Bình Luận Phân Tích Thi Phẩm Cuối Thu Của Tác Giả Hàn Mặc Tử

Thảo luận trong 'Văn Thơ' bắt đầu bởi Đứa trẻ hư, 16 Tháng tư 2021.

  1. Đứa trẻ hư

    Bài viết:
    3
    Cuối thu là một bài thơ nằm trong tuyển tập Mật đắng mà Hàn Mặc Tử viết tặng Chế Lan Viên, một người bạn rất mực yêu quý và trân trọng thơ Hàn Mặc Tử. Theo như Chế Lan Viên: "Sự thừa kế các tác phẩm như của Tử sẽ làm cho tim ta nhân tính hơn, óc ta co dãn đàn hồi hơn, và cái nhìn ta không đơn giản mà trở nên đa dạng và phong phú".

    Để xét xem nhận định này có xác đáng hay là không, chỉ đọc về Hàn Mặc Tử thôi là chưa đủ, mỗi người chúng ta cần phải cảm, phải huy động tất cả "vốn liếng tiềm thức, kinh nghiệm, trực giác, kỷ niệm" để có thể hiểu thấu phần nào thơ ca lẫn cuộc đời của thi nhân này. Trong khuôn khổ cho phép, tôi xin được diễn giải đôi điều về bài Cuối thu theo cảm thức cá nhân để có thể hiểu thêm phần nào cuộc đời và tâm tư Hàn Mặc Tử.

    Mở đầu bài thơ là không gian bầu trời rộng lớn mịn màng như lụa:

    "Lụa trời ai dệt với ai căng

    Ai thả chim bay đến Quảng Hàn?"​

    Bầu trời cao rộng được ví như một tấm lụa lớn do ai đó kỳ công "dệt" lên. Từ "căng" tạo cảm giác trong xanh, không một gợn mây hay vẩn bụi trong cái bao la ấy. Trên bầu trời cao rộng có đàn chim bay về Quảng Hàn (cung trăng). Hình như có gì đó bất hợp lý ở đây? Đang là thời gian cuối thu, đáng lẽ đàn chim phải di cư tránh rét, sao lại bay về chốn lạnh lẽo như cung trăng? Sực nhớ ra đôi điều về quan niệm thơ Hàn Mặc Tử, và biết rằng ta sẽ không thể giải thích thơ ông theo logic thông thường. Đối với ông, thơ luôn là cõi – giới nằm ngoài hiện thực nhưng không tách khỏi hiện thực, nó mang vẻ đẹp huyền bí cao siêu vượt ra ngoài ý thức của con người. Nếu vậy, chỉ có thể dò dẫm từ từ tới từng ngóc ngách để hiểu được ý thơ.

    Nhìn rộng ra toàn bài, ta sẽ thấy không gian có sự đối lập và dịch chuyển. Nếu ở trong khổ thơ đầu, không gian được vẽ ra là bầu trời cao rộng trong xanh thì từ khổ thơ thứ hai đã thấy mây mù sương khói, rồi dịch chuyển tới cõi lòng thi nhân, tiếp đến là "bãi cô liêu lạnh hững hờ" trong khổ thứ ba. Không gian dịch chuyển từ xa về gần, tầm phóng chiếu của đôi mắt cũng dịch chuyển từ ngoại cảnh đến nội tâm, rồi từ cõi lòng hắt hiu lại ánh lên cảnh vật xác xơ tiêu điều trước mặt, đến khi ngoại cảnh lẫn nội tâm như đan xen trộn lẫn, không phân biệt nổi đâu là thực đâu là hư.

    Còn về thời gian, tuy không thấy nhắc đến nhưng ta có thể hình dung qua những miêu tả về không gian. Thời gian trong bài cũng giống đa số các thi phẩm khác của Hàn Mặc Tử là thời gian hiện tại. Hiện tại trong Cuối thu đang là thời điểm giao thoa giữa ngày và đêm, vạn vật như nhuốm vẻ chập chờn, hư ảo - một cảm giác quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử.

    Rồi từ không - thời gian ấy hiện ra cảnh tượng mới lạ lùng, ghê hãi làm sao:

    "Và ai gánh máu đi trên tuyết,

    Mảnh áo da cừu ngắm nở nang?"​

    Máu vốn là một biểu tượng ám ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử gợi lên những đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần, sự hoảng loạn và mất dần sự sống trong đau đớn. Nhiều lần, trong các tác phẩm khác nhau, ta bắt gặp màu máu ma quái hãi hùng:

    "Bao giờ mặt nhật tan thành máu" (Những giọt lệ)

    "Máu đã khô rồi thơ cũng khô

    Tình ta chết yểu tự bao giờ" (Trút linh hồn)

    "Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết

    Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh" (Rướm máu)

    Trong câu thơ trên, máu và tuyết được sử dụng như hai hình ảnh đối lập, một đại diện cho đau thương, một là màu của tinh sạch. Hình ảnh người gánh máu đi trên tuyết gợi liên tưởng tới hình ảnh nhà thơ gánh cái gánh máu đời mình bước đi giữa những thanh sạch của nhân gian. Mặc cảm về đau đớn và cái chết hiện lên cùng với sự can trường đối chọi với bão tố cuộc đời hiện lên cùng lúc khiến ta vừa thương xót lại kính trọng gấp bội phần cái con người tài hoa kiên cường ấy. Nói về hình ảnh người gánh máu đi trên tuyết này, có lần Hàn Mặc Tử cũng từng chia sẻ: "Một đêm khuya vắng, một mình Tử còn ngồi ngắm trăng trên bể. Bỗng Anh thấy có một ai đó ngồi khít rịt bên Anh. Rồi từ người đó lại hiện ra người nữa. Rồi biến đi. Rồi thấy mặt bể đông lại như tuyết. Trên bể có một người vạm vỡ mặc áo lông gánh hai thùng thiếc chạy băng băng. Từ hai thùng tung tóe ra những máu là máu. Tử hoảng sợ chạy về nhà." Quả là một hiện tượng kỳ quái, càng làm rõ cho quan niệm thơ là địa hạt của huyền diệu, thần bí, vượt ra ngoài ý thức của Hàn Mặc Tử.

    Thêm vào đó, trong ba câu thơ mở đầu này ta thấy bốn lần đại từ phiếm chỉ "ai" được lặp lại tạo cảm giác mơ hồ khó nắm bắt. Các câu hỏi cứ dồn dập lao tới, không xác định được, không lý giải nổi. Chủ thể trữ tình đã bị phân ly, cái tôi mang cấu trúc đa tầng phức hợp, chập chờn giữa ý thức và vô thức. Một lần nữa, cái tôi bị phân rã chia lìa cùng mặc cảm đau đớn chia ly được lột tả xuất sắc.

    Mạch ngầm ẩn đau thương và ly biệt chảy tràn trong các sáng tác của Hàn Mặc Tử càng bộc lộ rõ trong những câu thơ sau đó. Cảnh tượng "Mây vẽ hằng hà sa số lệ" gợi liên tưởng tới cơn mưa phùn lất phất trong buổi chiều thu, một cảnh tượng khua vào lòng người những lạnh lẽo của cảm thức ly biệt, cô đơn. Tác giả đặt câu hỏi "Sao không tô điểm thêm sương khói" nhưng thực chất trong lòng đã mù mịt "chập chờn". Nỗi cô đơn hoang vắng trong lòng ánh lên cảnh vật trước mắt:

    "Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ

    Với buồn phơn phớt vắng trơ vơ.

    Cây gì mảnh khảnh run cầm cập,

    Điềm báo thu vàng gầy xác xơ."

    Hàng loạt các từ ngữ như lệ, ly biệt, cô đơn, chập chờn, lạnh, hững hờ, buồn, trơ vơ, mảnh khảnh, run cầm cập, gầy, xác xơ, héo, nấc, khô.. được xếp liền kề tạo cảm giác cô đơn lạnh lẽo đến rợn người. Đặc biệt, những từ như mảnh khảnh, gầy xác xơ hay tiếng khô mang đến dự cảm về một cái chết rất gần, đang nằm ngay cạnh và bám vào sự sống đang hiện diện. Nghệ thuật nhân hóa vẽ lên bãi cô liêu lạnh lẽo, cây cối mảnh khảnh chẳng còn lá che phủ trơ trọi giữa tiết trời lạnh giá, run lên từng chặp, mùa thu của thiên nhiên cũng như đang héo úa, gầy mòn xác xơ. Tất cả là cái não nùng của thiên nhiên hay chính sự gầy mòn đang diễn ra ngay trong chính cơ thể nhà thơ? Bệnh tật và những dự cảm về cái chết vẫn ngày ngày bào mòn con người ấy, khiến thi sĩ ngày một yếu đi, héo mòn đi, "nấc thành những tiếng khô". Cái mạch ngầm đau thương sao mà hiển lộ rõ quá, xót xa quá! Đến đây mới thấm thía rằng ta vốn không thể dùng cái logic thông thường để cắt nghĩa, lý giải một bài thơ nói chung và thơ của Hàn Mặc Tử nói riêng. Phải đi sâu hơn nữa, ngó vào từng ngóc ngách tối tăm, không chỉ những ngóc ngách câu chữ che đậy mà cả những góc tối trong tâm hồn thi nhân thì may ra mới hiểu nổi một phần tình cảm, cảm xúc mà người nghệ sĩ đặt vào trong bài thơ. Như ai đó từng nói "Người ta không giải thích một người đang giận (hay đang điên thì cũng thế), người ta hiểu anh ta thôi", muốn hòa mình vào những câu thơ của Hàn Mặc Tử với tất cả điên dại và huyền diệu mà nó mang lại, ta cũng cần mở rộng cả trí óc lẫn linh hồn, đón nhận tất thảy, chấp nhận và cảm thông tất thảy. Và ta còn nhận ra bài thơ cũng như tâm hồn thi sĩ không đau thương quá thế. Trong đau thương, con người tài hoa can trường ấy vẫn "gánh máu đi trên tuyết", mang vác đau thương trên vai ngạo nghễ bước đi giữa cuộc đời, nhìn ngắm hiện thực dưới nhiều góc độ và tầng bậc, nhìn thấu đau đớn và ly biệt nhưng vẫn sống và làm nên những áng thơ bất hủ. Giữa những dự cảm về nỗi đau và khi lắng nghe âm thanh những cái chết va vào nhau tạo thành "tiếng khô", ta chợt thấy xuất hiện "một vì sao lạ". Theo quan điểm từ Hy Lạp cổ đại, một vì sao xuất hiện là điềm báo cho sự giáng thế của một vị thần, và vị thần ở đây là "người thơ". Trong tựa tập Đau thương, Hàn Mặc Tử từng viết "Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo", trong bài Cuối thu này, hình ảnh ấy được nhắc đến ở cuối bài như một biểu tượng "trinh bạch" giữa thế giới. Thế nhưng "người thơ" ấy vẫn chưa chuyển thể, biểu hiện là ở hai câu thơ cuối "Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ/ Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?". Cái phần trinh bạch trong sáng ấy vẫn đang bị kìm giữ trong thể xác chôn dưới đáy mồ, đợi ngày tái sinh đẹp đẽ và cao quý giữa cuộc đời. Người thơ ấy dường như đối lập với người gánh máu xuất hiện ở khổ thơ đầu, không còn mang nặng những đau đớn bi thương mà trở nên nhẹ nhõm thanh sạch, cao quý giữa đời.

    Như vậy, nếu như không gian có sự dịch chuyển từ cao rộng trong xanh đến xác xơ tàn lụi thì trong đau thương, nội tâm thi nhân có sự chuyển biến từ biểu tượng người gánh máu đến "người thơ". Trong khoảnh khắc cuối thu, đau thương trong lòng dần loang ra ngoài cảnh vật, văng khắp không gian. Rồi càng sâu tới đáy, càng gần hồi sinh, đau thương đến tận cùng chuyển biến thành sự tái sinh nhẹ nhõm, phần con người đẹp nhất ở bên trong – "người thơ" sẽ mãi ở lại với đời. Tất cả tạo thành quá trình vận chuyển không ngừng của đời sống, sự đa bội của hiện thực. Và đến đây, những điều tưởng chừng như vô lý khó hiểu bỗng dưng liên kết chặt chẽ bởi một sức mạnh vô hình. Những ý tưởng, hình ảnh hỗn loạn, nhảy cóc trên bề mặt được lý giải, xâu chuỗi bởi một mạch ngầm đau thương vẫn luôn chảy tràn trong suốt cuộc đời Hàn Mặc Tử. Xin được cúi đầu trước tâm hồn quá đỗi đẹp đẽ tuyệt vời của một thi sĩ tài ba!
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 16 Tháng tư 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...