Phân tích bài thơ Đàn Gà Mới Nở - Phạm Hổ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Wall-E, 29 Tháng bảy 2020.

  1. Wall-E

    Bài viết:
    595
    Đọc Đàn gà mới nở, chúng ta thấy được lòng trìu mến của nhà thơ Phạm Hổ đối với trẻ nhỏ, và một tâm hồn nhạy cảm trước cái đẹp thiên nhiên.

    Đàn gà mới nở


    Lông vàng mát dịu

    Mắt đẹp sáng ngời

    Ôi! Chú gà ơi!

    Ta yêu chú lắm.


    Mẹ dang đôi cánh

    Con biến vào trong

    Mẹ ngẩng đầu trông

    Bọn diều, bọn quạ.


    Bây giờ thong thả

    Mẹ đi bên con

    Đàn con bé tí

    Líu ríu chạy sau.


    Con mẹ đẹp sao

    Những hòn tơ nhỏ

    Chạy như lăn tròn

    Trên sân, trên cỏ.


    Vườn trưa gió mát

    Bướm bay dập dờn

    Quanh đôi chân mẹ

    Một rừng chân con.

    Phạm Hổ

    [​IMG]

    Cảm nhận về bài thơ đàn gà mới nở


    Nhà thơ Phạm Hổ đã để lại nhiều áng thơ, văn lôi cuốn nhiều thế hệ bạn đọc, đáng chú ý là những bạn đọc lứa tuổi nhi đồng. Đàn gà mới nở là một trong những bài thơ hay của ông được tuyển chọn vào sách giáo khoa bậc tiểu học.

    Phạm Hổ từng tâm sự: "Tôi rất yêu các loài vật. Và đặc biệt rất yêu con gà. Tôi rất thích nuôi gà. Gà rất thông minh. Tôi đã từng nuôi một con gà, chiều chiều nó cứ đợi tôi đi làm về là nhảy lên chỗ chở hàng ở sau xe để cùng tôi lên gác ba. Đặc biệt, tôi rất yêu các chú gà con, và các chú gà gợi cho tôi lắm điều kỳ lạ". Ông cho biết bài thơ này vốn hợp thành từ hai bài thơ riêng rẽ của ông, đó là Mười quả trứng trònGà nở, do người biên soạn sách giáo khoa đã cắt một trong bốn đoạn ở bài trước để ghép vào bốn trong chính đoạn của bài sau. Ông viết: "Việc trích ghép.. có mặt tốt. Tốt vì bài thơ sẽ ngắn hơn, hợp với khuôn khổ cho phép của sách giáo khoa và hợp với trình độ của các em học sinh. Nhưng nếu tinh một chút (nhất là với các nhà thơ có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp) thì thấy mạch đi của bài thơ không liền, không uyển chuyển và chỗ ghép vẫn để lộ dấu vết, không thể mịn màng như để riêng từng bài được". Đấy là ý kiến tác giả, người nhìn từ trong ra, còn đối với người đọc, nhìn từ ngoài vào, thì thấy đây vẫn là một bài thơ hoàn hảo về mặt ý tưởng và cấu trúc.

    Như nhan đề, bài thơ nói về một sự sống mới nảy sinh; một cái đẹp non tơ. Bài thơ hay ở toàn thể, các khổ thơ bổ sung cho nhau. Sự miêu tả hoạt động của đàn gà con mới nở cùng mẹ của chúng được tãi ra khắp các khổ thơ, câu thơ. Khổ thứ hai: Đàn gà con chui vào bụng mẹ, khổ thứ ba: Chúng ríu rít chạy theo mẹ, khổ thứ tư: Chúng tự chạy chơi trên sân nhà.

    Nếu không có lòng trìu mến, chở che đối với sự sống, tạo vật mới nảy nở, đối với trẻ nhỏ, đồng thời nếu không luôn luôn khổ luyện nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cái nhìn, cái cảm, thì không thể viết được những câu:

    Những hòn tơ nhỏ

    Chạy như lăn tròn

    Và, cũng phải có óc khái quát cao, có tâm hồn nhạy cảm trước cái đẹp thiên nhiên, mới gói ghém lại bài thơ bằng một khổ kết thúc như thế này:

    Vườn trưa gió mát

    Bướm bay dập dờn

    Quanh đôi chân mẹ

    Một rừng chân con.

    Câu cuối của bài thơ thật là đắt. Để chuẩn bị cho câu thơ hay một cách đột xuất này, tác giả đã đưa bạn đọc đến một không gian, một thời gian đẹp như trong giấc mơ: "Vườn trưa gió mát/ Bướm bay dập dờn". Có thể có bạn đọc nào đó đã reo lên vì câu kết thúc bài thơ này và chắc chắn nhà thơ Phạm Hổ cũng vừa lòng với sự sáng tạo của mình. "Quanh đôi chân mẹ/ Một rừng chân con" có nghĩa: Mẹ là cây cổ thụ xoè tán, còn các con là cây xanh đông đúc như rừng, nép mình dưới bóng mẹ. Phạm Hổ cho biết đó "cũng là một hình ảnh mà tôi rất yêu vì nó nói lên được cảnh sum họp đầm ấm, đồng thời, lại nói lên được sức mạnh, sự bền vững của cuộc sống. Từ những đôi chân lớn, nhỏ của gà mẹ và của gà con, tôi nghĩ đến một khu rừng, sự liên tưởng ấy cũng làm tôi thích thú".

    Bài thơ không chỉ nói về mẹ con đàn gà trong cái sân hẹp - vườn con. Bài thơ còn có ý đề cao người mẹ, trân trọng, nâng niu trẻ nhỏ. Trên hết và cuối cùng, loang phủ khắp bài thơ là hạnh phúc, là cái đẹp của mầm non vừa nhú, là tình yêu đối với thiên nhiên..

    Nhà thơ Phạm Hổ đã dành cả cuộc đời viết cho các em. Thơ ông nghiêng về sự quan sát chi tiết, tỉ mỉ; tinh tế với một cách biểu đạt ngộ nghĩnh, giàu lòng nhân ái.

    Văn nghệ

    Phạm Đình Ân
     
    SóiAdmin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 11 Tháng mười hai 2020
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...