Phân tích các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mộc Nguyệt, 22 Tháng chín 2021.

  1. Mộc Nguyệt

    Bài viết:
    13
    MỞ ĐẦU

    Khi không đồng ý với một quyết định hành chính hay hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vì vậy, nếu Tòa án có căn cứ xác định rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì sẽ từ chối thụ lý bằng cách "Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện". Để hiểu rõ hơn về vấn đề này em xin lựa chọn đề bài: "Phân tích các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính 2015 và đánh giá về tính hợp lý của các quy định này".

    NỘI DUNG

    1. CÁC VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, THỤ LÝ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH VÀ TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH.

    1.1. Khởi kiện vụ án hành chính.

    1.1. 1. Khái niệm.

    Theo Từ điển Luật học: "Khởi kiện vụ án hành chính là việc cá nhận, tổ chức, cơ quan yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo thủ tục do pháp luật quy định".

    Tuy nhiên, để hiểu một cách cụ thể, chính xác thì: "Khởi kiện hành chính là việc cá nhân, tổ chức, cơ quan hoặc công chức theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính chính thức yêu cầu Tòa án thụ lý vụ án Hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc người khác mà họ đại diện bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh hoặc việc thành lập danh sách cử tri [1]"

    1.1. 2. Đặc trưng.

    Nội dung cơ bản của việc khởi kiện vụ án hành chính là yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét thụ lý để giải quyết vụ án hành chính. Tòa án sẽ tiến hành giải quyết các vụ án nếu có yêu cầu khởi kiện của các cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích liên quan bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính.

    Việc khởi kiện vụ án hành chính chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Việc quy định này nhằm hạn chết việc khởi kiện tùy tiện, gây trở ngại không cần thiết cho việc thực hiện quyền lực nhà nước.

    Khởi kiện vụ án hành chính chỉ được thực hiện theo những hình thức và nội dung mà pháp luật quy định. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để chủ thể khởi kiện vụ án hành chính có thể biểu đạt một cách chính xác, đầy đủ và logic ý chí của mình, đồng thời cũng là điều kiện thực tiễn và pháp lý để tòa án giải quyết các vụ án.

    1.2. Thụ lý vụ án hành chính.

    1.2. 1. Khái niệm.

    Thụ lý vụ án hành chính là hành vi tố tụng do Tòa án có thẩm quyền thực hiện theo những căn cứ, hình thức do pháp luật quy định nhằm chính thức chấp nhận giải quyết vụ án hành chính theo yêu cầu khởi kiện của các cá nhân, tổ chức, cơ quan[2] .

    1.2. 2. Đặc điểm.

    Nội dung cơ bản của thụ lý vụ án hành chính là việc Tòa án tiếp nhận giải quyết vụ án hành chính theo yêu cầu khởi kiện của cá nhân, tổ chức, cơ quan. Việc khởi kiện vụ án hành chính làm phát sinh trách nhiệm của Tòa án trong việc tiếp nhận, trả lời công khai về việc thụ lý hay từ chối thụ lý đơn khiếu kiện.

    Căn cứ và hình thức thụ lý phải do pháp luật tố tụng hành chính quy định. Nếu Tòa án nhận thấy có đủ các điều kiện và căn cứ pháp lý thì khi đó, Tòa án có trách nhiệm thụ lý vụ án và ngược lại. Các căn cứ để Tòa án tiến hành thụ lý đơn kiện như: Điều kiện khởi kiện, yêu cầu khởi kiện của chủ thể có thẩm quyền hay thẩm quyền thụ lý..

    Là hành vi tố tụng do Tòa án có thẩm quyền thực hiện. Tùy từng tính chất, nội dung của vụ việc, Tòa án chỉ thụ lý những vụ việc thuộc thẩm quyền của mình. Nếu không thuộc thẩm quyền thì chuyển đến cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

    2. CÁC TRƯỜNG HỢP TÒA ÁN TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN.

    2.1. Khái niệm.

    Trả lại đơn khởi kiện là việc Tòa án sau khi xem xét thụ lý vụ án, đã trả lại đơn khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu kèm theo cho người khởi kiện bởi thấy việc khởi kiện chưa đáp ứng đủ các điều kiện khởi kiện nên không thể thụ lý vụ án.

    2.2. Các trường hợp cụ thể.

    2.2. 1. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện.

    Quyền khởi kiện vụ án hành chính là quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo thủ tục do pháp luật quy định. Trong đó, chủ thể khởi kiện hành chính phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 54 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, là phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng hành chính. Cần khẳng định rằng: Quyền khởi kiện và chủ thể khởi kiện là hai yếu tố gắn bó mật thiết với nhau. Quyền khởi kiện chỉ được thực hiện bởi một chủ thể nhất định và chủ thể được thực hiện quyền khởi kiện khi lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Như vậy, nếu thiếu một trong hai yếu tố trên sẽ là căn cứ để Tòa án không thụ lý vụ án và trả đơn khởi kiện.

    2.2. 2. Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ.

    Theo quy định tại khoản 2, Điều 54 Luật Tố tụng hành chính 2015 năm: "Năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng hành chính".

    Một người muốn khởi kiện vụ án hành chính đòi hỏi phải có đầy đủ năng lực hành chính. Nếu người khởi kiện không đáp ứng đủ yêu cầu này, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện. Một chủ thể được coi là có năng lực hành vi hành chính khi: Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đương sự là cơ quan, tổ chức đòi hỏi phải có người đại diện theo pháp luật.

    Những người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự khác, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi nếu trực tiếp nộp đơn khởi kiện sẽ bị Tòa án trả lại đơn, trừ trường hợp, việc nộp đơn khỏi kiện đó được thực hiện bởi người đại diện của họ.

    2.2. 3. Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

    Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó. Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính bao gồm:

    Chủ thể khởi kiện: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính. Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, việc lập danh sách cử tri.

    Đối tượng khởi kiện: Bao gồm quyết định hành chính; Hành vi hành chính; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Các quyết định hành chính, hành vi hành chính phải là các quyết định hành chính cá biệt.

    Thẩm quyền giải quyết việc khởi kiện: Chính là thẩm quyền của các cấp tòa án.

    Thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

    Chính vì vậy, nếu thiếu một trong số các điều kiện nếu trên, Tòa án sẽ không tiến hành thụ lý đơn khởi kiện mà sẽ trả lại đơn cho người khởi kiện.

    2.2. 4. Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

    Quy định này nhằm bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong hoạt động xét xử. Ý nghĩa của hoạt động xét xử sẽ mất đi một phần nếu một bản án, quyết định của Tòa án không được các cá nhân, tổ chức có liên quan tôn trọng thực hiện.

    Vì vậy, đối với những sự việc đã được giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức không được quyền yêu cầu thụ lý giải quyết lại vụ việc đó, trừ trường hợp Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.

    Hiện nay, thực tế có rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình né tránh, không thực thi phán quyết của Tòa án gây ra những khó khăn cho hoạt động thi hành án của cơ quan có thẩm quyền, gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài. Chính vì vậy, quy định này được đặt ra nhằm khắc phục, hạn chế tối đa những tình trạng đó[3] .

    2.2. 5. Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

    Thẩm quyền giải quyết của Tòa án là một trong các điều kiện để khởi kiện vụ án hành chính. Nghĩa là nếu sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì sẽ không được Tòa án thụ lý giải quyết. Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về những trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa án về việc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 30 Luật này.

    Trong trường hợp, người khởi kiện tiến hành khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính nêu trên thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện của họ.

    2.2. 6. Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật tố tụng hành chính 2015.

    Theo quy định, một cá nhân, tổ chức không thể vừa thực hiện khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, vừa khiếu nại tại cơ quan hành chính Nhà nước. Bởi lẽ, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc pháp chế trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Vì vậy, Tòa án hoàn toàn có quyền trả lại đơn kiện với lý do trong trường hợp này đã vi phạm điều kiện khởi kiện.

    2.2. 7. Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 Bộ luật tố tụng hành chính 2015 mà không được khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của luật này.

    Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, người khởi kiện muốn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phải có đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật. Theo đó, đơn khởi kiện phải có các nội dung chính như trong Điều 118 Luật Tố tụng hành chính 2015.

    Tuy nhiên, nếu đơn khởi kiện có nội dung mang tính hình thức hoặc sai sót thì hoàn toàn có thể đươc khắc phục. Khi đó, Tòa án sẽ có thông báo và hướng dẫn về việc hoàn thiện nội dung đơn khởi kiện. Nếu sau đó các nội dung này vẫn không được hoàn thiện, Tòa án sẽ tiến hành trả lại đơn khởi kiện.

    Có thể thấy, quy định này không chỉ nhắm vào các hành vi trái pháp luật mà nó còn tác động vào tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi khởi kiện vụ án hành chính, làm cho Tòa án không có đủ những căn cứ, thông tin để tiến hành thụ lý, giải quyết vụ án Hành chính[4] . Đây là quy định hoàn toàn mới có ý nghĩa buộc người khởi kiện phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chứng minh ngay từ những bước đầu tiên của quá trình tố tụng tại tòa án bởi các quy định của pháp luật hiện nay đang hướng đến việc đề cao vai trò, nghĩa vụ chứng minh của đương sự, việc thu thập chứng cứ của tòa án là hạn chế và không phải trường hợp nào tòa án cũng tiến hành thu thập chứng cứ.

    2.2. 8. Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.

    Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nếu Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện xét thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thì thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí trừ những trường hợp miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

    Sau khi nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án sẽ thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, nếu hết thời hạn trên mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.

    3. ĐÁNH GIÁ TÍNH HỢP LÝ CỦA QUY ĐỊNH CÁC TRƯỜNG HỢP TÒA ÁN TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN.

    3.1. Ưu điểm.

    Thứ nhất, theo quy định tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Quy định này có sự phân công, phối hợp giũa các nhánh quyền lực. Trong đó, quyền tư pháp với nội dung chủ yếu là xét xử thuộc về Tòa án còn quyền hành pháp thuộc về cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, việc quy định các đối tượng không được khởi kiện như: Các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật bí mật nhà nước, quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.. làm phân hóa rõ ràng các nhánh quyền lực Nhà nước, đối trọng và kiểm soát lẫn nhau, tránh tình trạng chuyên quyền, lạm quyền.

    Thứ hai, việc quy định về các trường hợp Tòa án trả lại đơn khỏi kiện đã tạo ra một hành lang pháp lý để đối tượng quản lý yêu cầu về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và bảo đảm pháp chế trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, hạn chế tối đa những sai sót khi thực hiện thr tục khởi kiện vụ án hành chính. Nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của đối tượng quản lý trước sự xâm phạm trái pháp luật của chủ thể quản lý hành chính.

    Thứ ba, việc quy định về các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện định hướng cho quyền lựa chọn cơ quan hoặc người người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khởi kiện, đồng thời rạo cơ sở cho việc xác định trách nhiệm của Tòa án trong việc thụ lý đơn.

    Thứ tư, từ thực tế giải quyết khởi kiện của các nước khác, việc khởi kiện hành chính là hình thức bảo đảm quyền dân chủ, góp phần bảo đảm kỹ thuật, trật tự quản lý hành chính. Ở các nước, cá nhân, tổ chức, cơ quan khi bị xâm hại về các quyền và lợi ích họ ngay lập tức thực hiện quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ các quyền và lợi ích khi có căn cứ.. Từ đó, quy định về các trường hợp Tòa án trả lại đơn đã phần nào hạn chế được những hiểu biết thiếu sót của người dân trong hoạt động giải quyết khiếu kiện hành chính, giúp cho đối tượng quản lý thực hiện tối đa quyền dân chủ của mình.

    Thứ năm, có thể thấy trong những năm gần đây, khiếu kiện hành chính diễn ra phức tạp về tính chất, nội dung, phát triển lên đáng kể về số lượng. Tuy nhiên, hoạt động xét xử vụ kiện hành chính chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các khiếu nại tại cơ quan nhà nước. Việc quy định về các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện đã góp phần định hướng cho Tòa án các trường hợp thụ lý đơn khởi kiện của người khởi kiện, định hướng cho người dân về những kiến thức cơ bản trong khởi kiện vụ án hành chính, cải thiện thái độ, tinh thần trách nhiệm làm việc của người khởi kiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính.

    3.2. Một số hạn chế.

    Nếu như trước đây, việc khởi kiện hành chính tại Tòa án chỉ có thể được thực hiện sau khi đã qua bước giải quyết khiếu nại tại các cơ quan hành chính nhà nước thì theo Luật Khiếu nại năm 2011, người khiếu nại có thể lựa chọn và khởi kiện thẳng ra Tòa án, khiếu nại không còn là thủ tục bắt buộc. Quy định này phù hợp với tinh thần của Luật Tố tụng hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong khi thực hiện quyền khiếu kiện của mình. Không thể phủ nhận nhiều những mặt tiến bộ, tích cực và hợp lý của các quy định về các trường hợp trả lại đơn khởi kiện nhưng bên cạnh đó những quy định này vẫn bộc lộ không ít những hạn chế, thiếu xót.

    Vừa qua, có một số trường hợp người dân khởi kiện vụ án hành chính liên quan việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất, người khởi kiện đã nộp kèm theo đơn các tài liệu như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến thửa đất bị cưỡng chế thu hồi; sổ hộ khẩu gia đình, bản sao Giấy chứng minh nhân dân của người khởi kiện, quyết định cưỡng chế.. nhưng đã bị Tòa án cấp sơ thẩm trả lại đơn khởi kiện với lý do kèm theo đơn, người khởi kiện không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình, còn Viện kiểm sát cho rằng nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ là nghĩa vụ mà đương sự phải thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án, không phải là yêu cầu bắt buộc ngay từ lúc mới nộp đơn khởi kiện, do đó, đã yêu cầu Tòa án thụ lý để giải quyết đơn khởi kiện của công dân, nhưng Tòa án vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và không chấp nhận. Lý do "khi còn thiếu một trong các điều kiện" là căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính năm 2015) và cũng là căn cứ để Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án trong trường hợp đã thụ lý. Tuy nhiên, thế nào là "chưa có đủ điều kiện khởi kiện" thì chưa được hướng dẫn cụ thể, trong thực tế, nhận thức của các cơ quan tố tụng về vấn đề này có lúc chưa thống nhất, gây ảnh hưởng tới quyền khởi kiện của đương sự trong vụ án hành chính.

    KẾT LUẬN

    Tóm lại, ta có thể thấy rằng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính đang ngày càng được hoàn thiện. Tiếp tục đổi mới cơ chế này, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của cơ quan xét xử khiếu kiện hành chính đến cơ quan kiểm sát, các hoạt động bổ trợ tư pháp như bảo đảm sự tham gia của người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng và những chủ thể liên quan khác. Để làm được điều đó, trước hết cần khắc phục những hạn chế, thiếu xót trong những quy định của Luật Tố tụng hành chính về các trường hợp trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính. Theo đó, những quy định này cần được quy định cụ thể với những hướng dẫn chi tiết hơn nhằm đảm bảo quyền cho người khởi kiện cũng như hạn chế sự tùy tiện của tòa án.

    [1] Trần Thị Lâm (2012), Hoàn thiện các quy định của pháp luật về căn cứ thụ lý vụ án hành chính, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.

    [2] Đào Thùy Dung (2012), Khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.

    [3] Trần Thị Lâm (2012), Hoàn thiện các quy định của pháp luật về căn cứ thụ lý vụ án hành chính, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.

    [4] Trần Thị Lâm (2012), Hoàn thiện các quy định của pháp luật về căn cứ thụ lý vụ án hành chính, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...