Phân tích chi tiết đặc sắc trong Người con gái Nam Xương: Cái bóng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mocmeomeo, 9 Tháng chín 2021.

  1. Mocmeomeo

    Bài viết:
    53
    "Chuyện người con gái Nam Xương" là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong "Truyền kì mạn lục" của tác giả Nguyễn Dữ. Qua câu chuyện về cuộc đời bất hạnh và cái chết đầy thương cảm của Vũ Nương, tác phẩm đã thể hiện niềm cảm thông sâu sắc đối với số phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa. Đặc biệt, sự xuất hiện hai lần của chi tiết chiếc bóng đã phần nào tô đậm nội dung của tác phẩm.

    [​IMG]

    1. Tóm tắt

    Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp nên được Trương Sinh đem lòng yêu mến liền xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ. Biết chồng có tính đa nghi nên, Vũ Nương hết mực giữ gìn khuôn phép. Bấy giờ, đất nước có chiến tranh, Trương Sinh phải lên đường đi lính. Vũ Nương ở nhà sinh nuôi dạy con và chăm sóc mẹ già, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất. Khi Trương Sinh trở về, bế con ra mộ thăm mẹ thì hiểu lầm rằng vợ có người khác. Vũ Nương chịu oan khuất biết không thể rửa sạch liền nhảy xuống sông tự vẫn. Một đêm nọ, Trương Sinh bế con ngồi trước ngọn đèn, thấy đứa bé chỉ vào cái bóng mình bảo đấy là cha mới nhận ra mình đã hiểu lầm vợ, hối hận cũng đã muộn. Cùng làng có người tên là Phan Lan vì cứu Linh Phi trước đó nên khi gặp nạn chết đuối đã được Linh Phi cứu sống, tình cờ gặp Vũ Nương ở thủy cung. Phan Lang trở về trần gian Vũ Nương gửi theo chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh. Trương Sinh lập đàn giải oan bên bến Hoàng Giang. Vũ Nương hiện ra giữa dòng ngồi trên chiếc kiệu hoa đa tạ chàng rồi biến mất.

    1. Chiếc bóng xuất hiện lần 1

    [​IMG]

    Chiếc bóng là chi tiết thắt nút mà cũng là chi tiết mở nút của câu chuyện. Xuất hiện lần đầu tiên khi Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà thường chỉ vào cái bóng của mình trên tường mà bảo con đấy là cha bé Đản. Bé Đản mặc nhiên cái bóng là cha mình, nên khi Trương Sinh trở về thì bé không nhận mà nói về "người đàn ông đêm nào cũng đến" - cái bóng của Vũ Nương. Đây là chi tiết thắt nút.

    Với Vũ Nương, cái bóng giúp nàng nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ chồng, thể hiện tình yêu thủy chung của nàng đối với người chồng trên chiến trận. Đồng thời, đó cũng là mong ước của nàng về một gia đình hạnh phúc đủ đầy cho đứa con thơ dại.

    Với bé Đản, cái bóng là là một người cha đêm nào cũng tới, nhưng chẳng bao giờ nói chuyện hay bế bé cả.

    Tuy nhiên, với Trương Sinh, nó lại là tình địch của chàng, khiến cho ngọn lửa ghen tuông đang cháy âm ỉ của chàng bùng lên thật dữ dội. Chàng trở thành một kẻ thô bạo, mất nhân tính, không nghe, không cho vợ mình - Vũ Nương - được minh oan.

    Chỉ với một chi tiết chiếc bóng, tác giả Nguyễn Dữ đã xây dựng tính cách nhân vật: Bé Đản ngây thơ, hồn nhiên; Vũ Nương thủy chung son sắt; Trương Sinh đa nghi thô bạo. Chiếc bóng đã đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Hành động cũng như lời nói của Trương Sinh dồn ép như một sự bức tử, khiến Vũ Nương không còn cách nào minh oan ngoài cái chết đau đớn.

    2. Lần 2

    [​IMG]

    Đêm ấy khi bế con ngồi bên đèn, cái bóng xuất hiện ngay trước mắt Trương Sinh, là cái bóng của chính chàng. Khi bé Đản bảo: "Cha Đản lại đến kia kìa!" thì Trương Sinh chợt tỉnh ngộ, thấu được nỗi hàm oan của vợ. Đây là chi tiết mở nút, cởi bỏ mâu thuẫn, hóa giải hết nghi ngờ của Trương Sinh.

    Ở lần xuất hiện thứ hai, chiếc bóng đã thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm:

    Trước hết, nó tô đậm những phẩm chất cao đẹp của Vũ Nương cả trong vai trò làm vợ và làm mẹ. Cái bóng vừa thể hiện nỗi nhớ, sự thủy chung của Vũ Nương với người chồng trên chiến trận, vừa tô đậm tình yêu thương của nàng với đứa con nhỏ ngây thơ, mong muốn nó có thể sống trong bóng hình của mẹ và có bóng hình của cha, một gia đình sum vầy hạnh phúc.

    Đồng thời, cái bóng là ẩn dụ tượng trưng cho số phận mong manh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nam quyền. Với Vũ Nương, hạnh phúc gia đình mỏng manh như một cái bóng mờ ảo. Phải chăng, cái bóng đã phản ánh sự đen tối u ám của xã hội phong kiến đã dung túng cho thói gia trưởng, vũ phu và sự ghen tuông vô lối, gây ra biết bao bi kịch.

    Có thể nói, chi tiết nghệ thuật cái bóng vừa sáng tạo, độc đáo mà lại thể hiện cô đọng những giá trị nhân đạo và cảm hứng hiện thực.​
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Sunkii

    Bài viết:
    53
    Bài viết chi tiết và hay quá ạ <3
     
    MocmeomeoLỤC TIỂU HỒNG thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...