Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ Nhặt - Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi vivutheogio, 7 Tháng mười 2021.

  1. vivutheogio Thời gian là tĩnh, thứ lưu động là con người

    Bài viết:
    37

    Kim Lân là cây bút xuất sắc chuyên viết truyện ngắn về đề tài nông thôn. Những sáng tác của ông phản ánh một cách chân thật xúc động về cuộc sống và người dân quê – những con người mà ông am hiểu sâu sắc cảnh ngộ cũng như tâm lí của họ. Họ luôn có ý thức gắn bó sâu sắc với quê hương và tha thiết với cách mạng. Một trong những đỉnh cao của Kim Lân là truyện ngắn "Vợ Nhặt", tác phẩm vừa là bức tranh hiện thực về nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu, vừa là bài ca ca ngợi sức sống và niềm tin mãnh liệt của con người vào tương lai, vào cách mạng, vào tình người. Đặc biệt đến với truyện ngắn, ta bắt gặp (yêu cầu đề) qua đoạn trích sau:

    "Câu đầu [..] câu cuối"

    Truyện "Vợ nhặt" có tiền thân từ tiểu thuyết "Xóm ngụ cư". Tác phẩm được viết ngay sau cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau hòa bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện "Vợ nhặt". Tác phẩm được in trong tập truyện "Con chó xấu xí". Thông qua tác phẩm, nhà văn không chỉ tái hiện lại hiện thực đời sống mà còn giúp ta cảm nhận được niềm khát khao hạnh phúc, lòng yêu thương, niềm tin vào cuộc sống của nhân vật. Điều đó được thể hiện qua (yêu cầu đề)

    I. Tràng

    1. Tràng là người dân lao động nghèo khổ, xấu xí nhưng mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp

    - Hoàn cảnh xã hội: Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra tràn lan khắp nơi, người chết như ngả rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma.

    - Hoàn cảnh gia đình: Là dân ngụ cư, làm nghề đẩy xe bò, cha mất sớm, sống cùng với mẹ già, bị khinh bỉ, nhà ở tồi tàn, cuộc sống bấp bênh..

    - Hoàn cảnh bản thân:

    Tràng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước, nạn đói xảy ra khắp nơi, ngoài đường người chết như ngả rạ. Anh vốn là người dân nghèo trong xóm ngụ cư, sống cùng người mẹ già trong một căn nhà xiêu quẹo, rách nát. Hằng ngày anh phải ra sức đẩy xe bò chở thóc mướn. Anh được Kim Lân khắc họa như một sự "gọt đẽo sơ sài của tạo hóa", "hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều", cái lưng "to như lưng con gấu". Tuy là một người nông dân bình dị, nghèo khổ lại xấu xí nhưng Tràng lại mang trong mình phẩm chất tốt đẹp, đáng quý.

    2. Nghèo khổ nhưng sẵn sàng cưu mang người đồng cảnh ngộ trong nạn đói khủng khiếp

    Xây dựng nhân vật Tràng, Kim Lân đã tạo nên một nhân vật có nhiều phẩm chất tốt đẹp: Tràng tuy xấu nhưng luôn mang trong mình khao khát hạnh phúc, dù cái đói đang hoành hành thì Tràng vẫn sẵn sàng cưu mang người cùng cảnh ngộ; khi đã có cho mình một mái ấm gia đình, Tràng có trách nhiệm hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Chính vì những vẻ đẹp ẩn lấp bên trong tâm hồn con người nên có ý kiến cho rằng "Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh", người lại tranh cãi rằng "Đó là con người đầy khao khát, tốt bụng". Tuy nhiên đến với văn chương, ta hiểu rằng "người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách giản đơn, cần phải nhìn cuộc sống và con người một cách đa chiều." Viết về Tràng, Kim Lân cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.

    3. Trong hoàn cảnh khốn cùng vẫn luôn khao khát hạnh phúc, có trách nhiệm với gia đình

    A) Luôn khao khát hạnh phúc:

    Trong cái lúc nạn đói đang hoành hành, chết vì đói đã trở thành nỗi ám ảnh thì Tràng lại sẵn sàng mời thị ăn mà không hề do dự. Qua hành động mời thị ăn bánh đúc, ta có thể thấy Tràng là một người vô cùng hào phóng, tốt bụng, thương người. Sau khu chứng kiến sự vồ vập vì đói khát đã lâu, Tràng lại đùa "Này nói đùa chứ có về với tớ thì khuôn hàng lên xe rồi cùng về". Hành động nhặt vợ của Tràng trước hết được xem là "liều lĩnh", "nông nổi" bởi trong cảnh đói, cái khát lẫn cái chết đã trở thành nỗi ám ảnh. Giữa cái lúc thân mình còn chẳng lo xong, một người sống cơ hội còn "mong manh" như "ngàn cân treo sợi tóc" thì Tràng lại lấy vợ. Hơn nữa, chuyện "dựng vợ gả chồng" là chuyện trăm năm, chuyện cả đời. Thế nhưng Tràng lại quyết định trong "nháy mắt", quyết định lấy vợ bằng một cái tặc lưỡi "Chậc! Kệ". Người ta nói Tràng "có lớn mà không có khôn", liều lĩnh đến mức cạn nghĩ cũng không sai. Trong cách kể của Kim Lân, trong cách mà Kim Lân nhấn nhá thì ta hiểu ra rằng: Nó không đơn thuần là hành động "liều lĩnh, nông nổi", hành động bản năng mà còn là hành động thể hiện khát vọng sống của con người, khát vọng về một mái ấm gia đình của những người nông dân cả đời hiu quạnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Nên dù có là câu nói đùa cũng thể hiện khát vọng của một người thèm hạnh phúc, khao khát hạnh phúc đến nhường nào. Có thể cái giấc mơ về một mái ấm gia đình, cái giấc mơ con con "chồng cuốc mướn làm thuê, vợ dệt vải" của những con người dưới đáy cùng xã hội có "viễn vông" đi chăng nữa thì ít nhất, con người ta cũng không chết vì không có ước mơ, không chết vì không biết mong mỏi đợi chờ hạnh phúc.

    B) Tràng có trách nhiệm, bổn phận với gia đình

    Sau khi quyết định đưa thị về làm vợ, Tràng bộc lộ ra là một người chồng hết sức tâm lí, yêu thương và quan tâm đến người vợ của mình. Tràng đưa thị "vào chợ tỉnh mua cho thị cái thúng con con", "ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê". Người đàn ông ngờ nghệch kia chắc cũng hiểu ra rằng: Người đàn bà "rách tả tơi như tổ đỉa, hốc hác, hai con mắt trũng hoáy vì đói vì khát" kia đang cần một bữa cơm cho ra hồn. Dù có "vơ bèo gạt tép" vào Tràng nhưng cũng cần một kỉ vật cho ngày về nhà chồng. Nên dù chẳng khá khẩm nhưng Tràng cũng chi hai hào mua dầu. Nói về chi tiết Tràng bỏ hẳn hai hào mua dầu để thắp sáng gian phòng trong đêm tân hôn trong khi còn đang phải ăn cháo cám thì thật hoang phí. Nhưng xét cho cùng, cái ngày mà người đàn bà đi làm dâu cũng chỉ có một. Trên cái nền của nạn đói, sự chết chóc, cuộc sống ảm đạm, ba con người bám lấy một tia hy vọng, bám vào ánh sáng ngọn đèn mà nhen nhóm niềm tin thì cũng rất đáng. Đặc biệt là Tràng từ lúc ngẫu nhiên "nhặt" được vợ, anh tự lo lắng nhận lấy hết trách nhiệm về phía mình: "Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên".

    Không chỉ nghĩ cho "người đàn bà đi bên" mà Tràng cũng rạng rỡ hơn hẳn, không còn vẻ mặt "đăm chiêu, lo lắng" như trước kia nữa mà hắn "tủm tỉm cười một mình". "Trên mặt có gì đó phớn phở khác thường", "hai mắt sáng lên lấp lánh". Khi bọn trẻ con chạy ra đón thì "Tràng vội làm nghiêm nét mặt, lắc đầu không bằng lòng". Những biểu hiện đó là chân dung của một người đang ngập tràn trong hạnh phúc. Sự hạnh phúc hiện rõ trên mặt Tràng đã cho thấy, giữa nạn đói này "không phải chỉ có miếng ăn mới làm cho người ta hạnh phúc". Bằng những hành động thật bình thường, chân thành, giản đơn, "hắn định nói với thị một vài câu tình tứ" để xua đi không khí yên ắng, xoa đi khoảng cách của 2 người vừa bị nạn đói xô mà "lăn vào nhau" nhưng cứ "lúng túng, tay nọ xoa vào vai kia". Chính sự lúng túng của Tràng đã cho thấy đó là một con người lần đầu biết đến hạnh phúc, một thứ hạnh phúc đến quá nhanh. Nó làm cho Tràng "như có cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng". Kể cũng đúng thôi, bởi hắn có bao giờ mơ đến hạnh phúc đâu mà biết đến cảm giác của người đang hạnh phúc là thế nào.

    - Về đến nhà:

    Không còn là gã trai ngờ nghệch, nông nổi, liều lĩnh, Tràng đưa thị về với tâm trạng đầy niềm tin. "Tràng xăm xăm bước vào trong nhà, nhấc tấm phên rách sang một bên". Hành động của Tràng cho thấy anh không hề hối hận với quyết định "nông nổi" của mình, ngược lại anh rất tự tin vào nó. Cho nên khi "thu dọn những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất", Tràng đã quay lại nhìn thị cười mà nói: "Không có người đàn bà, nhà cửa nó thế đấy!". Câu nói ấy có thể cho là một lời nói vu vơ nhưng lại đầy ý nghĩa. Nó vừa là một lời thanh minh rất thật cho sự bừa bộn, nghèo nát, rách rưới của anh cu Tràng, vừa là lời khẳng định bàn tay người đàn bà trong gia đình. Khi một người đàn ông đưa đàn bà xa lạ về mà nói những lời khẩn thiết như vậy, thì đồng nghĩa với việc người đàn ông ấy rất tin tưởng vào người phụ nữ mà mình đã chọn. Tràng tin rằng khi có thị, có bàn tay của thị thì cuộc sống của mẹ con Tràng sẽ khác đi. Dù mọi chuyện đến quá nhanh, việc có vợ hắn vẫn ngờ ngợ như không phải, "hắn cũng chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận, ấy thế mà thành vợ chồng.." nhưng hành động của Tràng lại cho thấy sự tin tưởng rất lớn. Tràng đon đả, ân cần, trân trọng thị "Ngồi đây!.. Ngồi xuống đây, tự nhiên..". Rồi Tràng cũng rất để ý đến nét mặt của thị, hắn nghĩ bụng: "Quái sao nó buồn thế nhỉ.. Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ?". Người xưa thường nói: Người dân quê thật thà, họ không biết làm những gì miễn cưỡng. Người dân quê nghĩ sao nói vậy cũng thật đúng! Qua những hành động vụng về của Tràng, ta mới thấy sự am hiểu tường tận tâm lí người dân quê của Kim Lân. Ông không chỉ lách sâu vào tâm lí của họ mà còn len vào đời sống, văn hóa con người để nói lên vẻ đẹp chân chất ấy.

    - Thưa chuyện với mẹ:

    Thường ngày, anh cu Tràm ít nói chỉ biết cười, "ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch", cũng vốn thích đùa, ngay cả câu chuyện đời Tràng cũng chỉ qua 2 lần đùa mà có được vợ. Thế nhưng hôm nay, Tràng lại khác hẳn. Tràng rất nghiêm túc, khi mẹ gặng hỏi "Có việc gì thế?" thì anh đon đả: "Thì u hẵng cứ vào ngồi lên giường lên chiếc chĩnh chện cái đã nào". Việc mời mẹ lên giường rồi mới chậm rãi thưa chuyện cho thấy Tràng rất nghiêm túc, trách nhiệm với hành động của mình. Rồi bỗng nhiên Tràng nói một cách rành rọt, rõ ràng đến lạ: "Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ. Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau.. Chẳng qua cũng là cái số cả..". Qua câu chuyện của Tràng, qua cách Tràng nâng niu hạnh phúc nhỏ bé của mình cho thấy anh không hề đùa cợt với tình duyên, số phận mà rất nghiêm túc. Dù giây phút bắt đầu thắp lửa cho nó Tràng đã "đùa" nhưng khi cái đùa thành thật thì Tràng lại thật sự nghiêm túc.

    4. Tràng cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với gia đình, tổ ấm của mình hơn (sáng hôm sau)

    Song song với niềm hạnh phúc vừa được thắp lên giữa đêm tối, Kim Lân như đã thổi vào Tràng, và những người "lay lắt" trong nạn đói một luồng sinh khí mới. Tràng buổi sáng hôm sau dậy muộn hơn khi "mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy", "trong người êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra". Cái hạnh phúc mà Tràng đang miên man không phải do miếng ăn mang lại mà do tinh thần. Bởi "việc hắn có vợ đến nay hắn còn ngỡ ngàng như không phải". Có lẽ đối với những người đã chấp nhận sự bất hạnh của mình trong cuộc sống mà bỗng nhiên có được niềm hạnh phúc, làm cho người ta không tin được hạnh phúc ấy đang ở hiện thực, nên Tràng vẫn "ngỡ ngàng như không phải". Cảnh vật hôm nay "mới mẻ và khác lạ quá" : "Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gang", ", ấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã được đem ra phơi", "hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp", "đống rác mùn tung boành ngay lối đi đã hót sạch". Quang cảnh xung quanh ngôi nhà đã phần nào tác động đến Tràng. Nó làm anh như được hồi sinh, rồi "hắn chắp tay sau lung lững thững bước ra sân" để hòa mình mà tận hưởng. Hình ảnh người mẹ già "nhẹ nhõm, tươi tỉnh, cái mặt bủng beo u ám rạng rỡ hẳn lên" và "thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏn lỏn như mấy lần gặp ở chợ tỉnh" cũng tác động rất lớn đến sự thay đổi của Tràng. Đây chính là không gian hạnh phúc mà có lẽ nằm mơ Tràng cũng không thể tưởng tượng được nên Tràn xúc động lắm! "Bỗng thấy thương yêu và gắn bó với cái gia đình của hắn lạ lùng". Lần đầu tiên trong cuộc đời, cái con người "ngờ nghệch" kia lại cảm thấy yêu thương mái ấm che nắng che mưa "rách bợt" này. Rồi Tràng cảm thấy "nên người, hắn thấy hắn có bổn phận và trách nhiệm phải lo lắng cho vợ con sau này". Hắn nhận ra mẹ đã đến tuổi "gần đất xa trời", hắn nhận ra trong cuộc đời dài dằng dặc của mẹ, chưa bao giờ hắn làm cho mẹ lấy nổi một niềm vui. Hắn dự phần tu căn nhà rồi cùng vợ "sinh con đẻ cái". Những dự tính của Tràng, những viễn cảnh về một tương lai chính là niềm khao khát, tia sáng lóe lên sưởi ấm con người giữa bóng tối để con người ta tin, bấu víu vào nó vươn lên.

    5. Tràng có niềm tin mãnh liệt vào tương lai, vào cách mạng:

    Kim Lân không chỉ miêu tả cái cảm xúc rất đỗi con người của Tràng mà còn cho thấy niềm tin vào tương lai. Đói rét, khổ đau hay bất hạnh cũng không thể quật ngã được sức sống mãnh liệt của những con người "dân quê chân chất". Đúng như Kim Lân đã từng khẳng định: "Không phải miếng cơm manh áo mới cho con người ta hạnh phúc" mà "khát vọng sống cho ra một con người" mới đủ sức cứu rỗi con người. Và Tràng sẽ nhận thức được con đường của mình ở cuối câu chuyện. Đó là hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trên đê Sộp của những người đói kéo nhau đi phá kho thóc của Nhật chia cho người nghèo. Tràng đã mở đầu câu chuyện với những bước đi ngật ngưỡng trên con đường vào xóm chợ một buổi chiều chạng vạng. Để rồi kết thúc câu chuyện, Tràng đã mở ra hình ảnh mới về một buổi sớm mai với đoàn người rợp bóng cờ bay. Con đường của Tràng là con đường đi từ "thung lũng đau thương ra cánh đồng vui bất tận", từ bóng đêm lầm lũi đến ánh sáng của cách mạng. Tràng đã thể hiện một niềm tin tất thắng vào tương lai cách mạng của Việt Nam.

    * * *

    *Nghệ thuật:

    - Xây dựng tình huống truyện độc đáo

    - Cách kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn, có nhiều chi tiết đặc sắc

    - Nhân vật được khắc họa sinh động, đối thoại hấp dẫn, ấn tượng, thể hiện tâm lí nhân vật linh hoạt, tinh tế

    - Ngôn ngữ mộc mạc, tự nhiên, giản dị, giàu sức gợi

    *Đánh giá:

    Bằng sự tinh tế trong cảm nhận, chân thực trong miêu tả cùng với việc am hiểu sâu sắc đời sống tinh thần của người nông dân nghèo, Kim Lân không chỉ tái hiện thành công không khí ngột ngạt, u tối của nạn đói 1945 mà trên cái phông nền ảm đảm đó, nhà văn đã làm nổi bật lên vẻ đẹp, khát vọng sống còn của con người, cùng những niềm tin, hy vọng của họ vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thông qua truyện ngắn, Kim Lân như muốn gửi đến người đọc rằng: Nạn đói có thể hủy diệt con người ta về sự sống thể xác nhưng tuyệt nhiên không thể làm mất đi tình yêu thương, cũng chẳng thể hủy diệt nổi sức sống tinh thần và niềm tin của con người.
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...