Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền" Hàn Mặc Tử là hồn thơ tài hoa độc đáo có sức sáng tạo mãnh liệt của phong trào thơ mới. Hàn Mặc Tử đã có một quan niệm rất thú vị về sứ mệnh của thi nhân: "Nhà thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo". Làm thơ, theo ông là "nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng". Với quan niệm ấy, Hàn Mặc Tử đã đưa vào thơ của mình tất cả những gì trong sáng nhất, huyền diệu nhất của đời sống tự nhiên và thế giới tinh thần. "Đây thôn Vĩ Dạ" là một trong những bài thơ hay và đẹp của Hàn Mặc Tử, thể hiện khá rõ quan niệm trên. Với tác phẩm này nói chung và khổ thơ thứ nhất nói riêng, Hàn Mặc Tử đã tái hiện một bức tranh nên thơ về xứ Huế, đồng thời gửi vào đó tiếng lòng thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, con người và cuộc sống. Kiệt tác "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử có liên quan đến một địa danh nổi tiếng của xứ Huế: Thôn Vĩ Dạ. Vĩ Dạ là một thôn nhỏ nằm bên bờ sông Hương. Vĩ Dạ mang những nét đặc trưng của xứ Huế với kiến trúc nhà vườn độc đáo. Ở đây có những khu vườn cây trái xanh tươi, được chăm chút, cắt tỉa đẹp như những công trình nghệ thuật. Đến thăm Vĩ Dạ có lần Xuân Diệu đã so sánh mỗi kiến trúc nhà vườn với một bài thơ Tiếng Việt. Ngay từ thời còn là học sinh trung học ở Huế, Hàn Mặc Tử đã có nhiều kỉ niệm về Vĩ Dạ, về những khu vườn nơi đây. Đặc biệt, trong thời gian làm ở sở đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử thầm yêu Hoàng Cúc, con gái ông chủ sở, người gốc Huế. Sau này, vì những biến động cuộc sống, ông đã không gặp lại người con gái ấy, cùng lúc biết mình mang bệnh. Một ngày kia, nhà thơ nhận được tấm bưu ảnh của Hoàng Cúc trên có in khung cảnh Vĩ Dạ.. có lẽ đây là những nguyên cớ trực tiếp khơi gợi niềm cảm hứng sáng tạo để thi nhân viết lên kiệt tác "Đây thôn Vĩ Dạ". Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" mở ra bằng một câu hỏi vời vợi nhớ mong: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Không biết đó là lời mời chào pha chút trách móc của người con gái Vĩ Dạ hay là lời độc thoại nội tâm của nhà thơ? Chỉ biết rằng câu hỏi ấy đã làm sống dậy biết bao hoài niệm tươi đẹp của Hàn Mặc Tử về cảnh vườn xưa thôn Vĩ. Những kỉ niệm sâu đậm của nhà thơ với xứ Huế khiến ta dễ nghĩ rằng, dường như có một thôn Vĩ mà chỉ cần gợi một lời ở đầu môi, tự nó hiện ra như một khối pha lê trong suốt. Câu thơ giống như một cánh cửa vườn lòng vừa hé mở, dịu dàng mà tha thiết để rồi người đọc như được đắm mình vào bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi Vĩ Dạ. Nhớ về xứ huế mộng mơ, trong tâm tưởng của Hàn Mặc Tử bất chợt sống dậy màu nắng nguyên khôi, chiếu rọi những hàng cau nơi vườn xưa Vĩ Dạ: Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Câu thơ mở ra khoảng thời gian trong trẻo, tươi tắn nhất của một ngày: Sáng sớm. Chọn khoảnh khắc đó làm khung cảnh nền cho bức tranh thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử đã vẽ lên một khu vườn tuyệt đẹp, với hàng cau, nắng mới, với những nhánh cành xanh mướt sương đêm. Hồn thơ của Hàn Mặc Tử bị thu hút trước hết bởi vẻ đẹp của màu nắng trong vườn. Đó không phải là cái nắng oi ả của trưa hè, cũng không phải cái nắng vàng vọt của hoàng hôn mà là "nắng mới". "Nắng mới" là nắng trinh nguyên của buổi sớm mai, sáng đẹp, tươi tắn, mở ra bao nhiêu sự sống, bao sự khởi đầu đẹp đẽ, đáng yêu. Câu thơ của Hàn Mặc Tử khiến ta nhớ đến màu nắng trong trẻo trong thơ Lưu Trọng Lư: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, Áo đỏ người đưa trước giậu phơi. (Nắng mới) Nắng của kỉ niệm được nhắc đến hai lần trong một câu thơ gợi ấn tượng về sự tràn ngập của màu nắng trong vườn. Nó làm bừng sáng cả câu thơ và nghe như tiếng reo vui của thi sĩ. Hồn thơ của Hàn Mặc Tử bị thu hút không chỉ bởi vẻ đẹp của nắng mới, mà còn bởi vẻ đẹp của những hàng cau thẳng tắp, những tàu lá cau còn ướt đẫm sương đêm, vươn lên để đón nắng ban mai và tất cả đang ánh lên những tia phản quang lấp lánh của mặt trời buổi sớm. Hàng cau ấy đã trở thành nơi thu nhận, hội tụ những gì rực rỡ nhất của buổi bình minh. Cả khu vườn mĩ lệ ấy đắm chìm trong nắng mai tạo nên một sắc xanh kì diệu: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Câu thơ mang dáng dấp của một tiếng reo vui ngỡ ngàng của thi nhân trước vẻ đẹp quá đỗi trong trẻo của vườn cây. Tính từ "mướt" gợi lên vẻ mượt mà, tươi non, óng ả của màu xanh trong vườn còn ướt đẫm sương đêm. Dưới sự tỏa chiếu của mặt trời buổi sớm, sắc xanh ấy ngời lên "như ngọc". Biện pháp so sánh mang tính chất lí tưởng hóa này càng góp phần làm bật lên vẻ đẹp đầy sức sống của vườn cây. Những xúc cảm mãnh liệt đó đã giúp Hàn Mặc Tử hiện tại hóa quá khứ, khiến cho những cảnh tượng trong hoài niệm như hiện ra trước mắt trong dáng vẻ sống động, tươi tắn. Cảnh sắc thôn Vĩ trong bài thơ đã thành vẻ đẹp tượng trưng cho cuộc sống tinh khôi, tươi mát ngoài đời đang vẫy gọi nhà thơ. Bức tranh phong cảnh càng sống động hơn, hữu tình hơn với sự xuất hiện của con người: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Người Vĩ Dạ ưa vẻ đẹp thanh cao, vì thế họ thường trồng những khóm trúc quân tử ven các lối đi trong vườn. Những cây trúc thanh tú đã gợi ra khát vọng hướng tới sự thanh cao của các chủ nhân. Nhà thơ Bích Khê từng có cảm xúc về những khóm trúc Vĩ Dạ: Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn Biếc che cành trúc không buồn mà say. (Huế đa tình) Hàn Mặc Tử không trực tiếp tả trúc như Bích Khê khi mà mượn vẻ thanh mảnh của trúc để gợi nên nét đẹp đoan trang phúc hậu của người thiếu nữ Huế. Ta đã từng gặp hình ảnh thiếu nữ bên hoa đào, thiếu nữ bên hoa sen, nàng tiên vin cành mẫu đơn trong truyện "Từ Thức gặp tiên" và lần đầu tiên trong thơ Hàn Mặc Tử ta mới gặp hình ảnh cô gái bên khóm trúc. Có lẽ vẻ thùy mị, phúc hậu đoan trang của người thiếu nữ càng lộ rõ khi thấp thoáng ẩn hiện sau vòm lá trúc. Chất thơ của bức tranh toát ra từ mối quan hệ giữa người và cảnh. Thiên nhiên và con người đẹp một vẻ hài hòa kín đáo. Đó chính là vẻ đẹp riêng gợi lên cái hồn xứ Huế. Vĩ Dạ đẹp đến vậy, đáng yêu đến vậy mà "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" Đằng sau câu thơ ấy là tâm trạng bâng khuâng, tiếc nuối, là khao khát đến cháy bỏng được trở về thăm vườn cũ, người xưa của thi nhân. Hố sâu ngăn cách giữa Hàn Mặc Tử với mọi người vì bệnh tật hiểm nghèo khiến nhà thơ vô cùng cô đơn, tuyệt vọng. Còn gì buồn hơn nhớ mà không thể về, mong mà không thể gặp? Có đặt mình trong cảnh ngộ của thi sĩ, mới thấy hết, thấm hết nỗi niềm chất chứa trong sâu thẳm tâm hồn ông lúc này. Để rồi thương ông hơn, con người luôn mang trong mình một tình yêu đến cháy bỏng hướng về cuộc đời trần thế, về sự sống bình thường. Như vậy, với giọng thơ thấm đẫm chất trữ tình lãng mạn, ngôn từ, hình ảnh thơ hàm súc, mới lạ, sự vận dụng khéo léo câu hỏi tu từ, Hàn Mặc Tử đã làm sống dậy trong khổ thơ thứ nhất bức tranh cảnh và người xứ Huế đẹp đẽ, thơ mộng. Đằng sau bức tranh phong cảnh ấy là tâm trạng bâng khuâng, tiếc nuối của một con người yêu tha thiết xứ Huế mộng mơ, là lòng tha thiết yêu đời, yêu người của một hồn thơ đau thương đầy bi kịch.