Một năm gồm bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Trong đó, mùa thu là mùa thường được các thi sĩ chắp bút, và đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca Việt Nam. Nhắc đến mùa thu, người ta dễ liên tưởng đến gói cốm làng Vòng, thảm lá vàng rơi, hay hương hoa sữa thoang thoảng.. Tất cả những sự vật quen thuộc và bình dị ấy bỗng trở nên thật thơ mộng, cuốn hút một cách kì lạ, như biểu tượng rất riêng của mùa thu. Với Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, thu chính là "Nhưng luồng run rẩy rung rinh lá/Đôi nhánh khô gầy xươnh mỏng manh..". Còn với Nguyễn Đình Thi, thu lại là "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may..". Nhà thơ Hữu Thỉnh vốn gắn bó sâu sắc với nông thôn và cuộc sống của người dân quê, có lẽ bởi vậy nên mùa thu dưới ngòi bút của ông mang màu sắc rất riêng. Ông quan sát thiên nhiên bằng nhiều giác quan, và bằng tất cả sự tinh tế vốn có. Vì thế, có ý kiến cho rằng: "Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời có sự chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự chuyển biến này đã được Hữu Thỉnh gợi lên bằng cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức gợi cảm trong bài thơ Sang thu" Sang thu chính là tác phẩm tiêu biểu viết về mùa thu của tác giả. Bài thơ sáng tác năm 1977, sau hai năm đất nước thống nhất, hòa bình lập lại. Lúc này, bom đạn đã lùi xa để nhường chỗ cho cuộc sống thanh bình, độc lập, tự do. Hữu Thỉnh sáng tác bài thơ này khi đã 35 độ tuổi "Sang thu" của cuộc đời. Vì vậy, có thể nói bài thơ vừa thể hiện sự rung cảm tinh tế của nhà thơ trước sự biến chuyển của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, vừa là những chiêm nghiệm suy ngẫm trước cuộc đời sang thu. Trong khổ thơ đầu, tác giả cảm nhận những tín hiệu chuyển mùa bằng tất cả sự tinh tế, nhạy cảm của mình: "Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Hương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về." Tín hiệu của mùa thu bắt đầu được phát hiện qua những sự vật, hình ảnh quá đỗi quen thuộc, gần gũi, bình dị. Ấy là hương ổi ngọt ngào dân dã, ấm áp, nồng nàn của chốn vườn quê đang "phả vào trong gió se". Cơn gió heo may chở theo chút hơi lạnh đã hòa quyện cùng hương ôi dân dã, lan tỏa khắp không gian trong mát. "Phả" là một động từ đặc sắc. Nhà thơ từ hòa, hay từ tỏa bởi chúng không thể biểu đạt được hết ý nghĩ mà nhà thơ muốn truyền đạt. Không phải ngọn gió heo may se lạnh kia đem theo hương ổi, mà chính hương ổi ngọt ngào kia đã "phả" vào gió, hòa quyện với gió, làm cho làn gió như cũng thấm đẫm hương thơm ngọt mát. Không chỉ hương ổi phả vào gió mát, Hữu Thỉnh còn phát hiện làn sương "chùng chình qua ngõ". Từ láy "chùng chình" như đang tả thực sự chuyển động chầm chậm, nhẹ nhàng vương vít của làn sương sớm, lại vừa gợi ra nhiều liên tưởng độc đáo, thú vị. Làn sương chùng chình qua ngõ như bước chân thong thả nhẹ nhàng của cô thiếu nữ mùa hạ như cố ý chậm lại, dùng dằng, như còn vấn vương, bịn rịn, như nuối tiếc chưa muốn rời đi. Sự biến chuyển của trời đất lúc sang được nhà thơ cảm nhận qua những tín hiệu đặc trưng của đất trời miền Bắc. Ấy chính là thời khắc giao mùa, là thời khắc chuyển mình của thiên nhiên, đất trời. Đọc "Sang thu", trước mắt người đọc như hiện lên bức tranh thu vừa quen, mà lại vừa lạ. Quen vì bức tranh thu được vẽ nên bằng những nét vẽ quá đỗi bình dị, quá đỗi gần gũi. Nhưng cũng thật lạ, bởi tất cả sự vật ấy được cảm nhận một cách thật tinh tế. Sang thu, tức là mới chớm thu, tất cả như vừa bắt đầu, như còn mơ hồ giữa cái không và cái có. Bởi vậy, để cảm nhận được sự chuyển mình nhẹ nhàng của bà chúa thiên nhiên phải có tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, gắn bó sâu sắc với thiên nhiên và làng quê. Và nhà thơ Hữu Thỉnh đã làm được điều ấy. Những biến chuyển của thiên nhiên đất trời mang đến cho tâm hồn thi nhân tâm trạng bất ngờ, bâng khuâng đến ngỡ ngàng. Mùa thu đến với nhà thơ thật bất ngờ, như tình cờ nhận ra, tình cờ phát hiện. Ông ngạc nhiên, ngỡ ngàng, thảng thốt khi sớm mai thức dậy "bỗng nhận ra" hạ đã qua, thu đến thật rồi. Ông ngạc nhiên, thảng thốt bởi còn chưa kịp chuẩn bị tâm lí để giã từ mùa hạ đầy nắng vàng, đón nhận mùa thu với những bâng khuâng xao xuyến. Trong khổ thơ đầu, thiên nhiên mới chớm vào thu. Thế nhưng sang khổ thơ thứ hai, những tín hiệu đã trở nên rõ nét hớn bao giờ hết: "Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu." Đến đây, người đọc như bắt gặp một không gian hoàn toàn mới, rộng mở hơn, thoáng đãng hơn. Sự ngỡ ngàng trước kia đã tan biến, nhường chỗ cho những rung cảm mạnh mẽ của thi nhân trước không gian vời vợi. Dòng sông đã qua mùa thác lũ, nay trở về với vẻ êm ả lững lờ vốn có, mặt sông không chút gợn sóng, "dềnh dàng" trôi chầm chậm. Nó như đang tự cho phép mình nghỉ ngơi sau một kì thác lũ vất vả. Đàn chim như cũng "vội vã" khẩn trương trở về phương Nam tránh rét, hay đang gấp gáp làm tổ chuẩn bị cho mùa đông rét mướt không xa? Sông dềnh dàng và chim vội vã. Hai sự vận động trái chiều, là quy luật không đồng đều ở thời điểm giao thoa của thiên nhiên, nhưng lại vô cùng hợp lí, chân thực. Tất cả đang cùng góp mình tạo nên một bức tranh không gian mùa thu êm ái, yên bình, mà cũng thật sống động. Và nhắc đến tài năng của Hữu Thỉnh, ta không thể không nhắc đến hai câu thơ thật sáng tạo: "Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu." Tác giả thể hiện rõ ràng cái tài của mình, ấy là lấy không gian để tả thời gian. Đám mây mùa thu bồng bềnh như chiếc khăn voan trắng xốp, mỏng nhẹ cô thiếu nữ nào buông lơi giữa bầu trời. Đám mây trải dài như chiếc cầu nỗi giữa hai bến bờ mùa thu và mùa hạ, nhịp cầu ấy nối liền hai bến thời gian bằng sự dịu dàng mềm mại, đẹp đẽ của mình. Đám mây trắng như đang gợi sự chuyển động nhẹ nhàng của thời gian. Dòng thời gian chuyển động dịu dàng và khẽ khàng như chính lòng người còn đang dùng dằng, bịn rịn. Lòng người hãy còn nuối tiếc ánh nắng chói chang của mùa hạ, nửa lại như muốn rộng mở để đón nhận mùa thu tươi mát. Thời khắc chuyển mùa không chỉ được nhà thơ diễn tả bằng cảm nhận trực tiếp mà bằng cả những chiêm nghiệm suy ngẫm, bộc lộ những suy tư thâm trầm: "Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi." Nắng, mưa, sấm vốn là những đặc trưng của thời tiết mùa hạ. Bởi vậy mà trong thời khắc chuyển mùa, chúng không còn quá dữ dội, mà hóa thành dịu êm, nhạt dần. Nắng "vẫn còn bao nhiêu" nhưng không còn chói chang gay gắt như nắng của mùa hạ. Mưa cũng "vơi dần", không còn xối xả thoắt đến thoắt đi, ồ ạt như mưa rào mùa hạ. Ngay cả sấm cũng không còn dữ dội, "bất ngờ" trên những hàng cây đứng tuổi. Đặt biệt, ở hai câu thơ cuối, tác giả đã gửi gắm những suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời và con người, gợi trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ sâu sắc: "Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi." Có nhiều ý kiến cho rằng hai câu thơ trên ẩn chứa nhiều tầng nghĩa. Thật vậy! Sấm chính là một hiện tượng thường bắt gặp khi trời có mưa. "Hàng cây đứng tuổi" đã trồng lâu năm, trải qua nhiều phong ba bão táp để đứng vững đến ngày hôm nay. Sang thu, sấm đã không còn dữ dội, đủ để khiến những hàng cây già cỗi bị bất ngờ lay động. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, hai câu thơ trên còn chứa đựng những triết lí nhân sinh sâu sắc, đúng đắn. Lúc này, sấm không còn là hiện tượng thiên nhiên mà nên hiểu ấy là những tác động bất thường của ngoại cảnh: Những thử thách, khó khăn con người có thể gặp phải trên hành trình dài rộng của cuộc đời. "Hàng cây đứng tuổi" như những con người từng nếm trải mùi vị ngọt ngào, cay đắng của cuộc đời. Chỉ với hai câu thơ năm ngũ ngôn ngắn ngủi, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đúc kết nên nên một triết lí thật sâu sắc: Những người từng trải thường vững vàng, mạnh mẽ, điềm tĩnh hơn trước những tác động ngoại cảnh, sóng gió cuộc đời. Triết lí ấy càng có ý nghĩa hơn khi nhà thơ không đơn thuần đứng ngoài cuộc để đưa ra lời khuyên một cách sáo rỗng. Ông viết nên hai câu thơ bằng tất cả chiêm nghiệm suy ngẫm của cả một đời từng trải. Mùa thu của thiên nhiên đất trời chính là sự khép lại những ngày hè đầy nắng oi ả, khép lại những trận mưa xối xả bất ngờ và cả những tiếng sấm dữ dội. Còn mùa thu của đời người, chính là sự khép lại những ngày tháng sôi nổi bồng bột tuổi trẻ, dần được thay thế bằng sự thâm trầm, vững vàng, điềm đạm hơn trước những sóng gió. Câu thơ như còn gợi lên một suy nghĩ sâu sắc: Một năm gồm bốn mùa, tuyến tính, như một vòng tuần hoàn, trôi qua rất nhanh nhưng không thể níu lại. Cuộc đời con người cũng vậy. Tuổi trẻ, bồng bột, ta bận rộn với những lo toan suy nghĩ, xoay vần với vòng xoay cơm áo gạo tiền, với cuộc sống bộn bề những vất vả. Tuổi trẻ là hữu hạn. Thoắt cái đã bước đến độ tuổi sang thu, để rồi nhìn lại quá khứ, ta lại nuối tiếc vì chưa thực hiện được hết những mong muốn, tâm nguyện cháy bỏng thời trẻ. Vì thế ta không ngạc nhiên khi những vận động có lúc "chùng chình", "dềnh dàng", lúc lại vội vã. Và không chỉ thiên nhiên, con người sang thu, đất nước cũng đang bước qua thời khắc sang thu thiêng liêng. Đất nước đã chấm dứt chiến tranh, hòa bình được lập lại, bước qua giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết đất nước. Cả dân tộc như đang cựa mình với những chuyển biến rõ rệt, xây dựng đất nước, sánh vai với các cường quốc năm châu. Bằng những cảm nhận tinh tế, hình ảnh giàu sức biểu cảm, nhà thơ đã dùng ngòi bút gợi cảm của mình để vẽ nên bức tranh đất trời, thiên nhiên trong thời khắc giao mùa từ hạ sang thu hài hòa cả về màu sắc lẫn đường nét. Qua đó, gợi những chiêm nghiệm suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời. Ấy không chỉ là mùa thu của thiên nhiên, con người mà còn là mùa thu lớn, mùa thu của niềm vui toàn dân, của đất nước.