Chia sẻ Phân tích nhân vật An Dương Vương để thấy được sự công bằng của nhân dân ta đối với một vị anh hùng

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Rosie Duong, 20 Tháng mười 2021.

  1. Rosie Duong

    Bài viết:
    0
    Trong nền văn học Việt Nam, nếu kể đến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ trong buổi đầu sơ khai thì văn học dân gian là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của dân tộc Lạc Việt. Có rất nhiều thể loại được hình thành qua sự truyền miệng dân gian và hình thức sinh hoạt tập thể của nhân dân. Một trong số thể loại được nhiều người quan tâm và nó đã tác động đến cuộc sống của chúng ta đó chính là truyền thuyết. Khác với thần thoại, truyền thuyết phản ánh cốt lõi của lịch sử. Đó là công cuộc đấu tranh ngoại xâm bảo vệ đất nước, thể hiện niềm tự hào của dân tộc như Thánh Gióng, Lạc Long Quân – Âu Cơ.

    "Khi quay lại chém con sau yên ngựa

    An Dương Vương, người đã nghĩ suy gì?

    Hay cùng đường, ai cũng là giặc giã

    Và nghe lời mách bảo của Kim Quy."

    Qua những lời thơ giàu tính biểu cảm và đầy tính nhân văn trong bài thơ "Mỵ Châu", tác giả dân gian đã gợi nhắc ta về truyền thuyết "An Dương Vương và Mị ChâuTrọng Thủy", một trong những truyền thuyết đặc sắc trong kho tàng lịch sử văn học nước ta về chủ đề đấu tranh giữ nước. Lấy cốt truyện dựa theo sự kiện lịch sử, truyện đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc về nhân vật An Dương Vương vừa là anh hùng vừa là kẻ có tội. Từ đó, ta có thể thấy được cái nhìn công bằng của nhân dân ta đối với một vị lãnh tụ.

    An Dương Vương là một vị vua anh minh, sáng suốt và có tầm nhìn xa trông rộng khi ông đã nối nghiệp các vua Hùng, dời đô từ núi Nghĩa Linh về đồng bằng Cổ Loa để ổn định cuộc sống nhân dân, mở rộng giao thương về kinh tế, văn hóa.. Bởi dễ thấy, việc về đồng bằng là xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước. Nơi đây vốn có đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho việc trồng lúa nước, nuôi sống và phát triển con người. Hơn nữa, đồng bằng với sông ngòi ngang dọc trùng xếp, đi thuyền, đi bộ đều dễ dàng. Nếu nội lực chưa đủ mạnh thì rừng núi hiểm yếu chính là chỗ dựa an toàn nhất, nhưng muốn phát triển thì rừng núi không phải là nơi đắc địa. Quá trình dời đô phản ánh sự lớn mạnh của nhà nước Âu Lạc, đồng thời phản ánh trí tuệ bản lĩnh sáng suốt của vua An Dương Vương. Bài học ấy sau này được thế hệ đời sau dùng đến như vua Lí Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long, lập ra một triều đại oai hùng. Dời đô là quốc sách, nhưng cũng có nghĩa là phơi lưng ra giữa đồng bằng, thách thức đối phương.

    Từ xưa đến nay, quá trình dựng nước luôn phải đi đôi với giữ nước, hiểu được điều đó, ngay khi vừa dời đô về thành Cổ Loa, An Dương Vương đã cho xây thành đắp lũy, sẵn sằng phòng thủ giặc ngoại xâm. Công việc xây thành của nhà vua đã gặp rất nhiều gian nan, khó nhọc và vất vả khi thành cứ đắp đến đâu lại lở đến đấy, tốn biết bao nhiêu công sức mà vẫn không thành. Nhưng với ý thức trách nhiệm, lòng yêu nước và bản lĩnh vững vàng, không sợ khó, sợ khổ, không nản chí trước thất bại tạm thời, nhà vua đã không bỏ cuộc mà kiên trì, quyết tâm xây thành giữ nước. Khi thấy cứ xây vào ban ngày thì đêm lại đổ, vua bèn "lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần". Chi tiết hư cấu nghệ thuật về một ông già từ phương Đông đến báo sẽ có người giúp đỡ, và sự hỗ trợ của Rùa Vàng, cho vuốt để An Dương Vương chế tạo nỏ thần và cả việc công dụng thần kỳ của nỏ thần đã khẳng định tính đúng đắn của việc xây dựng Loa Thành. Nó thể hiện việc làm của An Dương Vương hợp với lòng dân, lòng trời và là cách đánh giặc của ông cha ta về chiến lược xây thành, đắp lũy. Với sự giúp đỡ của Rùa Vàng, ngay sau khi nó được hoàn thành, chín bức tường thành phố đã được xây dựng, tạo thành một pháo đài kiên cố để bảo vệ đất nước. Khi xây thành xong ông bày tỏ nỗi lòng với Rùa Vàng: "Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?". Nỗi băn khoăn ấy đã phản ánh nỗi lo lắng thường trực của đất nước thường có nạn giặc ngoại xâm. Hình ảnh của Loa Thành "rộng hơn một ngàn mét và xoắn như xoắn ốc" phản ánh sự cảnh giác và sẵn sàng bảo vệ đất nước, quyết tâm cao chống lại quân xâm lược nước ngoài của nhà vua và toàn dân Âu Lạc. Trong công cuộc chống giặc, An Dương Vương đánh thắng quân Triệu Đà nhờ thành ốc kiên cố, có nỏ thần kì diệu và có tinh thần cảnh giác cao độ. Qua đó ta cũng hoc được ở vị vua này về bài học dựng nước và giữ nước từ ngàn đời nay.

    Như vậy ở phần đầu của tác phẩm, với vị trí là vua nước Âu Lạc, là người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia, An Dương Vương đã khẳng định vai trò và công lao to lớn của mình trong buổi đầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Cách miêu tả như vậy cũng thể hiện sự ca ngợi nhà vua, tự hào về chiến công xây thành, chế nỏ, chiến thắng quân xâm lược của nhân dân ta. Việc kết hợp sự thật lịch sử và sử dụng các hư cấu nghệ thuật cũng đã khiến cho câu chuyện thêm lung linh, kì ảo, tăng tính khái quát, ý nghĩa biểu trưng của các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm.

    Tài giỏi là vậy, thế nhưng trong cuộc sống đúng là thế gian không cho ai hoàn hảo cả, và An Dương Vương cũng không phải một trường hợp ngoại lệ. Sau khi có nỏ thần trong tay, nhờ vào nó có thể dễ dàng đánh lui quân xâm lược của Triệu Đà nên nhà vua trở thành người chủ quan khinh địch. Khi Triệu Đà đem quân đánh mãi không thành, y bèn nghĩ kế độc, đưa con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn Mị Châu – người thân thích duy nhất của ông. An Dương Vương không mảy may chút nghi ngờ, ông đã đồng ý gả con gái mình cho con trai kẻ thù. An Dương Vương cho Trọng Thủy sang ở rể theo tục lệ của nước Âu Lạc. Đây chính là đầu mối dẫn đến bi kịch mất nước, là cơ hội lớn cho phía tên gián điệp đội lốt chú rể khám phá bí mật quốc gia. Cuộc hôn nhân giữa hai nước vốn đã có hiềm khích chính là sự dự báo cho những mối hiểm họa về sau. Vị vua xứ Âu Lạc phần vì chủ quan phía thông gia, phần vì tin yêu con rể nên đã mất cảnh giác. Hơn nữa, trong suy nghĩ của mình, ông chỉ mong hai nước sớm thuận hòa qua cuộc hôn nhân này và nhân dân sẽ không phải chịu cảnh khổ đau. Nhưng nhà vua không hề hay biết đằng sau việc cầu hôn chứa đựng âm mưu chính trị là thôn tính đất nước và tỏ ra mơ hồ về bản chất ngoan cố và âm mưu thâm độc của kẻ thù.

    Phân tích nhân vật An Dương Vương, ta thấy nhà vua là người xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, là người có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước nhưng cũng mắc sai lầm nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân chính đẩy Âu Lạc rơi vào thảm kịch ngàn năm Bắc thuộc. Ở phần sau, tác phẩm thể hiện bi kịch nước mất, nhà tan và cũng là lúc An Dương Vương chịu trách nhiệm của mình với đất nước. Sai lầm này của ông chính là nguyên nhân dẫn đến sai lầm của Mị Châu. Bởi sau khi trở thành vợ của Trọng Thủy, nàng nhẹ dạ cả tin, đặt hết tình yêu và sự tin tưởng vào chồng mà không hề hay biết rằng mình bị lợi dụng và chỉ là một quân cờ trong bàn cờ chính trị. Nối tiếp sai lầm đầu tiên, khi Triệu Đà đem quân tấn công lần thứ hai, đã đến chân thành nhưng ông vì cậy có nỏ thần mà điềm nhiên đánh cờ, cười nhạo kẻ thù cho tới khi quân giặc tiến sát thì vua mới phát hiện ra lẫy nỏ bị đánh cắp, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc mất nước. Vì chủ quan, ỷ lại vào vũ khí, cậy vào nỏ thần mà không lo phòng bị nên ông đã quên đi việc xây dựng quân đội và kêu gọi, đoàn kết nhân dân chống giặc ngoại xâm. Kết quả này nhà vua phải tự chuốc lấy do ông đã tự phạm nhiều sai lầm. Những lỗi lầm này của An Dương Vương đã để lại một bài học to lớn cho chúng ta sau này: Không được chủ quan, khinh địch, không được ngủ quên trong chiến thắng để tránh hậu họa về sau.

    Sự nghiệp bao nhiêu năm nay gây dựng bỗng chốc tan thành mây khói. Lúc rời bỏ thành mà chạy, ông chỉ biết mang theo con gái yêu của mình mà tìm đường ra cửa biển. Trong lòng ông mong nhờ sự giúp đỡ từ phía thần Kim Quy. Tình thế vô cùng nguy cấp khi nhà vua bị đẩy đến bước đường cùng. Trước mặt ông là biển cả mênh mông, còn sau lưng bóng quân giặc thấp thoáng đã đuổi theo cận kề, ông thất vọng, kêu cứu sứ Thanh Giang: "Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau lại cứu". Rùa Vàng nổi sóng xuất hiện và tiếng thét lớn của Rùa Vàng chính là lời kết tội đanh thép của công lý. Nhà vua quay lưng nhìn con gái rơi nước mắt và chiếc áo lông ngỗng, ông từ từ hiểu ra và dù vô cùng đau khổ nhưng ông phải rút gươm giết chết người con gái duy nhất của mình. Hành động quyết liệt, dứt khoát và nghiêm khắc đó không còn dưới cương vị, danh phận của một người cha mà là một vị vua đứng đầu, chịu trách nhiệm về đất nước khi đứng trên lập trường công dân, công lí và quyền lợi của dân tộc để trừng trị kẻ có tội với giang sơn. Sau khi giết Mị Châu, An Dương Vương đã cầm sừng tê giác rẽ nước trở về biển. Qua chi tiết này, ta có thể thấy nhân dân đã bất tử hóa cuộc đời của An Dương Vương. Nó cũng cho thấy tình cảm và thái độ của mọi người, kính trọng, tôn thờ và thương tiếc người anh hùng đã giúp xây dựng đất nước, nhưng vì một chút lơ là, con tàu đắm đã chìm sâu. An Dương Vương, dù có tội nhưng đó là sự vô tình nên được kéo dài cuộc sống của mình.

    Xây dựng nhân vật An Dương Vương các tác giả đã sử dụng nhiều yếu tố kì ảo: Sự giúp đỡ của Rùa Vàng, nỏ thần.. để khẳng định đề cao những chiến công của ông đối với đất nước. Nó thể hiện lòng kính trọng của nhân dân đối với thái độ dũng cảm, kiên quyết đặt nghĩa nước lên trên tình nhà, lắng nghe lí trí dù con tim vô cùng đau đớn, vì lợi ích chung mà bỏ qua sự ích kỉ của bản thân. Đây cũng được coi như là một lời giải thích cho lí do mất nước nhằm xoa dịu nỗi đau đó trong lòng một dân tộc yêu nước nồng nàn nay lần đầu tiên chứng kiến cảnh nước mất nhà tan. Không chỉ thế, nhân dân ta còn khẳng định dứt khoát rằng rằng An Dương Vương và dân tộc Việt nam ta không kém cỏi về tài năng mà là do kẻ thù quá nham hiểm, dùng thủ đoạn hèn hạ, vô nhân đạo, lợi dùng người con gái ngây thơ, cả tin và tình yêu đôi lứa. Rùa Vàng ở đây là hiện thân của trí tuệ sáng suốt và cũng là tiếng nói phán quyết mạnh mẽ của cha ông. Có thể nói, những chi tiết hư cấu thể hiện thái độ nghiêm khắc cùng bài học lịch sử: Luôn luôn cảnh giác với kẻ thù và sáng suốt trong mối quan hệ riêng – chung, nước nhà.

    Nhân đạo là một trong những truyền thống lớn trong văn học Việt Nam. Truyền thống này khởi nguồn từ trái tim giàu tình yêu thương, từ lòng vị tha ở mỗi người và trong văn học, nó khởi phát từ những câu chuyện xa xưa như Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy. Tấm lòng nhân đạo của dân gian trong câu chuyện này được thể hiện ở việc phản ánh lịch sử một cách độc đáo thông qua những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, nhuốm màu sắc thần kì mà vẫn thấm đẫm cảm xúc đời thường. Mỗi yếu tố kì ảo, mỗi tình tiết nghệ thuật được dựng lên gắn với từng nhân vật không chỉ đơn thuần đem lại sức hút của truyện mà quan trọng hơn, chúng là phương tiện biểu đạt thành công tư tưởng tình cảm của người dân lao động. Trong cái nhìn của nhân dân ta, An Dương Vương đã và mãi là một vị anh hùng dân tộc, có công đầu trong quá trình dựng nước, giữ nước. Với Mị Châu, cái nhìn đó có phần nghiêm khắc hơn. Mị Châu là người mang tội với nhân dân Âu Lạc, nàng là nguyên nhân trực tiếp gây nên sự sụp đổ của cơ đồ. Nhưng nhân dân ta cũng rất khoan dung với nàng bởi lẽ Mị Châu không cố ý gây nên lỗi lầm của mình. Máu Mị Châu chảy xuống biển, loài trai ăn phải biến thành hạt châu là minh chứng cho sự vô tình của mình và thể hiện thái độ thương xót của nhân dân Âu Lạc đối với nàng. Hình ảnh ngọc trai biểu trưng cho sự quý giá, trong sáng, thanh cao - đó cũng chính là những nét đẹp trong tâm hồn Mị Châu. Không bao dung, khoan hòa, nhân dân ta sẽ không bao giờ dành hình ảnh đẹp đẽ, viên mãn, trong sáng nhường vậy để minh oan, chiêu tuyết cho lỗi lầm nàng gây ra. Nhắc đên đây, chắc hẳn không thể nào bỏ qua Trọng Thủy - kẻ biết làm lợi cho đất nước của mình mà không từ thủ đoạn. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cha hắn giao phó, những tưởng Trọng Thuỷ sẽ có những giờ phút thư nhàn, sung sướng tận hưởng vinh hoa, phú quý. Nhưng khi đứng trên đỉnh cao của danh lợi, hắn mới thấm thía nỗi đau của riêng mình. Hắn vĩnh viễn mất đi người vợ yêu dấu và hành động nhảy xuống giếng tự vẫn thể hiện lòng hối hận chân thành của Trọng Thuỷ. Rõ ràng dân gian đã không quá cực đoan khi kết án tội trạng của nhân vật này. Giếng nước Trọng Thuỷ trẫm mình khi đem ngọc trai rửa vào thì ngọc càng trong sáng thêm. Điều đó chứng tỏ lỗi lầm của Trọng Thuỷ đã tìm được sự hóa giải trong tình yêu thương của Mị Châu. Hình ảnh ngọc trai - giếng nước trở thành một kết tinh nghệ thuật của câu chuyện. Nó không biểu trưng cho mối tình chung thuỷ, cho tình yêu sáng trong, sự gắn kết của đôi trai gái mà chỉ là hình ảnh của nỗi oan tình được hóa giải. Hình ảnh này thể hiện tập trung nhất nhận thức về lịch sử, đồng thời là sự cảm thông của nhân dân đối với nhân vật trong truyện.

    Đọc Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ, và cụ thể hơn là qua nhân vật An Dương Vương, chúng ta không chỉ được lắng nghe một câu chuyện, không chỉ được tiếp nhận những bài học quý báu mà còn được chứng kiến một cách xúc động về tấm lòng bao dung, nhân ái của nhân dân Việt Nam:

    "Rất công bằng, rất thông minh

    Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang"

    Sáng tạo nên câu chuyện, dân gian đã truyền lại cho các thế hệ sau những kinh nghiệm sống, những cái nhìn, cách nhìn thấm đượm tinh thần nhân văn với cuộc đời, con người. Để rồi chính tinh thần đó sẽ còn được tiếp nổi ở bao áng văn thơ muôn đời sau.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...