Phân tích Người kể chuyện trong tác phẩm Khi hơi thở hóa thinh không

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Đứa trẻ hư, 23 Tháng mười một 2021.

  1. Đứa trẻ hư

    Bài viết:
    3
    [​IMG]

    Nguồn ảnh: Reviewsach

    "Khi hơi thở hóa thinh không" là cuốn tự truyện được viết trong giai đoạn đấu tranh với căn bệnh ung thư quái ác của Paul Kalanithi, tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh người Mỹ gốc Ấn. Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất với người kể không ai khác ngoài Paul Kalanithi – nhân vật chính của câu chuyện, không chỉ quy định những đặc điểm về hình thức và nội dung mà còn mang lại nhiều giá trị nội dung, ý nghĩa sâu sắc cho tác phẩm này.

    Ngay khi cầm cuốn sách trên tay, người đọc đã có thể cảm nhận được không khí của bệnh viện với màu xanh gợi liên tưởng tới cả sự sống lẫn cái chết thuộc về nơi đây. Mặt trước là bóng lưng của một bác sĩ, đối lập với hình ảnh bệnh nhân in ở bìa sau cuốn sách nói lên mối quan hệ biện chứng giữa hai vai trò bác sĩ và bệnh nhân. Một bác sĩ dù có tài giỏi đến mấy rồi cũng có lúc trở thành một bệnh nhân, giống như câu chuyện cuộc đời của Paul vậy. Con người ta dù có học nhiều biết rộng thì cũng mãi là một tinh cầu nhỏ bé giữa vũ trụ bao la này, không thể thoát khỏi quy luật xoay vần của tạo hóa.

    Là một cuốn tự truyện về cuộc đời cùng những trăn trở, suy tư về lẽ sống, cuốn sách được kể theo ngôi thứ nhất mà người kể là bác sĩ Paul Kalanithi, cũng là người trực tiếp đương đầu với cái chết đang đến gần được kể lại trong tác phẩm. Paul, tên đầy đủ là Paul Sudhir Arul Kalanithi, sinh năm 1977, mất năm 2015 sau hai năm chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh và một nhà văn với tác phẩm duy nhất được viết trong những ngày cuối đời, Khi hơi thở hóa thinh không . Paul lớn lên ở Kingman, Arizona trong một gia đình có truyền thống y khoa nhưng luôn khao khát trở thành một nhà văn khi còn trẻ. Do sớm được tiếp xúc với các tác phẩm kinh điển thuộc nhiều nền văn học khác nhau từ những cuốn sách mà người mẹ tuyệt vời mang về, Paul mang nặng những trăn trở về cuộc đời và lẽ sống từ khi còn rất trẻ. Những trăn trở ấy đã thôi thúc anh không ngừng học tập và tìm kiếm, dẫn đến quyết định theo học và tốt nghiệp bằng cử nhân và thạc sĩ về Văn học Anh cùng một bằng cử nhân về Sinh học người ở trường đại học Stanford. Không dừng lại ở đó, Paul tiếp tục học tập và nhận bằng thạc sĩ triết học về Lịch sử và Triết học Khoa học, Y học tại trường Cambridge trước khi tốt nghiệp xuất sắc từ trường Y thuộc đại học Yale. Suốt cả cuộc đời, Paul luôn hướng về phía trước, không ngừng tìm kiếm tri thức để thỏa mãn cho sự tò mò và suy tư về ý nghĩa cuộc sống. Vào năm thứ nhất ở Yale, Paul đã gặp Lucy – người mà bốn năm sau đó trở thành vợ của anh. Sự xuất hiện của mỗi người trong cuộc đời của đối phương đã đem lại những ý nghĩa nhất định mà ngay cả cái chết cũng không thể cắt đứt mối liên hệ thiêng liêng ấy. Như Lucy đã viết trong phần Lời bạt: "Thông qua việc chăm sóc con gái chúng tôi, gìn giữ mối quan hệ với người thân trong gia đình, xuất bản cuốn sách này, theo đuổi những công việc có ý nghĩa, tới thăm mộ Paul, thương khóc và tôn vinh anh, kiên trì bền bỉ.. tình yêu của tôi vẫn tiếp tục – vẫn sống tiếp – theo cách mà tôi chưa từng nghĩ đến."

    Câu chuyện được kể theo trình tự thời gian với kết cấu hai phần: Trước khi biết bản thân mắc bệnh và quá trình đấu tranh với bệnh tật của bác sĩ Paul Kalanithi. Bối cảnh cũng có sự dịch chuyển theo từng chặng và những sự kiện xảy đến trong suốt cuộc đời Paul. Ở phần thứ nhất, không gian xuyên suốt và bao trùm là khung cảnh gia đình ở chốn cao nguyên hoang mạc Arizona với nắng và gió cùng hàng ngàn điều kì bí từ thiên nhiên hoang dã. Trong phần này, Paul cũng chia sẻ rất nhiều về quá trình học tập của mình – mà nổi bật nhất là khoảng thời gian theo học ngành Y và tham gia chương trình nội trú tại bệnh viện – nhưng chủ yếu là các sự kiện trong khi học tập, chữa trị cùng những trăn trở đi kèm chứ không mô tả nhiều về không gian xung quanh. Cảnh tượng hoang mạc rộng lớn và nguyên sơ đã làm nổi bật lên một chàng trai tự do phóng khoáng, với óc tò mò và lòng ham học vô bờ bến nhưng đồng thời cũng vô cùng nhỏ bé giữa bao la vô tận. Chàng trai ấy không ngừng nỗ lực và tìm kiếm tri thức suốt cả cuộc đời mình, cống hiến hết mình cho đam mê nghề nghiệp, đồng thời không quên trân trọng gìn giữ những điều lớn lao đẹp đẽ trong mối quan hệ giữa người với người. Đến với phần hai, khi phải đón nhận kết quả chẩn đoán đầy đau đớn, bối cảnh chủ đạo nơi hầu hết các sự kiện diễn ra là bệnh viện và các phòng khám. Xen kẽ với những lần ra vào bệnh viện là không gian gia đình ấm cúng nơi mọi người thân trong gia đình được gắn kết với nhau hay những âm thanh yên bình chốn nhà thờ cùng không khí lãng mạn ở những địa điểm hẹn hò mà Paul và Lucy đã dành cho nhau.. Không gian bệnh viện trong phần này đóng vai trò như cái phông nền chứng kiến mọi cung bậc cảm xúc và diễn biến tâm lý phong phú từ khi Paul nhận kết quả chẩn đoán, chấp nhận cái chết ngay trước mắt cho đến khi khủng hoảng suy sụp vì mất phương hướng, mặc cả và tức giận với số phận – hay với chính bản thân mình, cuối cùng là sự phủ nhận hoàn toàn khi nhận ra rằng "Có lẽ, khi không có sự chắc chắn nào cả chúng ta đành mặc định rằng mình sẽ sống rất lâu" để có thể vững tin hướng về phía trước. Trong một lần chia sẻ trên truyền hình, Paul cũng từng khẳng định rằng nếu như ta không lường trước bi kịch, có lẽ ta và gia đình sẽ phải chịu cay đắng; nhưng nếu không tính đến những điều tốt đẹp, ta sẽ vụt mất cơ hội sống một cuộc đời tốt đẹp hơn. Cuộc sống vốn vô thường và khó đoán định, có lẽ điều mà mỗi người nên làm là đề phòng rủi ro và không ngừng hi vọng, tin tưởng.

    Không dừng lại ở việc chi phối bối cảnh và nhận thức, ngôi kể thứ nhất tự xưng "tôi" còn quy định nhiều đặc điểm hình thức và nội dung trong tác phẩm. Nhân vật trung tâm xưng "tôi" là bác sĩ Paul Kalanithi mang cái nhìn toàn quyền trong toàn bộ tác phẩm, dẫn dắt câu chuyện theo trình tự thời gian, xen kẽ những sự kiện diễn ra bằng những suy nghĩ, quan điểm của chính bản thân tác giả. Là người kể chuyện đồng thời đóng vai trò nhân vật trung tâm, những trải nghiệm và suy tư của Paul quyết định đề tài, chủ đề lẫn tư tưởng cho tác phẩm. Mở đầu bằng câu hỏi "Điều gì khiến cuộc sống của tôi có ý nghĩa?", tác giả lựa chọn chủ đề y khoa – học thuật để nêu lên những quan điểm, tư tưởng trong suốt hành trình theo đuổi tri thức của mình, không ngừng sống, nỗ lực để trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời. Suốt đời đắm mình trong khoa học, đến những ngày cuối cùng, khi được trở về với vòng tay gia đình và có cuộc "tái ngộ" với Thiên Chúa Giáo, Paul nhận ra một điều mà thực ra anh đã được chỉ dẫn từ khi còn trẻ: Khoa học không phải toàn bộ cuộc sống. Phải dành cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, Paul mới có thể hiểu một cách sâu sắc rằng "các phương pháp khoa học chỉ là sản phẩm của bàn tay con người và do đó không thể vươn tới sự thật vĩnh cửu" đồng thời "không có hệ tư duy nào chứa được sự trọn vẹn của trải nghiệm con người". Bài học rút ra ở đây là chỉ cần sống trọn vẹn, chú tâm từ những điều giản dị và nhỏ bé nhất, con người có thể lĩnh hội cái bao la vô tận. Nhưng người ta học hỏi từ kinh nghiệm và thất bại, nên ai cũng phải trải qua đau đớn trong đời mới biết quay về cái giản dị, ban sơ.

    Ngôi kể thứ nhất còn góp phần khiến cuốn tự truyện của Paul diễn ra một cách tự nhiên, chân thật đem đến cho người đọc cảm giác như đang quan sát cuộc đời Paul từ khoảng cách rất gần. Những trăn trở và suy nghiệm về cuộc đời, nghề nghiệp, lẽ sống cũng giản dị và dễ đồng cảm hơn rất nhiều. Nghề y trong mắt những người ngoài trở nên thiêng liêng cao cả hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi đọc đến những dòng chiêm nghiệm của bác sĩ Paul: "Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống". Cả những băn khoăn của anh khi cố gắng tìm cách đến thật gần với bệnh nhân và gia đình, chia sẻ và nâng đỡ cuộc đời của họ, mở ra hi vọng và cái nhìn tích cực vào cuộc sống dựa trên các căn cứ thực tế, tránh ảo vọng hoặc tiêu cực quá mức cũng khiến mỗi người chúng ta thầm cảm phục và kính trọng người bác sĩ này nói riêng, những y bác sĩ khác nói chung.

    Biết rằng ngôi kể số một xưng "tôi" sẽ giới hạn câu chuyện trong những trải nghiệm và quan sát nhất định của một cá nhân, nhưng chúng ta đều biết Paul vốn là một người học nhiều hiểu rộng với vô khối những trải nghiệm phong phú trong đời, điều này mang đến những điểm nhìn bên trong đa dạng cho "Khi hơi thở hóa thinh không". Chính tác giả cũng tự khẳng định: "Khi được chẩn đoán mang bệnh nan y trong người, tôi bắt đầu nhìn thế giới qua hai lăng kính, tôi bắt đầu nhìn cái chết trong cả hai vai trò bác sĩ và bệnh nhân." Ngoài hai điểm nhìn chính là bác sĩ – bệnh nhân bao trùm trong toàn bộ tác phẩm, chúng ta còn được lắng nghe câu chuyện và quan sát cuộc sống dưới điểm nhìn của một người con trong gia đình, người chồng hết mực yêu thương và lo lắng cho vợ mình, một người cha tuyệt vời, một người bạn đáng kính, và trên tất cả là một con người hội tụ tất cả những đẹp đẽ trong đời. Với điểm nhìn bác sĩ, ta nhìn thấy những suy tư về nghề nghiệp, kiến thức: "Nỗi đau thất bại đã khiến tôi hiểu được rằng sự xuất sắc về mặt kỹ thuật là một đòi hỏi về đạo đức". Chân dung một bác sĩ hết mình với nghề nghiệp, ngày ngày đối diện với sự sống và cái chết nhưng không để bản thân chai sạn. Trong suốt thời gian làm việc, Paul luôn tự nhắc nhở mình phải nhìn nhận bản thân như một con người chứ không phải một công việc cần kết thúc, điều này dẫn đến trăn trở "cuộc đời nào là đáng sống" chứ không phải lạnh lùng tuyên bố khả năng sống – như một dạng tồn tại vô nghĩa lý – hay chết – như một kết thúc bi thảm. Đến với góc nhìn bệnh nhân, ta thấy một con người ngoan cường không ngừng chiến đấu với bệnh tật, giữ vững trăn trở "cuộc đời nào là đáng sống", không ngừng hi vọng và quyết tâm sống một cuộc đời trọn vẹn. Khi là một người con, Paul hết lòng hiếu thảo và hòa thuận với mọi người trong gia đình. Những ngày cuối đời, họ đã dành tất cả thời gian yên bình và vui vẻ bên nhau, như một gia đình thực sự. Còn ở vai trò một người chồng, Paul luôn suy nghĩ cho hạnh phúc của Lucy. Ngay khi được chẩn đoán mang căn bệnh quái ác trong người, hai vợ chồng đã dự tính sinh bé Cady. Và dù biết rõ rằng mình chẳng còn bao nhiêu thời gian, sẽ không đủ để con gái có ký ức gì về mình, Paul vẫn quyết định cùng Lucy sinh con với mong muốn kể cả sau khi anh chết đi, Lucy vẫn có một gia đình. Thực tế đã chứng minh điều đó, cái chết đã không chia cắt được tình yêu của hai vợ chồng anh. Đối với bạn bè, Paul luôn là một người bạn tốt trong suốt cuộc đời của họ. Phần đề tựa cùng hàng loạt các chi tiết trong tác phẩm liên quan đến niềm vui bên bạn bè, người thân đã cho thấy rõ điều đó. Việc Paul vẫn luôn sống mãi trong lòng bạn bè và người đọc cũng là một minh chứng cụ thể và sống động hơn bao giờ hết về một người bạn chân thành và đáng quý trọng.

    Ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" vốn không phải là một điểm mới mẻ trong văn học, bàn về ý nghĩa cuộc sống cũng là một vấn đề nhiều người đã từng quan tâm và phân tích kỹ lưỡng nhưng cuốn "Khi hơi thở hóa thinh không" của Paul Kalanithi đã đem đến những góc nhìn vô cùng phong phú và ý nghĩa. Câu chuyện về cuộc đời và quá trình đối diện với cái chết của anh không chỉ khiến nhiều người ngưỡng mộ mà còn để lại những dư âm vọng mãi. Không chỉ là câu chuyện về việc đối diện và bước về phía cái chết, "Khi hơi thở hóa thinh không" chính là hành trình ấy. Những trăn trở và chiêm nghiệm của Paul về ý nghĩa cuộc sống dưới những điểm nhìn khác nhau đã mang lại trải nghiệm phong phú và chân thực cho mỗi người đọc, đồng thời gợi ra những liên tưởng sâu xa hơn về cuộc đời, con người và "những thứ lơ lửng ở giữa".
     
    chiqudollEve nguyễn thích bài này.
    Last edited by a moderator: 23 Tháng mười một 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...