Phân tích thiện và ác trong truyện Tấm Cám Ngữ văn 10

Thảo luận trong 'Bài Bị Trùng' bắt đầu bởi sadie123, 3 Tháng mười hai 2021.

  1. sadie123

    Bài viết:
    19
    Thiện ác

    Với người Việt Nam, văn học dân gian là nguồn sữa trong lành, là tuổi thơ nuôi dưỡng bao thế hệ trẻ lớn lên trong chiếc nôi tre Việt Nam, trong tiếng ru ầu ơ dân tộc. Nói đến truyện dân gian cùng với những giá trị vĩnh hằng của nó, ta không thể không nhắc đến truyện cổ tích. Ra đời trong xã hội có sự phân hóa giai cấp tuyện cổ tích không chỉ là những câu chuyện giải thích hiện tượng tự nhiên xã hội, phản ánh mối quan hệ giữa con người với tự nhiên mà còn là tiếng lòng của những cảnh đời, những nhân vật bị áp bức trong xã hội. Tấm Cám là câu chuyện cổ tích hết sức quen thuộc mà có lẽ ai cũng từng một lần được nghe kể. Với nhiều tình tiết bi thảm, éo le dữ dội câu chuyện đã phản ánh cuộc đời đấu tranh khốc liệt giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong cuộc đời. [không chỉ ở xã hội xưa mà ngày nay vẫn luôn tồn tại]

    Mâu thuẫn này không chỉ diễn ra trong khoảng thời gian cố định mà nó đã ngấm ngầm nảy sinh ngay từ lúc dì ghẻ thay quyền người mẹ yểu mệnh đáng thương của Tấm. Cô bé mồ côi tội nghiệp vấp phải cái quy luật nghiệt ngã nghìn đời:

    "Mấy đời bánh đúc có xương

    Mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng"

    Tấm là nạn nhân của chế độ phụ quyền: Khi mà bố mẹ đã qua đời cả thì mọi quyền hành đều thuộc về tay dì ghẻ. Suy cho cùng thì gia đình chính là nguồi gốc của mọi khổ đau bủa vây lấy đời Tấm. Gia đình không là mái ấm! Vừa là phận gái, vừa mồ côi, vừa chịu thế con riêng của chồng, nên cái tủi nhục của Tấm càng chất chồng lên cao. Tấm phải sống trong sự ghẻ lạnh ganh ghét của mẹ con dì ghẻ là mẹ con nhà Cám. Biết được thân phận, với tính cách hiền lành, nhẫn nhục, Tấm phải làm việc quần quật như người ở "hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo, đêm lại còn xay lúa, giã gạo mà không hết việc". Có thể nói rằng Tấm đang bị lợi dụng triệt để sức lao động để phục vụ cho mẹ con Cám ăn sung mặc sướng. Ngược lại với Tấm thì cô em Cám được nuông chiều, không phải làm việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà, lại còn được ăn ngon mặc đẹp điều này thể hiện rõ sự đối xử bất công giữa con ruột và con riêng, khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện mâu thuẫn khác. Đỉnh điểm của sự việc là khi dì ghẻ bảo Tấm và Cám đi bắt tép và hứa ai bắt được nhiều dì sẽ thưởng cho cái yếm đỏ. Tấm siêng năng, nhờ mò cua bắt ốc đã quen nên bắt được đầy giỏ, Cám thấy thế, liền lừa chị "Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng". Tấm bị Cám lừa trút hết tép, may mà còn sót con bống nhỏ. Tấm bất lực chỉ biết ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu. Sự buồn tủi của cô gái nhỏ đã được bụt giúp đỡ. Khi bụt lên đã trao cho Tấm một người bạn tinh thần vô cùng quý giá. Đó chính là con cá bống. Cá bống xuất hiện làm bạn, xua tan những cô đơn, tủi cực của Tấm. Nhưng đây cũng là khởi đầu cho sự lừa gạt lần thứ hai của mẹ con Cám. Cá bống là người bạn duy nhất tâm tình cùng Tấm, Tấm "nhường cơm sẻ áo" cho người bạn ấy. Mẹ con Cám khi biết chuyện đã lừa Tấm "đi chăn trâu đồng xa, chớ chăn gần nhà người ta bắt mất trâu" để giết cá bống. Hòn máu đỏ đọng lại mãi không tan là hiện thân của tội ác không thể dung tha, là vết tích để lại cái chết oan tàn nhẫn. Và rồi Tấm cũng chỉ biết "bưng mặt mà khóc òa lên", khóc căm hận và phẫn nộ nhưng vẫn không làm gì được. Một lần nữa nhờ đến Bụt, nhờ đến ông lão hiền lành, tốt bụng, luôn xuất hiện trợ giúp Tấm trên con đường đến hạnh phúc, Tấm lại tự nhen nhóm ánh sáng lẻ loi của niềm tin từ trong đống tro tàn. Thứ ánh sáng đó cho dù Tấm mang cả tâm hồn mình ra để che chở nhưng vẫn không cản nổi sự đày đọa của mẹ con Cám. Mâu thuẫn tiếp tục đẩy cao hơn, bọn chúng trắng trợn trộn thóc với gạo nhằm dập tắt niềm vui được gia cảm với đời của Tấm. Mẹ con Cám hết lần này đến lần khác đối xử bất công với Tấm, ngăn cản niềm vui, hạnh phúc của Tấm. Đó là biểu hiện của sự độc ác, tàn nhẫn và bất công. Trước sự đối xử bất công, Tấm chỉ biết yếu đuối ôm mặt khóc, điều này thể hiện lúc này Tấm là một cô gái yếu đuối, thụ động, chưa có hành động quyết liệt để thoát nỗi đau khổ đó. Tâm luôn cam chịu, nhẫn nhục một cách thụ động. Và để giải quyết những nỗi ấm ức, bất hạnh của Tấm, Bụt xuất hiện sau mỗi tiếng khóc của cô, Bụt ban cho Tấm: Quần áo - dự hội, đây đồng thời cũng là cơ hội để Tấm có được hạnh phúc. Và kết quả cô đã trở thành hoàng hậu. Đây là mô típ quen thuộc trong văn học dân gian thể hiện quan điểm "Ở hiền gặp lành" của nhân dân ta.

    Không chỉ dừng lại ở đó, những thủ đoạn, cái ác của mẹ con Cám lại tiếp tục chà đạp lên con người hiền lành, lương thiện của Tấm. Được sống sung sướng trong hoàng cung, nhưng Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Chi tiết này cho ta thấy được tấm không chỉ là một cô gái hiền lành mà còn hiếu thảo. Nàng tiếp tục là nạn nhân bi thảm của tội ác khi bị dì ghẻ âm mưu lừa trèo lên cây hái cau, để giết nàng. Mụ còn đưa Cám vào cung thay thế vai trò của chị. Nhà vua thì trong bụng không vui, nhưng vẫn không nói gì cả.

    Cô Tấm hiền hậu đoan trang ngã xuống thì một cô Tấm quyết liệt và mạnh mẽ lại sống dậy, trở về đòi cho bằng được hạnh phúc của mình. Bốn lần hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị - những vật bình dị thân thương Tấm gửi gắm linh hồn mình trong đó; thể hiện sức sống mãnh liệt, không thể bị dập tắt một các oan ức của cái thiện mà đã vùng dậy mạnh mẽ. Oái oăm thay, cái thiện đứng dậy bao nhiêu thì cái ác cũng lấn lướt hòng dập tắt cái thiện bấy nhiêu. Có một lúc nào đó chúng tạm thời thắng thế, bước lên lầu son gác tía của vương quyền, cung vua, những nơi không thuộc về chúng, chim chóc đến với chúng chỉ để nguyền rủa, tiếng võng trưa hè cũng cất lời đay nghiến chúng. Chúng bị dồn vào thế cô lập và phải đương đầu với cả một đấu trường công lý. Chúng ta không còn thấy Tấm khóc, mà tự mình giành và giữ hạnh phúc sao cho bền chặt. Sự hóa thân trở về trần thế thể hiện mơ ước lớn lao về công bằng xã hội. Sau bao lần thăng trầm trôi nổi, Tấm trở lại thiêng liêng, dường như Tấm hiểu rằng không thể có hạnh phúc trọn vẹn nếu cái ác còn tồn tại, cô lừa Cám để tự mẹ con nó tìm đến cái chết. Kết thúc dẫu có hơi tàn bạo nhưng quả thật phù hợp với mong ước của nhân dân về sự trừng phạt kẻ thù thích đáng.

    Trong chuyện cổ tích Tấm Cám, cô Tấm đại diện cho cái thiện- những con người nhỏ bé, thật thà, hiền lành phải chịu nhiều áp bức bất công trong xã hội. Còn phe ác chính là mẹ con Cám, luôn tìm mọi cách để đạp đổ cái thiện nhằm đạt được mục đích của mình. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong xã hội xưa đã rất căng go, quyết liệt. Cái ác có thế lực mạnh, bất chấp thủ đoạn để hãm hại cái thiện. Nhưng cái thiện không đơn độc mà luôn có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Cái thiện phải tự trưởng thành, tự đấu tranh để giành lại hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh đó, cái thiện luôn phải trải qua những gian nan, thử thách nhưng cuối cùng ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ, nhân quả báo ứng. Cái thiện lúc nào cũng sẽ giành chiến thắng cuối cùng.

    Trong xã hội hiện nay, cái thiện và ác vẫn luôn song hành, bởi cuộc đời luôn luôn có những bất công. Cái ác càng nhiều thủ đoạn, càng thâm hiểm hơn. Dù là xã hội xưa hay nay thì cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác vẫn luôn gay go, quyết liệt. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ tồn tại trong xã hội xưa và nay mà còn tồn tại trong bản thân mỗi người. Vì thế mỗi cá nhân cần mạnh mẽ đấu tranh, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác. Cần xây dựng nhân cách tốt đẹp để vững vàng trước những tác động xấu.

    Qua câu chuyện "Tấm Cám", ta thấy được cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay, cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Và như thể là một chân lý, người ở hiền thì sẽ gặp lành và kẻ gieo gió ắt cũng có ngày gặp bão.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...