Phân tích nhân vật chí phèo trong tác phẩm chí phèo của nam cao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 5 Tháng mười hai 2020.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    39
    Phân Tích Nhân Vật Chí Phèo Trong Tác Phẩm Chí Phèo Của Nam Cao.

    Tác giả: YenOanh099

    Nam Cao là một cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông đến với con đường nghệ thuật "Vị nhân sinh" và tạo nên những tác phẩm thấm đượm tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Qua những tác phẩm của mình, Nam Cao đã tố cáo đanh thép chế độ nửa thực dân phong kiến, lên cái xã hội đen tối, chà đạp lên nhân phẩm và cướp mất quyền sống chân chính, lương thiện của con người. Và "Chí Phèo" chính là một trong số các tác phẩm tiêu biểu của ông, tác phẩm ra đời đã tạo nên tiếng vang lớn, đánh dấu vị trí, tên tuổi của Nam Cao trong nền văn học.

    Nói đến "Chí Phèo" đây là một kiệt tác khái quát chân thực, sâu sắc hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng: Một bộ phận nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Tất cả thể hiện rõ nét qua hình tượng nhân vật chính của truyện - Chí Phèo.


    Ban đầu, tác giả miêu tả Chí Phèo là một người nông dân lương thiện. Với một tuổi thơ bất hạnh, bị bỏ rơi từ lúc mới sinh trong cái lò gạch cũ, sống và làm việc cho nhiều người, không thân không thích, không một tấc đất cấm dùi, không được ai ban cho một chút tình thương. Đến năm hai mươi tuổi, Chí Phèo làm canh điền cho Bá Kiến - người gây ra sự thay đổi lớn trong cuộc đời của Chí.

    Chí vốn là người nông dân hiền lành, lương thiện, chăm chỉ làm việc với một ước mơ nho nhỏ "Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải". Tưởng chừng cuộc sống của mình sẽ được yên ổn nhưng không phải. Trong quá trình làm thuê cho nhà Bá Kiến, Chí gặp phải bà Ba - người vợ lẳng lơ của Bá Kiến, bà ta thường hay gọi Chí ra để Chí bóp chân cho bà. Bởi vì, là một người lúc nào cũng luôn ý thức được nhân phẩm của mình như Chí thì làm sao chịu nổi cảnh này "Bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân! Hắn cảm thấy nhục hơn là thích, huống hồ là sợ. Quả thật từ khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm một việc không chính đáng, hắn vừa làm vừa run". Nhưng không làm thì không được. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Bá Kiến ghen tuông và tìm mọi cách đẩy Chí vào tù. Vào tù rồi cũng là lúc bắt đầu cơn ác mộng, biến đổi một anh Chí hiền lành, lương thiện trở thành một con quỷ dữ bậc nhất của làng Vũ Đại.

    Sau bảy tám năm đi tù, Chí ngày xưa giờ đã bị tha hóa lẫn thân hình và nhân tính. Trở thành một Chí Phèo với hình dạng thay đổi đến mức không ai nhận ra "Hắn trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì chọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gờm gờm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm chỗ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!". Thân hình của Chí phèo đã hoàn toàn thay đổi và nhân tính của hắn cũng thế, hắn trở thành một tên du côn, liều mạng, triền miên trong cơn say, đập đầu, rạch mặt, kêu làng chửi bới và làm tay sai cho Bá Kiến. Dân làng thì xa lánh, sợ hãi và ghê tởm hắn.

    Tại sao Chí Phèo lại biến chất đến vậy? Nguyên nhân lớn nhất chính là do chế độ nhà tù thực dân đã biến hắn trở thành một con người như thế. Nam Cao đã khắc họa một cách chân thật, sâu sắc hình ảnh Chí Phèo bị tha hóa, điển hình cho người nông dân bị đè nén đến cùng cực và cũng là một nhân chứng tố cáo chế độ thực dân phong kiến biến người nông dân lương thiện ban đầu trở thành một con quỷ dữ của hiện tại.

    Chí Phèo ngang ngược, gây gó, chửi bới giống như phản ứng lại cái xã hội đen tối đã cướp đi quyền làm người của hắn. Hắn uống say rồi hắn chửi, chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, sau đó chửi luôn cái người đã đẻ ra mình. Làm như thế để người ta đáp lời hắn, nhưng không có, đối với lời của Chí Phèo, đáp lại là tiếng sủa của ba con chó.

    Dường như, dân làng đã không còn xem hắn là một con người nữa mà chỉ xem hắn như một loài thú dữ, tránh được thì nên tránh.

    Đến đây, câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Nam Cao khiến một con quỷ dữ gần như đã chìm sâu vào cuộc đời của thú vật bỗng nhiên thức tỉnh. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Chí Phèo và Thị Nở - một người phụ nữ xấu ma chê quỷ hờn. Thị Nở xấu xí, đần độn, ngẫn ngơ và ế chồng nhưng lại đem đến một chút tình yêu thương mộc mạc, giản dị vào cuộc đời của Chí Phèo, làm thức tỉnh bản chất lương thiện vốn có trong hắn.

    Tâm trạng của Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở đã được Nam Cao miêu tả một cách độc đáo, chứng tỏ tài năng bậc thầy của ông về phân tích tâm lí nhân vật. Đó là khi Chí Phèo tỉnh dậy, lòng bâng khuâng mơ hồ. Bên ngoài là tiếng chim hót vui vẻ, tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá.. Những âm thanh quen thuộc ấy hôm nào chả có nhưng hôm nay Chí Phèo mới nghe thấy, bởi lúc nào hắn cũng ngập chìm trong cơn say.

    Nghe thấy, tức là hắn biết mình vẫn còn tồn tại trong cuộc đời này.

    Và hắn buồn.

    Quá khứ trở lại.

    Chí Phèo nhớ về những ước mơ bình dị "Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải", đó cũng là mong muốn của bao người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Sau đó, nhìn lại hiện tại, Chí Phèo nhận ra bi kịch trong cuộc đời của mình. Hắn "Hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn là đói rét và ốm đau".

    Cũng may, Thị Nở xuất hiện giống như một sợi dây cứu vớt cuộc đời của hắn. Thị Nở đem đến cho Chí Phèo một bát cháo hành cũng là bát cháo tình yêu, bát cháo tình nguyện và bát cháo tình người. Đây chính là yếu tố nghệ thuật quan trọng trong truyện, đánh dấu sự thức tỉnh của con quỷ dữ Chí Phèo. Mới đầu "Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho". Đúng vậy, lần đầu tiên được một người phụ nữ quan tâm, lần đầu tiên nhận được hạnh phúc thật sự, Chí Phèo xúc động cảm thấy ăn năn. Trái tim của hắn, tưởng chừng như đóng băng, hóa đá lại dần dần tan chảy, sống dậy và hồi sinh cái phần người trong hắn.

    Tự nhiên Chí thấy thèm lương thiện, Chí muốn làm hòa với mọi người.

    Rõ ràng, Chí Phèo đã hoàn toàn thức tỉnh, Chí đang đứng trước tình huống có lối thoát, là con đường trở về với cuộc sống của một con người, qua đó thể hiện được cái nhìn đầy chiều sâu nhân đạo của nhà văn.

    Thế nhưng, đối với cái xã hội tàn ác lúc này thì hạnh phúc không bao giờ được kéo dài. Giờ đây, bi kịch trở về. Mở đầu là sự cự tuyệt tình yêu của Thị Nở đối với Chí Phèo. Chút tình yêu của Thị Nở không đủ mạnh mẽ để cứu vớt Chí Phèo, Thị Nở hắt hủi, ruồng bỏ một cách phũ phàng. Chí Phèo vẫn còn muốn núi kéo, hắn nắm tay Thị nhưng "Thị gạt ra lại giúi thêm cho một cái".

    Xong rồi!

    Con quỷ dữ vừa mới thoát khỏi cái hố sâu không thấy đáy của cuộc đời thú vật để trở về với cuộc sống của con người, một lần nữa chìm vào hố sâu ấy. Chí Phèo tuyệt vọng, định kiến xã hội (thông qua bà cô của Thị Nở) không cho hắn hi vọng. Hắn định toang đập đầu nhưng rồi thôi. Càng đau đớn hắn càng uống rượu, càng uống rượu hắn lại càng tỉnh.

    Tỉnh ra, chao ôi, buồn!

    Và, lại nữa "Hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức". Giọt nước mắt chảy trên gương mặt quỷ dữ, chao ôi! Sao mà xót xa!

    Thế là hắn uống, uống đến say mềm người rồi hắn đi, hắn muốn đi giết bà cô của Thị Nở lẫn Thị Nở nhưng không hiểu sao hắn lại đi thẳng đến nhà Bá Kiến. Đúng là "Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái lúc ra đi chúng định làm".

    Chí đau khổ, Chí đã thức tỉnh, Chí muốn trở lại làm người nhưng không ai cho hắn cơ hội, hắn rơi vào tuyệt vọng. Để rồi đến cuối tác phẩm, Nam Cao để người đọc cảm thông, xót xa thông qua tiếng kêu đau đớn của Chí Phèo: "Tao muốn làm người lương thiện! Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất đi những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể làm người lương thiện nữa. Biết không?".

    Sự căm thù, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, Chí Phèo giết Bá Kiến, một hành động của người nông dân thức tỉnh về quyền sống.

    Nhưng cuối cùng, Chí Phèo cũng tự sát. Đã không còn lối thoát thì sống làm gì? Tự sát là tất yếu khi Chí Phèo đã hồi sinh, nhận ra cái oái oam của mình và cái chết là con đường duy nhất giúp hắn giải thoát. Cái chết đó cũng là lời tố cáo của tác giả đối với xã hội nửa thực dân phong kiến, không chỉ đẩy người nông dân vào đường bần cùng, lưu manh hóa mà còn đẩy họ vào chỗ chết. Với họ cũng như với Chí, thì chết mà được làm người còn có ý nghĩa hơn là sống trong bộ dạng của một con quỷ dữ. Quả thật, bản chất con người nếu vốn là lương thiện thì chỉ cần cái gì đó kích thích thì bản chất đó lại được thức tỉnh.

    Tác phẩm kết thúc bằng cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến, Thị Nở thì mang trong người đứa con của Chí Phèo. Phải chăng số phận của đứa bé cũng lặp lai, giống như số phận người cha đã chết của nó. Bị bỏ rơi từ khi mới sinh, lớn lên bị cái xã hội thối nát lúc bấy giờ làm cho tha hóa, trở thành một con quỷ dữ rồi cuối cùng là bị bức ép mà dẫn đến cái chết, cái chết khi đã thức tỉnh. Từ đó, Nam Cao đã kết án sắc bén cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác lẫn tâm hồn của người dân lao động. Đồng thời, khẳng định bản chất lương thiện của họ ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình lẫn nhân tính mà cụ thể là việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật Chí Phèo.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng chín 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...