Phân Tích Chi Tiết Bài Rừng Xà Nu - Tác Giả: Nguyễn Trung Thành

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Oriana03, 9 Tháng mười một 2021.

  1. Oriana03

    Bài viết:
    8

    I, Tác giả

    - Nguyễn Trung Thành

    - Là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ - bút danh là Nguyên Ngọc

    - Từng tham gia quân đội, viết văn với tư cách là nhà văn chiến sĩ

    - Ông có duyên với mảnh đất Tây Nguyên vì trong suốt thời gian tham gia quân đội, ông gắn bó với đất và người Tây Nguyên và những sáng tác của ông đều mang đề tài về Tây Nguyên

    - Phong cách: - Chân thực, mộc mạc, giản dị như tâm hồn của người Tây Nguyên

    - Mang đậm khuynh hướng sử thi


    II, Tác phẩm

    1. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ

    - Xuất xứ: 1965, in trên tập "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc"

    - Hoàn cảnh:

    + Năm 1965, đất nước trong không khí căng thẳng dữ dội của cuộc kháng chiến chống Mĩ đế quốc đổ quân ào ạt bắn phá miền Nam, Tây Nguyên và tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc

    + Các nhà văn chứng kiến lòng yêu nước và tinh thần đánh giặc của nhân dân Tây Nguyên nên muốn viết "Hịch thời chống Mĩ". Tác phẩm được ra đời trong không khí đó

    +Tác giả được truyền cảm hứng từ những con người thật ở Tây Nguyên: Cụ Mết, Dít, anh Đề

    + Câu truyện còn được gợi cảm hứng từ cuộc gặp gỡ đầy riêng tư của tác giả với người bạn Nguyễn Thi

    => Tác phẩm là sự hội tụ cảm hứng chung của dân tộc và cảm xúc riêng của tác giả

    2. Nhan đề

    - Xà nu: Là cây họ thông, sống chủ yếu ở Tây Nguyên, thẳng, sức sống khỏe, là biểu tượng đặc trưng cho Tây Nguyên

    - Rừng xà nu mang ý nghĩa là một quần thể không gian rộng lớn, tạo ấn tượng mạnh về vẻ đẹp thiên nhiên Tây Nguyên và là biểu tượng cho số phận sức sống của dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ

    3. Tóm tắt


    III, Phân tích

    1. Hình tượng cây xà nu

    a, Cách giới thiệu

    - Tác giả sử dụng kết cấu vòng tròn, phần mở đầu và kết thúc của tác phẩm, người đọc bị choáng ngợp bởi hình ảnh đồi xà nu "Không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp đến chân trời" Cách giới thiệu ấn tượng về loài cây có sức sống mãnh liệt, vượt qua thời gian, bom đạn và sự khốc liệt của chiến tranh. Từ đó, gợi liên tưởng cho người độc về bản lĩnh và sức mạnh của con người Tây Nguyên vững vàng trong kháng chiến chỗng Mĩ. Cách giới thiệu đó còn khiến người đọc nhận ra xà nu được nhân cách hóa như một sinh thể có hồn, có cuộc đời, số phận, sức sống, sự từng trải của người Tây Nguyên để chứng minh một chân lý bất diệt, bom đạn khốc liệt của Mĩ cũng không thể hủy diệt được sự sống của Tây Nguyên và con người Tây Nguyên

    b, Vẻ đẹp về sức sống của cây xà nu

    - "Ít có loài cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây gục ngã có đến bốn năm cây con mọc lên" Tây Nguyên là một mảnh đất khô cằn khắc nghiệt. Bất chấp sự khó khăn về khí hậu hay về bom đạn chiến tranh, cây xà nu sinh trưởng tự nhiên mạnh mẽ khiến nhà văn và ngay cả cụ Mết – người già làng cũng phải trầm trồ tự hào về điều đó

    - Trong rừng, ít có loài cây ham ánh sáng mặt trời như xà nu. Nó phóng lên đón lấy thứ ánh sáng đầu tiên của mặt trời, thể hiện khát khao sinh trưởng, sức sống mạnh mẽ của loài cây trên mảnh đất hoang dại

    - Trải qua những lần đại bác đều đặn, mỗi ngày 2 trận, cây xà nu có rất nhiều lần bị thương nhưng sức sống của nó vẫn bền bỉ không sức mạnh nào có thể hủy diệt vì thế ngày trở về thăm làng của Tnú anh vô cùng ngạc nhiên khi những đồi xà nu vẫn sừng sững tồn tại và phát triển để cùng dân làng đánh giặt


    c, Cây xà nu đã trở thành người bạn, gắn bó trong cuộc sống của con người Tây Nguyên

    +Trong sinh hoạt và lao động hằng ngày của người Xô-man

    - Củi xà nu cháy hồng trong bếp mỗi nhà dân, lửa xà nu soi đường rừng giúp người Xô man đi lại dễ dàng, khói xà nu hun bảng đen để người dân học chữ, thân xà nu làm thành nhà ở nơi tập họp dân làng. Với người Xô man, xà nu đã trở thành loài cây không thể thiếu trong cuộc sống lao động sinh hoạt của họ. Nó như một người bạn đồng hành ăn đời ở kiếp với người Tây Nguyên. Vì thế nhắc đến xà nu là nhắc đến dáng dấp, sức sống của con người Tây Nguyên và ngược lại nhắc đến người Tây Nguyên không thể không thiếu bóng dáng cây xà nu

    + Trong cuộc chiến đấu chống Mĩ

    - Xà nu có mặt trong những sự kiện quan trọng của dân làng: Lửa đuốc xà nu soi sáng đường rừng cho thanh niên đánh giặc và soi rõ xác 10 tên lính giặc mà cụ Mết cùng thanh niên đã dũng cảm kiên cường lập chiến công

    - Lửa xà nu còn chứng kiến nỗi đau thể xác và tinh thần của Tnú và dân làng Xô man, kẻ thù đã thấm đẫm nhựa xà nu trên 10 đầu ngón tay của Tnú, hình ảnh 10 đầu ngón tay cháy như 10 ngọn đuốc ám ảnh về sự rùng rợn của chiến tranh tàn khốc và sự tàn nhẫn của giặc Mĩ

    - Xà nu đã trở thành vũ khí để làm chông, làm hỏa mai để nhân dân Xô man tiêu diệt kẻ thù. Với họ, xà nu đã trở thành người bạn đồng cam cộng khổ chứng kiến cả chiến công lẫn nỗi đau chiến tranh. Hình ảnh xà nu "ưỡn tấm ngực lớn của mình ra để che chở cho làng" đã được nhân cách hóa trở thành một sinh thể có hồn cùng người Xô man kiên cường bảo vệ đất nước


    d, Cây xà nu là biểu tượng cho vẻ đẹp phẩm chất của con người Xô man

    - Tác giả xây dựng hình tượng cây xà nu bằng nghệ thuật nhân cách hóa và ẩn dụ vì thế loài cây đặc trưng của Tây Nguyên mang dáng dấp và vẻ đẹp của con người Tây Nguyên. Nếu cây xà nu là một cá thể thì rừng xà nu là cả một dân tộc trong kháng chiến chống Mĩ

    - Ngay mở đầu của tác phẩm, tác giả đã tập trung giới thiệu về rừng xà nu nằm trong tầm đại bác hứng chịu sự tàn phá của chiến tranh. Cây xà nu biểu tượng cho số phận, cuộc đời của người Xô man khi phải đối mặt với bọn giặc Mĩ đương thời

    - Xà nu mang nỗi đau và phẩm chất kiên cường của người Xô man "ở những vết thương như ứa ra tràn trề đen và đặc quện như những cục máu lớn" Vết thương chiến tranh đã hẳn lên thân thể của xà nu hay chính là nỗi đau của con người. Nhưng trước sự tàn phá đó, xà nu vẫn mãnh liệt "cạnh một cây mới ngã gục có 4, 5 cây con mọc lên" Sự kiên cường của xà nu được thể hiện ở sự tiếp nối sự sống bất diệt của nó giống như các thế hệ người Xô man dũng cảm nối tiếp nhau đánh giặc, bất chấp kẻ thù đe dọa treo đầu bà Nhan, anh Xút và đốt 10 đầu ngón tay của Tnú và thậm chí là cái chết thương tâm của mẹ con Mai cũng không làm cho họ nản chí mà dường nhưng tiếp thêm sức mạnh để họ trả thù cho người thân bảo vệ quê hương đất nước

    - Xà nu là loài cây ham ánh sáng mặt trời, đó là biểu tượng cho khát vọng sống vươn đến tự do của người dân Xô man. Ánh sáng đó là cuộc sống mới là những hoài bão khát vọng của những con người đang sống trong bóng tối. Người dân Xô man luôn đoàn kết và tìm mọi cách vươn lên giành lấy tự do, lấy ánh sáng của sự sống. Cây xà nu còn là biểu tượng cho ý chí quyết tâm vượt khỏi số phận, thay đổi cuộc đời của con người Xô Man

    - Hình tượng cây xà nu chính là ẩn dụ cho cuộc đời, sự trưởng thành của các thế hệ người dân Xô man:

    + Cụ Mết – người già làng uy tín và từng trải qua nỗi đau chiến tranh được tác giả miêu tả mang trên thân thể vết sẹo bên má phải. Đó là chứng tích của chiến tranh gây ra giống như vết thương không lành được trên thân thể của cây xà nu lớn. Điều đó khiến cụ Mết có thêm ý chí quyết tâm dẫn dắt dân làng đánh đuổi giặc Mĩ. Đặc biệt hình ảnh "ông ở trần, ngực căng nhưng một cây xà nu lớn" Đó là một cây xà nu cổ thụ, hội tụ sức mạnh của cả rừng xà nu và cả dân tộc Xô man. Lúc đó, cụ Mết đã thành trụ cột che chở dẫn dắt cho dân làng trong chiến tranh

    + Tnú –cây xà nu đã trưởng thành cường tráng mạnh mẽ vì đã được tôi luyện trong đau thương. Tnú là một loài cây xà nu đặc biệt vì không đại bác nào có thể giết nổi dù Tnú đã mất đi người thân và 10 đầu ngón tay bị cụt nhưng Tnú vẫn cầm súc. Nỗi đau thể xác càng làm cho anh có động lực tiếp tục lập công trên con đường cách mạng

    + Dít - cây xà nu mới lớn đang được trưởng thành trong thử thách, có bản lĩnh kiên cường, có sức trẻ giống như cây xà nu đang phóng nhanh lên để tiếp lấy ánh sáng mặt trời

    + Bé Heng - chính là mầm xà nu được các thế hệ trao cho tố chất để sẵn sàng thay thế, làm được những điều kì diệu hơn. Trong mắt Tnú, Heng vừa là hình ảnh của mình ngày xưa lại là hình ảnh của thế hệ trẻ sau này, nhanh nhẹn hơn thông minh hơn. Mầm xà nu hứa hẹn những chiến công mới, thắng lợi mới tốt đẹp hơn

    => Là một sáng tạo độc đáo của nhà văn Nguyễn Trung Thành với khuynh hướng sử thi hùng tráng, hình tượng đã mang vẻ đẹp bất diệt của thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Cách miêu tả đồng hiện, song song giữa xà nu và con người, vừa lôi cuốn hấp dẫn vừa thể hiện tình yêu và sự gắn bó sâu nặng của tác giả với mảnh đất Tây Nguyên

    2. Hình tượng nhân vật Tnú


    a, Hoàn cảnh số phận

    - Tnú là người mồ côi cha mẹ được cụ Mết và dân làng Xô man cưu mang, nuôi nấng. Tình yêu thương của dân làng với Tnú đã lí giải cho tính cách và sự trưởng thành của anh. Đồng thời cũng lí giải vì sao Tnú lại gắn bó với dân làng như gia đình của mình

    - Tnú sinh ra và lớn lên trong thời kì đau thương của đất nước. Chính Tnú đã chứng kiến cái chết của dân làng, sự đàn áp của giặc Mĩ, hoàn cảnh đó vừa ám ảnh vừa là động lực để Tnú thể hiện phẩm chất của con người Tây Nguyên

    - Làng Xô man là một tập thể anh hùng kiên cường bất khuất mà Tnú lại là người được thừa hưởng truyền thống tinh thần đó. Vì thế anh là điển hình tiêu biểu cho con người Xô man cả về số phận cho tinh thần đấu tranh giác ngộ lí tưởng cách mạng trong kháng chiến chống Mĩ


    b, Đặc điểm và phẩm chất của Tnú

    - Khi còn nhỏ, Tnú là người nhanh nhẹn và thông minh

    + Anh thuộc đường rừng trong lòng bàn tay, trong suốt thời gian liên lạc cho bộ độ Tnú luôn sáng tạo tìm ra con đường an toàn nhất. Khi vượt sông, Tnú không bao giờ đi đường mòn mà trèo lên cây quan sát sau đó xé rừng băng qua. Sự thông minh, nhanh nhẹn của Tnú ngay từ nhỏ như bản năng tố chất của chiến sĩ cách mạng tương lai

    + Sự thông minh của Tnú còn thể hiện ở khả năng phản ứng nhanh nhẹn khi kẻ thù xâm hiếp. Trong tình huống nguy hiểm, Tnú vượt sông bị bọn giặc phát hiện anh đã vội nuốt bức thư vào bụng để giữ bí mất khiến bọn giặc bế tắc không thể lấy được thông tin

    - Gan dạ, dũng cảm và có lý tưởng cách mạng

    + Khi còn nhỏ, nú đã bất chấp sự lùng sục, truy bắt của bọn giặc để tìm mọi cách đưa cơm tiếp tế cho bộ đội ngoài rừng. Vượt lên nỗi sợ hãi, Tnú và Mai đã hành động quyết đoán vượt khỏi sự bồng bột của tuổi trẻ, những đứa trẻ đó ngay từ nhỏ đã mang trong mình sự kiên cường dũng cảm của rừng núi Xô man

    + Khi trò chuyện với anh Quyết, Tnú đã thẳng thắn dứt khoát trả lời "Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn" Câu nói dù chỉ nhắc lại lời của cụ Mết căn dặn nhưng nó đã trở thành một quan điểm sống, một nhận thức sâu sắc của Tnú khi nghĩ đến cách mạng, đến Đảng, đến bộ đội. Đảng chính là mục đích bảo vệ và hành động của Tnú sau này

    + Khi Tnú làm liên lạc cho bộ đội, công việc nguy hiểm và có thể bị bắt bất cứ lúc nào nhưng cũng không thể ngăn nổi sự dũng cảm của chàng trai Tây Nguyên. Tnú đối mặt với kẻ thù khi bị bắt, kiên cường như một chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm. Bọn giặc tra hỏi "Cộng sản ở đâu" Tnú đã bình tĩnh trả lời "Cộng sản ở đây này" hành động đặt 1 tay lên bụng và khẳng định Đảng, cách mạng ở trong lòng khiến bọn địch trở nên bế tắc. Dù sau đó Tnú phải nhận những đòn tra tấn dã man nhưng sự gan dạ và trung thành với Đảng đã đưa Tnú trở thành niềm tự hào của người dân Xô man

    - Khi trưởng thành

    + Tnú đã trở thành lãnh đạo và trở thành thủ lĩnh của dân làng Xô man đánh giặc chứng tỏ Tnú đã trưởng thành về lí tưởng cách mạng, đã được giao trọng trách lớn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ ở Tây Nguyên

    + Chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn, Tnú đã tay không xông vào để giải cứu cho vợ và con dù 10 đầu ngón tay Tnú bị giặc đốt cháy nhưng Tnú không hề kêu đau, không thấy cháy ở ngón tay mà chỉ thấy cháy ở trong lòng, trong mắt. Duy nhất một tiếng thét thốt lên như một khẩu lệnh "Giết" Lòng dũng cảm gan dạ của Tnú đã trở thành động lực cho các thế hệ Xô man vùng lên đánh giặc lập chiến công bảo vệ đồng loại và quê hương

    - Đời sống tinh thần phong phú nhạy cảm và sâu sắc

    + Tnú là một con người giàu cá tính, ngang tàn, bướng bỉnh và có lòng tự ái cao. Khi Tnú học chữ thua Mai, anh tức giận đập vỡ bảng rồi ra suối ngồi một mình, Mai bảo cũng không về, thậm chí Tnú còn lấy đá đập vào đầu cho đến chảy máu, Tnú còn đòi đánh Mai. Những hành động của Tnú được miêu tả một cách chi tiết chân thực và mộc mạc thể hiện sự dữ dội trong tính cách của Tnú hay của chính người Tây Nguyên

    + Khi được anh Quyết giảng giải cần phải học chữ để sau này thay anh làm cách mạng, Tnú đã thay đổi nhận thức, gạt bỏ lòng tự ái, chăm chỉ học tập và cởi mở hơn với Mai. Điều đó chứng tỏ, Tnú là một người ít nói, ít thể hiện nhưng lại rất sâu sắc bằng hành động. Cá tính của Tnú là một nét đẹp đặc trưng của người Tây Nguyên bộc trực, thẳng thắn và quyết tâm hành động theo chân lý

    - Có lòng yêu quê hương, đất nước sâu sắc

    + Tinh thần yêu nước đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của Tnú từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Tnú đưa cơm cho anh Quyết nuôi giấu bộ đội trong rừng làm cách mạng, sau đó Tnú trở thành người liên lạc thông minh giúp bộ đội đem ánh sáng cách mạng đến với muôn làng. Lớn lên Tnú trở thành thủ lĩnh cho thanh niên Xô man, vót chông, mài giáo để bảo vệ quê hương và Tnú trở thành bộ đội thay anh Quyết lên làm cách mạng vì dân vì nước

    + Câu nói "Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn" đã trở thành tư tưởng giác ngộ lí tưởng cách mạng của Tnú. Chứng tỏ cái còn mất thực sự quan trọng là Đảng, quê hương chứ không phải là sinh mạng của con người. Tnú luôn biết đặt quyền lợi cho đất nước, dân tộc, dân làng lên trên lợi ích cá nhân, lòng yêu nước đã lí giải vì sao Tnú không gục ngã khi đối diện với những mất mát lớn lao của bản thân

    + Tnú sinh ra ở làng Xô man, gắn bó với quê hương như một gia đình, tập thể ruột thịt của mình vì thế dù được nghỉ 1 ngày phép Tnú cũng dành thời gian trở về thăm dân làng, dù được thưởng một chút muối khi lập công Tnú cũng mang về chia cho nhân dân. Anh gắn bó với rừng xà nu với người Xô man sâu sắc đến mức trong nỗi đau hay niềm vui đều có hình bóng của núi rừng quê hương

    - Người rất yêu thương vợ con

    + Tnú chịu thiệt thòi về đời sống tình cảm từ khi sinh ra nên Tnú nâng niu, trân trọng hạnh phúc gia đình. Khi có Mai và đứa con chào đời Tnú đã dành tất cả yêu thương cho vợ con, anh đã xé chiếc dồ được trang bị khi đi lực lượng để Mai làm địu cho con. Tình yêu thương và nỗi nhớ con được Tnú nén lại để chờ ngày được trở về gặp vợ và đứa con chưa đầy tháng

    + Chứng kiến cảnh Mai và con bị kẻ thù tra tấn. Tnú đã không kiểm soát được ý chí, nỗi cam hận kẻ thù và xót xa trước nỗi đau của vợ và con. Tnú đã lao vào trong hoàn cảnh tay không mặc cho cụ Mết can ngăn. Đôi mắt của Tnú chỉ còn là 2 cục lửa lớn. Việc Tnú người anh hùng lao vào cứu Mai và che chở cho con trong tuyệt vọng được đánh giá là một hành động khả năng tất yếu của 1 người chồng, người cha yêu thương gia đình. Tác giả đã khắc họa 1 nhân vật vừa có tính sử thi (đại diện phẩm chất vẻ đẹp của cả dân tộc) vừa mang những nét đẹp đời thường đầy tình người, tình đời. Hành động dũng cảm lao vào cứu vợ con Tnú để lại những xúc động cho người đọc về đời sống tình cảm của người Tây Nguyên. Họ sống hết mình, chiến đấu hết và yêu thương hết mực

    - Có trách nhiệm, kỉ luật cao

    + Ba năm Tnú đi bộ đội, xa làng, nhớ quê mong muốn được về thăm quê, Tnú chỉ được cấp trên cho về phép 1 ngày. Anh cũng chỉ ở đúng 1 đêm theo quy định, không xin thêm, không biện lí do ở lại chứng tỏ Tnú là người có trách nhiệm có kỉ luật, sự thấm nhuần lí tưởng cách mạng đã khiến anh trở thành tấm gương cho thanh niên Tây Nguyên đương thời

    + Dù được dân làng yêu mến và chào đón khi Tnú về nghỉ phép nhưng Tnú vẫn xuất trình giấy nghỉ phép do cấp trên kí để kiểm tra. Trong mắt của dân làng, Tnú là niềm kiêu hãng của họ nhưng không thể vì thế mà Tnú thiếu kỉ luật. Người Xô man – Tây Nguyên vốn sinh sống ở nơi hoang dã nhưng với phẩm chất của Tnú, tác giả đã tin tưởng người Tây Nguyên khi đến với cách mạng họ sẽ hết lòng đi theo Đảng và sống có kỉ luật trách nhiệm cao

    => Đánh giá

    - Nội dung: Tnú đã trở thành một nhân vật tiêu biểu cho vẻ đẹp tinh thần, sức mạnh của con người Xô man, Tây Nguyên với số phận cuộc đời gắn với cuộc chiến tranh chống Mĩ khốc liệt. Và đó cũng là biểu tượng cho người anh hùng Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ

    - Nghệ thuật: Bút pháp sử thi, lãng mạn kết hợp với đời thực đã xây dựng hình tượng Tnú – người anh hùng đời thường gần gũi, nhà văn đã dùng ngôn ngữ mang đậm chất Tây Nguyên.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...