Phân tích dấu hiệu đặc trưng của tội chống loài người theo Quy chế Rome

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi thuhienhlu, 13 Tháng chín 2021.

  1. thuhienhlu * ^^ *

    Bài viết:
    16
    (#1)

    Tên: Phân tích các dấu hiệu đặc trưng của tội chống loài người theo Quy chế Rome. Liên hệ với quy định về tội phạm này trong Bộ luật hình sự Việt Nam


    tác giả: ThhienNg

    thể loại: Bài luận

    [​IMG]

    [​IMG]

    mô tả:
    Phân tích các dấu hiệu đặc trưng của tội chống loài người theo Quy chế Rome. Liên hệ với quy định về tội phạm này trong Bộ luật hình sự Việt Nam

    NỘI DUNG:

    Câu 2: Phân tích các dấu hiệu đặc trưng của tội chống loài người theo Quy chế Rome. Liên hệ với quy định về tội phạm này trong Bộ luật hình sự Việt Nam.

    Theo Quy chế Rome, tội chống loài người được quy định tại Điều 7 của Quy chế. Cụ thể:

    Điều 7 Tội chống loài người

    1. Trong Quy chế này, "tội ác chống nhân loại" là một trong các hành vi sau được thực hiện như một phần của sự tấn công có hệ thống hoặc trên diện rộng nhằm vào bất kỳ một cộng đồng dân thường nào, với nhận biết về sự tấn công đó:

    A) Giết người;

    B) Hủy diệt;

    C) Bắt làm nô lệ;

    D) Lưu đày hoặc cưỡng ép di chuyển dân cư;

    E) Bỏ tù hoặc có hình thức khác tước đoạt tự do thân thể một cách nghiêm trọng trái với các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế;

    F) Tra tấn;

    G) Hiếp dâm, bắt làm nô lệ tình dục, cưỡng ép mại dâm, ép buộc mang thai, cưỡng ép triệt sản hoặc bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào khác có tính chất nghiêm trọng tương tự;

    H) Ngược đãi bất kỳ nhóm hoặc tập thể người nào có chung đặc điểm vì lý do chính trị, chủng tộc, dân tộc, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, giới tính như được định nghĩa tại khoản 3, hoặc những lý do khác được thừa nhận rộng rãi là bị cấm theo luật quốc tế, liên quan đến bất kỳ hành vi nào nêu tại khoản này hoặc bất kỳ tội phạm nào thuộc quyền tài phán của Tòa án;

    I) Đưa người đi biệt tích;

    J) Phân biệt chủng tộc;

    K) Các hành vi vô nhân đạo khác có tính chất tương tự cố ý gây nhiều đau đớn hoặc tổn thương nghiêm trọng cho thân thể hoặc sức khỏe về mặt tinh thần hay thể chất.

    2. Các từ ngữ sử dụng tại khoản 1 được hiểu như sau:

    A) "Tấn công nhằm vào bất kỳ cộng đồng dân thường nào" là một loạt hành vi nêu tại khoản 1 được thực hiện nhiều lần chống lại bất kỳ cộng đồng dân thường nào, theo hoặc nhằm thúc đẩy chính sách của một quốc gia hay tổ chức về việc thực hiện các cuộc tấn công đó;

    B) "Hủy diệt" bao gồm việc cố ý áp đặt những điều kiện sống như không cho tiếp cận nguồn lương thực, thuốc men nhằm tiêu diệt một bộ phận dân cư;

    C) "Bắt làm nô lệ" là việc thực hiện bất kỳ hay toàn bộ các quyền lực gắn với quyền sở hữu đối với một người, kể cả việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em;

    D) "Trục xuất hoặc cưỡng ép di dân" là việc cưỡng ép di dời những người liên quan ra khỏi khu vực mà họ đang cư trú hợp pháp bằng việc trục xuất hoặc các hành vi cưỡng chế khác với các lý do không được luật pháp quốc tế thừa nhận;

    E) "Tra tấn" là cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ về thể xác hoặc tinh thần cho người đang bị giam giữ hoặc đang chịu sự kiểm soát của cá nhân bị buộc tội; trừ trường hợp sự đau đớn hoặc đau khổ xuất phát, gắn liền hoặc liên quan đến các hình phạt hợp pháp;

    F) "Ép buộc mang thai" là việc giam giữ bất hợp pháp phụ nữ bị buộc mang thai nhằm mục đích thay đổi thành phần sắc tộc của bất kỳ cộng đồng dân cư nào hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng khác. Định nghĩa này không ảnh hưởng đến pháp luật quốc gia về thai sản;

    G) "Ngược đãi" là việc tước đoạt nghiêm trọng và cố ý các quyền cơ bản, trái với luật pháp quốc tế vì lý do bản sắc của một nhóm người hay tập thể;

    H) "Phân biệt chủng tộc" là các hành vi vô nhân đạo có tính chất tương tự như các hành vi nói tại khoản 1, được thực hiện trong bối cảnh của một chế độ đàn áp và thống trị có hệ thống, bởi một nhóm chủng tộc đối với một hoặc nhiều nhóm chủng tộc khác và được thực hiện nhằm duy trì chế độ đó;

    I) "Đưa người đi biệt tích" là việc bắt, giam giữ hoặc bắt cóc người theo lệnh hoặc với sự cho phép, hỗ trợ hay đồng tình của một quốc gia hoặc tổ chức chính trị và tiếp đó, từ chối thừa nhận việc tước đoạt tự do hoặc cung cấp thông tin về số phận hoặc nơi ở của những người đó, nhằm loại bỏ sự bảo vệ của pháp luật đối với họ trong một thời gian dài.


    3. Trong Quy chế này, thuật ngữ "giới tính" được hiểu là hai giới, nam và nữ trong xã hội. Ngoài ý nghĩa này ra, thuật ngữ "giới tính" không mang ý nghĩa nào khác.

    a. Phân tích.

    Khái niệm về tội chống loài người: Theo quy định của điều luật về tội chống loài người là việc người nào trong thời bình hay chiến tranh mà thực hiện hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ đọc lập, có chủ quyền, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xa hội đó hoặc thực hiện hành vi diệt chủng khác hoặc thực hiện hành vi diệt sinh, hủy diệt môi trường tự nhiên.

    Phân tích dấu hiệu đặc trưng của tội chống loài người theo quy chế Rome

    - Khách thể của tội phạm:

    Hành vi chống loài người xâm phạm đến quyền được sống của con người, quyền được bảo đảm về nguồn sống, cuộc sống văn hóa, tinh thần của con người. Hành vi chống loài người xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người, đặc biệt cần lưu ý đối tượng của tội này là thường dân, những người dân thuộc tầng lớp bình thường.

    - Mặt khách quan của tội phạm:

    Hành vi khách quan của tội chống loài người là "tấn công trực tiếp nhằm vào người dân có quy mô lớn hoặc có hệ thống". Tính chất của hành vi tấn công do người phạm tội thực hiện không phải là hành vi tấn công thông thường, đơn lẻ hay quy mô nhỏ lẻ tẻ mà phải có "quy mô lớn và có hệ thống". Hành vi khách quan này có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau như giết người, hủy diệt, trục xuất hoặc cưỡng ép di chuyển dân cư, bắt làm nô lệ.. cụ thể:

    Quy chế Rome đã phân biệt các tội phạm thông thường với tội chống loài người thuộc thầm quyền xét xử của Tòa án với ba tiêu chí:

    Thứ nhất, những hành vi cấu thành loại tội này như hành vi tàn sát, phải là hành vi được thực hiện với quy mô lớn (phạm vi rộng) hoặc một cách có hệ thống. Tuy nhiên, hành vi tấn công Theo quy chế Rome không chỉ bao gồm sự tấn công quân sự mà còn bao gồm những biện pháp về pháp luật hoặc hành chính như trục xuất hoặc cường bức di dời chỗ ở.

    Thứ hai, đó phải là những hành vi trực tiếp chống lại một cộng đồng dân cư – chống lại dân thường. Do đó, những hành vi đơn lẻ, cá thể, tản mác hoặc tình cờ sẽ không được coi là những tội phạm chống loài người và sẽ không bị truy tố về những tội đó

    Thứ ba, những hành vi này phải được thực hiện theo chính sách của nhà nước hoặc của tổ chức. Theo đó, những hành vi này có thể do những viên chức nhà nước hoặc những cá nhân hành động do bị cưỡng bức, tự nguyện hoặc chấp nhận. Tội chống loài người có thể được thực hiện theo chính sách của một tổ chức nào đó, chẳng hạn những nhóm phiến loạn mà không có sự liên hệ nào với nhà nước

    - Mặt chủ thể của tội phạm:

    Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự tức là đủ tuổi và khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi. Đồng thời, đảm bảo tuân theo các quy định tại Điều 26 (loại trừ quyền tài phán đối với người dưới 18 tuổi), Điều 27 (nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật), Điều 30 (yếu tố tâm thần)

    - Lỗi của tội này là lỗi cố ý tức là khi thực hiện hành vi tấn công nói trên, người phạm tội ý thức được hành vi mình đang làm là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng, xâm phạm nghiêm trọng trực tiếp đến các quyền của con người nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó, mong muốn hậu quả xảy ra.

    - Hình phạt: Quy chế Rome không quy định hình phạt ngay trong Điều 7 mà người phạm tội sẽ chịu hình phạt quy định tại Điều 77 theo Quy chế này.

    b. Liên hệ với quy định về tội phạm này trong bộ luật hình sự Việt Nam.

    Điều 422 Tội chống loài người trong Bộ luật hình sự năm 2015 cụ thể chi tiết điều luật được các nhà là luật quy định như sau:

    "1. Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà thực hiện hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó hoặc thực hiện hành vi diệt chủng khác hoặc thực hiện hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.


    2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm."

    Mặc dù Bộ luật hình sự Việt Nam chưa có quy định cụ thể như các quy định tại quy chế Rome, song những nội dung cơ bản về cấu thành tội phạm giữa hai văn bản có điểm tương đồng, thuận lợi cho việc viện dẫn, áp dụng pháp luật trong việc thực thi.

    Về sự khác biệt có thể thấy rõ giữa tội chống loài người được quy định trong BLHS Việt Nam và trong Quy chế Rome là về hành vi khách quan của tội này. Điều 342 quy định hành vi khách quan của tội chống loài người nhưng những hành vi còn mang tính trừu tượng như hành vi phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng xã hội nhằm phá hoại xã hội đó. So sánh với những quy định tương ứng tại Quy chế Rome thì những hành vi này không được coi là hành vi khách quan của tội chống loài người. Đồng thời, Điều 342 cũng chưa quy định về các hành vi của tội này như hủy diệt, bắt làm nô lệ, trục xuất hoặc cưỡng ép di dân, tra tấn, ngược đãi, ép buộc mang thai.. Vậy ta thấy rằng về mặt khách quan của tội chống loài người theo quy định tại quy chế Rome và BLHS Việt Nam có nhiều điểm khác nhau về mặt khách quan. Về mặt chủ thể, người phạm tội tại Điều 342 BLHS Việt Nam phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định BLHS Việt Nam.

    Về hình phạt, BLHS Việt Nam quy định hình phạt là "phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình". Trong khi đó, quy chế Rome không quy định hình phạt tử hình đối với loại tội này.

    Như vậy, BLHS Việt Nam còn có nhiều điểm chưa tương thích với quy chế Rome trong quy định về tội chống loài người, đặc biệt là về mặt hành vi khách quan. Tuy nhiên, quy định về tội chống loài người ở nước ta cũng đã có những bước đổi mới ngày càng phù hợp hơn với xã hội và trên thế giới.


    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế (Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1998).

    2. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017

    3. Luật hình sự Quốc tế (Ths Nguyễn Thị Thuận – NXB CAND)
     
    Thursday Lyenthahienie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng chín 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...