Phân tích hình tượng sông Đà qua đoạn văn: Còn xa lắm mới đến cái thác dưới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 17 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Phân tích hình tượng sông Đà qua đoạn trích:

    "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có một chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng đá mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại. Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thủy thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới".


    Từ đó, anh (chị) hãy đánh giá nét độc đáo trong quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân sau cách mạng.

    [​IMG]

    Là nhà văn của chủ nghĩa "xê dịch", luôn luôn có ý thức "thay thực đơn cho giác quan", Nguyễn Tuân đã tìm đến với sông Đà – con sông Tây Bắc với dòng chảy đầy cá tính:

    Chúng thủy giai đông tẩu

    Đà giang độc bắc lưu


    (Mọi con sông đều chảy về đông

    Riêng sông Đà ngược lên phía bắc)

    Phải chăng chính dòng chảy đầy cá tính chẳng giống với "chúng thủy" của Đà giang đã thu hút cái nhìn của người nghệ sĩ, để rồi người nghệ sĩ ấy say mê nó, tạc nó vào trang văn của mình như tạc một công trình mỹ thuật tuyệt vời của tạo hóa với hai vẻ đẹp đầy ấn tượng: Hùng vĩ, dữ dội và đằm thắm, trữ tình. Con sông của tạo hóa vốn đã độc lạ, con sông chảy qua trang văn Nguyễn Tuân còn độc lạ gấp nhiều lần. Với "Người lái đò sông Đà", ngòi bút Nguyễn Tuân như "tung hoành sảng khoái giữa dòng thác cuồn cuộn của ngôn từ, buộc ngôn từ dựng lên ghềnh thác, buộc nhịp điệu dựng lên sóng gió" khiến cho sự hung bạo dữ dằn của sông Đà khúc thượng nguồn hiện lên thật sống động và truyền cảm. Đoạn văn: "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới [..] Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới" là minh chứng sinh động điều đó.

    Tùy bút "Sông Đà" là thành quả chuyến đi thực tế gian khổ và hào hùng của Nguyễn Tuân đến miền đất Tây Bắc xa xôi những năm 1958- 1960. Chuyến đi không chỉ nhằm thỏa mãn niềm khát khao xê dịch, mà còn là cơ hội để nhà văn tìm kiếm "chất vàng" trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, phát hiện "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của tâm hồn con người Tây Bắc trong cuộc sống lao động hàng ngày của họ.

    Nguyễn Tuân thích những gì gây cảm giác mãnh liệt, cái đẹp trong văn ông phải là cái đẹp tuyệt mỹ, say đắm, còn dữ dội phải đến mức khủng khiếp, ghê sợ. Và con sông Đà đã bị chi phối bởi quan niệm nghệ thuật này, nên qua sự thể hiện của nhà văn, dường như không có con sông nào có thể dữ dội, hung bạo hơn dòng chảy của sông Đà.

    Sông Đà không chỉ hùng vĩ, dữ dội ở cảnh "đá bờ sông dựng vách thành", cảnh mặt ghềnh Hát Loóng "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm", cảnh những cái hút nước "xoáy tít đáy".. mà còn nguy hiểm ở trùng trùng điệp điệp những thác nước sông Đà.


    Sông Đà có cả thảy bảy mươi ba cái thác như bảy mươi ba cạm bẫy luôn rình rập và sẵn sàng ăn chết bất cứ chiếc thuyền nào đi ngang qua đó. Sự chất chồng, liên tiếp của thác dữ sông Đà đã từng đi vào câu ca xưa:

    "Đường lên Mường Lễ bao xa

    Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh"

    Trong đoạn văn trên, ngòi bút của Nguyễn Tuân chỉ dừng lại ở miêu tả một dòng thác cụ thể mà như cộng hưởng sự hùng vĩ, hiểm nguy của cả bảy mươi ba con thác khác cộng lại.

    Say mê khám phá con sông, Nguyễn Tuân dõi theo dòng thác hùng vĩ của sông Đà ngay từ khi nó chưa xuất hiện. Dòng thác báo hiệu sự có mặt của mình bằng âm thanh từ xa vọng lại:

    "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.."

    Nguyễn Tuân đã miêu tả âm thanh của tiếng nước thác bằng một hệ thống từ ngữ phong phú, truyền cảm. Cùng với nghệ thuật nhân hóa được sử dụng một cách đắc địa, nhà văn đã truyền hồn sống cho dòng sông, biến thác nước sông Đà thực sự trở thành một loài thủy quái đang giận dữ, gầm gào, đe dọa con người ngay cả khi nó chưa xuất hiện. Khi thì nhà văn nghe thấy nó như "oán trách gì", rồi lại như là "van xin", khi lại thấy nó đang "khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo".. Nhà văn đã tung ra hàng loạt những ngôn từ sống động để miêu tả âm thanh thác nước theo những cung bậc tăng dần của cảm xúc giận dữ. Đó vừa là cách nhà văn nói đến khoảng cách rút ngắn dần khi tiếp cận con sông, vừa là cách tạo ấn tượng về sự dữ dội của sông Đà và tăng dần cảm giác hồi hộp, sợ hãi trong tâm trí người đọc.

    Đặc sắc nhất là những phép so sánh kỳ thú trong một câu văn dài đầy ắp những hình ảnh dữ dội "Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng..". Âm thanh thác nước bất ngờ được phóng to hết cỡ "rống lên" và được so sánh với âm thanh của tiếng hàng ngàn con trâu mộng.. gợi ấn tượng về khúc nhạc hùng tráng của thiên nhiên đang ở đỉnh điểm của sự phấn khích man dại và cuồng loạn. Thật là một cảnh trí có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với người thưởng văn bởi cả nỗi sợ hãi và niềm say mê, khao khát chiêm ngưỡng.

    Là một kẻ thích chơi ngông, nhà văn đã thể hiện sự tài hoa độc đáo của mình khi lấy hình ảnh gợi tả âm thanh, lấy lửa tả nước, lấy rừng tả sông, đặt những hình ảnh tương phản vốn rất "kị" nhau trong một trường liên tưởng độc đáo, thú vị. Vậy mà hiệu quả của nó thật bất ngờ, nhà văn đã khiến âm thanh của thác nước không chỉ được cảm nhận bằng thính giác, không chỉ được hình dung qua trí tưởng tượng mà còn hiện ra trong những ấn tuợng đặc biệt sống động của xúc giác, thị giác. Nguyễn Tuân phải chăng đã lục lọi đến tận cùng kho cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề, nhằm tìm ra những chữ nghĩa chính xác nhất, có khả năng động người đọc nhiều nhất?

    Khi cái thác hiện ra trước mắt, nhà văn như reo lên đầy ngờ ngàng, thích thú: "Tới cái thác rồi" – cảm giác gặp lại sông Đà hệt như gặp lại "cố nhân" vậy. Vẫn nhìn sông Đà với con mắt say mê, Nguyễn Tuân đưa sông Đà vào trang viết với vẻ đẹp kì vĩ: "Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá" . Tính từ "trắng xóa" vừa chính xác vừa tạo hình gây ấn tượng về sự trào sôi dữ dội của dàn giao hưởng của sóng, gió, bọt nước.. Đồng thời gợi tả điệp trùng những con sóng trắng cuồn cuộn xô nhau trên mặt nước mênh mông. Cùng với hình ảnh "chân trời đá" - đá chất chồng lên đá, câu văn miêu tả của Nguyễn Tuân đã làm hiện ra sự hùng vĩ tới choáng ngợp của thác đá sông Đà.

    Bút lực của Nguyễn Tuân đến đây kể như đã tài hoa, phóng túng tột đỉnh. Nhưng thật bất ngờ, càng dõi theo thiên tùy bút có một không hai này, ta càng thấy sự thăng hoa trong ngòi bút miêu tả và sự phong phú trong trí tưởng tượng của bậc kì tài ngôn ngữ Nguyễn Tuân.

    Trong trí tưởng tượng của Nguyễn Tuân, dòng sông Tây Bắc khủng khiếp nhất, gây ám ảnh nhất với con người chính là thạch trận đá sông Đà. Ở phương diện này, sông Đà thực sự mang "diện mạo và tâm địa của thứ kẻ thù số một" đối với con người.

    Bút pháp nhân hóa đã trở thành bút pháp chủ đạo có tác dụng truyền hồn sống cho dòng sông. Qua sự cảm nhận của nhà văn, loài thủy quái hung tợn mang tên Đà giang mang tâm địa vô cùng nham hiểm và xảo quyệt. Nó đã bày ra cả một trận đồ bát quái với rất nhiều cửa tử:

    "Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc thuyền nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền" .

    Sử dụng thuật ngữ của quân sự, Nguyễn Tuân đã gợi dậy cái sự bí ẩn và vô cùng hiểm ác của đá trên lòng sông Đà. Đá ở đây được miêu tả trong thời gian vĩnh hằng của thiên nhiên "ngàn năm", khi thì chúng ẩn mình "mai phục", khi dữ dằn, đột ngột hiện ra sau cái dập dềnh của sóng để "nhổm cả dậy vồ lấy thuyền".

    Để tận tả đá sông Đà, Nguyễn Tuân còn sử dụng rất nhiều nhân hóa, nhờ đó, người đọc có thể hình dung ra từng diện mạo con người trong những hình thù đá vô tri. Tùy theo hình dạng, kích thước của đá và cách nhìn của nhà văn mà đá sông Đà được miêu tả trong những cảm nhận khác nhau, khi thì "ngỗ ngược", "nhăn nhúm méo mó" bởi sự gồ ghề, lúc to lớn qua dáng "bệ vệ oai phong lẫm liệt", khi này là tảng đá với những cạnh sắc nhọn hất ngược lên đem đến cảm nhận về sự "xấc xược" trong cái "hất hàm" thách thức, lúc khác lại là tảng đá nhẵn xanh xuôi chảy từ trên xuống qua hình ảnh "thằng đá tướng.. tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng..". Nguyễn Tuân đã dùng hết sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để tạo diện mạo và linh hồn cho từng thớ đá vô tri. Đọc tới đây, có lẽ không ít độc giả phải ngậm ngùi vì vốn ngôn từ của mình còn quá ít ỏi, và trí tưởng tượng của mình còn quá nghèo nàn so với bậc kì tài Nguyễn Tuân.

    Cái độc đáo trong tưởng tượng của Nguyễn Tuân là ông hình dung sông Đà như giao việc cho từng hòn đá để sẵn sàng lật ngửa bụng bất cứ con thuyền nào qua đây. Người đọc thực sự thấy thích thú khi chứng kiến sự "bày binh bố trận" của những hòn đá "nhăn nhúm méo mó" kia. "Đám tảng, đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền" . Trận địa đá gồm "hàng tiền vệ, có hai hòn canh cửa đá trông như là sơ hở" để "dụ đối phương đi vào sâu nữa" rồi "đánh khuýp quật vu hồi lại" . Nếu chọc thủng được tuyến hai thì nhiệm vụ của những bong ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên. Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt những thuật ngữ của quân sự, võ thuật, thể thao, cùng hệ thống dày đặc những động từ mang sắc thái nhân hóa, đặt trong những câu văn ngắn, dồn dập.. khiến lòng sông Đà quãng này không khác một chiến trường với những trận "hỗn chiến" ác liệt giữa con người với thiên nhiên. Phải đọc đến đoạn ông lái đò gồng mình chiến đấu với con sông qua các cửa sinh, cửa tử, ta mới thấy hết sự dữ dội, hung hiểm của sông Đà.

    Sự uyên bác về kiến thức, sự cầu kì, tỉ mỉ trong từng câu chữ, sử dụng tối ưu "phép thuật" của nghệ thuật nhân hóa cùng những từ láy gợi hình đầy sức biểu cảm, những tính từ chỉ tính cách, thái độ, cảm xúc.. đã giúp Nguyễn Tuân làm hiện lên một trong những phần khủng khiếp nhất của sông Đà, đó là nước thác và thạch trận đá trên dòng sông. Kết hợp với sóng, gió và nước thác, đá sông Đà không im lìm như đặc tính vốn có tự ngàn năm mà sống động, dữ dằn, thét gào, ác hiểm khiến đá sông Đà không chỉ lộ "diện mạo" mà cả "tâm địa" của "thứ kẻ thù số một" của con người. Như vậy, với đoạn văn này nói riêng và bài tùy bút nói chung, Nguyễn Tuân đã thành công trong việc lạ hóa thiên nhiên, làm cho sông Đà trở nên sống động khác thường. Khám phá vẻ đẹp sông Đà trong trang văn Nguyễn Tuân, ta không chỉ thêm yêu mến Nguyễn tuân ở tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước mà còn thêm thấm thía chân lí nghệ thuật: "Thế giới không phải được tạo lập một lần mà mỗi một lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là một lần thế giới lại được tạo lập" thêm lần nữa.

    Hình tượng sông Đà trong đoạn văn trên đã thể hiện sự độc đáo trong quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân sau cách mạng. Sau cách mạng, Nguyễn Tuân vẫn là người say mê khao khát cái Đẹp, nhưng ông đã biết tìm kiếm và khai thác Cái Đẹp trong lòng cuộc sống của dân tộc. Không phải là những nhân vật mang tính chất lí tưởng hóa của "Vang bóng một thời", Nguyễn Tuân tìm vẻ đẹp trong dáng hình sông núi, trong những con người đời thường bình dị. Bởi thế, ông đã tìm lên Tây Bắc, tìm đến sông Đà.


    Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc tiếp nội dung ẩn nha: LINK

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem


    Xem thêm:

    Mở Rộng: Người Lái Đò Sông Đà - Nguyễn Tuân Và Những Ngữ Liệu Dùng Để Liên Hệ, So Sánh

    Vẻ đẹp trữ tình của sông đà qua đoạn văn: Tôi có bay tạt ngang qua sông đà mấy lần

    Vẻ đẹp trữ tình của sông đà qua đoạn văn: Thuyền tôi trôi trên sông đà
     
    nwviet, Anguyet211, phanlanne105 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng tư 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Xem thêm:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. MỞ BÀI

    - Giới thiệu tác giả, tác phẩm

    - Đoạn trích sau đây trong "Người lái đò Sông Đà" thể hiện rõ phong cách tài hoa uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân: "Còn xa lắm.. tiến gần vào".

    II. THÂN BÀI

    1. Khái quát

    - Hoàn cảnh ra đời: Tùy bút Người lái đò Sông Đà được in trong tập tùy bút Sông Đà (1960), gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo.

    - Nội dung: Nguyễn Tuân là một nhà văn yêu nước, giàu lòng tự hào dân tộc. Tình yêu nước ấy cũng được biểu hiện trước hết ở tình yêu thiên nhiên tha thiết. Khám phá về sông Đà – dòng chảy dữ dội của núi rừng Tây Bắc là một thành công đặc sắc của ông trong tùy bút "Người lái đò sông Đà". Chỉ có Nguyễn Tuân mới không nhọc công dò đến ngọn nguồn lạch sông, truy tìm đến tận nơi gốc tích khai sinh ra sông Đà, để biết chỗ phát nguyên của nó thuộc huyện Cảnh Đông và thoạt kì thủy, dòng sông mang những cái tên Trung Hoa khá thơ mộng: Li Tiên, Bả Biên Giang. Cũng chưa có nhà văn nào trước Nguyễn Tuân có thể kể tên vanh vách 50/73 con thác lớn nhỏ nằm lô nhô suốt một dải sông từ Lai Châu về đến chợ Bờ.

    - Lời đề từ"Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu" : Nhà văn Nguyễn Tuân đã đặc biệt muốn nhấn mạnh cá tính độc đáo của của dòng sông. Sông Đà khác hẳn các dòng sông khác bởi nếu tất cả các dòng sông khác đều chảy về hướng đông thì riêng Sông Đà chạy về hướng bắc. Có lẽ vì con sông đặc biệt như vậy nên nó trở thành đối tượng rất phù hợp với cá tính sáng tạo của Nguyễn Tuân, nó được tác giả tìm đến để thể hiện cá tính nghệ thuật của mình. Ở lời đề từ "Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông" tác giả lại thể hiện xúc cảm mãnh liệt trước vẻ đẹp của dòng sông và con người gắn bó với dòng sông, bộc lộ rõ cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là ngợi ca thiên nhiên và con người Tây Bắc.

    - Nguyễn Tuân là nhà văn theo chủ nghĩa xê dịch và ưa cảm giác mạnh. Giống như các nhà văn theo chủ nghĩa xê dịch, Nguyễn Tuân thích đi nhiều để thay đổi cảm giác cho các giác quan. Ông không thích những gì bình thường và tầm thường nên đối tượng mà ông miêu tả đã đẹp thì phải đẹp đến mức tuyệt mĩ, dữ dội phải đến mức khủng khiếp và tài năng phải đến mức siêu phàm. Con sông Đà của Tây Bắc rất phù hợp với mĩ cảm của nhà văn nên bằng quan sát tỉ mỉ, sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú và tài năng nghệ thuật xuất sắc nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng con sông Đà thành một hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, biến nó từ vật vô tri vô giác thành một sinh thể có sức sống, có tâm trạng và tính cách. Có lẽ cũng vì thế tác giả gọi nó là "con" và viết hoa tên của nó thành Sông Đà. Con Sông Đà hiện lên trong tác phẩm với hai nét tính cách nổi bật là hung bạo và trữ tình. Hai nét tính cách tưởng chừng như đối lập nhưng lại cùng tồn tại trong một hình tượng nghệ thuật. Sông Đà rất hung dữ, hiểm ác gây tai họa cho con người nhưng cũng là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng tạo nên chất men say cho con người trong cuộc sống. Đoạn trích nêu trên nằm trong phần miêu tả tính cách hung bạo của Đà giang.

    2. Hình tượng sông Đà trong đoạn trích

    2.1. Khái quát

    Từ trước đến nay, khi viết về các dòng sông các nhà văn nhà thơ thường ca ngợi vẻ đẹp trữ tình, hiền hòa, thơ mộng. Cũng có một số nhà văn, nhà thơ miêu tả cảnh dữ dội, hiểm trở, trùng trùng lớp lớp của những khúc đại giang, của những cảnh thác ghềnh dữ dội như "Bạch đằng giang phú" của Trương Hán Siêu, "Bạch đằng Hải khẩu" của Nguyễn Trãi.. Nhưng có lẽ chỉ đến "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân thì sự hiểm trở, hung bạo và dữ dội của con sông mới trở nên sống động và thật khủng khiếp. Trong đoạn văn này, bậc kì tài về mặt ngôn ngữ Nguyễn Tuân khi miêu tả những thác đá trên sông Đà đã làm nổi bật lên hình ảnh con sông Đà không chỉ gập ghềnh, lởm chởm mà còn đầy nguy hiểm, sống dậy gào thét làm náo động cả lên, khiến cho người đọc phải "rùng mình, sởn gáy" (Nguyễn Đăng Mạnh).

    2.2. Tiếng nước thác trên Sông Đà :

    Sông Đà hung bạo không chỉ ở những cảnh đá bờ dựng vách thành, những ghềnh sông, hút nước đầy nguy hiểm mà hùng vĩ và dữ dội nhất trên sông Đà là những thác đá. Những thác đá trên sông Đà được nhà văn miêu tả chi tiết qua âm thanh, cảnh tượng và sự nguy hiểm đến kinh hoàng của nó. Trước tiên nhà văn cảm nhận nó qua âm thanh. Chủ thể miêu tả đang trong quá trình di chuyển đến gần cái thác đá, và âm thanh tiếng nước thác được miêu tả phù hợp về khoảng cách và cường độ. Ban đầu, có lẽ là nghe từ xa thì tiếng nước thác Như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo . Rồi khi lại gần, tiếng thác rống như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng . Nguyễn Tuân đã rất ngông khi dùng lửa để miêu tả nước. Nước và lửa vốn xung khắc với nhau, hủy diệt lẫn nhau nhưng ở đây nhà văn đã dùng hình ảnh và âm thanh của lửa để miêu tả nước khiến hiện ra trước mắt người đọc là cả một rừng vầu, tre nứa đang bị đốt cháy, phát ra tiếng nổ. Nhưng âm thanh đó còn chưa là gì khi trong khu rừng đang cháy ấy còn có hàng ngàn con trâu mộng to khỏe đang bị lửa hun nóng và đốt cháy. Lửa đã bén vào da của đàn trâu khiến chúng rống lên đầy đau đớn và lồng lộn muốn phá tan rừng lửa để tìm cách thoát thân. Miêu tả từ xa đến gần nên lúc đầu là tiếng "réo" còn về sau trở thành tiếng "rống". Đây là cách dùng từ rất chính xác và bất ngờ, khiến sông Đà từ một đối tượng vô tri vô giác trở thành một sinh thể có tính cách và tâm lí, như một con người. Các sắc thái khác nhau của âm thanh tiếng "réo" của nước thác: Vừa mới "oán trách" và "van xin" như một kẻ bại trận, biết mình yếu thế hơn đối thủ; ngay lập tức chuyển sang "khiêu khích" và "chế nhạo" rồi "rống" lên như một kẻ trên cơ, ra sức giễu cợt, đe dọa đối phương. Bản hợp âm khủng khiếp và đòn tâm lí chiến trở mặt như trở bàn tay ấy cho thấy sự nham hiểm, xảo quyệt của sông Đà khi sắp xung trận. Những người lái đò yếu bóng vía và non kinh nghiệm sẽ cảm thấy mất tinh thần, hồn xiêu phách lạc.

    Quả thật, sức mạnh hoang dã của tự nhiên qua tài đối sánh, nhân hóa và trí tưởng tượng phong phú, độc lạ của Nguyễn Tuân đã cho người đọc một cảm giác mạnh đến tận độ. Như vậy, chỉ riêng với âm thanh của thác đá sông Đà, Nguyễn Tuân đã gây ấn tượng trong người đọc về sự dữ dội đến khủng khiếp của những thác đá Sông Đà.

    2.3. Những thạch trận đá trên sông Đà

    Tiếp theo là những ấn tượng từ sự quan sát trực quan của tác giả khi đã "Tới cái thác rồi". Cảnh tượng những thác đá trên Sông Đà cũng thật dữ dội. Ngoặt tới khúc sông ấy là cảnh sóng bọt đã trắng cả một chân trời đá . Sóng nước vấp phải đá tung bọt trắng xóa. Sông Đà ở đây bao nhiêu là đá với đủ những đá to đá bé, đá hòn đá tảng.. mà thằng đá nào trông cũng ngỗ ngược, xấc xược, hỗn hào, du côn và mặt cũng nhăn nhúm, méo mó hơn mặt nước ở quãng ấy. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, mỗi hòn đá không chỉ mang những nét chung ấy mà còn có một gương mặt riêng. Để khắc họa từng gương mặt riêng của những hòn đá trên thác đá Sông Đà, Nguyễn Tuân đã phải lao động cật lực, khổ công quan sát và tung ra trường từ vựng hết sức giàu có, phong phú. Phép liên tưởng và nhân hóa, kết hợp với những động từ, tính từ: Chỉ hành động (nhổm cả dậy, vồ lấy, chặn ngang, dụ, đánh khuýp quật vu hồi, đánh tan, tiêu diệt), chỉ tính cách (ngỗ ngược), hình sắc (nhăn nhúm, méo mó, to, bé), tư thế (đứng, ngồi, nằm) khiến người đọc cảm nhận Sông Đà mang gương mặt của dân anh chị, những kẻ côn đồ chuyên đi đòi nợ thuê bặm trợn và sẵn máu giang hồ.

    Sự nham hiểm quỷ quyệt của Sông Đà đối với những người lái đò được thể hiện rõ nhất ở những thế trận mà đá dàn bày. Đội quân đá ấy ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông. Đá sông Đà dường như không đứng, nằm, ngồi một cách tùy tiện mà Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mỗi hòn một dáng (đứng, nằm, ngồi), mỗi hòn một nhiệm vụ (đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông: Hàng tiền vệ là hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa; tuyến giữa sóng nước đánh khuýp quật vu hồi lại, tuyến ba là những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi có nhiệm vụ phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên).

    Đá trên sông Đà đã giao việc cho nhau như vậy để dàn bày thành ba thạch trận đá đầy biến hóa. Mỗi thạch trận đều có rất nhiều cửa tử và chỉ có duy nhất một cửa sinh. Cửa sinh lúc ở bên tả, lúc ở bên hữu, lúc ở chính giữa. Thạch trận thứ nhất: Sông Đà bày ra năm cửa trận, có bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Thạch trận thứ hai: "Tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạnh trên sông đá đánh khuýp quật vu hồi chiếc thuyền". Đến thạch trận thứ ba: Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Tại đây những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở đầu chân thác phải đánh tan cái thuyền, tiêu diệt cả thủy thủ và thuyền trưởng trên chiếc thuyền ấy.

    Có thể nói, bằng vốn kiến thức phong phú, sự tài hoa, uyên bác Nguyễn Tuân đã sử dụng kiến thức ở nhiều lĩnh vực như giao thông, điện ảnh, quân sự, võ thuật ( "mai phục", "chặn ngang", "canh", "đánh tan", "tiêu diệt", sóng: "Đánh khuýp quật vu hồi", "đánh giáp lá cà", "đòn tỉa", "đòn âm").. làm hiện lên hình tượng con Sông Đà dữ dội, hung bạo đến khủng khiếp. Con Sông Đà như một loài thủy quái, hung hăng, bạo ngược, là một thứ thiên nhiên Tây Bắc với "diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một". Con sông mà "hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà". Chẳng thế mà sông Đà được gắn với câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh:

    Núi cao sông hãy còn dài

    Năm năm báo oán đời đời đánh ghen.

    3. Đánh giá

    3.1. Nghệ thuật

    Nguyễn Tuân đã dùng hết bút lực để thi tài với tạo hóa. Ông dùng những câu góc cạnh, giàu tính tạo hình, những câu nhiều động từ mạnh nối tiếp nhau, dồn dập; sử dụng lối nói ví von, ẩn dụ, tượng trưng, liên tưởng đầy bất ngờ, chính xác, thú vị; vận dụng hiểu biết của nhiều ngành khác nhau: Địalý, l ịch sử, hội họa, văn chương và những tri thức về tự nhiên để khắc họa vẻ đẹp của sông Đà. Cùng với nghệ thuật nhân hóa, liên tưởng phong phú, ngòi bút miêu tả độc đáo, con sông Đà từ một đối tượng vô tri vô giác, khi bước vào trang văn Nguyễn Tuân đã trở thành một sinh thể có tính cách và tâm lí rất ghê gớm, đáng sợ.

    3.2. Nội dung

    Đoạn trích là khúc ca ca ngợi vẻ đẹp hung bạo, đầy cá tính của sông Đà, biểu tượng cho vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc. Đó chính là sức mạnh của thiên nhiên mà con người cần chinh phục và cũng là niềm tự hào của tác giả về Tổ quốc hùng vĩ, giàu đẹp. Qua đó ta có thể hình dung những vất vả gian lao mà những người lái đò phải vượt qua, từ đó ta càng khâm phục hơn ý chí kiên cường và tài trí của họ trong việc chinh phục con sông, bắt nó phải quy phục và cống hiến cho cuộc sống của con người.

    3.3. Nhận xét về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân

    - Hình ảnh sông Đà hung dữ ở một mức độ ghê gớm, hơn tất cả mọi con sông đã được tái hiện trong văn học, là bởi vì cảm quan sáng tác của Nguyễn Tuân chỉ hứng thú với những vẻ đẹp vượt lên mức bình thường, gây ấn tượng mãnh liệt.

    - Biểu hiện phong cách tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân: Ông không chấp nhận sự sáo mòn. Ông luôn tìm kiếm những cách thức thể hiện, những đối tượng mới mẻ. Nhà văn luôn tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ, có ấn tượng với những sự vật gây cảm giác mạnh (Sông Đà là một sinh thể như vậy). Ông có xu hướng muốn tô đậm cái cá tính, phi thường của dòng sông Đà để gây cảm giác mãnh liệt, dữ dội. Tác giả bộc lộ sự tinh vi trong mĩ cảm với trường liên tưởng phong phú, ngôn ngữ vừa phong phú vừa tinh tế. Một cái tôi uyên bác khi huy động mọi kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để khắc họa hình tượng sông Đà. Nét độc đáo kết hợp với sự tài hoa và uyên bác trong ngòi bút Nguyễn Tuân khiến cho hình tượng sông Đà trở nên đặc sắc và đáng nhớ.

    - Phong cách nghệ thuật đã thể hiện rõ Nguyễn Tuân là nhà văn có ý thức tự khẳng định cá tính độc đáo của mình. Chứng tỏ ông là người có một lòng yêu quê hương đất nước tha thiết, một cuộc đời lao động nghệ thuật khổ hạnh, một trí thức tâm huyết với nghề. Người đọc yêu hơn, trân trọng hơn phẩm chất, cốt cách của con người đáng quý này.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng mười hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...