BÀI VĂN PHÂN TÍCH TÂM TRẠNG NHÂN VẬT TRÀNG SAU ĐÊM TÂN HÔN Bài làm: "Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ Như những áng mây ngũ sắc ngủ trên đầu" Đó là những chiêm nghiệm của Bằng Việt về sức sống của văn chương nghệ thuật. Thật vậy, có những tác phẩm ra đời để rồi chìm khuất giữa ồn ào náo nhiệt của phiên chợ văn chương, nhưng cũng có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng suối mát lành chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Đó là những tác phẩm chân chính "không kết thúc ở trang cuối cùng" (Ai-ma-tốp), là kết tinh của tâm huyết và tấm lòng của nhà văn. Và truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật Tràng, một người nông dân hiền lành, chất phác, giàu lòng yêu thương trong hoàn cảnh đói khát, cùng cực. Đặc biệt, trong đoạn văn miêu tả tâm trạng Tràng vào buổi sáng đầu tiên sau ngày cưới, Kim Lân đã thể hiện đặc sắc nét đẹp tâm hồn của Tràng cũng như cho thấy ở nhân vật này một sự biến đổi rõ rệt. Kim Lân là cây bút truyện ngắn tài hoa và là một trong những gương mặt xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông là những trang văn chân thật, xúc động về cuộc sống làng quê, khám phá vẻ đẹp tâm hồn người nông dân Việt Nam, những con người tuy cuộc sống còn gian khổ, thiếu thốn nhưng giàu tình nghĩa, thủy chung. Truyện Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – tác phẩm được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dở dang và bị mất bản thảo. Hòa bình lập lại (1954), dựa trên một phần cốt truyện cũ, Kim Lân đã viết Vợ nhặt, in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tác phẩm là bức tranh hiện thực về số phận của người nông dân Việt Nam trong những năm nạn đói, là bài ca về lòng yêu thương, khát khao sống, khát vọng hạnh phúc gia đình mạnh mẽ và niềm tin vào tương lai ở những con người bị cái đói khát đẩy cảnh bần cùng. Tràng là nhân vật chính trong tác phẩm, là chủ thể của hành động nhặt vợ, cũng là nhân vật mà thông qua đó, nhà văn thể hiện thông điệp, tư tưởng nhân văn của mình. Trong buổi chiều hôm trước, Tràng - một anh phu xe xấu xí, dở hơi đã bất ngờ nhặt được vợ chỉ bằng vài câu bông đùa và bốn bát bánh đúc. Tình huống bất ngờ này đã góp phần hay đổi con người Tràng, từ thô mộc đến trưởng thành, chín chắn. Vẻ đẹp tâm hồn ấy được Kim Lân khắc họa rõ nét trong đoạn trích Tràng trong buổi sangs đầu tiên sau đêm tâm hôn, nằm ở nửa sau tác phẩm. Trước hết đoạn trích đã miêu tả cảm giác lâng lâng hạnh phúc của Tràng, nó giống như một thức men say làm anh sống lại trong tâm trạng "lửng lơ êm ái". Đoạn trích bắt đầu bằng hình ảnh của buổi sáng quang đãng, tươi tắn: "Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy". Đã qua một đêm Tràng có vợ, kể từ cái buổi chiều chạng vạng nhá nhem mặt người ấy. Đất trời đã sang ngày mới, cũng như cuộc đời Tràng đã sang trang mới sáng sủa và tràn đầy hi vọng. Có lẽ đó là cái nhìn đầy ưu ái của Kim Lân khi khi dụng ý miêu tả sự vận động của thời gian từ bóng tối ra ánh sáng. Chí Phèo của Nam Cao cũng tỉnh rượu trong một buổi sáng với nắng vàng rực rỡ cùng tiếng chim ríu rít líu lo, với những vang động thân thuộc của cuộc sống hàng ngày. Phải chăng, mỗi khi nói đến sự đổi thay mới mẻ và tốt đẹp, các nhà văn đều chọn gắn với một buổi sớm mai chan hòa nắng? Tràng cảm thấy "trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra". Câu văn sử dụng phép so sánh đã làm nổi bật tâm trạng của Tràng, một cảm giác hân hoan rất trần thế nhưng cũng rất thiêng liêng cao quý. Đó giống như cảm giác run rẩy ngỡ ngàng của người lần đầu tiên được chạm tay vào hạnh phúc, đến nỗi không thể tin được nó đã thành hiện thực. Thật vậy, việc anh Tràng xấu xí, nghèo khổ lấy được vợ ngay giữa lúc đói kém là một câu chuyện không ai dám tin, chính bản thân Tràng cũng còn thấy "ngỡ ngàng như không phải". Từ đây, sự hạnh phúc của Tràng được khắc họa thật đặc biệt, trong cái ngạc nhiên tựa như một giấc mơ vậy. Tiếp đến, Kim Lân đã miêu tả tâm thế đĩnh đạc, đường hoàng của Tràng cùng những quan sát, cảm nhận của anh về sự đổi thay của căn nhà. Cách chắp tay sau lưng lưng hướng bước cho thấy đó là hình ảnh của một người có phong thái ung dung khác hẳn với hình ảnh của anh chàng hôm kia mới đi về cùng vẻ mặt khó đăm đăm, đôi chân nặng nề. Đó phải chăng là tâm thế của con người đang làm chủ cuộc sống, làm chủ hạnh phúc của mình? Ngay cả cái cách càng cảm nhận ánh nắng mùa hè sáng lóa cũng là cái khác biệt với buổi chiều tạm đạo chết chóc của ngày hôm qua. Ánh nắng mùa hè không chỉ làm bừng sáng tâm trạng của Tràng mà còn làm bừng sáng cả niềm tin của người đọc về sự đổi thay trong cuộc sống ấy. Tràng nhận ra sự thay đổi xung quanh ngôi nhà. "Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch." Từng chi tiết này không được miêu tả qua lời của nhà văn mà là qua cảm nhận của Tràng, nên điều ấy càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Một ngôi nhà từng lổn nhổn những búi cỏ dại, một nơi mà Tràng từng phải khéo léo thanh minh "không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy.", nay đã có một diện mạo khác hẳn. Thông qua những cảm nhận chi tiết ấy, người đọc không chỉ thấy được sự đảm đang của cô vợ, sự trách nhiệm của thị với gia đình chồng mà còn cảm giác được lời cảm ơn thầm lặng của Tràng đối với người vợ đảm đang đã góp phần vun vén, dựng xây tổ ấm. Khác với một Chí Phèo quan sát thấy những điều vốn dĩ diễn ra hàng ngày, Tràng lại tận mục sở thị sự thay đổi từ chính cuộc sống của mình, những điều trước nay chưa từng thấy trong căn nhà của mình trước đây. Ở Tràng không phải sự thức tỉnh mà là sự trưởng thành hơn của một con người vốn ngờ nghệch nay đã biết quan sát mọi thứ một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng hơn. Kim Lân đã cho thấy sự tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương và khát vọng hạnh phúc, nó như một thứ thuốc bổ cho tâm hồn con người, khiến con người trưởng thành và tinh nhạy hơn. Cuối cùng, đoạn trích đã mang đến bức tranh sinh hoạt bình dị và cảm nhận của Tràng về mái ấm yêu thương cũng như sự đổi thay trong nhận thức và hành động của nhân vật. Đó là vẻ đẹp của một người đàn ông chín chắn, trưởng thành, biết gắn bó với gia đình và trách nhiệm với tương lai. Hình ảnh bà cụ Tứ "lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở" đã khắc họa một tư thế cặm cụi, siêng năng, một bàn tay đảm đang sẽ dọn sạch đi mọi sự xác xơ, cằn cỗi vốn có. Âm thanh "tiếng chổi tre từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất" có lẽ đã mang đến một sức lay động cho Tràng. Tiếng chổi tre của người vợ quét trên mặt đất như muốn quét sạch u ám tăm tối, quét đi đói nghèo đeo bám để trả lại mảnh đất này sự sống đang sinh sôi nảy nở. Cảnh tượng ấy khơi lên trong Tràng sự "thấm thía cảm động", một niềm xúc động chân thành từ trái tim mà dường như trước nay chưa bao giờ xuất hiện. Trước đây, khi về nhà, Tràng đều cảm thấy mệt mỏi sau một ngày mưu sinh, hiện ra trước mặt là hình ảnh căn nhà tuềnh toàng, tạm bợ. Nhưng giờ đây, hạnh phúc của Tràng dường như được thăng hoa hơn trong sự cảm động. Hình ảnh bình dị ấy là hình ảnh của sự sống, của sinh khí mới mẻ trong mái ấm gia đình mà lần đầu tiên Tràng được cảm nhận. Trong Tràng xuất hiện nguồn cảm xúc mạnh: "Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng". Đây là cảm xúc yêu thương, xúc động đột ngột trong tâm trí, nó chỉ có được khi một người đàn ông trưởng thành thấu hiểu giá trị của hạnh phúc, của mái ấm. Ngôi nhà dù nghèo khó nhưng vẫn là "tổ ấm che mưa che nắng", là nơi "hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy". Hai chữ "tổ ấm" nghe sao thiêng liêng quá! Càng thấm thía tình cảm này của Tràng, ta càng thấy rõ hơn sự chuyển biến về nhận thức của anh phu xe trong buổi chiều chạng vạng ngày nào. Đặt trong bối cảnh nạn đói, nay có thể sống, mai có thể chết, mà Tràng vẫn có thể nghĩ đến những việc sinh con đẻ cái. Đó không chỉ là cách nghĩ tích cực, lạc quan mà còn là minh chứng rõ ràng cho cảm giác trách nhiệm đối với gia đình, cùng thị dựng xây tổ ấm. Tràng đã thực sự thăng hoa trong hạnh phúc: "Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng". Trong trí óc Tràng lúc này không còn chỗ cho nỗi sợ hãi cái đói, cái chết mà dường như khát vọng có một mái ấm gia đình đã khai sáng trí tuệ Tràng, không phải là sự tỉnh thức mà là sự trưởng thành để khôn ngoan hơn. Niềm hạnh phúc ấy không chỉ gắn với cảm xúc mà còn đi liền với ý thức trách nhiệm phải dựng xây gia đình: "Hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con gia đình". Hai chữ "nên người" hạ xuống như một điểm nhấn xác nhận sự biến đổi trong tiềm thức, sự biến đổi được khơi lên nhờ cảm giác về gia đình. Nếu như bà cụ Tứ đã "mừng lòng" khi con trai có được vợ, một điều mà trước nay bà vẫn chưa nghĩ tới, thì giờ đây, nếu biết Tràng đã có sự đổi thay trong ý thức về mái ấm, đã nhận ra trách nhiệm của bản thân với gia đình thì bà cụ chắc chắn sẽ an lòng. Không chỉ dừng lại ở suy nghĩ hay niềm hân hoan, sự phấn chấn đã khiến TRàng không thể đứng yên. Chẳng còn cái vẻ lững thững chắp tay sau lưng ngắm nhìn nữa mà "Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa căn nhà.." Câu văn chủ động và chữ "xăm xăm" đã diễn tả trọn vẹn sự háo hức, nhiệt huyết trào dâng ở Tràng. Muốn có được hạnh phúc phải bắt tay hành động, một gia đình đầm ấm trọn vẹn phải có sự góp sức dựng xây của tất cả các thành viên. Đó là ý thức tự giác của một con người nhận ra giá trị của những gì mình đang có, bởi Tràng không chỉ tận hưởng mà còn phải xây đắp và bảo vệ, giữ gìn nó. Nhà văn Kim Lân qua đây đã tỏ bày sự tin tưởng rằng tình người, khát vọng hạnh phúc sẽ giúp con người vươn tới ý thức hoàn thiện mình. Trong khát khao hạnh phúc, con người có thể nghèo đói đến quay quắt, nhưng tính người, chất người sẽ dẫn đường họ vượt qua tất cả. Đây cũng là một trong những biểu hiện cho ngòi bút nhân đạo của Kim Lân. Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống độc đáo, khiến nhân vật có dịp bộc lộ sâu sắc tính cách, con người. Cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, giản dị mà chặt chẽ. Kim Lân đã chọn điểm nhìn trần thuật khách quan, dòng thời gian tuyến tính theo tâm lý nhân vật, cách dẫn dắt tự nhiên, khéo léo, thu hút người đọc. Ngôn ngữ kể chuyện mộc mạc, giản dị, mang đậm tính khẩu ngữ, gắn liền với lời ăn tiếng nói trong sinh hoạt hàng ngày của người nông dân nhưng được chắt lọc kỹ lưỡng, chính xác và phong phú, từ đó tạo được sức gợi đáng kể. Giọng văn cảm thông, trầm ấm, tràn ngập yêu thương. Đọc truyện của ông, người đọc như được sống lại những năm gian khổ của đất nước nhưng không phải là những tang thương, xám xịt mà là trong những tình cảm yêu thương đáng quý, những hi vọng vào tương lai con người. Có ai đó đã từng nói rằng, "nghệ thuật miêu tả tâm lý con người là thước đo tài năng của người nghệ sĩ". Thật vậy, đối với Kim Lân, ông đã dùng ngòi bút để chứng minh thuyết phục khả năng thâm nhập sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật để phản ánh được cả những góc khuất ẩn sâu dưới vỏ bọc bên ngoài. Nếu chỉ nhìn vào cái vẻ chao chát chỏng lỏn của cô vợ nhặt, ngoại hình xấu xí, tính tình dở hơi của Tràng, ta sẽ không thể nào thấy được ở họ khát khao sống mạnh mẽ, ước mong về hạnh phúc gia đình, tình yêu thương, đùm bọc giữa những phận đời bé mọn trong nạn đói. Có thể nói, đây là những đoạn văn hay, diễn tả thành công sự đổi thay trong tâm trạng của nhân vật Tràng, từ bất ngờ, bỡ ngỡ đến hạnh phúc tột cùng. Tràng từ một anh nông dân ngờ nghệch, vô tâm trở thành người đàn ông trưởng thành, có trách nhiệm dưới ánh sáng của hạnh phúc gia đình. Từ đây, đoạn văn đã góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Đó là thái độ trân trọng khát khao hạnh phúc gia đình ở những người lao động nghèo khổ trước bờ vực của cái chết, cũng là niềm tin ở sức sống mãnh liệt của họ giữa năm đói. Dù cho hoàn cảnh có bi đát ra sao, Kim Lân vẫn luôn tin tưởng vào khả năng vươn lên của con người, như nhà văn đã từng nói: "Khi viết về nạn đói ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói, người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi họng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người." Thưởng thức những trang văn mộc mạc, dung dị của Kim Lân, ta càng thêm thấm thía tấm lòng mà nhà văn dành cho những người nông dân, những phận đời bé mọn. Ông từng nói rằng, mình chủ trương viết về những người nông dân nghèo bởi họ bao giờ cũng thiệt thòi. Trên trang văn Kim Lân, ta thấy trước hết là những nét chân chất quen thuộc, vốn có của người nông dân từ trong nếp nghĩ đến hành động, qua con mắt am tường, tinh tế: Có ông Hai "mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy..", "vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng", có anh cu Tràng dở hơi, bỗ bã với cái tật vừa đi vừa nói lảm nhảm những điều mình nghĩ trong đầu.. Với những nét chân chất ấy, người nông dân đã đi vào cuộc kháng chiến một cách tự nhiên, nhiệt tình nhất. Không chỉ vậy, Kim Lân còn gây ấn tượng bởi những khám phá mới mẻ về hình tượng người nông dân trong những biến động dữ dội của lịch sử dân tộc. Đó là một ông Hai không chỉ tự hào về một làng chợ Dầu giàu đẹp mà còn là một ngôi làng kháng chiến, hòa tình yêu làng vào tình yêu đất nước. Đó là một anh cu Tràng tuy đói nghèo nhưng vẫn tốt bụng, cưu mang đồng loại, khao khát hạnh phúc gia đình. Kim Lân, bằng tâm huyết, tấm lòng thương yêu đã thể hiện những chân dung ấy với những phát hiện tinh tế về nét đẹp tâm hồn sâu kín bên trong con người, đề cao những phẩm chất đáng tự hào của họ. Bởi vậy, dẫu có thô mộc về ngoại hình, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng những người nông dân dưới ngòi bút Kim Lân vẫn không bao giờ bị cái đói nghèo làm chết đi những điều tốt đẹp tiềm tàng. Có lẽ đó là lí do mà giữa mảnh đất của những tên tuổi lớn với đề tài làng quê Việt Nam như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan.. Kim Lân cũng đã tạo cho mình một lối đi khác, xây cho mình ngôi nhà riêng, rất vững giữa lòng người và thách thức của dòng chảy thời đại. Thật đúng như Nguyên Hồng đã từng khen ngợi, rằng Kim Lân nhà văn một lòng đi về với "đất" với "người" với "thuần hậu nguyên thuỷ của cuộc sống nông thôn" Như vậy, qua những trang viết mộc mạc, dung dị mà đặc sắc của Kim Lân về sự đổi thay của nhân vật Tràng, ta thấy được tấm lòng Kim Lân với những tình cảm yêu thương và niềm tin mãnh liệt mà nhà văn dành cho con người lao động. Sedrin đã từng nói: "Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" Thời gian trôi qua, những gì vô nghĩa sẽ bị sàng lọc, trôi vào lãng quên, nhưng những giá trị đích thực sẽ còn sống mãi, sẽ càng chứng minh được sức sống của mình. Thật vậy, mang đến những suy ngẫm, trân quý về số phận và nét đẹp tâm hồn của người nông dân thuần hậu, chất phác, "Vợ nhặt" sẽ sống mãi với thời gian cùng những giá trị mà nó gửi gắm. Đó cũng là điều làm nên dấu ấn của nhà văn cũng như sức sống lâu bền của tác phẩm.