Phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật mị trong đêm tình mùa xuân - Truyện ngắn vợ chồng a phủ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 30 Tháng tư 2021.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân - truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ của Tô Hoài.

    Tác giả: YenOanh099


    Tô Hoài là nhà văn có nguồn sáng tạo to lớn, là tác giả có số lượng tác phẩm đạt kỉ lục trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Trong số các tác phẩm của ông có truyện ngắn "Vợ Chồng A Phủ". Câu truyện viết về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong bóng tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm tự do. Tiêu biểu là nhân vật Mị - một cô gái bất hạnh, chịu nhiều đau khổ nhưng vẫn tiềm tàng sức sống và khát vọng tự do.

    Trong truyện ngắn "Vợ Chồng A Phủ", Tô Hoài đã khắc họa rất sâu sắc hình tượng nhân vật Mị: Một cô gái người Mèo trẻ đẹp và tài hoa "Thổi sáo giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo", là một người con hiếu thảo, một người giàu lòng tự trọng và biết khao khát tự do. Tuy nhiên, vì món nợ của cha mẹ mà Mị buộc phải làm dâu cho nhà Thống lí Pá Tra. Tại đây, cô đã trở thành một nô lệ (Bị áp bức cả thể xác lẫn tinh thần). Những ngày tháng khổ cực, tủi nhục ở nhà Thống lí đã biến Mị thành một con người vô cảm, sống như một cái xác không hồn, không còn cảm nhận được sự tồn tại của chính mình. Có lúc Mị còn tưởng mình cũng là con trâu, con ngựa ở nhà Thống lí mà thôi. Thế nhưng sâu trong tâm hồn cô gái ấy vẫn tiềm ẩn một sức sống tiềm tàng, một khát vọng sống mãnh liệt. Điều này được thể hiện rõ nhất trong đêm tình mùa xuân.

    Có thể thấy, Tô Hoài đã rất tài tình để nhập thân vào và miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật. Với Mị, cô bị chèn ép, hành hạ bởi cường quyền ở nhà Thống lí Pá Tra, suốt ngày bị đánh đập, suốt năm suốt tháng chỉ biết đến làm việc tới nổi cảm xúc, cảm giác đều bị tê liệt. Và rồi, Tô Hoài lại đánh thức sức sống tiềm tàng của nhân vật ấy bằng cách dựng nên đêm tình mùa xuân. Đó là khi mùa xuân trở về trên đất Hồng Ngài "Trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏn đá xòe ra như con bướm sặc sỡ". Sắc màu của mùa xuân làm tạo vật và con người bừng tỉnh, gió và rét không ngăn được tiếng cười của trẻ con, không cản được tiếng sáo gọi bạn tình. Nó làm sức sống và khát vọng của Mị bừng lên.

    Đêm xuân ấy "Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát", nuốt ực đi cái đau đớn, cái uất ức mà cô đã phải gánh chịu.

    Rượu vào, Mị say!

    Say rồi cũng là lúc Mị trở về với quá khứ, trở về với sự tự do. Mị nghe được tiếng sáo gọi bạn tha thiết (Tiếng sáo là biểu tượng cho khát vọng tự do, thổi bừng lên ngọn lửa tâm hồn Mị) và Mị lâng lâng thả hồn theo nó. Tiếng sáo khiến Mị thức tỉnh. Lúc này đây như ý thức được cái tình cảm đau khổ của mình mà Mị có cái suy nghĩ lạ lùng.. Đó là muốn chết ngay. Cho thấy cái khát vọng muốn được giải thoát của mị đã trở lại. Cùng với đó là hành động "Lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng", căn phòng lúc nào cũng kín mít, luôn chìm trong bóng tối của Mị giờ đây lại được thắc sáng lên cũng chính là thắp sáng cho cuộc đời tăm tối của Mị. Tiếp đó, Mị bắt đầu "Quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa ở trong vách", Mị muốn đi chơi, muốn trở về Mị của những năm trước, được tự do, thoải mái. Nhưng mong muốn đó lại bị chặng đứng bởi sự xuất hiện của A Sử "A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thùng sợi đay ra trói Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa". Sau khi trói Mị, hắn đi mất để lại một mình cô trong căn phòng tối.

    Một mình bị trói đứng trong phòng tối thì cái khát vọng sống mãnh liệt và số phận của Mị hiện lên thật rõ ràng. Tuy bị trói đứng nhưng Mị vẫn không hay biết "Trong bóng tối, Mị im lặng, như không biết mình đang bị trói". Hơi rượu nồng nàn làm Mị quên đi thực tại, tâm hồn Mị hiện đang hòa vào tiếng sáo và và bay bổng theo những cuộc chơi, những đám chơi "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào.." Từ đây, nhà văn đã để người đọc cảm nhận được cái sức sống tiềm tàng, cái khát vọng sống mạnh mẽ phát ra ở cô gái tưởng chừng như đã trở thành một cái bóng vô tri, vô giác này. Mặc dù trói được thể xác nhưng không trói được tinh thần của cô. Vậy là cô Mị của trước kia đã trở lại, cô Mị của sự tự do, vui vẻ.

    Nhưng sự thật lại quá phũ phàng?

    "Mị vùng bước đi nhưng tay chân đau không cựa được", sự đau đớn do dây trói xiếc chặt kéo Mị từ quá khứ về lại thực tại. Mị không còn nghe được tiếng sáo du dương nữa mà thay vào đó là tiếng chân ngựa khô khan "Mị không còn nghe tiếng sáo nữa, chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa". Thế là ngọn lửa của tự do, của khát vọng sống vừa mới nhen nhóm lên lại vụt tắt, nó khiến Mị nhớ lại số phận đau thương, bất hạnh của mình. Trước kia, Mị tự do vui sướng biết bao, vừa là một cô gái trẻ đẹp - một bông hoa của núi rừng Tây Bắc, vừa là một con người tài hoa. Đáng ra, Mị phải sống một cuộc đời hạnh phúc.

    Thế mà hiện tại thì sao? Mị là nô lệ, là con người chẳng khác nào con vật. Làm việc cực nhọc cả ngày lẫn đêm, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, biến một người tự do phóng khoáng như Mị dần dần trở nên ít nói và câm lặng. Cứ "Lùi lủi như con rùa nuôi trong xó cửa", cứ "Tưởng mình cũng là con trâu, cũng là con ngựa", lúc nào cũng chỉ "Cúi mặt không nghĩ ngợi nữa", chỉ "Nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau". Như một cổ máy làm việc theo thói quen vô thức, Mị vô cảm, không tình yêu, không khát vọng, không còn quan tâm đến sự tồn tại của mình.

    Tất cả đã gieo vào lòng độc giả nỗi ám ảnh và sự xót thương với số phận của Mị. Tô Hoài đặt sự hồi sinh của Mị vào một tình huống bi kịch: Khát vọng mãnh liệt và hiện thực phũ phàng khiến sức sống của Mị càng thêm mạnh mẽ. Qua đó, thể hiện sự xót xa, thương cảm của ông trước cuộc sống tủi nhục, bị đày đọa của cô cũng như của những người dân lao động miền núi. Tô Hoài lên án gay gắt sự áp bức, bóc lột tàn bạo của bọn thống trị miền núi và bọn thực dân đối với đời sống của nhân dân lao động. Đồng thời cũng khẳng định dù khốn khổ, cùng cực đến thế nào thì mọi thế lực của giai cấp thống trị cũng không giết được sức sống của con người.

    Qua việc xây dựng nên đêm tình mùa xuân, Tô Hoài đã thể hiện được tài năng của mình trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Ông đã rất tài tình để nhập thân và miêu tả diễn biến tâm lý của Mị theo một trình tự hợp lí để làm nổi bật hình tượng của cô: Một con người có số phận bất hạnh, đau khổ nhưng ẩn chứa một sức sống tiềm tàng, một khát vọng sống mãnh liệt.
     
    Thùy Minh, Lê Diệu, Yuu22142 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng tám 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...