Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 27 Tháng mười 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG]

    Phân tích khổ thơ đầu bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" – Hàn Mặc Tử

    Bài Làm:

    Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận xét về thơ của Hàn Mặc Tử: "Thơ không cần nhiều từ ngữ, nó cũng không quan tâm đến hình xác sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và chuyển đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ". Nếu như Xuân Diệu luôn đắm say với những cảm xúc thiết tha, rạo rực băn khoăn thì nhà thơ Hàn Mặc Tử lại gắn liền với sự kỳ dị, điên cuồng và trong thế giới kỳ dị điên cuồng đó người ta vẫn tìm thấy một tình yêu đến đau đớn, khắc khoải hướng về cuộc đời trần thế, dẫu nó đã để lại cho ông nhiều bất hạnh, bi ai. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Hàn Mặc Tử, được coi là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất và hay nhất của phong trào thơ Mới cũng như trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Tài năng của nhà thơ được thể hiện rõ nhất trong khổ thơ đầu tiên:

    "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

    Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.

    Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc.

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền."

    Trước hết, chúng ta cần biết Hàn Mặc Tử là con người tài hoa mà bất hạnh, là "ngôi sao chổi trên bầu thơ Việt Nam" (Chế Lan Viên). Là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào Thơ mới, ông để lại cho đời những vần thơ vừa "điên loạn", "đau thương" vừa thiết tha, trong sáng. Tiêu biểu cho những vần thơ trong sáng, thiết tha ấy là bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ". Bài thơ được viết năm 1938, khi Hàn Mặc Tử đã mắc căn bệnh nan y. Thi phẩm được in trong tập "Thơ điên", được khơi nguồn cảm hứng từ tấm bưu ảnh mà Hoàng Thị Kim Cúc (cô gái thôn Vĩ mà thi sĩ đã yêu, một tình đơn phương) gửi cho ông. Trong sự hẫng hụt đến tột cùng ấy Hàn Mặc Tử đã viết rất nhiều thơ về sự kiện này, trong đó khác biệt có bài Đây thôn Vĩ Dạ được viết trong lúc bệnh tình của Hàn Mạc Tử trở nặng nhưng lại nhận được tấm bưu thiếp của người xưa, điều ấy đã khơi gợi lên trong lòng ông sự vui sướng, niềm ham sống vô cùng, tất cả đều được thể hiện một cách trọn vẹn trong bài thơ này. Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn, gồm ba khổ thơ. Đến với khổ thơ đầu: Là bức tranh thôn Vĩ vào buổi bình minh

    "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

    Ở khổ thơ đầu của bài thơ phong cảnh thiên nhiên của thôn Vĩ Dạ, một góc của xứ Huế mộng mơ đã được mở ra với dáng vẻ trong sáng thanh khiết dưới cái nắng mai dịu dàng. Câu hỏi tu từ "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" mang một âm sắc đặc biệt bởi đã số chữ đều mang thanh bằng đã đem đến một cảm giác rất Huế, rất ngọt ngào êm ái tựa như bức rèm mỏng đã mở ra và khơi gợi nên mạch cảm xúc mộng và thơ cho toàn bộ tác phẩm. Ây là câu hỏi tu từ, hỏi không yêu cầu trả lời. Ở đây, nhà thơ tự phân thân ra để tự hỏi mình. Câu hỏi thoáng chút trách móc, hờn giận, nhưng chủ yếu là bộc lộ nỗi lòng nhà thơ. Câu thơ bảy tiếng thì có sáu tiếng đầu liên tục là thanh bằng. Sáu thanh bằng liên tục ấy tạo ra âm hưởng chơi vơi. Có lẽ nỗi nhớ chơi vơi về thôn Vĩ khiến Hàn Mặc Tử đã mở đầu bài thơ bằng âm hưởng chơi vơi ấy. Cuối câu hỏi là một thanh sắc chói gắt, xoáy vào lòng người, làm người đọc cảm nhận được nỗi xót xa, tiếc nuối vì đã không trở về thôn Vĩ thân yêu. Câu thơ bộc lộ rõ nỗi nhớ chơi vơi và niềm xót xa tiếc nuối của thi sĩ khi không có cơ hội trở về thôn Vĩ.

    Có thể nhận ra được rằng về Huế có lẽ là nỗi trăn trở, nuối tiếc vô cùng của thi sĩ, đó không chỉ là nơi ông từng gắn bó một thời gian dài mà ở tại nơi ấy còn có người con gái mà ông yêu thương tha thiết, chẳng biết nàng có đợi không, nhưng ông vẫn chỉ hướng về người. Sau câu hỏi tu từ mang đậm nỗi khát khao cháy bỏng được về lại Huế một lần, thì Hàn Mặc Tử đã dùng những câu thơ rất đẹp để tái hiện lại cảnh thôn Vĩ Dạ đầy chất thơ và mộng ảo:

    "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

    Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc.

    Theo nhà phê bình văn học Hoài Thanh,".. Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng.. "và" Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh.. ". Ba câu thơ tiếp theo trong khổ thơ đầu là cảnh thôn quê trước buổi bình minh với những nét vẽ tươi tắn và đặc sắc, đó là vẻ đẹp của nắng với hai từ" nắng "lặp lại trong một câu thơ" Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên ". Điệp từ" nắng "hai lần trong câu hai gợi tả một không gian tràn ngập ánh nắng, dường như cả khu vườn đang tắm gội dưới ánh bình minh. Có thể nói rằng ngòi bút của Hàn Mặc Tử là một ngòi bút tài hoa trác tuyệt, người sẵn sàng phá vỡ cái quy tắc lặp từ tối kỵ của thi ca để tạo nên một bức tranh với cái nền vàng nhàn nhạt, ánh nắng nhu hòa tràn ngập khắp không gian, khiến vần thơ cũng như được thổi bừng sức sống ấm áp và tươi trẻ. Cảnh thôn Vĩ được nhìn từ xa nên sự vật đầu tiên mà tác giả trông thấy là" nắng hàng cau "– nắng ban mai chiếu trên hàng cau cao vút. Đó là thứ" nắng mới lên ", thứ nắng gợi ra sự ấm áp, trong trẻo, tinh khôi. Và cái nắng ở đây cũng rất riêng ấy là" nắng hàng cau ", phải nói rằng cau là biểu tượng của xứ Huế, loài cây có lợi thế về chiều cao, lúc nào cũng vươn lên thẳng tắp và đón nhận một cách trọn vẹn nắng trời, toàn cây lấp lánh những ánh sáng xanh vàng, khiến hồn người trở nên yêu đời hơn cả.

    Tới gần hơn, nhà thơ nhìn thấy vườn" xanh" "mướt" "như ngọc". "Mướt" là từ tả độ bóng, sự óng ả, mượt mà tràn đầy sức sống của cây lá trong vườn. Từ cảm thán "quá" như một tiếng reo vui kinh ngạc trước vẻ đẹp bất ngờ của khu vườn. Nó lại ánh lên sắc "xanh như ngọc". Có lẽ, vào buổi sáng sớm, cây lá còn đẫm sương đêm, được ánh nắng dọi lên nên ánh lên long lanh "như ngọc". Cảnh thôn Vĩ hiện về trong nỗi nhớ của nhà thơ thật gần gũi, thật đẹp, thật trong trẻo, tinh khôi. Chỉ một từ "mướt" thôi nhưng đã gợi ra cái sự trù phú, non tươi, mỡ màng tràn đầy sinh khí của khu vườn thôn Vĩ, rồi cũng gợi ra cảnh một khu vườn mới tắm sương đêm đang còn đọng nước, từng giọt sương trong trẻo đang lung linh dưới ánh mặt trời, phản chiếu lại những tia nắng mới khiến cho từng tán lá xanh phát sáng, khơi gợi liên tưởng về một màu xanh ngọc ngà, trong trẻo, tươi mát.

    Câu thơ lại thêm một từ "ai" phiếm chỉ khiến cho toàn cảnh bức tranh trở nên có hồn và tình tứ hơn cả, từ đó làm nổi bật lên vẻ đẹp của người thôn Vĩ trong câu "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Hàn Mặc Tử đã dùng bút pháp "thi trung hữu họa" của văn học trung đại với những nét vẽ vừa thanh của lá trúc lòa xòa làm nổi bật lên cái nét đậm của một khuôn mặt chữ điền duyên dáng, phúc hậu của người con gái. Đó là gương mặt mang những nét đẹp phẩm chất mà người ta vẫn mong cầu ở người con gái, nhân hậu, thủy chung, mang tướng hình có phúc phần về sau. Đúng như Nguyễn Đăng Mạnh đã nói: "Thơ không cần nhiều từ ngữ, nó cũng không quan tâm đến hình xác sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và chuyển đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ."

    "Lá trúc che ngang mặt chữ điền."

    Thấp thoáng sau cảnh vật là hình ảnh con người. Con người thôn Vĩ hiện ra với khuôn "mặt chữ điền" – khuôn mặt của người phúc hậu, hiền lành. Khuôn mặt ấy lại thấp thoáng đằng sau "lá trúc" nên càng trở nên duyên dáng, đáng yêu.

    Như vậy, cả khổ thơ một là bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ vào buổi bình minh đẹp trong trẻo, tinh khôi, tràn đầy sức sống và con người thôn Vĩ phúc hậu, duyên dáng, đáng yêu. Đằng sau bức tranh có cảnh và người đó, người đọc cảm nhận được tấm lòng yêu đời, yêu người đáng quý của nhà thơ bất hạnh. Quả như Lê Thị Hồ Quang đã nhận định: "Rõ ràng là có một thế giới thiên nhiên rất thực đã và đang tồn tại trong Đây thôn Vĩ Dạ." Đó Là một thế giới của "vườn ai mướt quá", của "lá trúc che ngang" và "thuyền ai đậu bến sông trăng đó".. đầy tình tứ. Một thế giới xôn xao của ánh sáng và sắc màu song vẫn gợi lên sắc thái cổ điển: Mỗi hình ảnh, sự vật đều rất nổi nét trong những hình vẻ cụ thể, trong cả những câu mà tất thảy như bị nhoè mờ đi sau một màn sương khói mông lung vô tình hay hữu ý. Những "nắng", những "vườn", những "con thuyền", "vầng trăng" và "em" nữa.. tất cả đã tạo nên một tập hợp hình ảnh rất sống về cuộc đời trong tâm trí Hàn Mặc Tử, khi ông, trong một cảnh ngộ riêng có tính bi kịch, bị gạt ra ngoài guồng quay của nó và chỉ có thể đứng từ xa, hướng đến cuộc đời, để ngưỡng vọng và khao khát.

    Tóm lại, "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình". Với trí tưởng tượng phong phú cùng với nghệ thuật so sánh, nhân hóa; thủ pháp lấy động tả tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ và những hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giữa thực và ảo, Hàn Mặc Tử đã dẫn người đọc trở về với thôn Vĩ thơ mộng, hữu tình; đồng thời thể hiện lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ. Hoài Thanh đã từng đau đáu khi nhắc đến thơ Hàn Mặc Tử: "Một nguồn sáng tỏa ra từ một linh hồn vô cùng khổ não. Ta bắt gặp dấu tích còn hoi hóp của một tình duyên vừa chết yểu. Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì nhưng thường là một thứ buồn, dầu có thấm thía vẫn dịu dịu. Chỉ trong thơ Hàn Mặc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt như thế. Lời thơ như dính máu".
     
    Last edited by a moderator: 9 Tháng chín 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...