem qua đặc điểm nghệ thuật khi tìm hiểu một tác phẩm văn học. Bên cạnh phương thức diễn đạt: Lời ít ý nhiều, lấy hư diễn thật với ngôn từ mộc mạc, giản dị và gần gũi, tác giả còn sử dụng hình tượng nghệ thuật nhân hóa: "Đông hoàn diện" (khôn mặt của mùa đông lúc hoàng hôn) để thổi hồn vào cảnh vật vốn dĩ vô tri, vô giác, qua đó đưa vào bài thơ chân lý về sự giác ngộ lý Thiền của tác giả.

    Bài thơ "Xuân Vãn" có tính trang nhã khi thể hiện nội dung sâu sắc, đáng bàn bạc. Thơ mang nhịp chẵn với cách ngắt nhịp 4/3 hay 2/2/3 khiến nhịp điệu trở nên du dương như một bản giao hưởng làm cho bài thơ sẽ rất dễ đọc, khi nghe sẽ rất êm tai, dễ đi vào lòng người.

    Tóm lại, bài thơ "Xuân Vãn" của Trần Nhân Tông mang đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng điều cốt lõi tác giả muốn gửi gắm đến cuộc đời là: Dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải giữ vững chân tâm, tinh tấn tu hành để về bến giác, vì tất cả vạn pháp đều vô thường, giả huyễn, ngay cả thân ta đã không thật thì vạn pháp có gì là thật có? Vậy nên chẳng có gì phải lưu luyến mà đánh đổi cả tuổi trẻ, bỏ qua những pháp hành một cách uổng phí, vô ích. Hãy tận dụng thời gian của kiếp người để sống tốt và hành tốt đúng theo chánh pháp thì nhân quả đời sau sẽ tỏ tường.
     
    Thùy Minh thích bài này.
    Last edited by a moderator: 2 Tháng tư 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...