Phân tích chi tiết Ngọc trai – Giếng nước trong tác phẩm Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Th

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 19 Tháng mười 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG]

    Phân tích chi tiết Ngọc trai – Giếng nước trong tác phẩm "Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy"

    "Một đôi kẻ Việt người Tần

    Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương


    ..

    Nệm gấm vó câu

    Trăm năm giọt lệ

    Ngọc trai nước giếng

    Nghìn thu khói nhang."


    Những câu thơ trên trích trong tác phẩm "Mị Châu – Trọng Thủy" của tác giả Tản Đà kể về bi kịch về tình yêu ấy được thể hiện rất rõ trong mối tình ngang trái của Mị Châu và Trọng Thủy trong truyền thuyết về An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy. Nhắc đến kết cục bi thảm của mối tình "kẻ Việt người Tần" ấy, chúng ta không thể quên hình ảnh biểu tượng đầy ý nghĩa "Ngọc trai – Giếng nước".

    Trước hết, "ngọc trai" là hình ảnh tượng trưng cho Mị Châu, cho tấm lòng ngây thơ trong trắng của nàng. Nàng vừa đáng thương lại vừa đáng trách. Suy cho cùng, cũng chỉ vì qua tin tưởng, "trái tim lầm lỡ để trên đầu", nên lòng tin của nàng mới bị lợi dụng để rồi rơi vào cảnh nước mất nhà tan, bị chính cha đẻ mình chém đầu. Nàng vô tình trở thành một đứa con bất hiếu, một kẻ tiếp tay cho giặc. Trước cái giây phút bị cha chém đầu, Mị Châu đã nguyện cầu: "Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù". Đó chẳng phải là lời trăng trối, là lời thỉnh cầu cuối cùng của kẻ đã bị người yêu mình rũ bỏ, bị cha đẻ cự tuyệt hay sao. Và rồi lời khẩn cầu ấy cũng trở thành hiện thực, chứng minh cho sự trong sạch của nàng, sau khi nàng chết máu chảy xuống biển, trai sò ăn được đều biến thành hạt châu. Ngọc trai cũng trong sáng như tâm hồn nàng vậy, nó là lời minh oan, chiêu tuyết, thanh minh cho danh dự và tấm lòng trong sáng của nàng, đồng thời cũng là sự đồng cảm, là lòng xót thương của nhân dân với Mị Châu.

    Còn hình ảnh "giếng nước" là để tượng trưng cho Trọng Thủy. Đó là tấm gương phản chiếu tất cả tội lỗi mà Trọng Thủy đã mắc phải. Vốn là người con đất Bắc, trước khi nảy nở tình yêu với Mị Châu thì hắn đã phải đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng. Tình yêu với Tổ Quốc của Trọng cao hơn nhiều tình nghĩa phu thê, và suy cho cùng thứ tình cảm trai gái kia cũng đến sau lời hứa với cha. Bên tình, bên hiếu, Trọng Thủy đã quyết định chọn chữ hiếu. Với vai diễn gián điệp, hắn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh tráo nỏ thần – bí mật của quốc gia Âu Lạc, với sự giúp đỡ vô tình của Mị Châu. Thế nhưng trong vai một người chồng, thì hắn là một kẻ tệ bạc, đã nhẫn tâm lừa dối người đầu ấp tay gối với mình, để rồi tự đẩy tình yêu của bản thân đến vực thẳm bi kịch. Trước cái chết của Mị Châu, vì quá đau xót, ân hận, Trọng Thủy đã nhảy xuống giếng tự vẫn. Có lẽ sự cắn rứt lương tâm không cho phép hắn tha thứ cho bản thân mình. Người vợ hết mực yêu thương hắn, đã làm tất cả vì hắn thì cũng vì chính hắn mà phải chết. Cái chết của Trọng Thủy vừa như một sự chuộc tội vừa là sự giải thoát cho chính y. Hình ảnh giếng nước có hồn Trọng Thủy hòa cùng nỗi hối hận có chăng cũng là cách Trọng Thủy dùng giếng nước rửa sạch những tội lỗi của bản thân.

    Theo tương truyền, khi ta lấy nước giếng nơi Trọng Thủy tự vẫn để rửa ngọc thì ngọc sẽ càng thêm sáng. Điều này là ngụ ý cho việc Mị Châu đã tha thứ cho Trọng Thủy. Bởi có lẽ nàng đã nhận ra sự ăn năn và việc dám trả giá bằng cả mạng sống nơi người đã từng là phu quân của nàng.

    "Ngọc trai - giếng nước" là một sáng tạo nghệ thuật mang vẻ đẹp hoàn mỹ. Song, vẻ đẹp ấy không phải là dành cho mối tình Mị Châu - Trọng Thủy. Nếu cho rằng hình ảnh này được sáng tạo để ca ngợi cho mối tình chung thủy, đẹp đẽ thì không phù hợp với sự thức tỉnh của Mị Châu bởi đến lúc chết nàng không còn mù quáng nữa. Thêm vào đó, truyền thuyết phản ánh lịch sử theo quan niệm của nhân dân, nhằm đề cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, không bao giờ nhân dân lại sáng tạo ra một câu chuyện với những chi tiết ca ngợi những người đã đưa họ đến bi kịch mất nước. Nhân dân không thể nào ca ngợi một nàng công chúa chỉ biết nghe lời chồng mà bỏ quên bổn phận đối với quốc gia, dân tộc.

    Thật vậy, hình ảnh "ngọc trai – giếng nước" chính là thái độ vừa nghiêm khắc mà vừa nhân ái, thấu tình đạt lý của nhân dân ta. Tuy phê phán Mị Châu nhưng trong đó cũng là cả sự cảm thông, thương xót cho sự vô tình, ngây thơ, cả tin của nàng. Còn đỗi với Trọng Thủy, có lẽ nhân dân ta chỉ có thể thông cảm chứ không thể tha thứ và càng không thể ngợi ca được.

    Như vậy qua đây ta có thể thấy rằng hình ảnh "ngọc trai - giếng nước" mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về bi kịch tình yêu của Trọng Thủy và Mị Châu. Ở đó còn là nỗi đau của toàn dân tộc - nỗi đau mất nước. Người đọc không thể quên đi nỗi đau ấy cũng như hình ảnh ấy. Đó cũng là bài học về tinh thần cảnh giác và ý thức bảo vệ, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu sẽ khiến chúng ta nhớ mãi.

    Cảm ơn các bạn đã đọc bài!
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...