Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi estoulam, 2 Tháng mười 2021.

  1. estoulam

    Bài viết:
    64
    Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ

    Bài làm:

    Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con Tàu

    (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

    Tây Bắc từ lâu đã được xem như một mảnh đất hứa cho văn chương nghệ thuật, bởi nơi ấy không chỉ để lại nhiều ân tình mà còn khiến cho các nhà văn, nhà thơ có được những nguồn cảm hứng bất tận. Nếu như Nguyễn Huy Tưởng đã có cho mình cuốn tiểu thuyết "Bốn năm sau", Nguyễn Tuân ghi dấu ấn với tập tùy bút "SĐ", Nguyễn Khải viết nên "Mùa lạc" thì Tô Hoài lại đưa tên tuổi mình lên một tầm cao mới với tập "Truyện Tây Bắc", trong đó tiêu biểu nhất là truyện ngắn VCAP. Thưởng thức tác phẩm, người đọc không khỏi ấn tượng với tâm hồn tự do, khao khát hạnh phúc của người lao động nơi đây. Vẻ đẹp ấy đã được Tô Hoài thể hiện thật tinh tế và cảm động thông qua nhân vật Mị, đặc biệt là ở đoạn trích Mị trong đêm đông cứu A Phủ.

    Tô Hoài là một cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông hấp dẫn người đọc ở cái nhìn hồn nhiên mà sắc sảo, cách kể chuyện sống động, hóm hỉnh cùng những giá trị hiện thực và nhân đạo mới mẻ. Năm 1952, Tô Hoài theo đơn vị bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, sống gắn bó với đồng bào 8 tháng. Khi chia tay, Tô Hoài viết tập "Truyện Tây Bắc" (1953) bằng sự am hiểu tường tận cuộc sống, phong tục, nhất là tâm hồn phóng khoáng, tự do phảng chút hoang dại của đồng bằng miền núi cùng nỗi ám ảnh về những kỉ niệm gắn bó và món nợ ân tình với người Tây Bắc. "Vợ chồng A Phủ" là truyện ngắn thành công nhất của Tô Hoài ở mảng đề tài về người lao động Tây Bắc, khắc họa chân thực cuộc sống tăm tối của họ và con đường vùng lên phản kháng khỏi sự áp bức, đày đọa của bọn thực dân, chúa đất.

    Mị là nhân vật trung tâm của truyện, là một cô gái người Mèo xinh đẹp, trẻ trung, có tài thổi lá, thổi sáo làm say mê biết bao nhiêu chàng trai. Mị cũng là một người hiếu thảo, chịu khó, yêu lao động, khao khát tự do và luôn ý thức được quyền sống của mình. Sau khi về làm con dâu gạt nợ nhà Thống Lí, Mị bị bóc lột sức lao động, bị áp chế bởi cường quyền và thần quyền, bị ngược đãi bởi người chồng vũ phu. Từ một cô gái hồn nhiên, hạnh phúc, Mị trở thành người đàn bà chai sạn và vô cảm. Nhưng sự thống khổ ấy không thể dập tắt được sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong con người Mị. Trong đêm tình mùa xuân năm ấy, Mị đã có một cuộc vượt thoát về tâm hồn, dù đã bị trói vào cột nhà nhưng tâm trí vẫn đưa theo những đám chơi. Tuy đó chỉ là hành động bộc phát, trong những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng sức sống tiềm tàng mãnh liệt đã báo hiệu cho sự bừng tỉnh về nhận thức và cháy bùng lên ngọn lửa tự do để giải thoát cho mình và người cùng cảnh ngộ.

    Nếu chỉ dừng lại ở đêm tình mùa xuân thì cũng chỉ giống như một đợt sóng, dâng lên rồi lại tan ra, sức sống tiềm tàng, âm ỉ trong Mị vẫn bị một lớp tro tàn phủ mờ lên đó. Và rồi đêm đông cứu A Phủ đã đến như một luồng gió để thổi bùng lên sức sống ấy, cũng như làm trỗi dậy lớp sóng ngầm của sự phản kháng vẫn luôn hiện diện bấy lâu ở Mị. Đoạn trích nằm ở nửa sau tác phẩm, miêu tả diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm đông cắt dây trói cứu A Phủ.


    [​IMG]

    Lúc đầu, Mị hiện lên với hình ảnh một con người trong trạng thái tê liệt tinh thần, tâm hồn vô cảm, chai sạn, băng giá. Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, đêm nào Mị cũng dậy thổi lửa hơ tay, còn A Phủ thì bị trói đứng chờ chết. Ban đầu, mỗi khi thấy cảnh đó, Mị vẫn dửng dưng, rằng dù A Phủ có là cái xác chết đứng đấy thì cũng thế thôi. Sự thờ ơ đó, phải chăng là vì người chết ở nhà thống lý đã chẳng phải chuyện lạ, hay vì Mị đã "ở lâu với cái khổ" nên đã chai lì cảm xúc? Để rồi ngay cả nỗi đau của mình, Mị cũng vô cảm thờ ơ, huống gì là bận lòng vì nỗi đau của người khác. Bởi lẽ, nếu còn ý thức, còn cảm giác chắc Mị đã sợ đòn roi của A Phủ, đã không chai lì tiếp tục ra sưởi lửa vào những đêm sau. Các từ ngữ "thản nhiên", "cũng thế thôi" cho thấy sự vô cảm đến tàn nhẫn của Mị, Mị không gợn một chút xót xa nào. Mị không quan tâm bất cứ điều gì ngoài ngọn lửa mỗi đêm vẫn thao thức bên Mị, dường như ngọn lửa với Mị là để bầu bạn và sưởi ấm phần nào sự cô đơn, nguội lạnh trong tâm hồn. Đắng cay thay cho Mị, một cô gái đã đánh mất luôn cả tình thương, lòng nhân ái. Đó là chứng tích của ách áp bức nặng nề, dai dẳng và đầy đau đớn, và cũng là sự lên án của nhà văn đối với những thế lực cường quyền, thần quyền đã đẩy con người vào trạng thái tê liệt ý thức.

    Từ vô cảm, dửng dưng, Mị đã được dòng nước mắt của A phủ đánh thức rồi trở nên đồng cảm với số phận của người cùng cảnh ngộ. Đối với A Phủ, một người đàn ông vốn mạnh mẽ, gan góc, một người chẳng e dè mà thẳng tay trừng trị con quan, thì những giọt lệ ấy chính là nỗi tuyệt vọng không thể nói ra bằng lời. Hình ảnh "Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" đã làm hiện hữu một cách chân thực nỗi thống khổ, sự đau đớn và bất lực tột cùng của một kẻ đang hấp hối, của một thân phận nô lệ đang tủi nhục trước số phận. Dòng nước mắt ấy không chỉ chảy xuống đôi gò má "đã xám đen" của A Phủ mà còn chảy vào trái tim băng giá của Mị, tác động trực tiếp đến mảnh hồn tưởng chừng như đã khô héo, lặng câm trước cuộc đời. Từ cõi quên trở về cõi nhớ, nước mắt của A Phủ và cảnh tượng bị trói đứng thế kia đã thức dậy trong Mị kí ức hãi hùng, rằng Mị cũng từng bị ngược đãi, cũng từng trải qua cái tủi nhục như thế, khi mà nước mắt "chảy xuống miệng xuống cổ không biết lau đi được". "Trông người lại ngẫm đến mình", trái tim Mị quặn đau. Nhà văn không nói đến nỗi đau đớn về thể xác của Mị, không nói ra nỗi tủi nhục của A Phủ nhưng từ điểm nhìn của Mị, người đọc đã thấm thía được điều ấy. Mị cảm nhận nỗi đau của A Phủ bằng chính nỗi đau của mình. Sự đồng cảnh đã dẫn dắt trái tim đến với những sự đồng cảm đầu tiên.

    Nhà giáo Đỗ Kim Hồi cho rằng, "Nước mắt A Phủ đúng là một chi tiết đã nâng tầm Tô Hoài". Thật vậy, dòng nước mắt đã nối số phận của hai con người lại với nhau, trước là chứa đựng nỗi tủi nhục không thể nói hết của A Phủ, sau là kéo Mị ra khỏi sự tê liệt cảm xúc. Quả là một chi tiết nhỏ nhưng lại mang trong mình sức chứa lớn lao. Đó hẳn phải là kết quả của một tấm lòng trăn trở trước những số phận bị đày ải và tài năng, tâm huyết của nhà văn Tô Hoài.

    Có được sự đồng cảm trong trái tim cũng là lúc Mị nhận thức được sâu sắc nỗi tủi nhục của mình và A Phủ cũng như tội ác tày trời của giai cấp thống trị mà đại diện là cha con thống lý Pá Tra. Câu độc thoại nội tâm đã phản ánh cảm xúc mãnh liệt của Mị: "Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này". Câu văn sử dụng phép điệp cấu trúc, nhịp điệu dồn dập, sắc thái như tiếng kêu thấu trời xanh. Đoạn văn lặp lại đến 9 lần động từ "chết", thêm một lần từ "rũ xương", nhất là phép điệp tăng cấp: "Chết đau, chết đói, chết rét, phải chết." Mỗi lần từ "chết" được điệp lại dường như lòng thương A Phủ và lòng căm phẫn tội ác cha con nhà thống lý trong Mị càng nhân lên gấp bội, để rồi sau đó, như một phản ứng dây chuyền, nối ại ba số phận: Nghĩ đến cái chết oan nghiệt của người đàn bà ngày trước, đến cảnh mình bị trói, cảnh A Phủ sắp phải chết. Mị nhận ra giá trị của con người bị chà đạp đến thê thảm, nhận ra nỗi thống khổ tột cùng của những số phận bị đày ải. Để rồi Mị hiểu ra sự tàn độc, phi lý của giai cấp thống trị: "Chúng nó thật độc ác". Đó là sự bừng tỉnh, sự nhận thức đầy lý trí chứ không dừng lại ở cảm xúc đơn thuần.

    Mị độc thoại với chính mình: "Cơ chừng này thì chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây mà thôi.. Người kia việc gì phải chết?" Nghĩ đến một A Phủ đang bị đẩy đến bờ vực của cái chết, Mị thấy phi lý đến mức không thể chấp nhận. Hai tiếng "A Phủ" lần đầu tiên ngân lên trong lòng Mị, nhè nhẹ, phảng phất một hơi thở của tình thương. Trong suy nghĩ ấy, Mị đã nghiêng phần sống của mình cho A Phủ, đó là sự thức dậy của lòng nhân ái giữa những con người đồng cảnh ngộ và cũng là điểm tựa cho những hành động táo bạo của Mị về sau.

    Lòng trắc ẩn, tình thương giai cấp đã đưa Mị đến với ý nghĩ giải thoát cho A Phủ. Trước khi cởi trói, diễn biến tâm lý của Mị rất phức tạp: "Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình." Tưởng chừng như chỉ là một chi tiết bâng quơ nhưng lại chứa đựng nhiều ẩn ý. Đám than đã "vạc hẳn lửa" khiến bóng tối tràn ngập không gian. Ngọn lửa vật lí, ánh sáng tự nhiên vụt tắt, ẩn mình khuất lấp trong những tàn than. Nó nhường bước cho ngọn lửa mới, đó là lửa hồng tâm hồn, ngọn lửa của lòng người – thứ lửa nhân văn, bền bỉ và cháy sáng nhất. Đám than tàn cũng là lúc ngọn lửa trong Mị bừng cháy, soi rõ quá khứ đời Mị, khiến "Mị nhớ lại dợi mình", chợt nhận ra đời mình chỉ thấy toàn khổ đau, bất công, ngang trái: Bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi bởi người chồng vũ phu, bị cầm tù tinh thần bởi thần quyền. Đời Mị có thể sẽ chết rũ xương ở đây, nhưng A Phủ thì không phải thế.

    Từ cuộc đời dài dằng dặc những đau khổ của mình, nghĩ tới A Phủ, Mị tưởng tượng rằng: "Như có thể một lúc nào, biết đau A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào, Mị phải chết trên cái cọc ấy." Hai hình ảnh song hành diễn ra trong tưởng tượng của Mị: Cảnh A Phủ đã trốn thoát và cả cái chết của mình sẽ đến ngay sau đó. Nhưng mị không sợ, đối với Mị bây giờ cái chết không còn là điều gì ghê gớm nữa. Điều gì đã khiến mị không sợ hãi? Đó phải chăng là lúc lòng thương người đã chiến thắng mọi nỗi sợ cường quyền và thần quyền? Tình thương giai cấp đã lớn hơn nỗi sợ trong lòng Mị, cởi trói cho A Phủ cũng chính là cách để Mị cởi bỏ nút thắt trong lòng. Đó là biểu hiện cao nhất của sự thức tỉnh, là hành động táo bạo, bất ngờ, nhưng vô cùng hợp lý, vốn đã luôn nằm trong sức sống nội tại của nhân vật.

    Hành động cắt dây trói cho A Phủ và vùng chạy theo của Mị là biểu hiện cao nhất của sức sống, sức phản kháng mãnh liệt. "Mị lấy con dao chẫu nhỏ, cắt từng nút dây mây". Hành động nhanh, gọn chứng tỏ nó đã được thúc đẩy bởi rất nhiều tâm trạng: Lòng thương người và sự căm phẫn đến tột cùng tội ác của cha con nhà thống lý. Đây là hành động bản năng nhưng là lẽ tất yếu. Bởi thế, sau hành động dứt khoát ấy là tâm lý "hốt hoảng", "nghẹn lại" đầy chơi vơi. Hành động của mỗi con người đều là sự cấu thành từ những cảm xúc, tâm lý đan xen cùng lúc, dù cho việc làm ấy có là bột phát. Vậy mới thấy, từng gấp khúc dù là nhỏ nhất trong tâm trạng Mị đã được Tô Hoài diễn tả thật thuyết phục và cảm động.

    "Mị đứng lặng trong bóng tối". Câu văn ngắn, tách thành một dòng riêng nằm chơi vơi ở giữa những câu chữ ngổn ngang. Tuy ngắn về câu chữ nhưng ẩn sau đó là cả một cuộc đấu tranh nội tâm đầy dữ dội của Mị: Sống hay chết? Đi hay ở? Nô lệ hay tự do? Cuối cùng, tiếng gọi tự do đã vẫy gọi Mị.

    Trong giây phút đối diện với bản án tử hình ấy, lòng ham sống mãnh liệt đã trỗi dậy và thúc giục Mị chạy theo A Phủ. Đoạn văn tiếp theo miêu tả hành động Mị với toàn những động từ mạnh: "Vụt chạy", "băng đi", "đuổi kịp", "lăn", "chạy xuống", "nói", "thở". Đó là khoảnh khắc mà nội lực và sức phản kháng của Mị đã cháy bụng lên mạnh mẽ. "Một tia lửa nhỏ hôm nay báo hiệu đám cháy ngày mai" (Lỗ Tấn). Thật vậy, nếu đêm tình mùa xuân là "tia lửa nhỏ" thì hành động chạy theo A Phủ của Mị đã thực sự trở thành "đám cháy". Bước chân ấy không còn là bước chân của con rùa, con trâu, con ngựa nữa mà là bước chân đầy mạnh mẽ, cứng cỏi, quật cường vùng lên để đi tìm ánh sáng tự do. Đến đây, ta chợt nhớ tới lời thơ Tố Hữu:

    "Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu

    Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp"

    Khoảnh khắc Mị vụt chạy theo A Phủ để tìm đường sống cũng có thể ví như một khoảnh khắc ngắn ngủi về thời gian vật lí nhưng vô tận về ý nghĩa nhân sinh bởi nó chứa đựng sự dồn nén của cảm xúc, sự thức bừng tỉnh của hồn người, chất chứa bao suy ngẫm về sức sống tiềm tàng của con người cũng như hành trình vùng lên chống lại cái tàn nhẫn, bất công để tìm đến sự tự do của người lao động. Khoảnh khắc ấy đã hé mở biết bao nhiêu cảm xúc trong lòng bạn đọc và cũng là biểu hiện cho chiều sâu nhân đạo của ngòi bút Tô Hoài. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn chọn đêm đông là thời điểm Mị và A Phủ chạy thoát khỏi Hồng Ngài, bởi lẽ đó là ấn dụ cho sự khép lại của một quá khứ tăm tối, lạnh lẽo, mịt mờ, hứa hẹn một ngày xuân tự do, hạnh phúc trong tương lai.

    Thực chất, đây cũng chính là quá trình mà Mị được soi sáng, từ chỗ nhận thức được sự lạnh lùng, tàn bạo của xã hội, nhận thức được sự bất công, phi lý sắp giết chết một con người vô tội, Mị cắt dây trói cho A Phủ cũng là cắt đi sự trói buộc giữa cô với sự đày ải nặng nề ở nhà thống Lý, điều ấy hoàn toàn đúng với lý luận cũng như thực tiễn thời đại. Các Mác từng nói, "Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh", hay như dòng đầu liên của tuyên ngôn các Đảng cộng sản, F. Ăng ghen cũng đã khẳng định: "Lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp, áp bức bóc lột của giai cấp thống trị càng nặng nề, sự vùng lên đấu tranh càng mạnh mẽ."

    Diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm đông cứu A Phủ đã góp phần thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm. Từ cuộc đời Mị, nhà văn muốn khẳng định một chân lý, rằng bạo lực không thể hủy diệt khát vọng của con người, đồng thời lên án đanh thép chế độ cường quyền, thần quyền đã chà đạp con người đến tê liệt sức sống, biến họ thành kiếp nô lệ. Qua nhân vật Mị, ta đã thấy được ở số phận khổ đau ấy một sức sống tiềm tàng, từ đó cảm nhận được chiều sâu nhân đạo trong ngòi bút Tô Hoài, vừa cảm thông cho kiếp người khổ cực, vừa ngợi ca lòng ham sống, khát vọng tự do, niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Đến đây, cái nhìn nhân đạo đã được nâng lên một tâm cao mới, khi mà ở các tác phẩm trước Cách mạng như Tắt đèn, Chi Phèo, người nông dân cũng rơi vào đường cùng, và rồi nhận lấy một kết cục hết sức tối tăm, nhưng với VCAP, khi ánh sáng của Đảng, của cách mạng soi rọi, khơi dậy ở họ ý thức thời đại, nhà văn đã nhìn thấy khả năng vùng dậy của những người lao động bị đày ải, đưa họ đến cuộc đời tự do. Đây chính là sự kế thừa những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, đồng thời khắc phục nhược điểm của chủ nghĩa hiện thực phê phán của những năm 1930 – 1945, văn học 1945 - 1975 bắt đầu thấy được khả năng đấu tranh tiềm tàng của con người, đã nhận thức được quy luật phát triển tất yếu của lịch sử.

    Không chỉ đặc sắc về nội dung tư tưởng mà đoạn văn còn là một thành công ở phương diện nghệ thuật. Tô Hoài đã đặt nhân vật này vào một hoàn cảnh đặc biệt đầy kịch tính, thúc đẩy sự vùng lên ở Mị. Cách kể chuyện hấp dẫn, giọng điệu biến đổi linh hoạt, nhịp kể chậm rãi, sẻ chia, giọng kể trầm lắng đong đầy cảm xúc thể hiện tình cảm yêu thương của tác giả với nhân vật. Ngoài ra, ngôn ngữ trần thuật đa dạng, sinh động, chọn lọc, với các lớp từ thông tục, lối văn giàu tính tạo hình, vận dụng cách nói hồn nhiên, mang đập màu sắc dân tộc, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của người miền núi. Nhưng đáng chú ý vẫn là nghệ thuật miêu tả tâm lý, vừa khách quan, trung thực, lại vừa kết hợp khéo léo với cách nhìn bên trong của nhân vật, diễn tả đặc sắc những gấp khúc mơ hồ, những thăng trầm cảm xúc, sử dụng độc thoại nội tâm.. làm nên một dòng tâm trạng đầy kịch tính và không kém phần thuyết phục ở Mị.

    Như vậy, đoạn trích là một áng văn thần tình, đầy cảm xúc về sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt của Mị trong đêm đông cứu A Phủ. Câu chuyện khép lại, nhưng trong lòng người đọc được hé mở những cảm xúc đặc biệt khi chứng kiến con đường vùng lên của những người lao động dưới ách thống trị. Đem đến cái nhìn nhân đạo cao cả cùng thông điệp hướng đến tương lai, Tô Hoài đã thực sự trở thành "kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường." (Nguyễn Minh Châu). Đây chính là điều làm nên dấu ấn của nhà văn cũng như sức sống lâu bền của VCAP.
     
    Quách Ngôn thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...