Hạnh phúc là gì? Nó tùy thuộc vào bạn, vào trạng thái ý thức hay vô thức của bạn, vào việc bạn còn say ngủ hay tỉnh thức. Murphy có một quan niệm nổi tiếng như sau: Trên đời có hai kiểu người: Kiểu thứ nhất thường cho rằng bản chất con người có thể phân chia ra được, và số còn lại thì không bao giờ phân chia như vậy. Tôi thuộc loại người thứ nhất, vì tôi tin bản chất con người có thể được chia làm hai loại, một là mê mờ, hai là thức tỉnh – và đương nhiên là có một nhóm người rất nhỏ nằm giữa họ. Hạnh phúc lệ thuộc vào việc ý thức của bạn có mặt đúng chỗ hay không. Nhiều người nghĩ rằng sự thư thái mà giấc ngủ mang lại là hạnh phúc. Niềm thư thái đó là cảm giác cố đạt tới một cái gì đó thông qua cơ thể, một cảm giác mà trong lúc thức ta không thể đạt được. Con người vẫn cố gắng bằng mọi cách để đạt tới hạnh phúc thông qua cơ thể của mình. Nhưng điều này là không đúng. Thân xác chúng ta có thể mang lại chút thoải mái nhất thời, nhưng mỗi một khoảnh khắc thư thái đó lại tương ứng với một nỗi đau. Mỗi cảm giác thư thái sẽ đi kèm với cảm giác khó chịu, bởi cơ thể con người luôn tồn tại như một thế giới hai mặt. Nối với ngày là đêm, nối với cái chết là sự sống, nối với sự sống là cái chết. Đó là một vòng tròn khắc nghiệt. Sau niềm vui sẽ là nỗi đau. Và sau muộn phiền sẽ là vui sướng. Chúng ta chẳng bao giờ thư thả nổi. Khi đang an lành, chúng ta lại âm thầm lo sợ niềm vui ngắn ngủi sẽ tan mất, và rồi nỗi sợ hãi của chúng ta sẽ tàn phá khoảnh khắc vui sướng quý giá đó. Khi bị nhấn chìm trong đau khổ, chúng ta cay đắng và cố gắng thoát khỏi tình trạng của mình bằng cách hướng tới những điều tốt đẹp. Đức Phật gọi điều này là bánh xe sinh tử. Chúng ta chuyển động theo bánh xe, bị vướng vào vòng quay của nó.. Và bánh xe ấy cứ lăn đi mãi. Đôi khi ta cảm thấy hài lòng, có lúc lại thấy khổ sở; ta bị nghiền nát triền miên giữa hai trạng thái nghiệt ngã này. Trong tình cảnh như vậy, một người mê mờ sẽ không nhận biết được gì nữa. Anh ta chỉ nhận ra một vài cảm giác của cơ thể – ăn uống, ân ái; đó là toàn bộ thế giới của anh ta. Anh ta mãi trôi lăn trong vòng quay sinh tử. Anh ta chỉ quan tâm đến hai mục đích đầy bản năng. Nếu kiềm chế nhục dục, anh ta chỉ còn biết ăn. Nếu kiềm chế việc ăn uống, anh ta lại lăn vào đời sống tình dục. Năng lượng của anh ta chuyển động như con lắc giữa hai nhu cầu này. Cái mà chúng ta thường gọi là sự hài lòng chỉ đơn giản là làm giảm bớt tình trạng căng thẳng đó. Năng lượng tình dục tích lũy ngày càng nhiều khiến chúng ta càng trở nên căng thẳng và nặng nề. Cuối cùng, chỉ còn cách phải giải phóng nó. Đối với những người đang mê mờ, tình dục có ý nghĩa giải phóng, giống như một cơn hắt hơi. Khi ta giải phóng nó, sự căng thẳng không còn hiện diện ngay lúc này, nhưng nó vẫn còn nằm ẩn đâu đó và sẽ tích lũy trở lại. Thức ăn chỉ mang lại cho chúng ta một chút vị mặn đầu lưỡi, nó không đủ cho chúng ta duy trì cuộc sống. Vậy mà rất nhiều người đã sống chỉ vì ăn, và chỉ một số ít người biết rằng mình ăn để sống. Suốt những ngày đầu, để tìm kiếm một khoảng thời gian vui sướng mỹ mãn, người thanh niên đã mời cô gái chơi bowling. Cô gái tỏ vẻ không thích. Anh chàng lại tìm cách mời cô xem phim, nhưng cô gái cũng chẳng màng đến phim ảnh. Loay hoay mãi, người thanh niên rút điếu thuốc mời cô gái nhưng cô vẫn từ chối. Rồi anh hỏi cô có thích nhảy và uống một chút gì đó không, cô gái vẫn một mực không nhận lời với lý do đơn giản là cô không quan tâm đến những thứ ấy. Tuyệt vọng, anh mời cô đến ngủ với anh. Điều lạ lùng đã xảy ra. Cô gái vui vẻ gật đầu, hôn anh say đắm và nói: "Anh thấy không, chơi bowling, xem phim, uống rượu đâu phải là cái anh muốn, đâu phải để anh có một khoảng thời gian vui sướng mỹ mãn đâu!". Cái mà chúng ta gọi là "hạnh phúc" hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi con người. Đối với người mê mờ, cảm giác thư giãn là hạnh phúc. Người mê mờ sống với mọi cảm giác thư giãn, buông xả. Anh ta cứ lăn mãi từ cảm giác này đến cảm giác khác. Anh ta sống vì những cơn rung động nhỏ – một cuộc sống rất nông cạn, không có chiều sâu, gần như vô tri vô giác, và cũng chẳng hứa hẹn ý nghĩa nào tốt đẹp lớn lao. Nhiều người trong chúng ta lại nằm giữa hai kiểu người mê mờ và tỉnh thức, không mê mờ mà cũng chẳng tỉnh thức. Họ sống trong tâm trạng lơ đãng, một chút mịt mờ, một chút tỉnh táo. Chúng ta thường trải nghiệm điều này vào mỗi buổi sáng ngái ngủ, tai ta vẫn nghe được âm thanh xung quanh, kể cả tiếng người thân lách cách pha trà, tiếng reo của ấm đun nước hay tiếng trẻ con chuẩn bị đến trường. Ta nghe được mọi thứ, nhưng vẫn không tỉnh được. Lơ mơ, lãng đãng, những âm thanh xô bồ dẫn dắt chúng ta đi, như thể có một khoảng cách khổng lồ giữa bản thân ta và mọi thứ đang xảy ra quanh ta. Tất cả mờ ảo như một phần của giấc mơ. Tất nhiên những gì đang xảy ra không thuộc về giấc mơ, chỉ có chúng ta lại đang trôi giữa hai thế giới thực – ảo mà không biết. Điều tương tự như vậy xảy ra khi bạn bắt đầu thiền định. Một người không thiền định sẽ dễ bị mê mờ. Còn một người thiền định, luôn muốn rời xa sự mê mờ để hướng tới sự thức tỉnh, dù chỉ trong một trạng thái yên bình ngắn ngủi. Hạnh phúc không phải chỉ là sự gom nhặt niềm hoan lạc phù du trong từng thoáng chốc: Hạnh phúc phải có ý nghĩa hơn là sự cộng gộp thời khắc bình yên, phải mang tính tâm lý nhiều hơn là sinh lý. Một người biết thiền định sẽ cảm thụ thơ ca và âm nhạc tốt hơn, yêu thích sự sáng tạo hơn. Họ thích khám phá thiên nhiên và vẻ đẹp muôn thuở của nó. Họ chuộng sự yên tĩnh và biết tận hưởng nhiều thứ mà trước đó họ chưa bao giờ biết tới, và những điều này sống trong họ lâu dài hơn. Kể cả khi tiếng nhạc đã tắt, âm thanh vẫn còn vang vọng trong họ. Hạnh phúc không đơn giản chỉ là sự giảm bớt năng lượng căng thẳng của con người. Sự khác biệt giữa cảm giác thư thái và ý nghĩa thực sự của hạnh phúc không nằm ở chỗ tiết giảm, mà ngược lại, ở trong sự đủ đầy. Một khi trở nên giàu có về tinh thần, chúng ta sẽ sống tràn trề từng phút. Khi lắng nghe một bản nhạc du dương, có một cái gì đó bừng dậy trong đời sống của chúng ta, sự hài hòa bắt đầu hiển hiện khiến ta như chìm lẫn vào trong tiếng đàn. Khi nhảy múa, chúng ta bỗng quên mất cơ thể mình, mỗi bước đi bỗng nhẹ như hư không. Sự đè nén về trọng lượng bị mất đi. Trong điệu múa ấy, chúng ta như bất ngờ lạc vào một không gian khác lạ: Cái tôi không còn nặng nề nữa, ta như tan ra và hòa vào điệu múa. Những trải nghiệm như vậy cao hơn, sâu sắc hơn rất nhiều so với những khoái cảm chúng ta có được nhờ vào các sinh hoạt đời thường như ăn uống và ân ái. Nhưng điều ấy cũng chưa phải là cái đích cuối cùng. Sự thật lớn lao nhất chỉ xảy ra khi chúng ta thức tỉnh viên mãn, khi chúng ta trở thành một "vị Phật" (người tỉnh thức), khi chúng ta lìa xa mọi điên đảo mộng tưởng – thời điểm mà toàn bộ cuộc sống chúng ta ngập tràn ánh sáng, thời điểm mà bóng tối vĩnh viễn mất đi trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Bóng tối mờ mịt biến mất cũng là lúc cái tôi ngạo mạn của chúng ta cũng tan biến. Mọi ham muốn căng thẳng, âu lo hay tức giận đều không còn nữa. Ta ở trong một trạng thái mãn nguyện hài hòa. Ta an trú trong hiện tại, không băn khoăn về quá khứ hay tương lai. Ta có mặt ở đây, ngay lúc này. Hiện tại là tất cả. Lúc này là thời gian duy nhất và ở đây là không gian duy nhất. Toàn thể vũ trụ an trú trong ta. Đó là niềm an lạc. Đó là hạnh phúc đích thực của con người. Tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn là quyền năng lớn nhất của mỗi chúng ta. Đừng mê mờ trong mớ hỗn mang những khoái cảm thường ngày, hãy bước chân vào cuộc hành trình tìm kiếm sự an lạc từng chút một mỗi ngày. Cố vươn tới hạnh phúc, và cuối cùng là đạt tới niềm an lạc viên mãn. Khoái cảm thuộc về phần "con" trong mỗi "con người". Hạnh phúc mới là đặc ân của con người. Hạnh phúc thuộc về con người, niềm an lạc mới là thần thánh. Khoái cảm trói buộc bạn, bạn sẽ trở thành nô bộc của nó, tự cột chặt mình vào dây trói của nó. Hạnh phúc mang đến cho bạn một chút xích xiềng, một chút tự do, nhưng chỉ là một chút. Còn niềm an lạc là tự do vĩnh hằng. Hãy hướng lên cao, bạn sẽ được chắp cánh. Bạn sẽ không còn thuộc về mặt đất đọa đày này, bạn trở thành một phần của trời xanh. Bạn trở thành ánh sáng, trở thành niềm vui. Khoái cảm bao giờ cũng khiến bạn lệ thuộc vào người khác. Hạnh phúc giúp bạn có được một chút tự chủ nhưng không hoàn toàn. Chỉ có niềm an lạc mới là tự do, nó không chia cắt bất cứ điều gì, không chia cắt ai; đó là đời sống duy nhất của bạn, là bản chất sâu xa nhất của bạn từ bề mặt đến trung tâm. Đức Thích Ca Mâu Ni nói: Có khoái lạc và có an lạc Hãy từ bỏ cái đầu tiên để đạt tới cái thứ hai. Chúng ta cần hiểu biết và suy nghĩ về bốn từ này: Một là khoái lạc, hai là hạnh phúc, ba là niềm vui và bốn là an lạc. Khoái lạc thuộc về tâm sinh lý. Khoái lạc là một cái gì đó hời hợt nhất của đời sống con người; nó chỉ là một sự kích thích. Đó có thể là tình dục hay những cảm giác khác; nó có thể là nỗi ám ảnh về thức ăn, tất nhiên ngoại trừ nhu cầu tối thiểu cho cơ thể được duy trì. Cơ thể là bề ngoài của bạn, là cái viền quanh đời sống con người. Nó không phải là trung tâm. Sống trong chu vi cơ thể mình nghĩa là phó mặc cho tất cả mọi thứ đang xảy ra xung quanh bạn. Con người tìm kiếm khoái cảm nhưng lại phó mặc đời mình cho tai họa; giống như những đợt sóng ở đại dương suốt đời nhấp nhô theo gió. Khi biển nổi cuồng phong, những con sóng cũng dâng cao. Khi gió biến mất, những con sóng cũng tan đi. Những con sóng không bao giờ tồn tại độc lập, nó bị lệ thuộc mãi mãi; và bất kỳ ai lệ thuộc vào một cái gì đó ngoài bản thân mình cũng tất yếu đi đến cuộc sống nô lệ. Khoái cảm là lệ thuộc vào một cái gì đó ngoài bản thân mình. Khi ta yêu một người phụ nữ, và nếu điều ấy mang đến cho ta lạc thú, thì người phụ nữ ta yêu chính là bà chủ của ta. Khi ta yêu một người đàn ông – nếu tình yêu ấy khiến ta vui thú và khi không còn yêu nữa, ta cảm thấy đau đớn – thì ta đã tạo ra một kẻ nô lệ trong ta. Ta đã tạo ra một tù nhân, và ta không còn tự do nữa. Nếu ta tìm kiếm tiền bạc và quyền lực, ta sẽ bị lệ thuộc vào tiền bạc và quyền lực. Với một người say mê tiền bạc, sự thật là càng nhiều tiền, càng thích thú, anh ta lại càng đau khổ – vì anh ta càng có nhiều tiền bao nhiêu, anh ta càng ham muốn có hơn thế; càng có nhiều tiền bao nhiêu, anh ta càng lo sợ mất nó bấy nhiêu. Đó là con dao hai lưỡi: Ước muốn có nhiều hơn là lưỡi thứ nhất của con dao. Càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn, càng hy vọng mong chờ, ta càng tự cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó – ta càng cảm thấy trống rỗng, vô vị hơn, và ta hiện ra với chính mình bằng tất cả sự thiếu thốn ấy. Chiếc lưỡi thứ hai của con dao là: Khi ta càng đạt được nhiều thứ hơn, ta càng lo sợ mất nó hơn. Người khác có thể đánh cắp của ta. Một ngân hàng có thể bị tiêu tan khi một thể chế chính trị thay đổi, có một ngàn lẻ một thứ làm xáo trộn những đồng tiền của ta. Những đồng tiền ấy không làm ta trở thành chủ nhân, mà ngược lại, khiến ta trở thành nô lệ. Khoái cảm là ngoại biên; vậy nên nó bị giới hạn trong vòng chu vi nhỏ bé ấy. Nó hoàn toàn chỉ là sự kích động. Nếu thức ăn là khoái cảm thì điều gì thực sự là niềm vui cho ta? Chỉ là mùi vị – trong chốc lát, khi thức ăn để lại ít mùi vị tan ra trên đầu lưỡi, ta có cảm giác ta đang hình dung nó như một thú vui. Đó là cách giải thích của chúng ta. Lúc này nó có thể được xem là thú vui và ngày mai, nó không còn là thú vui nữa nếu chúng ta cứ ăn mãi một món hết ngày này sang ngày khác, mùi vị sẽ trở nên bão hòa. Rồi sớm muộn chúng ta cũng chán ngấy nó. Điều này cho thấy vì sao con người trở nên chán nản – bạn đang chạy theo một người đàn ông hay một cô gái, rồi một ngày kia, bạn lại cố tìm cách chối bỏ những gì mình theo đuổi. Bạn đã chán ghét con người mà bạn từng yêu mến. Điều gì đã xảy ra vậy? Đơn giản vì toàn bộ niềm vui thú của bạn nằm ở sự khám phá những điều mới mẻ. Sau một thời gian gắn bó, bạn cảm thấy những người mình quý mến trở nên cũ kỹ, bạn đã quá quen thuộc với mảnh đất ấy. Bạn muốn làm quen với những người bạn mới, muốn khám phá bí mật của những đường cong, những cảm giác mới về thân xác. Tâm trí bạn khao khát một cái gì thật mới mẻ. Tâm lý ấy giải thích vì sao bạn cứ mong tưởng gắn kết với một cái gì đó trong tương lai. Bạn sống trong hy vọng, nhưng không bao giờ đạt tới cái hoàn thiện – bạn không thể đạt tới. Bạn chỉ có thể tạo ra niềm hy vọng mới, khao khát mới mà thôi. Như chiếc lá lớn lên trên cây, khát khao và hy vọng lớn lên trong tâm trí. Bạn muốn một ngôi nhà mới và giờ đây bạn có nó. – Vậy, niềm vui sướng ở đâu? Chỉ là một khoảnh khắc khi bạn đạt tới mục đích của mình. Khi bạn đạt được những gì từng mong đợi, tâm trí bạn không còn quan tâm đến những mong đợi ấy nữa, nó lại bắt đầu xoay tròn trong tấm lưới kỳ vọng. Nó nghĩ về một ngôi nhà lớn hơn. Và bạn cứ mơ mộng như vậy với tất cả mọi thứ. Khoái lạc khiến bạn rơi vào trạng thái rối loạn, căng thẳng, náo động. Quá nhiều khát vọng, và khát vọng nào cũng kêu gào, không thể dập tắt. Bạn sẽ hóa thành nạn nhân của một mớ những khát khao điên cuồng – gọi là điên cuồng vì chúng không bao giờ được thỏa mãn; chúng xô đẩy đời bạn vào những nẻo đường khác lạ. Bạn trở thành một khối mâu thuẫn. Khát khao này muốn bạn đi về hướng bên trái, nhưng một mong ước khác lại kéo bạn đi về phía bên phải, và bạn cùng lúc bồi đắp cả hai niềm khát khao ấy. Rồi bạn cảm thấy mình bị tách ra, bị chia đôi, bị xé ra làm nhiều phần. Rồi bạn cảm thấy như thể mình bị biến thành từng mảnh vụn. Bạn không được ai hỗ trợ và chính sự si dại của khoái lạc đầy vọng tưởng đã tạo ra tình huống oái oăm đó. Thật là phức tạp. Bạn không phải là người duy nhất muốn tìm kiếm những niềm vui phù du; hàng tỉ người cũng đang cố chạy theo những khoái lạc giống như bạn. Vì vậy, thế giới mới có xung đột, bạo lực và chiến tranh. Con người trở thành kẻ thù của nhau vì tất cả đều lên đường tìm kiếm một mục đích chung – và không phải tất cả đều đạt được. Mọi người đều chiến đấu, bạn sẽ phải đối đầu với tất cả – vì một thứ không có thật, bởi khi bạn đạt được mục đích, bạn sẽ thấy thật ra mình chẳng đạt được gì cả. Cuộc đời chúng ta bị hoài phí cho cuộc đấu tranh đó. Cuộc đời – mà lẽ ra phải là một lễ hội của con người – lại trở thành một cuộc chiến vô bổ, kéo dài bất tận. Khi bạn bị vây kín trong việc tìm kiếm những lạc thú xa vời, bạn không thể yêu, bởi lẽ khi bạn muốn tìm đến niềm vui nhất thời thì người khác chỉ là một phương tiện mà thôi. Xem người khác như một phương tiện là một trong những hành động vô đạo đức nhất. Mỗi sinh thể là một mục đích cho chính nó. Khi dùng người khác làm phương tiện để đạt tới mục đích của mình, bạn dễ trở nên xảo quyệt. Trong một cuộc chiến, nếu bạn không gian xảo, bạn sẽ bị lừa gạt. Trước khi để người khác gài bẫy, bạn phải lừa họ trước. Machiavelli (2) từng nói: Cách tốt nhất để phòng thủ là tấn công. Đừng bao giờ chờ người khác tấn công mới tìm cách đánh trả, bởi vì đến lúc ấy đã quá muộn. Hãy tấn công kẻ thù trước khi họ kịp ra đòn. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ mình. Cuộc sống diễn ra như thế, cho dù người ta có biết Machiavelli hay không. Có một điều thật kỳ lạ: Người ta biết về Chúa Ki-tô, Đức Phật, đấng Mohammed, về Krishna nhưng người ta không theo các đấng ấy. Người ta không biết nhiều về Machiavelli, nhưng phần đông thế gian lại sống theo phương châm của ông – như thể Machiavelli ở trong trái tim của họ vậy. Bạn không cần đọc Machiavelli vì trên thực tế, có thể bạn đã là môn đệ của ông ấy từ lâu rồi. Toàn bộ xã hội con người dựa vào nguyên tắc của Machiavelli, trò chơi chính trị cũng giống như thế. Trước khi bị người khác giật lấy những gì quý giá, ta phải tranh lấy phần của họ trước, và luôn luôn phải ở trong tư thế canh chừng. Một cách tự nhiên, nếu thường xuyên đặt mình trong tâm thế cảnh giác, bạn sẽ sống trong hồi hộp, lo âu triền miên. Mọi người đều chống lại bạn và bạn cũng chống lại tất cả mọi người. Vì thế, khoái lạc không phải và không thể là mục đích của cuộc sống. Từ thứ hai mà chúng ta cần quan tâm là hạnh phúc (theo nghĩa là hạnh phúc tạm thời). Khoái lạc thiên về sinh lý, còn hạnh phúc mang tính tâm lý. Hạnh phúc là khi bạn cảm nhận một cái gì đó tốt lành hơn thực tại một chút, tinh tế hơn, cao đẹp hơn, nhưng nó không khác khoái lạc là bao. Chúng ta có thể nói rằng khoái lạc là một mức độ hạnh phúc, và hạnh phúc là đỉnh cao của khoái lạc. Khoái lạc gần với bản năng hoang sơ của con người, còn hạnh phúc có tầm văn hóa hơn, mang tính người hơn, nhưng không phải lúc nào người ta cũng cảm nhận hạnh phúc giống nhau. Con người đều chịu sự quy định của các chức năng sinh lý, song chính những nhu cầu tâm lý mới đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, về cơ bản, đối với con người, vai trò của hai yếu tố này không khác nhau là mấy. Khái niệm thứ ba là niềm vui. Niềm vui là trạng thái thuộc về tinh thần. Nó hoàn toàn khác với khoái lạc hay hạnh phúc ngắn ngủi. Niềm vui có ở trong ta, không phải đến từ bên ngoài hay người khác. Nó là của riêng ta. Nó không xuất hiện vì bị kích động. Niềm vui thuộc về thế giới bình an và tĩnh lặng – một trạng thái thiền định. Niềm vui ở trong tâm linh chúng ta. Nhưng Đức Phật cũng không nói về niềm vui, bởi lẽ vẫn còn một cái gì đó vượt lên trên cả niềm vui. Đức Phật gọi đó là an lạc. An lạc là tối thượng. Nó không phải trạng thái sinh lý, tâm lý hay tinh thần. Nó không thể bị chia cắt, nó không có hình tướng. Một mặt, nó là có thật, mặt khác nó lại trừu tượng. Đức Phật chỉ dùng hai từ để nói về các trạng thái này. Từ thứ nhất là khoái lạc, bao gồm cả hạnh phúc. Từ thứ hai là an lạc, bao gồm cả niềm vui. Cảm giác an lạc chỉ đến khi bạn đạt tới điểm sâu nhất của đời sống. Nó thuộc về chiều sâu vô biên của tâm hồn, khi mà cái tôi vĩnh viễn không còn nữa mà chỉ có sự tịch lặng mênh mông, như thể bạn biến mất hoàn toàn. Trong niềm vui, bạn vẫn cảm nhận sự tồn tại của mình. Nhưng với sự an lạc, bạn không có ở đó. Bản ngã đã tan biến trong một trạng thái gần như phi tồn tại. Đức Phật gọi đó là "Niết Bàn". Chấm dứt tồn tại chính là Niết Bàn; khi ấy, bạn hoàn toàn trống rỗng tựa như bầu trời. Ngay tại khoảnh khắc bạn đạt tới trạng thái vô tận đó, tâm hồn bạn tràn ngập ánh sáng của các vì sao; cuộc sống trở nên mới mẻ tuyệt vời. Bạn đã được sinh ra một lần nữa. Khoái lạc rất ngắn ngủi, nó thuộc về thời gian, nó chỉ là "một khoảnh khắc sống". An lạc mới là phi thời gian, nó là vô tận. Khoái lạc có bắt đầu và có kết thúc. Nhưng an lạc là vĩnh cửu. Khoái lạc đến rồi đi; an lạc đến mãi mãi, và cũng ra đi mãi mãi – nó là cái gì đó tồn tại từ rất lâu bên trong tâm hồn ta. Khoái lạc của bạn có thể bị người khác lấy đi mất; khi đó bạn trở nên giống như một kẻ cắp hay người ăn xin lúc nào cũng thèm muốn lạc thú. An lạc biến bạn thành người chủ của tâm hồn mình, cuộc đời mình. Không phải chúng ta sáng tạo ra niềm an lạc, mà chính là chúng ta khám phá lại nó. An lạc là bản chất thẳm sâu của mỗi con người. Nó có thể đã từng nằm yên trong tâm hồn ta từ thuở sơ sinh, chỉ có điều ta không nhìn thấy nó mà thôi. Ta đã không nhìn vào bên trong nội tâm mình. Nỗi đau khổ duy nhất của con người là mãi nhìn ra ngoài, mong đợi và kiếm tìm. Làm sao ta có thể tìm được cái gì đó bên ngoài, bởi đơn giản là nó không có ở đó. Một chiều nọ, Rabiya – nhà thần bí thuộc giáo phái Sufi (3) nổi tiếng – đang tìm một cái gì đó trên con đường phía trước túp lều nhỏ của bà. Mặt trời đang chầm chậm di chuyển xuống phía sau đường chân trời. Bóng tối mỗi lúc thêm dày đặc. Một vài người tụ tập gần đó. Họ hỏi bà: "Bà đang tìm gì vậy? Bà đánh rơi vật gì à?". Bà trả lời: "Tôi đánh mất cây kim". Một trong số họ nói tiếp: "Bây giờ mặt trời đang xuống, tìm một cây kim rất khó. Chúng tôi sẽ giúp bà. Chính xác là cây kim bị rơi ở chỗ nào? Con đường thì lớn mà cây kim rất nhỏ. Nếu biết chính xác nó rơi ở đâu, chúng tôi sẽ tìm rất nhanh". Rabiya nói: "Tốt hơn hết là các bạn đừng hỏi tôi câu đó, vì cây kim bị rơi trong nhà chứ không phải rơi ngoài đường". Mọi người bắt đầu cười phá lên. Họ nói với bà: "Tôi quả quyết rằng bà không bình thường! Nếu cây kim rơi trong nhà, sao bà lại có thể tìm nó ở ngoài đường chứ?". Rabiya trả lời: "Chỉ là logic thôi, rất đơn giản: Trong nhà không có ánh sáng, trong khi bên ngoài thì vẫn còn trông thấy được chút ít". Mọi người lại cười và bắt đầu giải tán. Rabiya gọi họ lại và nói: "Các bạn hãy nghe đây! Chuyện tìm cây kim của tôi cũng chính là những gì mà các bạn đang làm; tôi chỉ đưa ra một ví dụ vậy thôi. Các bạn tìm kiếm niềm vui bình an ở thế giới bên ngoài mà không đặt câu hỏi quan trọng và đầu tiên là: Bạn đã đánh mất nó ở đâu? Tôi nói rằng các bạn đã đánh mất nó từ bên trong. Các bạn cố gắng tìm kiếm nó ở bên ngoài vì theo suy luận thông thường là mọi cảm giác của bạn đều hướng ra bên ngoài chỉ vì nơi đó vẫn còn ánh sáng. Đôi mắt của bạn nhìn ra bên ngoài, đôi tai của bạn nghe ngóng âm thanh bên ngoài, bàn tay của bạn nắm lấy những cái ngoài bản thân bạn; đó là lý do tại sao bạn cứ vướng phải những cái nằm ngoài nội tâm mình. Ngược lại, bằng những trải nghiệm cá nhân, tôi nói thật, bạn có đánh mất cái gì ở bên ngoài mình đâu? Tôi cũng từng tìm kiếm mọi thứ ở bên ngoài rất nhiều; một ngày kia, tôi sửng sốt nhìn sâu vào nội tâm của mình. Không cần phải mong cầu điều gì cả; bản ngã thực sự luôn ngự trị bên trong con người chúng ta". Niềm an lạc nằm tận đáy tâm hồn ta. Rất có thể ta xin được khoái lạc ở người khác và trở thành nô lệ của họ. Trong khi đó, sự an định giúp ta làm chủ chính mình. An lạc không phải là cái xảy ra cho ta, mà là cái ta đã có từ lâu. Đức Phật nói: Có khoái lạc và có an lạc – Hãy từ bỏ cái đầu tiên để đạt tới cái thứ hai. Hãy dừng lại việc nhìn ra bên ngoài. Ngược lại, hãy nhìn vào trong. Hãy lên đường tìm kiếm miền đất nội tâm sâu thẳm của bạn. An lạc không phải là thứ đang nằm ở đâu đó ngoài xa kia để con người phải mòn mỏi đợi chờ. An lạc hoàn toàn ở trong ý thức của bạn. Người phương Đông thường định nghĩa sự thật tối thượng bằng từ Sat-Chit-Anand. Sat nghĩa là sự thật, chit là ý thức và anand nghĩa là an lạc. Đó là ba gương mặt của cùng một thực tại. Đó là quy tắc Tam Nhất chân thật nhất; tất nhiên không phải quy tắc mà ta thường nói đến của Thiên Chúa giáo là Cha-Con-Thánh Thần. Ba cái "tam nhất" ấy không bao giờ bị tách chia mà là một năng lượng được chuyển hóa qua ba trạng thái, một năng lượng với ba gương mặt. Vậy nên, ở phương Đông, người ta gọi Thượng Đế là trimurti – Đấng sáng thế có ba gương mặt. Đây là khuôn mặt đích thực, chứ không phải là Brahma, Vishnu và Mahesh – những tên gọi có lẽ dành cho trẻ em hay cho những người vẫn còn mộng mơ siêu hình về cõi tâm linh. Brahma, Vishnu, Mahesh; Cha, Con, Thánh Thần.. đều là tên gọi cho những ai mới bắt đầu hành trình tâm linh. Sự thật, ý thức, an lạc; ba điều ấy là chân lý tối thượng. Đầu tiên, ta bắt đầu nhận thức về bản ngã vĩnh hằng của chính ta, đó là sự thật – tức sat. Khi nghiền ngẫm sâu sắc hơn về bản chất thật sự của mình, đi sâu vào sự thật, bạn sẽ đạt tới sự thấu ngộ sâu sắc, rộng lớn – tức chit. Mọi việc đều được soi chiếu trong ánh sáng chứ không phải bóng tối. Tất cả đều được nhận thức rõ ràng, chứ không phải là sự ước đoán mịt mờ. Ở mọi nơi, bạn biến thành ánh đuốc trí tuệ, chứ không phải cái bóng nhạt nhòa của vô thức. Khi đạt tới trạng thái tinh thần sâu thẳm, hạt nhân tâm hồn bạn chính là niềm an lạc – tức anand. Đức Phật nói: Hãy từ bỏ mọi thứ mà ngươi cho rằng nó rất có ý nghĩa từ trước đến giờ. Hãy hy sinh mọi điều trên đời cho sự thật tối thượng bởi lẽ chỉ duy nhất sự hy sinh ấy mới mang đến cho bạn sự bình an, mang đến sự hoàn thiện, mang đến mùa xuân vĩnh cửu cho cuộc đời bạn.. Khi ấy, tâm hồn bạn nở thành trăm hoa ngát hương. Khoái lạc dần biến chúng ta thành thanh gỗ mục trôi nổi.. Khoái lạc nhào nặn ta ngày càng trở nên xảo quyệt hơn chứ không phải khôn ngoan hơn. Nó khiến ta ngày càng bị nô lệ hơn chứ không phải làm chủ đời ta. Nó khiến ta tính toán lợi dụng người khác nhiều hơn; nghĩa là ngày càng trở nên khôn khéo và thủ đoạn hơn. Khi đó, ta sẽ sử dụng người khác như một phương tiện – cách sống mà dường như cả thế giới đang theo đuổi. Người chồng nói với vợ: "Anh yêu em", nhưng trên thực tế, anh ta sử dụng cô ấy. Người vợ nói với chồng rằng cô yêu anh ấy, nhưng chỉ đơn giản là cô sử dụng anh. Người chồng sử dụng vợ như một đối tác tình dục và người vợ sử dụng người chồng như một sự đảm bảo về tiền của. Khoái lạc biến mọi người thành lừa dối và xảo trá. Trở thành xảo trá tức là đánh mất niềm an lạc của một tâm hồn trong sáng, là đánh mất niềm an lạc của một trẻ thơ. Tiền bạc, quyền lực và danh tiếng – tất cả sẽ làm bạn trở nên thủ đoạn. Tìm kiếm khoái lạc khiến bạn đánh mất sự trong sáng của mình; đánh mất cái tâm trong sáng là đánh mất tất cả. Chúa Jesus nói: Chỉ khi trở thành trẻ thơ, con người mới có thể bước vào nước Thiên Chúa. Ngài đã đúng. Những ai thích tìm khoái lạc thì không bao giờ giữ được bản tính ngây thơ cả. Anh ta phải rất tinh ranh, xảo quyệt, thủ đoạn chỉ vì nhất quyết phải thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thế giới xung quanh. Mỗi người đều hòa đồng với người khác, trong khi ta lại không hề sống giữa những người bạn. Thế giới không thể hòa hợp nếu chúng ta không từ bỏ ý tưởng đấu tranh này. Vậy mà, từ rất lâu rồi, chúng ta lại hủy hoại tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ bằng ý tưởng chiếm hữu xấu xa. Ngay khi một sinh viên bước ra khỏi cổng trường đại học thì chất độc đã ngấm sâu vào con người cậu ta. Chúng ta có thể thôi miên người này bằng cách dạy cho anh ta rằng cần phải đấu tranh với kẻ khác, rằng cuộc sống là chuỗi tồn tại dành cho kẻ chiến thắng xứng đáng. Và như thế, cuộc sống không bao giờ có thể trở thành lễ hội của con người. Nếu bạn vui sướng bao nhiêu khi bắt người khác trả giá cho hạnh phúc riêng của mình thì bạn sẽ bế tắc bấy nhiêu khi tìm kiếm niềm an lạc. Nếu bạn tìm thấy một người phụ nữ xinh đẹp và cố chinh phục nàng bằng cách nào đó thì nhất định bạn sẽ giành giật nàng từ tay người khác. Chúng ta luôn cố gắng biến một điều gì đó trở nên đẹp đẽ hơn, nhưng đó chỉ là sự chiến thắng trên bề mặt. Khi những người thua cuộc tức giận cuồng điên, họ sẽ chờ đợi một dịp nào đó để trả thù, và sớm hay muộn thì thời khắc báo thù ấy cũng đến. Bất cứ điều gì mà bạn sở hữu được từ thế giới này đồng nghĩa với việc bạn lấy đi cơ hội của người khác; nó được đổi bằng giá trị lạc thú của người khác. Điều đó quá rõ ràng. Nếu bạn thực sự không muốn gây thù chuốc oán với bất kỳ ai trên thế giới, hãy từ bỏ ý định sở hữu cái gì đó. Hãy tận dụng mọi thứ xảy ra với bạn trong khoảnh khắc sống này, nhưng đừng cố sở hữu nó. Đừng khư khư tuyên bố rằng nó là của riêng bạn. Không có gì là của bạn cả, tất cả đều thuộc về đời sống bao la.
Bản chất hai mặt của vấn đề Câu hỏi quan trọng nhất trong mọi câu hỏi là: Hạnh phúc thực sự là gì? Người ta có thể đạt được nó không? Hạnh phúc là vĩnh cửu, hay chỉ là khoảnh khắc? Cuộc sống chỉ là một giấc mơ phù du hay cũng là một sự thật trường tồn? Cuộc sống chỉ có sống và chết hay còn có sự luân hồi giữa hai cõi tử sinh? Bởi vì không có gì mãi mãi nên cũng chẳng có hạnh phúc thực sự. Nếu hạnh phúc là một khoảnh khắc, nó chỉ thoáng qua đời bạn: Nó bên bạn lúc này, rồi sẽ rời xa bạn vào một ngày nào đó. Và khi không còn hạnh phúc, bạn lại rơi vào trạng thái thất vọng tối tăm. Cuộc sống thật là mờ mịt. Giây phút này bạn tràn trề niềm vui nhưng thời khắc sau lại chứa đầy đau khổ; cuộc đời bạn là một trạng thái hỗn độn những cảm xúc. Bạn không thể giữ hạnh phúc ở lại mãi mãi. Một cách bí ẩn, hạnh phúc cứ đến rồi đi mà bạn không cách nào làm chủ được nó. Bạn không thể tránh khỏi sự đau khổ; vì nó cũng đến và đi theo cách riêng của nó. Bạn chỉ đơn giản là một nạn nhân. Bạn bị xẻ đôi ra giữa hạnh phúc và bất hạnh. Không bao giờ bình an được. Cuộc sống này luôn bị phân tách thành hai mặt. Bản chất hai mặt của hạnh phúc và bất hạnh là nền tảng nhất và rõ ràng nhất. Chúng ta còn vô số thứ có tính chất hai mặt kiểu như vậy: Tính hai mặt của yêu và ghét, sống và chết, ngày và đêm, mùa hè và mùa đông, trẻ và già, v. V. Và v. V. Về cơ bản, con người luôn bị giằng xé giữa hạnh phúc và khổ đau, bị đẩy vào hai thái cực khác nhau của cảm xúc, không thể tìm được trạng thái cân bằng. Theo Phật giáo, con người mắc chứng tâm bệnh. Tâm bệnh này là cố tật, hay có thể vượt qua? Câu hỏi nền tảng và quan trọng nhất được đặt ra: Hạnh phúc thực sự là gì? Chắc chắn hạnh phúc mà chúng ta biết không phải là đích thực, nó chỉ là một giấc mơ và luôn luôn có thể ra đi. Có cái gì đó rất giống hạnh phúc ở thời điểm này thì bỗng dưng hóa thành bất hạnh ở thời điểm khác. Hạnh phúc hóa thành bất hạnh: Đó là hai mặt của một vấn đề, như hai mặt của một đồng xu. Nếu bạn đang ở phía bên này, hẳn là mặt bên kia đang ẩn náu và chờ cơ hội để xuất hiện. Khi bạn hạnh phúc, thâm tâm bạn đang che giấu một nỗi lo sợ mất mát, sớm hay muộn gì hạnh phúc cũng tuột khỏi tay bạn, rằng đêm tối thất vọng lại đến, rằng ánh sáng tốt đẹp chỉ là ảo giác; nó không thể giúp bạn lấy lại được hy vọng bình an. Hạnh phúc của chúng ta không phải đích thực đơn giản vì luôn có nỗi đau khổ chìm khuất phía sau. Tình yêu mà chúng ta tưởng mình đang có vẫn không phải đích thực vì chiếc mặt nạ của hận thù luôn ẩn chìm đâu đó. Lòng thương của chúng ta chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta vẫn còn nổi giận – cho dù được nuôi dưỡng, được giáo dục một cách cẩn trọng.. thì tình thương của bạn vẫn không hơn gì cơn giận. Tâm hồn nhạy cảm của bạn không thực sự nhạy cảm mà nó chỉ là một thứ bài tập của lý trí. Hãy nhớ rằng: Toàn bộ loài người được khuyến đụ rằng đức hạnh là thứ có thể luyện tập, cái tốt đẹp cũng do luyện tập, rằng con người có thể học cách hạnh phúc, có thể làm chủ được hạnh phúc, rằng nhờ quyền lực mà con người sẽ tạo nên một kiểu tính cách mang lại hạnh phúc. Điều này hoàn toàn sai lầm. Bạn hãy hiểu rằng hạnh phúc là thứ không bao giờ do luyện tập mà có. Nó không phải do bạn tạo ra. Những gì bạn tạo ra bao giờ cũng nhỏ hơn, ít hơn bạn, nó không thể lớn hơn chính bạn. Một bức tranh không thể lớn hơn họa sĩ và một bài thơ không thể lớn hơn chính nhà thơ. Bài hát của bạn sẽ nhỏ hơn chính bạn. Nếu thực hành tìm kiếm hạnh phúc, bạn sẽ luôn quay lại điểm xuất phát một cách ngây ngô bởi đó vẫn là chuyến phiêu lưu của lòng tự kỷ với một tâm trí hỗn loạn. Với một tâm trí như vậy, bạn không thể tạo ra sự hài hòa, không thể tạo ra lòng biết ơn. Lòng biết ơn luôn nằm ở phía bên kia, nó là một món quà dành cho người có đức tin lớn lao vào sự buông bỏ hoàn toàn. Chỉ ở nấc thang cao vời đó, hạnh phúc mới thực sự xuất hiện. Chúng ta được giáo dục là phải cố gắng chiến thắng, cố đạt được ước mơ. Tâm trí chúng ta được nuôi dưỡng bằng ý tưởng nhất định phải là người thành đạt. Nền giáo dục, văn hóa, tôn giáo của chúng ta, tất cả đều đựa vào ý tưởng cơ bản rằng con người cần phải có tham vọng, và chỉ những người tham vọng mới có thể thành công. Nhưng đó là điều không bao giờ xảy ra, nó sẽ không bao giờ xảy ra, và thật ngớ ngẩn nếu chúng ta cứ tin như vậy. Một người luôn tham vọng không bao giờ có thể hạnh phúc; và trên thực tế, người tham vọng mới là kẻ đau khổ nhất thế giới. Thế mà chúng ta dạy dỗ trẻ em rằng: "Phải xếp thứ nhất, phải đứng đầu, chỉ như thế con mới hạnh phúc". Bạn đã từng thấy ai đó đứng đầu và hạnh phúc chưa? Alexander Đại đế (5) có hạnh phúc khi ông ta thống lĩnh toàn thế giới không? Ông ta là một trong những người bất hạnh nhất sống trên trái đất này. Nhìn niềm vui của Diogenes, ngài Đại đế bỗng ganh tị – ngài ganh tị với một kẻ ăn xin? Diogenes là người ăn xin; ông ta chẳng có gì, kể cả cái bình bát. Đức Phật ít ra còn có được chiếc bình và ba cái áo choàng. Diogenes hoàn toàn không có gì. Trước kia thì ông cũng có một cái bình và một ngày ông đến bờ sông với chiếc bình ăn xin ấy. Khát nước giữa lúc trời nóng bức, ông muốn uống nước. Trên đường, ông nhìn thấy dòng sông nhỏ và một con chó chạy qua trước mắt ông. Nó vừa chạy, vừa thở và nhảy ùm xuống nước, tắm mát và vùng vẫy thỏa thích. Một ý nghĩ nảy lên trong đầu Diogenes: "Con chó này tự do hơn ta – nó còn không có cả cái bình bát ăn xin. Nó sống được như vậy, sao ta không làm được? Cái bình này là vật sở hữu duy nhất của ta, lúc nào ta cũng lo nó bị đánh cắp. Thậm chí, đêm đêm ta cũng phải thức dậy đến vài lần để xem cái bình còn ở đó không". Nghĩ vậy, ông ném chiếc bình bát xuống sông, cúi chào con chó và cảm ơn nó đã mang đến cho ông một thông điệp lớn lao: Thoát khổ. Con người hoàn toàn trắng tay đó lại khiến cho Alexander ganh tị. Ngài Đại đế thật đáng thương làm sao. Ông ta thú nhận: "Nếu Thượng Đế cho ta được sống lại một lần nữa, ta sẽ bảo Người:" Xin đừng cho con làm Alexander – mà hãy biến con thành Diogenes ". Diogenes cười nhạo và gọi con chó – lúc này họ đã là một đôi bạn thân và sống quấn quít bên nhau – ông nói:" Nhìn kìa, và nghe thử xem, Ngài Đại đế đang nói ngớ ngẩn cái gì vậy chứ? Kiếp sau ngài muốn làm Diogenes! Tại sao lại là kiếp sau? Tại sao phải trì hoãn? Ai có thể biết được kiếp sau? Thậm chí ngày mai còn không chắc chắn, phút sau còn không chắc chắn, nói chi đến kiếp sau. Nếu ngài thực sự muốn làm Diogenes, hãy trở thành Diogenes ngay tại đây, lúc này. Hãy vứt bỏ quần áo xuống dòng sông và quên mọi chuyện thống lĩnh thế giới đi. Đó là một sự ngớ ngẩn khủng khiếp và ngài biết rõ điều đó. Và ngài phải thú nhận rằng ngài đã đau khổ, ngài phải thú nhận rằng Diogenes đang thực sự an lạc hơn. Vậy tại sao không trở thành Diogenes ngay đi? Hãy nằm xuống dòng sông nơi ta đang tắm mát. Dòng sông này đủ lớn cho tất cả chúng ta ". Dĩ nhiên Alexander không thể nhận lời Diogenes. Ông nói:" Cảm ơn ngươi đã có lời mời ta. Bây giờ ta không thể làm điều đó, nhưng kiếp sau thì có thể.. ". Diogenes hỏi Alexander:" Ngài đang đi đâu vậy? Ngài sẽ làm gì sau khi thống trị toàn thế giới? ". Alexander trả lời: Sau đó ta sẽ nghỉ ngơi. Diogenes nói:" Nghe có vẻ vô lý nhỉ. Còn ta lại được nghỉ ngơi ngay lúc này ". Alexander có hạnh phúc không, Adolf Hitler hạnh phúc không, Rockefeller và Carnegie – những người quyền lực nhất, giàu có nhất thế giới ấy – có hạnh phúc không? Chỉ cần nhìn những người thành công trên thế giới, bạn sẽ quên đi ý tưởng thế nào là thành công. Không có gì khiến người ta thất bại như thành công. Cho dù bạn có nói rằng không có gì thành tựu bằng những thành công, tôi vẫn nói với bạn rằng không có gì giống với thất bại như sự thành công. Hạnh phúc chẳng có gì gắn với sự thành công. Hạnh phúc không đi đôi với mong muốn, tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Hạnh phúc nằm ở một chiều kích hoàn toàn khác. Hạnh phúc thuộc về ý thức của bạn, chứ không phải là tính cách. Hãy nhớ: Tính cách không phải là bản chất của bạn, nó là cái bạn học hỏi được. Bạn có thể trở thành thánh nhưng vẫn không thể hạnh phúc nếu cái phần thánh hóa ấy chỉ do luyện tập mà có. Đó là cách mà con người trở thành thánh nhân ở cuộc đời này. Những tín đồ Công giáo, Jain giáo, Ấn Độ giáo – làm thế nào họ trở thành thánh được? Họ luyện tập từng chút một, từng chi tiết một, thức khuya dậy sớm, ăn kiêng và đi ngủ theo giờ.. Không phải tính cách mà là ý thức Tôi không tin tính cách con người là tất cả. Niềm tin của tôi nằm ở ý thức. Nếu một người trở nên có ý thức hơn, đương nhiên tính cách anh ta sẽ thay đổi. Sự chuyển biến của ý thức tôi muốn nói ở đây không phải do bộ óc điều khiển mà là sự chuyển biến từ bên trong. Khi nào tính cách của bạn phát triển một cách tự nguyện và tự nhiên, nó sẽ phát ra một vẻ đẹp bí ẩn riêng. Nói cách khác, bạn luôn ở trong thế chuyển hóa. Bạn có thể bớt đi sự tức giận, nhưng bạn sẽ làm dịu đi cơn cuồng nộ của mình ở chỗ nào? Bạn sẽ phải tiêu trừ nó trong cõi vô thức của bạn. Bạn sẽ bước sang một phía khác trong đời mình, song bất cứ điều gì bạn vứt bỏ đi cũng sẽ bắt đầu hành trình của chúng ở một góc độ khác. Chắc chắn là như thế. Khi bạn chặn đứng dòng suối bằng một tảng đá, dòng suối ấy sẽ tìm cách chảy về phía nào đó mà bạn không thể hủy diệt được. Cơn tức giận vẫn ở đó, lòng tham vẫn còn đó, tính ích kỷ và đố kỵ vẫn còn đó bởi vì bạn vẫn chưa ý thức sâu sắc tất cả những vấn đề này. Vì vậy, tôi không quan tâm đến việc bạn còn tức giận hay không; giống như việc xén đi những chiếc lá từ cái cây và hy vọng một ngày nào đó cái cây sẽ biến mất. Nó sẽ không bao giờ biến mất đâu, ngược lại, càng tỉa tót thì lá càng lên xanh. Vậy nên những con người mà bạn xưng tụng là thánh đôi khi lại là những người-không-thánh nhất trên thế giới này; họ chỉ là những kẻ đạo đức giả. Vâng, nhìn bên ngoài, họ có vẻ là những bậc thánh – rất thánh thiện, rất ngọt ngào một cách bệnh hoạn. Bạn sẽ ngưỡng mộ họ và chấm hết. Làm gì có chuyện bạn sẽ sống bên cạnh họ được một ngày – họ sẽ làm phiền bạn đến chết mất. Càng gần gũi họ, bạn càng bị rối loạn, mờ mịt, nhầm lẫn, vì bạn sẽ chứng kiến sự sân si của họ ở một góc nhìn khác. Người bình thường đôi khi cũng bực tức; nhưng cơn nóng giận của họ chỉ thoáng qua thôi. Rồi họ lại cười nói, thân thiện; họ không bị tổn thương quá lâu. Nhưng những vị thánh giả mạo kia thì khác, họ không thể nguôi giận dữ. Họ thường xuyên giận dữ. Họ kìm nén nó nhiều đến nỗi chuyện gì cũng có thể làm họ tức giận. Mắt họ nhìn thấy nó, mũi họ ngửi thấy nó, bất cứ lúc nào, bất cứ điều gì cũng làm họ thấy bực bội. Lu Ting thường dùng bữa tại một nhà hàng Hy Lạp vì ông chủ Papadopoulos làm món" fried rice "(cơm chiên) rất ngon. Mỗi chiều Lu Ting đến và gọi món" flied lice "(đám chấy rận). Chuyện này khiến Papadopoulos cười nắc nẻ. Đôi khi ông gọi hai ba người bạn của mình đến chơi chỉ để nghe Lu Ting gọi món" flied lice ". Rốt cuộc, lòng tự ái của người Trung Quốc bị tổn thương, Lu Ting cố gắng học cách nói từ" fried rice "một cách chính xác. Lần sau, Lu Ting đến nhà hàng và nói:" Fried rice ". Không thể tin vào tai mình, Papadopoulos hỏi:" Ông vừa nói gì? " Lu Ting liền hét lên:" Ông không nghe tôi nói gì sao, Gleek plick (đồ bịp bợm hay châm chọc) ? ". Chẳng có gì khác nhau lắm giữa cái từ" flied lice "và" Gleek plick ". Bạn đóng cánh cửa này và ngay sau đó lại mở ra một cánh cửa khác. Như vậy đâu phải là chuyển hóa. Thay đổi tính cách thì dễ, nhưng điều quan trọng là sự thay đổi từ trong ý thức, trong sự chuyển biến của ý thức – nghĩa là ý thức của bạn trở nên mãnh liệt và dữ dội hơn. Ý thức giúp bạn vượt qua cơn tức giận, sự tham lam, ích kỷ và ham muốn. Khi tất cả những tâm trạng tiêu cực không còn nữa thì nguồn năng lượng tạo nên chúng sẽ hoàn toàn tiêu biến, và thay vào đó niềm an lạc vĩnh cửu sẽ tràn ngập trong ta. Niềm an lạc đó không đến từ bên ngoài mà nó xuất phát từ bên trong – từ những chuyển hóa trong sâu thẳm cõi tâm linh. Khi thực sự sống trong an vui và tĩnh lặng, chính bạn sẽ trở thành một trường lực hấp dẫn đặc biệt. Trường lực hấp dẫn này xuất hiện khi nguồn năng lượng bấy lâu đã bị lãng phí một cách không cần thiết cho những nhận thức tù túng, chật hẹp của bản thân bạn không còn nữa. Khi ấy, trong bạn sẽ tràn trề một nguồn năng lượng mới mẻ, bạn có thể chạm đến các vì sao, vươn tới một thế giới bạn chưa từng biết đến, và bắt đầu bước vào vùng đất của niềm vui và sự bình an vĩnh cửu. Cuộc hội ngộ của ý thức với miền không gian mới lạ kia là một niềm vui, một hạnh phúc đích thực. Bạn sẽ có một hạnh phúc trọn vẹn vì khi ấy bạn không hề biết đến đau khổ. Bạn sẽ không biết đến sự chết vì khi ấy bạn đang sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc của cuộc đời. Bạn sẽ không sợ bóng tối, vì bạn đã ở trong một ánh sáng thuần khiết. Đó là toàn bộ mục đích đời bạn. Đức Thích Ca đã tìm kiếm điều này và sau 6 năm nỗ lực tu tập, Ngài đã đạt được nó. Bạn cũng có thể đạt tới trạng thái an lạc đích thực đó. Khi nói như vậy, tôi không hề muốn bạn mơ mộng hão huyền về một sự giác ngộ nào. Tôi chỉ đưa ra một sự thật: Nếu bạn muốn sở hữu một năng lượng to lớn, không dễ hoảng loạn vì bất kỳ sự cố nào trong đời thì chắc chắn bạn sẽ đạt được. Chúng ta sẽ gọi đó là niềm an lạc thực sự hơn là niềm hạnh phúc trong giây lát, bởi lẽ cái từ hạnh phúc sẽ khiến bạn nghĩ ngay đến cái khái niệm hạnh phúc xưa nay đã ăn sâu trong tâm trí bạn. Thực sự không phải như thế. Cái mà bạn tưởng là hạnh phúc chỉ là tương đối. Nhưng hạnh phúc mà Đức Phật nói đến lại tuyệt đối. Hạnh phúc của bạn là một tình trạng tương đối. Hạnh phúc của Đức Phật là tuyệt đối, không liên hệ với bất kỳ ai khác. Hạnh phúc thật sự nằm sâu trong tâm hồn bạn không chút sẻ chia, so sánh. Đuổi bắt cầu vồng Người Mỹ cho rằng mưu cầu hạnh phúc là đặc quyền cơ bản của con người. Như vậy, con người hầu như không có ý tưởng nào khác ngoài việc theo đuổi khát vọng được hạnh phúc. Nếu theo đuổi hạnh phúc là đặc quyền cơ bản của nhân loại thì sẽ ra sao nếu con người không thể có hạnh phúc? Những người suốt đời chỉ theo đuổi hạnh phúc liệu có biết rằng hạnh phúc nào cũng đi đôi với nỗi bất hạnh thầm kín? Tôi nói quan niệm trên là không thực tế vì không ai có thể theo đuổi được hạnh phúc. Nếu bạn xem hạnh phúc là một cái gì đó chắc chắn, bạn sẽ không thể đạt được nó. Hạnh phúc là một quá trình; nó chưa bao giờ là kết quả của một sự theo đuổi. Nó xuất hiện thậm chí ngay cả khi bạn không nghĩ gì về nó – như thế làm sao có thể nói là theo đuổi? Hạnh phúc xuất hiện bất ngờ, và ở bất kỳ đâu. Một ngày nào đó, bạn có thể đi đốn củi – tất nhiên đốn củi không phải là hạnh phúc, nhưng bạn hãy nghĩ xem, một buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời vẫn chưa lên, hơi lạnh còn lan tỏa khắp không gian, tiếng bổ củi đều đều, những mảnh cây nhỏ văng ra khắp nơi, đánh động khu rừng nhỏ và để lại những âm vang.. Bạn bắt đầu đổ mồ hôi, và hơi lạnh khiến bạn cảm thấy lạnh hơn. Bỗng dưng bạn cảm thấy hạnh phúc, nó đến một cách bất ngờ như một niềm vui tuôn trào. Nhưng khi đó bạn chỉ đơn giản là đi đốn gỗ – mà đốn gỗ hình như chẳng liên quan gì đến việc theo đuổi hạnh phúc. " Tôi không thể quên một ngày.. ". Có một cái gì đó thật phi logic và không hề thích hợp nhưng lại khiến bạn nhớ. Bạn không thể hiểu lý do gì chúng lại xuất hiện trong trí nhớ của bạn trong khi hàng tỷ thứ quan trọng hơn, ý nghĩa hơn lại hầu như biến mất. Những gì không quan trọng vẫn để lại một dấu vết, bạn không thể hiểu nổi tại sao chúng cứ tồn tại ở đó. Tôi nhớ một câu chuyện như thế này. Một hôm, tôi đi từ trường về nhà – trường cách nhà tôi khoảng một dặm – thì tôi thấy một cây bồ đề mọc khoảng giữa đường đi. Bình thường tôi đi qua cây bồ đề ít nhất bốn lần trong ngày: Một lần đi đến trường, một lần về nhà ăn trưa, một lần đi học chiều và một lần trở về nhà. Tôi đi qua cái cây ấy cả nghìn lần, nhưng chỉ có một lần tôi thực sự thấy nó. Hôm ấy trời rất nóng. Khi đến gần cây bồ đề, tôi toát cả mồ hôi. Tôi đứng dưới tán cây và cảm giác mát lạnh đến nỗi không muốn bước đi nữa mà không hiểu tại sao. Chỉ đơn giản là đứng cạnh một bóng cây to, ngồi xuống và cảm nhận về cái cây kỳ lạ ấy. Tôi không thể giải thích điều gì đã xảy ra nhưng thực sự tôi cảm thấy hạnh phúc quá đỗi như thể có một điều bí ẩn vừa được hé mở giữa lòng tôi và cái cây kia. Bóng mát của nó chẳng phải là nguyên nhân vì đâu phải chỉ có một lần tôi bị toát mồ hôi và đi dưới những tán cây xanh râm mát. Đường như trước đây cũng có lần tôi dừng lại như thế, nhưng chưa bao giờ tôi chạm vào gốc cây và ngồi đó như thể gặp lại một người bạn cũ. Khoảnh khắc đó vẫn đọng mãi trong tôi như tia sáng của một vì sao. Đời người có bao nhiêu chuyện xảy ra, vậy mà tôi chưa từng gặp một sự kiện nhỏ nào nhưng lại sống lâu trong lòng tôi đến thế. Bất kể lúc nào quay lại, tôi cũng thấy cây bồ đề năm xưa. Hôm đó tôi thực sự không hiểu; bây giờ tôi cũng không rõ nhưng tôi biết chắc chắn có một cái gì đó đã xảy ra. Từ bấy đến giờ, tôi xem cây bồ đề xa lạ ấy như một người thân yêu của mình và gắn bó với nó hơn hết thảy điều gì khác. Lệ thường, khi đi qua cây bồ đề, thể nào tôi cũng ngồi xuống dưới gốc cây ít phút chỉ để cảm nhận về cây. Dường như một sợi dây nào đó đã nối kết chúng tôi. Một ngày kia, tôi rời trường và chuyển đến một thành phố khác để vào đại học, tôi từ giã bố mẹ, chú bác và cả gia đình mình mà không rơi nước mắt. Tôi không phải là người dễ khóc. Thế nhưng phải xa rời cội bồ đề, tôi đã khóc. Nó còn lại trong tôi như một tia sáng nhỏ nhoi. Khi tôi khóc, tôi có cảm giác cây cũng khóc với mình mặc dù tôi không thể thấy được giọt nước mắt chảy từ đôi mắt của cây. Tôi cảm giác được nỗi buồn khi tay chạm vào cây, và tôi như nghe được lời chúc phúc tạm biệt. Đó là lần gặp cuối cùng, vì khi tôi quay trở lại vào năm sau, cây bồ đề đã bị đốn ngã và chuyển đi vì một lý do ngớ ngẩn. Chẳng là người ta muốn xây một tượng đài nhỏ để biến khu vực này thành một điểm đẹp nhất giữa thành phố. Tượng đài xây lên để tưởng niệm một gã ngốc nghếch giàu có nào đó đã thắng cử và trở thành thị trưởng thành phố. Ông ta 35 tuổi, cái tuổi đúng quy định để được làm thị trưởng ở cái thành phố này. Mọi người rất vui mừng khi có vị thị trưởng mới bởi với một người ngốc nghếch đến mức như thế, bạn có thể làm đủ mọi chuyện mà không hề bị can thiệp chút nào. Bạn có thể xây nhà ở giữa đường phố, ông ta cũng chẳng có ý kiến, chỉ cần bạn bầu cho ông ta lên chức thị trưởng. Vậy nên cả thành phố hết sức sung sướng vì hết thảy đều được tự do. Các thành viên trong hội đồng đều hân hoan khi ông ta được làm thị trưởng. Mọi người đều muốn ông cứ mãi mãi làm vị thị trưởng đáng kính của thành phố. May thay, ngài thị trưởng ngốc nghếch lại qua đời. Nhưng tiếc thay, cũng vì thế mà người ta lại chọn đúng nơi có cây bồ đề để xây đựng đài tưởng niệm ông. Thế là cây bồ đề bị đốn ngã. Những tảng đá cẩm thạch đã thay cho một cái cây tỏa bóng xum xuê. Theo đuổi hạnh phúc là điều không thể. Nếu nhìn vào kinh nghiệm của mình và tìm lấy một phút giây hạnh phúc – có vẻ như rất hiếm hoi – thì chắc rằng bạn chỉ thật sự hạnh phúc vào đôi ba lần nào đấy trong cuộc đời. Kể cả khi niềm hạnh phúc ngắn ngủi xuất hiện thì cũng không có ngoại lệ: Rằng hạnh phúc đến khi bạn không tìm kiếm nó. Cố tìm kiếm hạnh phúc chỉ khiến cho bạn càng thêm tiếc nuối. Tôi không đồng ý với Đức Jesus ở nhiều điểm. Phải chăng tôi là người không tốt? Ngài dạy rằng:" Tìm thì sẽ thấy. Hỏi sẽ được trả lời. Gõ cửa, cửa sẽ mở ". Tôi không nghĩ thế. Người Mỹ khi cho rằng" mưu cầu hạnh phúc ", dù là ý thức hay vô thức, họ đã nhớ đến thông điệp của Chúa:" Tìm sẽ gặp ". Nhưng tôi nói:" Nếu tìm, bạn sẽ không bao giờ gặp ". Đừng tìm, nó vẫn còn ở đó. Chừng nào đừng việc tìm kiếm hạnh phúc lại, khi ấy bạn mới có hạnh phúc – bởi lẽ tìm kiếm đồng nghĩa với sự căng thẳng, còn không thiết tha mưu cầu đồng nghĩa với sự nghỉ ngơi. Hạnh phúc chỉ thực sự đến khi nào bạn được nghỉ ngơi. Một người cứ mãi đòi hỏi kiếm tìm làm sao có thể được thảnh thơi! Anh ta đâu có cố nghỉ ngơi. Bạn sẽ ngạc nhiên nếu nhìn kỹ cuộc sống quanh bạn: Chính những người nghèo khó lại dễ hài lòng với cuộc sống hơn. Người dân Ethiopia chết đói mà không chút cay đắng hay oán hận. Phần lớn những người luôn bất an đau khổ lại là những người Mỹ. Thật kỳ lạ. Ở nước Mỹ, mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người. Nó chẳng có liên quan đến bất kỳ một lề luật nào trên thế giới. Theo đuổi hạnh phúc là một sự rồ dại vì chẳng bao giờ người ta có thể thành công. Càng cố gắng, càng giãy giụa người ta càng bất hạnh và đau khổ. Hạnh phúc là cái đang diễn ra. Bạn không quản lý nó, không tạo ra nó, không sắp xếp nó. Hạnh phúc nằm ngoài những nỗ lực của bạn. Ngay khi đào một cái hố trong vườn, nếu bạn hoàn toàn bị thu hút vào việc ấy – bạn tập trung đến độ bỏ quên cả thế giới xung quanh và cả bản thân bạn – thì chính khi đó, hạnh phúc hiện diện. Hạnh phúc luôn đi cùng chúng ta. Nó không phải là chuyện thời tiết, chuyện đốn gỗ hay đào hố trong vườn. Làm một cái gì đó không phải là hạnh phúc. Đừng trông đợi, hãy nghỉ ngơi, thưởng thức sự tồn tại của mình, bạn sẽ thấy hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy không đến không đi. Nó luôn ở đó, như hơi thở lưu thông, như mạch máu tuần hoàn trong cơ thể bạn. Nếu cứ khăng khăng đi tìm hạnh phúc, bạn sẽ đánh mất nó. Nỗi bất hạnh là người bạn đồng hành của sự đeo bám. Càng đeo đuổi một mục tiêu nào đó, bạn càng dễ rơi vào nỗi bất hạnh. Con người đã chạy theo tiền bạc, quyền lực và tôn giáo một cách liều lĩnh. Họ đi khắp thế giới để tìm cho được ai đó dạy cho họ thế nào là hạnh phúc. Điều quan trọng nhất là hãy trở về và quên mọi thứ đi. Nếu thích vẽ, bạn không cần phải đi học vẽ; hãy tưới màu sắc lên bức vải trước mặt. Đứa trẻ nào cũng có thể làm được điều đó. Hãy tô màu lên bức vải, có thể bạn sẽ ngạc nhiên: Ồ, mình có phải là họa sĩ đâu, vậy mà có một cái gì đẹp đẽ đang hiện ra trước mắt. Màu sắc hòa trộn vào nhau theo một cách nào đó đã tạo ra một sản phẩm không thể gọi tên. Những tác phẩm hội họa hiện đại thường không có tên; thậm chí nhiều bức tranh còn không có cả khung nữa (bởi lẽ cuộc sống rộng lớn làm gì có kích cỡ). Hãy nhìn qua cửa sổ, bạn sẽ thấy bầu trời dường như bị đóng khung, nhưng bầu trời mênh mông kia sao có thể đóng khung được. Người họa sĩ thậm chí không cần vẽ lên bức vải mà vật liệu của anh ta là vô số thứ: Bức tường, nền nhà, trần nhà. Đó là những bức tranh kỳ lạ, song từ đó tôi có thể nhìn được bên trong tâm hồn người nghệ sĩ. Họ không quan tâm đến việc làm ra một bức tranh; họ chỉ quan tâm đến hành động vẽ tranh. Nó đâu phải để bán. Người ta không thể mua cái trần nhà. Trong khi người họa sĩ chú tâm từng nét vẽ, một cái gì đó đã âm thầm đi vào sự sống của họ, khiến họ hứng thú cao độ mà không có lý do nào cụ thể. Bạn đã hiểu vì sao tôi lại không thích ý tưởng theo đuổi hạnh phúc rồi chứ. Người nào đã đề xuất cái ý tưởng" theo đuổi hạnh phúc ", người ấy đích thực là một kẻ đau khổ. Anh ta không bao giờ biết đến hạnh phúc. Anh ta chỉ theo đuổi nó. Nijinsky (6), một trong những nghệ sĩ múa lừng danh nhất thế giới, một" người-múa "vĩ đại mà tạo hóa đã sinh ra. Khi múa Nijinsky là một vị thần. Ông từng có những động tác nhảy tuyệt diệu như trong huyền thoại, đến nỗi người ta có cảm giác ông thoát khỏi sức hút của trái đất. Những vận động viên tham gia thi nhảy xa trong kỳ thế vận hội không thể so sánh với Nijinsky. Nhưng điều thần kỳ hơn nữa là cách ông rơi xuống mặt đất: Như một chiếc lá – chậm rãi, nhẹ nhàng. Dường như chẳng có quy luật khoa học nào của vũ trụ có thể ảnh hưởng đến những bước nhảy của người nghệ sĩ huyền thoại đó. Cách chạm đất của Nijinsky bình dị, không vội vã, bởi chẳng có gì để ông cố bám lấy cả. Một chiếc lá rơi khỏi cành còn nhanh hơn bước chân của Nijinsky. Ông rơi như một chiếc lông chim, không một tiếng động. Người ta hỏi đi hỏi lại: Sao ông có thể làm được như thế? Nijinsky trả lời: Tôi có làm gì đâu. Nếu gắng gượng làm, tôi chẳng bao giờ thành công. Càng cố gắng bao nhiêu, tôi càng thất bại bấy nhiêu. Tôi nghiệm ra một điều: Điều kỳ lạ chỉ xảy ra khi tôi không cố gắng, không nghĩ nhiều về nó. Khi tôi" vắng mặt "thì điều kỳ lạ đến. Còn khi tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao nó diễn ra thì ngay lập tức điều kỳ điệu không còn nữa; tất cả đã ra đi, và tôi trở lại mặt đất. Giờ đây, Nijinsky đã biết rõ hạnh phúc là cái không thể theo đuổi. Nếu cần phải chia sẻ với nhân loại, hẳn người nghệ sĩ hiền minh ấy sẽ viết rằng:" Chính sự theo đuổi mới là cội nguồn đau khổ ". Sống hạnh phúc không giống như cuộc săn tìm của một gã thợ săn. Chúng ta thường kiếm tìm những chiếc bóng và chẳng bao giờ đến được bất kỳ nơi đâu. Và toàn bộ cuộc đời chúng ta bị bỏ phí. Dù sống ở môi trường nào – chính trị, thương mại hay tôn giáo – con người đều liên tục đuổi theo những chiếc bóng nào đó. Họ tất bật, vội vã. Không ai hỏi họ đi đâu, vì cũng không ai rõ được. Chỉ một điều chắc chắn là họ phải xoay như chong chóng để tồn tại, để làm chủ một mục tiêu nào đó. Họ làm như thế vì họ cho rằng đó là quyền cơ bản của mình. Vậy đó, người ta đi từ người phụ nữ này đến người phụ nữ khác, rồi một đến một phụ nữ khác nữa; hay đi từ người đàn ông này đến người đàn ông khác, lại đến người đàn ông khác nữa, hết phi vụ này đến phi vụ khác – tất cả chỉ nhắm đến mục đích hạnh phúc. Kỳ lạ thay, có vẻ như hạnh phúc luôn ở một nơi nào đó và con người cần phải chạy đến thưởng thức nó. Nhưng ta càng cố gắng thì hạnh phúc càng lùi xa. Cỏ ở đồi bên kia luôn xanh hơn; bạn đừng nhảy sang ngọn đồi đó chỉ để xem có thật sự như vậy không. Hãy thưởng thức! Nếu cỏ bên kia xanh hơn, hãy ngắm nó đi. Tại sao lại hủy diệt mọi thứ bằng cách nhảy sang một ngọn đồi khác và nhận ra rằng cỏ ở đấy chẳng hề xanh hơn ngọn đồi của bạn tí nào. Con người cứ mãi đeo đuổi những ảo tưởng xa vời như thể nó sẽ bù đắp cho họ những gì đã mất. Cuộc đuổi bắt ấy chẳng giải quyết được gì. Bạn có thể sống trong một tòa nhà tráng lệ mà vẫn khổ đau hơn cả khi bạn trú ngụ trong một túp lều tồi tàn. Nếu bạn cảm thấy đau khổ khi sống trong một túp lều rách rưới cũ kỹ thì ai cũng có thể cảm thông. Họ sẵn sàng lắng nghe bạn than phiền, kể lể. Mọi người đều hy vọng bạn sẽ tìm được một nơi trú ngụ tốt hơn, nếu không phải là một tòa nhà sang trọng thì cũng là một ngôi nhà nhỏ bé, đẹp đẽ. Niềm hy vọng ấy sẽ giữ cho bạn sống, thúc đẩy bạn cố gắng hết ngày này sang ngày khác. Nhưng có một cái gì đó không thể tựu thành, một thứ mà nó chỉ xảy ra khi bạn hoàn tất mọi điều. Đơn giản là bạn cứ ngồi xuống và nói:" Thế là đủ. Tôi sẽ không cố gắng nữa ". Điều này đã xảy ra với Đức Thích Ca trong giây phút giác ngộ viên mãn. Chính Ngài cũng đã theo đuổi mục đích của mình mà bỏ cả ngai vàng. Ngài là người khai sáng nhiều thứ, cũng là người đầu tiên buông bỏ nhiều thứ. Muốn rời bỏ một điều gì đó, trước hết bạn phải sở hữu nó. Đức Phật đã có và có nhiều hơn bất kỳ con người nào trên thế gian này. Ngài được nhiều cung nữ xinh đẹp vây quanh, ngày ngày được hưởng sơn hào hải vị, sống giữa hàng trăm nô lệ và ngự giữa những vườn thượng uyển lộng lẫy. Đức Phật nói:" Ta đã từ bỏ tất cả. Ta không tìm kiếm hạnh phúc nào ở thế gian. Ta sẽ tìm kiếm nó, theo đuổi nó, làm mọi thứ để có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự ". Trong sáu năm, Ngài đã làm những gì mà bất cứ ai cũng có thể làm. Ngài đi gặp những bậc thầy, những bậc đại sư, nhà thông thái, nhà hiền triết, những vị thánh. Đất nước Ấn Độ có thừa những bậc đạo cao đức trọng đó, đến nỗi bạn không cần phải đi tìm họ. Chỉ cần ra ngõ, bạn đã có thể gặp được họ. Họ ở khắp mọi nơi, nếu bạn không thấy họ, họ sẽ tìm bạn. Thời của Đức Phật là như vậy. Thế nhưng, sau sáu năm ròng tu tập – khổ hạnh, ăn kiêng, luyện tập yoga – Ngài vẫn không tìm được hạnh phúc. Và chuyện xảy ra vào một ngày kia.. Suốt quãng thời gian tu hành, Đức Phật đang ăn kiêng, tu khổ hạnh và ép xác mỗi ngày, Ngài trở nên yếu ớt đến nỗi không thể xuống dòng sông nhỏ Niranjana để tắm. Nếu không vịn vào một gốc cây bên bờ sông, Ngài có thể bị trượt chân trôi theo dòng nước. Trong khi đang bám vào gốc cây, Ngài bỗng lóe lên một suy nghĩ:" Các hiền triết cho rằng tồn tại cũng giống như một đại dương. Nếu sự sống là đại dương, thì bất kỳ điều gì ta đã làm đều không đúng, bởi nếu ta không thể băng qua được con sông Niranjana bé nhỏ này thì làm sao có thể băng qua đại dương sự sống? Những gì ta đã làm là lãng phí thời gian, năng lượng và thể xác ". Cuối cùng, Ngài quyết định quay trở lại bờ, quyết định vứt bỏ mọi nỗ lực và ngồi xuống dưới một gốc cây. Buổi tối hôm đó, dưới ánh trăng lồng lộng mênh mang, lần đầu tiên trong sáu năm trời, Ngài được ngủ một giấc ngon lành, không phải lo âu mình sẽ đi đâu, làm gì vào sáng mai. Không tu luyện, không khổ hạnh, không cần phải dậy sớm trước khi mặt trời mọc. Đó là lần đầu tiên Ngài hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi cố gắng, tìm kiếm, theo đuổi. Ngài đã ngủ một giấc ngủ khác thường, và một buổi sáng khi mở mắt ra, ngôi sao cuối cùng đã tắt. Người ta cho rằng ngôi sao cuối cùng biến mất đồng nghĩa với sự biến mất của con người Tất Đạt Đa trước đó. Giờ đây Ngài đã thực sự sống trong sự an lạc, không còn lo lắng đến tương lai, không còn theo đuổi điều gì, không cố gắng làm một điều gì nữa.. Nằm xuống, không vội vã thức sớm, Ngài nhận ra rằng sáu năm qua giống như một cơn ác mộng. Nhưng tất cả đã qua đi. Ngôi sao đã biến mất, và thái tử Tất Đạt Đa cũng không còn hiện diện như một con người trần tục. Người ta gọi đó là kinh nghiệm an lạc, kinh nghiệm về sự thật cuối cùng mà chúng ta cứ mãi tìm kiếm và bỏ lỡ nó bao nhiêu lần. Nhiều Phật tử đã không thể hiểu nổi ý nghĩa của câu chuyện này. Đó là biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật mà không gì có thể so sánh được. Nhưng có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên lắm.. Tôi không phải là Phật tử, và tôi bất đồng với Ngài về cả nghìn việc. Song, tôi là người đầu tiên trong hai mươi lăm thế kỷ nhấn mạnh câu chuyện này và đưa nó thành vấn đề cốt yếu, bởi lẽ đó chính là giây phút thức tỉnh sâu sắc của Ngài. Nhiều Phật tử và tu sĩ Phật giáo không thể kể lại câu chuyện này, bởi vì nếu kể lại thì biết bao công sức khổ luyện của họ có ý nghĩa gì? Họ đang cố đạt tới điều gì? Họ đang rao giảng điều gì, thực hành và cầu nguyện cái gì? Nếu bạn kể lại câu chuyện rằng Đức Phật đã chấm dứt mọi nỗ lực tìm kiếm những giáo điều vô nghĩa thì người nghe sẽ hỏi bạn: Vậy, ông đang rao giảng cho tôi thực hành một thứ vô nghĩa hay sao? Và chúng ta sẽ phải chấm dứt việc rao giảng đó trong nay mai hay sao? Nếu cuối cùng chúng ta vẫn phải dừng lại thì tại sao lại bắt đầu nó làm gì? Đối với các tu sĩ, điều này thật khó trả lời; đặt câu hỏi như thế là hủy diệt toàn bộ sự nghiệp và công lao tu tập suốt một đời của họ. Sự thật và niềm an lạc của con người cũng giống như thế. Bạn chỉ cần ngồi xuống, không làm gì cả, chờ đợi – không phải chờ đợi Godot, mà chỉ đơn giản là chờ đợi, không phải vì một cái gì đặc biệt mà chỉ đơn giản là chờ đợi, ở tư thế chờ đợi, và điều gì đến sẽ đến. Hạnh phúc cuối cùng sẽ đến. Cội nguồn đau khổ Sống là khổ. Con người đã chìm dưới nỗi đau khổ hàng bao nhiêu thế kỷ. Rất hiếm khi bạn gặp một người không hề đau khổ. Đó là lý do tại sao người ta không thể tin có một người như Đức Phật tồn tại trên đời này. Họ không thể tin vì họ vẫn mãi sống trong nỗi khổ riêng. Họ vướng sâu vào nỗi khổ và không có cách nào thoát ra được. Người ta vẫn cho rằng Đức Phật là một nhân vật tưởng tượng, một người như Phật Thích Ca chỉ là một giấc mơ đẹp của nhân loại. Đó chính là điều mà Sigmund Freud nói, con người giống Đức Phật ở giấc mơ hoàn thiện. Chúng ta muốn thoát ra khỏi đau khổ, chúng ta muốn yên lặng, hòa bình, muốn tạ ơn.. nhưng không làm sao thực hiện được. Freud nói: Thật sự con người không nên hy vọng điều gì tốt đẹp hoàn hảo; nó không bao giờ xảy ra vì đó là bản chất tự nhiên của mọi sự vật. Con người không thể tìm thấy hạnh phúc. Chúng ta cần phải lắng nghe Freud một cách cẩn trọng và thấm thía, không nên phủ nhận hoàn toàn. Thông điệp của ông là một trong những tư tưởng được quan tâm nhiều nhất. Khi quả quyết rằng hạnh phúc là điều không thể có, Freud cũng đồng thời khẳng định niềm hy vọng về hạnh phúc cũng hão huyền không kém. Kết luận đó không phải của một nhà triết học mà của một người quan sát, chiêm nghiệm về nỗi đau khổ của con người. Freud không thuộc kiểu người bi quan. Nhưng sau khi tìm hiểu hàng ngàn số phận, phân tích sâu sắc tâm lý của họ, ông nhận ra rằng con người dù sống thế nào cũng đều chịu đựng đau khổ. Cùng lắm là chúng ta có cảm giác hài lòng chứ không bao giờ đạt tới niềm vui tối thượng. Cùng lắm là chúng ta có thể làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu hơn một chút – nhờ vào những phương tiện khoa học kỹ thuật, tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế, v. V. – nhưng lúc nào con người cũng sống trong nỗi đau khổ. Làm sao Freud tin vào sự hiện hữu của một người như Thích Ca ngoài đời thật? Sự thanh thản bình yên ấy của Đức Phật dường như chỉ là một giấc mơ; dường như nhân loại đang mơ về một cuộc sống Phật tính. Đối với Freud, sự tồn tại của một nhân vật như Phật Thích Ca là một ngoại lệ khác thường. Cuộc đời Ngài là một huyền thoại, nó nằm ngoài quy luật thế gian. Tại sao con người mãi đau khổ trong khi cái mà tất cả mọi người khát khao kiếm tìm là hạnh phúc. Không ai muốn mình khổ, nhưng ai cũng khổ. Ai ai cũng muốn được hạnh phúc, toại nguyện, bình an và yên tĩnh. Ai cũng muốn vui vẻ, hòa đồng. Nhưng hình như những điều ấy rất khó xảy ra. Giờ đây chúng ta biết rõ một nguyên nhân sâu xa mà những phân tích lô-gic của Freud không thể chạm tới. Chúng ta phải chú ý rằng: Con người muốn hạnh phúc, vì thế mà họ luôn giày vò mình trong đau khổ. Càng khát khao hạnh phúc bao nhiêu, chúng ta càng đau đớn bấy nhiêu. Điều này có vẻ vô lý nhưng nó lại là nguyên nhân sâu xa. Nếu nắm được vai trò của lý trí trong quá trình tư duy của con người, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn vấn đề này. Mong muốn hạnh phúc bao giờ cũng tạo ra đau khổ. Nếu muốn thoát ra khỏi đau khổ, tốt nhất chúng ta hãy thoát ra khỏi ước mong hạnh phúc, khi đó không gì có thể làm cho bạn đau khổ được. Đây là điểm mà Freud đã bỏ qua. Freud không thể hiểu rằng khát khao hạnh phúc là cội nguồn đau khổ. Thời khắc mà bạn mơ ước hạnh phúc chính là lúc bạn đang rời xa hiện tại, rời xa cuộc đời trước mắt để sống trong tương lai – nhưng tương lai là cái chưa có, chưa hiển hiện; nghĩa là bạn đang sống trong một giấc mơ không thật, và càng ngày càng dấn sâu thêm vào vòng xoáy sai lầm. Mong ước hạnh phúc chứng tỏ bạn không bình an trong hiện tại, chứng tỏ bạn đang có một nỗi khổ nào đó. Bạn muốn gửi nỗi khổ ấy vào nơi khác để không phải lo âu buồn bã. Đôi khi bạn cảm thấy đỡ ưu phiền nhưng hạt giống đau khổ vẫn còn nguyên trong bạn. Nó chỉ tạm thời rời khỏi bạn, nhưng mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi. Cũng như một đứa bé đang lớn lên, nó đang biến chuyển từng giây phút nhưng vẫn gương mặt ấy, dòng máu ấy. Giờ đây bạn đang bất hạnh. Mong muốn thiết tha của bạn là ngày mai sẽ được hạnh phúc, nhưng cái ngày mai ấy chỉ là những ước đoán của tất cả những gì bạn làm trong ngày hôm nay. Bạn đang bất hạnh, bạn mong ngày mai sẽ sung sướng hơn, và kết quả là bạn càng thêm bất hạnh. Thất bại này khiến bạn càng đói khát hạnh phúc, và dĩ nhiên là càng khổ sở hơn. Bạn rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn không sao thoát ra được, như con chó cứ muốn đuổi theo cái đuôi của mình. Các thiền sư đã dẫn ra câu chuyện về người đánh xe và con ngựa. Nếu con ngựa không chịu đi chuyển, người đánh xe càng điên lên và quật con ngựa tới tấp, nhưng càng bị quật nó càng đứng im. Bất kỳ điều gì bạn mơ ước, khao khát đều khiến bạn trở nên đau khổ hơn mà thôi. Vì thế, điều đầu tiên bạn cần làm là đừng mơ ước nữa. Chỉ có hiện tại là quan trọng nhất, cho dù hiện tại có như thế nào. Và theo đó, một thông điệp lớn lao đang chờ đợi bạn. Thông điệp ấy như sau: Tại đây, lúc này, không có ai đau khổ cả. Bạn đã có bao giờ khổ sở ngay tại đây, ngay lúc này không? Ngay tại khoảnh khắc này, tôi nhấn mạnh, có ai trong chúng ta thực sự đau khổ ngay lúc này không? Ngày hôm qua có thể là bất hạnh. Ngày mai có thể bất hạnh. Nhưng ngay lúc này – ngay khoảnh khắc phập phồng sống động của thực tại, không âu lo quá khứ, tương lai, bạn có đau khổ không? Ký ức có thể mang lại cho bạn nỗi đau khổ. Ai đó đã sỉ nhục bạn hôm qua, đến bây giờ bạn vẫn bị tổn thương, đau đớn. Tại sao, tại sao điều đó lại xảy ra với bạn? Tại sao người ta lại sỉ nhục bạn? Bạn đã làm nhiều điều tốt đẹp, đã sống rất tử tế, nhưng bị lăng mạ không thương tiếc. Bạn đang suy nghĩ về những điều không còn nữa. Nó là câu chuyện của ngày hôm qua. Bạn có thể đau khổ khi nghĩ tới tương lai. Ngày mai, bạn sẽ hết tiền, bạn sẽ ở đâu? Bạn sẽ ăn gì? Không còn tiền trong túi, bạn sẽ trở nên bất hạnh biết bao nhiêu. Bất hạnh là cái đến từ quá khứ hoặc tương lai, nó không thuộc về hiện tại. Hiện tại là cái không chứa đựng đau khổ. Nếu thấm nhuần suy nghĩ này, bạn sẽ trở thành một vị Phật. Không ai có thể cản trở con đường của bạn. Bạn sẽ quên hết mọi lời nói của Freud; hạnh phúc không chỉ là cái có thể xảy ra mà nó vẫn đang hiển hiện. Nó ở ngay trước mặt bạn nhưng bạn đã bỏ qua, đơn giản chỉ vì bạn đang đi tìm một con đường nào đó xa xôi. Hạnh phúc nằm ở chính nơi mà chúng ta đang sống. Chúng ta ở đâu, hạnh phúc xuất hiện ở đó. Hạnh phúc bao xung quanh ta một cách tự nhiên như không khí, như bầu trời. Hạnh phúc không phải là thứ phải đi tìm; nó là chất liệu của vũ trụ bao la. Hãy thưởng thức nguồn năng lượng tuyệt vời ấy. Bạn phải nhìn thẳng vào nó, đối điện trực tiếp với nó. Chỉ cần lơ đãng mong cầu hão huyền, bạn sẽ lập tức đánh mất nó. Chúng ta tự mình đánh mất hạnh phúc. Chúng ta bất hạnh vì đã tiếp cận sai hướng. Nếu khư khư nhìn vào quá khứ hoặc nghĩ về tương lai và cố gắng vượt qua đau khổ thì bạn chỉ chuốc lấy thất bại. Bạn không thể làm chủ được nó – cho dù bạn đã cố gắng nhiều đến đâu. Điều quan trọng nhất là bạn không thể tạo ra nỗi đau khổ ngay lúc này. Mong cầu hạnh phúc khiến bạn cứ mải mê nhìn ra chỗ khác và bỏ lỡ niềm hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc đâu phải là cái được tạo ra, hạnh phúc chỉ đơn giản là cái sẵn có. Nó luôn hiện diện trong hiện tại. Ngay lúc này, bạn hạnh phúc, thật sự rất hạnh phúc. Đức Phật cũng trải qua kinh nghiệm ấy. Ngài là con của một vị vua, Ngài có đủ mọi thứ mà vẫn không hạnh phúc. Ngài chỉ cảm thấy chồng chất khổ tâm, vì càng sở hữu nhiều thứ thì càng khó có được hạnh phúc thực sự. Đó là nỗi khổ của người giàu: Càng tích lũy nhiều của cải thì càng sợ mất. Những người nghèo luôn biết rõ việc họ làm: Họ phải kiếm tiền để sống, phải xây nhà, phải mua xe, phải có tiền cho con đi học đại học. Lúc nào họ cũng lo nghĩ công việc sắp tới. Họ bận rộn với tương lai và hy vọng:" Một ngày nào đó.. nhất định một ngày nào đó.. ". Họ khổ sở nhưng họ sống trong hy vọng. Những người giàu cũng khổ sở nhưng họ lại chẳng có gì để hy vọng. Họ đau khổ gấp đôi, tội nghiệp gấp đôi. Họ mong ngóng một tương lai nào đó mà cái tương lai ấy dường như cũng không mang lại cho họ điều gì, vì họ đã quá đầy đủ. Họ luôn sống trong lo lắng, nghi ngờ. Rồi họ trở nên đau đớn vô cùng. Phật Thích Ca đã từng sống một cuộc đời như thế. Từ giã mọi cao sang quyền quý, từ giã người vợ hiền xinh đẹp và đứa con trai vừa mới sinh, Ngài trốn khỏi cung điện. Ngài trở thành người ăn xin. Ngài bắt đầu đi tìm hạnh phúc, hỏi khắp các vị đại sư, hiền triết để xin lời khuyên. Rồi Ngài cũng thực hành theo những gì được chỉ dạy. Nhưng càng nghe theo những lời khuyên, Ngài càng bị rối bời, mờ mịt. Dường như Ngài đã thử làm tất cả những gì được mách bảo. Nghe theo lời khuyên:" Hãy luyện Hatha Yoga (7) đi", Ngài trở thành một người thực hành Hatha Yoga mẫu mực. Nhưng cũng chẳng có niềm hạnh phúc nào xuất hiện cả. Có chăng là một cơ thể mạnh khỏe hơn mà thôi. Người ta có thể mạnh khỏe hơn đôi chút, nhưng điều đó không đồng nghĩa với hạnh phúc. Năng lượng nhiều mà làm gì nếu cứ dồn hết năng lượng ấy vào nỗi mong chờ bất hạnh. Nghèo túng khiến ta khổ sở, nhưng giàu có cũng làm ta khổ sở hơn vì bao nhiêu mới đủ cho nhu cầu của chúng ta. Đức Phật chấm dứt mọi sự luyện tập Yoga. Ngài lên đường tìm kiếm các vị thầy khác, những học giả, nhà thông thái, nhà thiền định.. Ngài cũng vâng theo lời các vị ấy, và tất nhiên cũng không có niềm hạnh phúc nào xuất hiện. Ngài thực sự mong cầu hạnh phúc. Khi chúng ta thực sự tìm kiếm một điều gì đó tức là chúng ta không còn phương cách nào để giải quyết cả. Một người tầm thường sẽ dừng lại bất kỳ một nơi nào đó trên đường vì họ không thực sự muốn tìm kiếm. Người tận cùng khát khao là người có thể đi đến cuối con đường, để nhận ra một điều là mọi sự tìm kiếm đều vô nghĩa lý. Chính sự tìm kiếm là con đường của khát khao – Đức Phật đã nhận biết điều trọng yếu ấy trong một ngày giác ngộ. Ngài đã từ bỏ cung điện, từ bỏ mọi kho tàng vật chất, và sau sáu năm, Ngài từ bỏ cả việc đi tìm kiếm hạnh phúc. Nghĩa là Ngài đã chấm dứt việc tìm kiếm vật chất trước, và sau đó là chấm dứt những khao khát về tinh thần. Thế giới đã dừng lại từ lâu, giờ đây, Ngài cũng đã dừng lại. Ngài từ bỏ hoàn toàn mọi dục vọng, mong cầu, và ngay lúc ấy, hạnh phúc có mặt. Giây phút đó tràn trề ân phúc. Chấm dứt mọi mong muốn, mọi hy vọng, thái tử Tất Đạt Đa lập tức trở thành Đức Phật. Ngài đã tìm kiếm quá lâu trong khi hạnh phúc ở trước mặt Ngài. Hạnh phúc ở đó, tràn ngập khắp nơi trong vũ trụ. Đó là an lạc, là sự thật, là thần thánh. (5) Alexander Đại đế (356 – 323 TCN) : Vị vua thứ 14 của vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN). Ông được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới lúc bấy giờ. (6) Vaslav Nijinsky (1890 – 1950) : Nghệ sĩ múa ba lê huyền thoại người Nga gốc Ba Lan. Tên tuổi của ông sống mãi cũng những vở ballet lừng đanh như Cleopatra, Người đẹp say ngủ.. (7) Hatha Yoga: Một nhánh tu học Yoga, nhằm tu luyện Yoga thân thể; khác với nhánh còn lại của Yoga là Raja Yoga nhằm tu luyện Yoga tâm thức.
Thấu nhập chân lý Chúng ta cần thống nhất điều này: Ánh sáng giác ngộ không phải là thoát khỏi nỗi đau mà là hiểu biết về nỗi đau, hiểu biết những cơn giận, hiểu biết những nỗi khổ tâm – hiểu chứ không nên che giấu, ngụy biện – hiểu sâu trong bản chất vấn đề: "Tại sao tôi lại đau khổ, tại sao tôi lại lo âu đến thế, giận dữ đến thế, cái gì đã tạo ra tất cả những cảm giác đó?". Nếu hiểu được căn nguyên một cách rốt ráo, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi tâm trạng tiêu cực khổ sở. Chỉ khi nào thấu hiểu nỗi khổ của bản thân mình, bạn mới được giải thoát. Và bạn sẽ thực sự sống trong ánh sáng giác ngộ viên mãn. Giác ngộ không phải là một cái gì ở bên ngoài đến với bạn. Thấu hiểu mọi cảm xúc, cảm giác tiêu cực của mình (đau khổ, giận dữ, lo lắng) và làm tiêu tan chúng, đó là giác ngộ. Lúc ấy, những cảm xúc liên tục xô đẩy mà bạn từng trải qua không còn là nguyên nhân tạo nên cuộc sống của bạn nữa. Giác ngộ là khi bạn chứng nghiệm lần đầu tiên sự hài lòng thực sự, niềm vui thực sự, niềm an lạc đích thực. Trong tâm trạng đặc biệt đó, bạn mới nhìn nhận lại những gì đã qua. Bạn thấy hài lòng, vì rằng trước đó bạn đã không hề hài lòng; bạn thấy hạnh phúc vì trước đó bạn không hề hạnh phúc. Niềm vui giác ngộ không gì có thể so sánh nổi. Tinh thần giác ngộ mang đến cho bạn một trạng thái sống chân thật, bạn sẽ thấy rõ hạnh phúc và nhận ra rằng những ước ao mình từng có chỉ là những giấc mơ viển vông, không hề có thật. Giờ đây, chúng sẽ ra đi vĩnh viễn. Đây là một định nghĩa về sự hài lòng chân thật: Sự hài lòng đến với bạn và không bao giờ từ bỏ bạn một lần nào nữa là sự hài lòng chân thật, nếu không phải như thế thì cảm giác hài lòng chỉ là cái gì đó thoáng qua giữa những nỗi khổ tâm – chỉ là một khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi mà thôi; khoảnh khắc ấy chợt có rồi lại chợt mất, và chúng ta lại tiếp tục bất an, hay trầm trọng hơn là lại gây chiến tranh. Khoảng cách giữa những bất an người ta gọi là "chiến tranh lạnh", một thứ chiến tranh ngấm ngầm để chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh nóng bỏng hơn. Cái gì đến và đi đều là những giấc mơ. Cái gì đến và không bao giờ đi nữa mới là sự thật. Hãy cố gắng thấu hiểu nỗi đau khổ của bạn. Hãy sống với nó, chìm sâu vào nó, tìm ra căn nguyên tại sao nó lại xuất hiện. Hãy định tâm lại. Cũng như thế, bạn hãy cố hiểu sâu sắc thế nào là hạnh phúc phù du thoáng qua, thế nào là hạnh phúc chân thật, vĩnh hằng. Một khi biết rõ hạnh phúc chỉ là bề ngoài và nỗi thống khổ mới thật là sâu xa, toàn bộ ý thức của bạn sẽ thay đổi. Bạn sẽ cảm thấy dễ sống hơn rất nhiều, những cảm xúc tiêu cực từng hành hạ bạn sẽ giảm bớt. Tình yêu cuộc sống sẽ lan tỏa trong tâm hồn bạn. Mặc cho thời gian trôi đi, lòng yêu ấy vẫn tồn tại. Điều mà bạn đạt được là sự sâu sắc toàn diện. Và hoa sẽ nở, bài hát sẽ ngân vang từ tâm hồn ngập tràn yêu thương của bạn. Người ta gọi đó là "giác ngộ". Giác ngộ là một khái niệm của phương Đông, nhưng trạng thái giác ngộ là của toàn thể nhân loại, không phân biệt Đông Tây. Cuộc sống và trò chơi Chúng ta thường chơi không phải là chơi theo đúng nghĩa của từ này, mà chỉ là giải trí. Ta xem những trò chơi như một cách để trốn tránh thực tại, trốn tránh chính mình. Ta xem trò chơi như một nơi trú ẩn tạm thời giúp ta trốn tránh bao nỗi lo lắng, giận dữ, đau đớn và muộn phiền. Và hầu hết mọi người đều đánh đồng trò giải trí mua vui với trò chơi đích thực. Không phải như thế. Bất kỳ điều gì đến từ bên ngoài chúng ta đều không phải là trò chơi. Một trò chơi không hề lệ thuộc vào cái bên ngoài. Trò chơi toát ra từ nơi sâu kín của tâm hồn ta. Chơi đồng nghĩa với tự do – tự do thoát khỏi môi trường vây bọc ta. Điều đó không có nghĩa là thoát khỏi bản thân mà là gặp lại chính mình. Trò chơi chỉ xuất hiện khi bạn trở về đúng bản thể của mình. Những gì mà chúng ta gán cho trò chơi đều không phải là trò chơi đích thực, thậm chí hoàn toàn trái ngược với bản chất của nó. Thực sự, bạn có chơi đâu, bạn chỉ tìm cách giải trí thôi. Trong một lần đến nước Mỹ, Maxim Gorky – một trong những nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất của Nga – đã được giới thiệu rất nhiều trò tiêu khiển. Người hướng dẫn du lịch cho Gorky hy vọng ông sẽ vui vẻ, nhưng càng đi nhiều, càng nhìn ngắm, Gorky càng cảm thấy buồn bã và khổ tâm. Người hướng dẫn hỏi ông: "Thưa ngài, có chuyện gì vậy? Ngài không hiểu những trò vui này sao?". Maxim Gorky trả lời: "Tôi hiểu – vì hiểu nên tôi buồn. Đất nước này không có trò chơi nhưng lại quá nhiều trò giải trí". Chỉ có những người không biết chơi mới phải tìm cách giải trí. Thế giới càng ít trò chơi thì người ta càng cần truyền hình, phim ảnh, những thành phố hào nhoáng và hàng ngàn thú tiêu khiển khác. Người ta phải nhờ đến rượu, thuốc phiện để quên đi đau khổ, phiền não. Nhưng quên đi hoàn toàn không có nghĩa là không còn đau khổ nữa. Vì thế, chơi là một cái gì rất sâu sắc của riêng chúng ta. Bắt đầu trò chơi, chúng ta sẽ gặp khó khăn, vất vả. Việc chúng ta bắt đầu nhìn thẳng vào nỗi khổ cũng khó như trèo lên một đỉnh núi cao. Nhưng càng nhận thức sâu hơn, chúng ta càng được đền bù xứng đáng. Học được cách đối điện với đau khổ, bạn sẽ bắt đầu một cuộc chơi. Cuộc chơi đó là: Nhìn thẳng vào nỗi khổ thì nỗi khổ sẽ tiêu tan, nỗi khổ tiêu tan thì bạn càng dễ chấp nhận mọi biến cố cuộc đời. Chừng nào nỗi khổ còn đó, bạn vẫn còn phải đối diện với nó cho đến khi nó bất ngờ tan vỡ hết: Bạn sẽ thấy nỗi khổ rời xa bạn cũng như bạn đang rời xa nó. Cuối cùng, bạn nhận ra nó chỉ là một ảo tưởng mà bạn đã gắn chặt cuộc đời mình vào đó. Giờ đây, bạn hiểu rằng sự đau khổ không còn nữa. Và đó cũng là lúc niềm hạnh phúc bùng nổ, tuôn tràn. An lạc là tự do Mỗi em bé khi sinh ra đã an lạc. An lạc là bản chất con người. Không phải chỉ có bậc thánh mới được an lạc. Đó là món quà mà tất cả chúng ta có thể mang vào thế giới này. Đó là cõi sâu kín nhất trong tâm hồn con người. Đó là một phần của sự sống. Cuộc đời không còn là bể khổ, mà là một nguồn vui bất tận. Mỗi em bé đều mang niềm vui vào thế giới, trong khi xã hội thì dẫm đạp lên niềm vui ấy, hủy diệt những mầm vui bé bỏng và ra sức uốn nắn những đứa trẻ trở thành những con người đau khổ. Xã hội xô bồ điên loạn của loài người không cho phép chúng ta được sống an lạc; xã hội ấy chỉ hướng chúng ta đến những lo âu bất an. Bạn không có cách nào điều khiển một người đang tràn trề niềm vui sống; nhưng bạn có thể tác động đến một người đang đau khổ. Người sống an lạc là người được giải thoát. An lạc đồng nghĩa với tự do. Khi bạn cảm nhận niềm vui một cách sâu sắc, bạn không thể bị nô lệ bởi bất kỳ điều gì. Khi ấy, không ai dễ dàng hủy diệt hay cầm tù bạn. Bạn thích nhảy múa đưới những vì sao, thích đi trong gió hay trò chuyện với mặt trăng, mặt trời, không ai ngăn cản được. Bạn cần một không gian rộng lớn, khoáng đạt. Bạn không thể bị phụ thuộc, không thể trở thành một tù nhân bị giam cầm trong hầm tối. Bạn sống cuộc đời tự do và làm những gì bạn muốn. Trong xã hội ngày nay, điều này thật khó thực hiện. Nếu bỗng dưng có một vài người sống an lạc, ngay lập tức họ sẽ bị xa lánh. Những người an lạc thực sự sẽ trở thành những kẻ nổi loạn, bởi họ muốn được sống như những cá nhân, thoát ra khỏi sự khô cằn, cứng nhắc của xã hội đang tồn tại. Bạn hãy cố gắng hiểu điều này: An lạc là tự do vĩnh cửu. Hiểu theo một nghĩa nào đó, người "nổi loạn" không muốn bị điều khiển và cũng không muốn điều khiển ai. Họ tin vào tự nhiên thuần túy, vì đó là cái đẹp nguyên sơ thánh thiện nhất. Sự thật là thế! Vũ trụ rộng lớn này có thể hồn nhiên vận động, không hề lệ thuộc vào ý chí của một ai. Muông thú, cây cối có thể sống an lành mà không cần người quản lý. Tại sao chúng ta cứ mãi tự trói buộc mình vào những cái khuôn cứng nhắc của những quy tắc xã hội? Nếu quá tin vào cơ chế cực đoan, con người sẽ rơi vào một cái vòng luẩn quẩn tối tăm, không còn cơ hội để sống một cách vui tươi, nhẹ nhàng. Ai đã nghĩ ra những luật lệ? Chính bạn đã ủng hộ những sợi dây trói buộc mình, đã cho phép mình bị trói buộc. Bạn đã tự cầm tù mình mà không biết. Mọi sự đóng khung cứng nhắc của các thể chế độc đoán đều dập tắt con đường tự do tinh thần của bạn. Từ thuở ấu thơ, bạn đã bị ngăn cấm bước tới cánh cửa tự do thực sự, bởi một khi chúng ta đã biết tự do là gì, hẳn sau đó ta sẽ không thừa nhận, sẽ không thỏa hiệp với bất kỳ điều gì đi ngược với tự do nữa. Thà chết còn hơn là bị làm nô lệ. Chắc chắn là như thế rồi. Đương nhiên một người nổi loạn sẽ không quan tâm đến việc tác động quyền lực lên kẻ khác. Đam mê quyền lực dữ dội là dấu hiệu của người bị loạn thần kinh chứ không phải của người nổi loạn một cách ý thức. Vì sao con người ta lại đam mê quyền lực? Vì trong thâm tâm, anh ta cảm thấy bất lực; anh ta cho rằng nếu không mở rộng quyền lực thì sẽ bị người khác khuất phục. Machiavelli nói rằng cách tốt nhất để bảo vệ là tấn công. Các chính trị gia ở khắp mọi nơi trên thế giới đã học theo lối suy nghĩ này, đơn giản vì họ nghi ngại quyền lực thực sự của mình sẽ bị xâm phạm. Họ cho rằng thà bóc lột kẻ khác còn hơn là để kẻ khác bóc lột. Thế nhưng, bị bóc lột hay trở thành kẻ bóc lột đều không có gì hay ho. Một khi đứa trẻ đã biết được mùi vị của tự do, nó sẽ không bao giờ có ý định tham gia vào bất kỳ chính thể nào lúc trưởng thành. Nó muốn duy trì phẩm chất cá nhân của mình, duy trì tự do và tạo ra một không khí tự do xung quanh mình, biến mình trở thành cánh cửa mở ra tự do vô tận. Nhưng một đứa trẻ không thể biết được mùi vị tự do. Nếu đứa trẻ hỏi: "Mẹ ơi, con đi ra ngoài được không? Nắng đẹp quá. Con muốn đi chơi" thì ngay lập tức – một cách đầy thành kiến và độc đoán – người mẹ sẽ trả lời: "Không được!". Đứa trẻ không đòi hỏi gì nhiều. Nó chỉ muốn đi ra ngoài để chơi đùa trong nắng sớm, hít thở không khí trong lành dưới những tán cây xanh, nó không đòi hỏi điều gì lớn lao cả. Nhưng câu trả lời là "Không". Chẳng có người cha người mẹ nào lại dễ dàng đồng ý cho đứa trẻ ra khỏi nhà một mình, dù chỉ là đi dạo chơi. Nếu đồng ý, họ cũng rất miễn cưỡng. Họ sẽ tìm cách làm cho đứa trẻ thấy mình có lỗi, rằng "con đã sai rồi". Cứ khi nào đứa bé cảm thấy hạnh phúc hoặc thích làm một điều gì đó thì người lớn lại kìm hãm: "Không được như thế". Dần dần, đứa trẻ hiểu ra: "Vui sướng tức là sai lầm". Và tất nhiên, nó cũng không bao giờ cảm thấy hạnh phúc nếu cứ bị nhắc nhở. Niềm vui được sống theo cảm nhận của mình trở nên gượng ép. Đứa bé đi đến một quan niệm rằng: "Vui sướng là sai lầm. Chỉ có đau khổ mới là đúng đắn". Nó tin chắc như vậy. Đứa bé muốn mở một chiếc đồng hồ để nhìn vào bên trong, hẳn là người lớn sẽ cảnh cáo: "Dừng lại ngay! Hỏng đồng hồ bây giờ". Thực ra, nó chỉ muốn nhìn vào bên trong đồng hồ để xem trong ấy có gì. Nó thắc mắc vì sao cái đồng hồ lại kêu tích tắc. Bao nhiêu đó cũng giúp cho đứa bé cảm thấy thỏa mãn. Chiếc đồng hồ làm sao có giá trị bằng sự tò mò tìm hiểu của đứa bé, nói đúng hơn, làm sao có giá trị bằng trí tuệ của đứa bé. Nếu đồng hồ bị hỏng, chẳng có điều gì ghê gớm xảy ra cả. Nhưng nếu ngăn cản đứa bé tìm hiểu, có thể chúng ta sẽ hủy diệt cả tâm hồn khát khao của đứa bé. Rồi nó sẽ chẳng bao giờ còn muốn tìm hiểu sự thật nào nữa. Một buổi tối đẹp trời, sao mọc lấp lánh khiến đứa bé muốn được đi chơi; nhưng đã đến giờ phải đi ngủ mất rồi. Đứa bé không hề buồn ngủ. Nó đang thức và hoàn toàn tỉnh táo. Thế là đứa bé cảm thấy bị lẫn lộn. Buổi sáng, khi nó đang muốn ngủ thì người lớn ra lệnh: "Thức dậy thôi". Khi đứa bé muốn thức để chơi đùa trong một đêm đầy sao thì bị nhắc nhở phải đi ngủ. Ngược lại, khi nó muốn ngủ thêm một chút vì một giấc mơ đẹp nào đó thì bị gọi thức dậy. Bầu trời đầy sao sáng đối với đứa bé rất nên thơ, rất đẹp. Nó thấy xúc động. Sao nó có thể ngủ được chứ. Nó còn muốn nhảy múa nữa. Nhưng với người lớn, đứa bé chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đi ngủ ngay lập tức. Khi đứa bé không hề thấy đói thì người lớn lại bắt nó ngồi vào bàn ăn. Nhưng khi nó đói, mẹ của đứa bé lại nghiêm nghị: "Đây không phải là giờ ăn đâu". Bằng những cách như vậy, chúng ta đã hủy diệt khả năng sống hạnh phúc của một con người, thậm chí hủy diệt cả khả năng sống an lạc mãi mãi của họ. Những gì mà một đứa trẻ cảm nhận là vui sướng đều bị cho là sai lầm và ngược lại, những gì nó không thích thì được cho là đúng đắn. Trong trường học, khi những con chim bất ngờ hót vang ngoài sân, những đứa trẻ sẽ hướng ra nơi có tiếng chim, không còn tập trung vào bài giảng môn toán và ông thầy nghiêm nghị với viên phấn trắng trên bảng. Một con chim hót chẳng có quyền lực gì, nhưng ông thầy thì có. Con chim chỉ là vẻ đẹp của tự nhiên. Con chim thu hút đứa bé vì nó không nhồi nhét vào đầu đứa bé những câu đại khái như: "Chú ý nào! Chú ý vào tôi nào!". Không, một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, ý thức của đứa bé bắt đầu trôi ra phía cửa sổ, đi theo phía có tiếng chim. Đứa bé phải nhìn lên bảng, trong khi trái tim của nó đang hướng đến chỗ khác. Hạnh phúc phải chăng là một sai lầm? Mỗi tình cảm bộc phát hồn nhiên của đứa trẻ đều có nguy cơ trở thành sai trái. Từ đời này sang đời khác, chúng ta đã lần lượt hủy diệt cực đoan cái phần hồn nhiên, tươi mới trong tâm hồn con người. Và từ đó, những nguyên tắc nghiệt ngã cứng nhắc của xã hội loài người vẫn được duy trì. Những rào cản mọc lên ngày càng nhiều. Hầu như người ta không còn biết vui sướng là gì. Trái đất xanh tươi này trở thành một ngôi nhà bất an cùng cực. Chỉ có người đau khổ mới đi đến đền thờ để cầu nguyện. Người hạnh phúc sẽ không đến nơi ấy bao giờ. Đến để làm gì kia chứ. Tôi từng nghe một câu chuyện thế này: Một lần, Adolf Hitler có buổi nói chuyện với một nhà ngoại giao người Anh. Họ đứng ở tầng thứ 13 của một tòa nhà chọc trời, và để gây ấn tượng với khách, Hitler đã ra lệnh cho một chiến binh Đức nhảy xuống. Người chiến binh thi hành mệnh lệnh không chút đắn đo. Tất nhiên, anh ta chết. Nhà ngoại giao người Anh không thể tin vào mắt mình. Ông bị sốc. Tại sao người ta lại lãng phí đời mình mà chẳng nhằm mục đích gì. Còn Hitler, để gây ấn tượng mạnh hơn, lại tiếp tục ra lệnh cho một chiến binh khác. Anh này lại nhảy xuống và chết. Rồi đến lượt người chiến binh thứ ba. Không kìm nổi lòng mình, nhà ngoại giao Anh kéo người chiến binh lại và hỏi: "Anh đang làm gì vậy? Sao phải chết oan uổng như thế?". Người chiến binh trả lời: "Ai có thể sống được ở đất nước này, dưới quyền một tên điên loạn kia? Ai có thể sống với Hitler? Tốt hơn hết là chết đi. Thế là được tự do". Khi nỗi đau khổ lên đến cực điểm, chết là một cách giải thoát. Khi đau khổ, người ta muốn giết mình, giết người. Và chiến tranh cứ thế diễn ra. Bây giờ chúng ta đã hiểu vì sao mình khổ, và làm cách nào để chấm dứt đau khổ. Nếu không cố gắng thoát ra khỏi nỗi phiền não, không thấu hiểu được con đường của sự khổ; nếu cứ khư khư bám lấy nỗi buồn mờ mịt, chúng ta sẽ không bao giờ có được niềm vui chân thực. Tâm hồn ta không bao giờ có thể ca hát với đời. Rồi chúng ta sẽ chết dần mòn với cuộc sống tẻ nhạt thiếu vắng lời ca tiếng hát hay điệu múa giọng đàn. Chúng ta sẽ chết ngay khi sống, bởi chưa bao giờ chúng ta có được cuộc sống tự nhiên, vui tươi đúng nghĩa. Sự thật hay ảo ảnh Bạn từng nghĩ rằng, cuộc sống của mình chỉ là một chuỗi hy vọng, nó không phải là một cái gì có thật. Nhưng nó hoàn toàn có thể là thật. Những hình thái mà chúng ta gọi dưới những cái tên như xã hội, văn minh, văn hóa, giáo dục đều là cấu trúc tinh tế của một thế giới bị "nhiễm độc". Cấu trúc đó như sau: Người ta tạo ra cho bạn một ý tưởng mơ hồ rằng thế giới chỉ là một bóng đen u ám, rằng không thể nhìn thấy sự thật cuối cùng, rằng con người đang gắn bó sinh tồn trong một thế giới ảo ảnh. Người ta khuyến khích bạn ước mơ, kỳ vọng; nghĩa là khuyên bạn hãy sống trong hy vọng, hướng tới ngày mai; hãy hy sinh hôm nay cho ngày mai. Nhưng ngày hôm nay vẫn còn ở đó; ngày hôm nay là thời gian duy nhất mà bạn đang thực sống, là thời gian duy nhất mà bạn có thể nắm giữ. Nếu muốn sống, hãy sống trong hiện tại. Xã hội thúc đẩy chúng ta không ngừng theo đuổi các tham vọng. Từ thuở ấu thơ, bạn được giáo dục phải trở nên giàu có, quyền lực, phải trở thành một ai đó khác chứ không phải chính bạn. Không ai giúp bạn hiểu rằng con người đang sống trong một niềm hạnh phúc dồi dào trước mắt. Người ta nói với bạn rằng con người chỉ có thể hạnh phúc khi được đủ đầy về tiền của. Hạnh phúc chẳng liên quan gì đến của cải vật chất. Hạnh phúc không phải là một thành tựu. Hạnh phúc là bản chất vốn có của mỗi sinh thể. Hãy nhìn xem, muông thú vẫn nhởn nhơ trong thế giới mà chẳng cần bạc tiền. Một con nai hay con chó không có nhu cầu trở thành Rockefeller (8). Chúng cũng chẳng cần quyền lực. Những cái cây vẫn hồn nhiên sống trong niềm vui xanh tươi ngay cả khi nó không còn có thể dâng tặng cuộc đời những đóa hoa xinh đẹp. Mùa xuân trở về thì hoa lại nở. Mọi thứ vận động một cách tự nhiên theo nhịp điệu thần thánh của vũ trụ bao la. Lời cầu nguyện của vạn vật là vĩnh cửu, đó là những buổi thánh lễ không bao giờ bị gián đoạn. Chúng có cần đến nhà thờ đâu. Thượng Đế đến với chúng, trong gió, trong mưa, trong ánh mặt trời rực rỡ. Chỉ có con người mới đánh mất đi niềm an nhiên hạnh phúc buổi ban đầu ấy, bởi con người cứ sống trong hy vọng, đợi chờ và không chịu chấp nhận sự thật. Thực ra, sống trong mơ tưởng là một sự giả dối. Sự giả đối ấy làm tâm trí bạn rối bời. Cuộc sống ảo tưởng đã thay thế cho cuộc sống chân thật. Bạn hãy quan sát quan sát cuộc sống mà xem. Đứa bé muốn mẹ yêu nó nhiều hơn, nhưng điều đó không diễn ra; người mẹ luôn trì hoãn niềm yêu thương của mình vì công việc hoặc vì những mong muốn khác. Tình yêu cuộc sống trong cô đã hóa thành một hoang mạc khô cằn. Mục đích sống của cô là lấp đầy hố sâu của những tham vọng. Cô đang bận nghĩ cách nào đó có thể kiểm soát và sở hữu chồng mình. Nếu cô không phải là người phụ nữ của yêu thương thì làm sao cô có thể yêu thương đứa con một cách chân thành được? Tôi đang đọc cuốn sách "Sự thật cuộc sống" của R. D. Laing. Cuốn sách cho biết kinh nghiệm tâm lý qua khảo sát nhiều trường hợp phụ nữ giữ thiên chức làm mẹ bằng những dạng câu hỏi như: "Khi nào con của bạn có thể ra đời? Bé có thực sự được chào đón không? Bạn đã sẵn sàng để có bé chưa?". Ở câu hỏi thứ nhất: "Bạn sinh con vì vỡ kế hoạch hay thực sự ao ước muốn có con?", 90% phụ nữ lập tức trả lời: "Tôi không hề mong có con, đó chỉ là tai nạn". Câu hỏi tiếp theo: "Khi biết mình có mang, bạn có quyết tâm giữ đứa bé không? Hay bạn muốn bỏ nó đi? Bạn có thực sự muốn có con không?". Nhiều người trong số họ trả lời rằng trong mấy tuần lễ đầu họ rất lưỡng lự, không biết có nên giữ đứa bé lại hay không. Nhiều đứa bé ra đời chỉ vì người mẹ không có cách nào giải quyết được cái thai trong bụng. Có khi họ là những tín đồ Thiên Chúa giáo, và ý nghĩ về việc nạo phá thai khiến họ sợ hãi bởi đó là một tội lỗi khiến con người có thể bị đày xuống địa ngục. Để tránh mặc cảm tội lỗi, tránh nỗi ám ảnh của những hình phạt nơi địa ngục, nhiều phụ nữ theo đạo Thiên Chúa đã sinh con ngoài ý muốn. Hoặc có thể đo chịu ảnh hưởng từ quan niệm chung của xã hội, chẳng hạn như người chồng muốn có đứa bé để duy trì dòng dõi. Song dù ở trường hợp nào, thì điều cốt lõi là đứa bé không nhận được tình yêu thương thật sự từ các đấng sinh thành. Trong số những phụ nữ đã được phỏng vấn, chỉ một số ít các bà mẹ có câu trả lời rằng: "Vâng, con cần phải ra đời. Mẹ yêu con và mẹ hạnh phúc thật sự". Vậy nên có nhiều em bé ra đời mà không được thương yêu trân trọng. Việc này gây ra những hậu quả không lường. Đứa bé khi được sinh ra đã cảm nhận rằng nó không được chào đón. Khi một người mẹ đã từng nghĩ đến chuyện phá bỏ thai nhi, thì trong sâu xa, đứa bé đã bị tổn thương. Bé là một phần cơ thể người mẹ, nó rất nhạy cảm. Còn nếu người mẹ do dự, không rõ mình muốn có con hay không thì cái tâm trạng lấp lửng kỳ quặc đó cũng ảnh hưởng đến bé, khiến bé trở nên lo sợ, không yên ổn. Nó bị treo lơ lửng giữa hai đầu dây sự sống và cái chết. Bằng cách nào đó, một em bé ra đời và mẹ của bé nghĩ rằng đó chỉ là một sự cố tình dục – rõ ràng những người mẹ như vậy đang cố điều khiển sự sinh nở, cố tránh việc có con nhưng thất bại. Đứa bé vẫn có mặt trong cuộc sống của họ. Vì thế, người mẹ phải chịu đựng. Chịu đựng, tức là không yêu. Đứa bé bị mất tình yêu ngay từ khi chào đời. Người mẹ thì cảm thấy có lỗi vì không thể yêu con một cách bản năng. Chị bắt đầu tìm cách bù đắp cho cái tình yêu ít ỏi đó. Chị bắt đứa bé ăn thật nhiều. Vì không thể lấp đầy tình yêu của mình vào tâm hồn con, chị nhồi thức ăn vào dạ dày của nó. Đó chỉ là một sự thay thế. Trong những trường hợp này, người mẹ thường bị mặc cảm tội lỗi ám ảnh. Khi đứa bé nói: "Con không đói", chị cũng bắt nó phải ăn. Họ không lắng nghe con, vì không đủ yêu thương dành cho con, họ không biết phải làm gì với đứa trẻ. Họ nhồi nhét thức ăn cho con như một cách lấp đầy khoảng trống rộng hoác của trái tim. Rồi khi đứa bé lớn lên, thức ăn được thay bằng tiền. Lúc này, đến lượt đồng tiền sẽ thay thế cho tình yêu. Như vậy, người ta đã dạy đứa trẻ rằng tiền quan trọng hơn tình yêu. Nếu bạn không có tình yêu, điều đó chẳng có gì đáng lo, nhưng nếu bạn không có tiền thì mọi chuyện bắt đầu khó khăn rồi. Cách giáo dục đó biến người ta trở nên tham lam. Đứa trẻ sẽ chạy theo đồng tiền một cách điên cuồng. Nó sẽ không chút bận tâm về sự thiếu vắng tình yêu. Nó chỉ quan tâm đến số tiền có trong ngân hàng. Nó cho rằng: "Tôi cần phải có rất nhiều tiền, sau đó mới tính đến tình yêu". Giờ đây, chúng ta biết rằng tình yêu không cần đến tiền. Bạn có thể yêu một cách vô tư như bản chất của mình. Nếu quan niệm tình yêu gắn với đồng tiền, một ngày nào đó bạn sẽ cảm thấy trống rỗng vô vị sau cuộc chạy đua hoang phí tâm sức vật lộn với đồng tiền để mong có tình yêu. Quãng thời gian rong ruổi đó đâu chỉ bị phí hoài mà còn là những năm tháng không có tình yêu, không được giáo dục về lòng yêu thương. Tiền bạc đã rủng rỉnh rồi nhưng bạn không biết cách nào để yêu thương. Bạn đã quên hết ngôn ngữ của cảm giác, của tình yêu và hạnh phúc. Vâng, đến lúc này, bạn có thể "tậu" một cô gái đẹp, nhưng đó không phải là tình yêu, cho dù đó là cô gái đẹp nhất thế giới. Cô gái ấy có thể đến với bạn vì cái tài khoản trong ngân hàng chứ không phải vì tình yêu chân thành. Tiền bạc chỉ là ảo ảnh. Quyền lực cũng vậy. Chúng không phải là sự thật. Sự ngưỡng mộ cũng chỉ là phù du. Tất cả chúng chỉ là những ước vọng hão huyền, những giấc mơ của loài người vốn nhiều đau khổ. Nếu muốn vui sống một cách bình thường, hãy sớm từ bỏ ảo ảnh xa vời mà xã hội đã khuyến khích bạn đuổi theo. Hãy trở thành chính bản thân mình chứ không phải vì ý muốn của người khác. Chỉ khi nào can đảm thoát khỏi ảo ảnh, bạn mới có khả năng bước vào sự thật. Đơn giản vì duy nhất Sự Thật là cái có thật, còn ảo ảnh thì không bao giờ trở thành sự thật. Cái hiện tại và cái trở thành Hạnh phúc đích thực là gì? Có phải là khi ta đạt được cái gì đó? Không. Có phải là khi ta tìm được cái gì đó? Không. Có phải là khi ta trở thành một ai đó? Không. Hạnh phúc nằm ở cái đang là, còn đau khổ nằm ở cái trở thành. Nếu muốn trở thành một cái gì đó, bạn sẽ lập tức rơi vào đau khổ. Trở thành một cái gì đó là nguồn gốc của đau khổ. Bạn chỉ hạnh phúc khi chú tâm vào thực tại đang sống, tại đây, ngay lúc này. Không có gì ngăn trở giây phút hiện tại của con người. Hạnh phúc là cái rất bình dị, rõ ràng. Nó là bản chất của chúng ta. Nó luôn ở trong chúng ta. Chỉ cần ta mang đến cho nó cơ hội để tuôn trào, nở rộ. Hạnh phúc không trú ngụ ở khối óc, nó nằm ở trái tim. Hạnh phúc không nằm ở suy nghĩ; nó thuộc về cảm giác. Khi bạn bị tước đi cảm giác, bạn sẽ không còn cảm giác. Bạn không biết cảm giác là gì. Bạn nói: "Tôi cảm thấy..", không phải vậy, thật ra bạn đang nghĩ là mình cảm thấy thì đúng hơn. Bạn nói: "Tôi cảm thấy hạnh phúc", đó chẳng qua là do bạn nhìn nhận, phân tích và nghĩ rằng mình đang có cảm giác hạnh phúc. Bạn đã suy nghĩ về hạnh phúc chứ không phải cảm nhận nó một cách giản dị, hồn nhiên. Bạn nghĩ về nó thì nó xuất hiện, nếu bạn không nghĩ về nó thì bỗng dưng nó biến mất không để lại dấu vết. Nếu nhìn thế giới bằng khối óc, bạn chỉ thấy được mặt này hay mặt khác. Còn với trái tim, bạn có thể cảm nhận thế giới một cách toàn vẹn bằng chính tâm hồn mình. Vì thế, cảm giác đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người. Hãy quan sát một họa sĩ đang vẽ tranh để thấy rõ sự khác biệt giữa một nghệ sĩ thực thụ và một người sành sỏi về kỹ thuật. Nếu người họa sĩ chỉ giỏi kỹ thuật, một người nắm được thuật phối màu trên bảng vẽ và cách sử dụng cọ nhờ chịu khó thực hành, anh ta chỉ cần cố gắng suy nghĩ cách nào để hoàn thành bức tranh. Nhưng một nghệ sĩ thì khác. Anh ta hoàn toàn bị cuốn hút vào tác phẩm của mình, hoàn toàn quên mất xung quanh. Anh ta không chỉ vẽ bằng tay, không chỉ cố gắng hoàn thành bức tranh có trong đầu mình mà anh ta đang trút tất cả sự sống đang tuôn chảy trong mình vào bức họa. Không có gì tồn tại ngoài những nét vẽ. Giây phút ấy thậm chí ngay cả người họa sĩ cũng không tồn tại nữa. Giây phút ấy, toàn bộ đời anh chỉ là một thông điệp, mọi sắc màu đi xuyên qua anh. Khi bạn gặp gỡ một nghệ sĩ múa – một nghệ sĩ đích thực, không phải chỉ là một người chuyên biểu diễn – bạn sẽ thấy họ không múa. Có một cái gì đó bên kia điệu múa trong con người họ. Toàn bộ sự sống của họ nằm trong điệu múa. Làm một cái gì đó bằng tất cả hồn mình, đó là hạnh phúc. Ngược lại, bạn sẽ luôn cảm thấy chưa đủ, cảm thấy khổ sở. Khi cảm thấy mình chỉ là một phần tách rời của cái toàn thể, cảm giác đó rất đau đớn. Sự cắt chia đó giống như tâm trạng căng thẳng nặng nề hoặc cơn tức giận. Nếu yêu thương bằng cái đầu, chúng ta sẽ rất khó trao tặng cho người khác những trải nghiệm hạnh phúc. Cũng như vậy, ta không thể thiền định chỉ bằng cái đầu. Tôi rất thích bơi lội. Những người hàng xóm nói rằng nhìn tôi rất hạnh phúc sau mỗi lần đi bơi về. Một ngày kia, họ hỏi tôi: "Có chuyện gì xảy ra vậy? Tôi thấy anh đi ra dòng sông và bơi ở đó đến mấy tiếng. Tôi cũng muốn đi theo anh vì tôi thấy anh hạnh phúc quá". Tôi nói: "Xin đừng đi theo tôi. Anh quên mất một điều, ở ngoài bờ sông buồn lắm. Anh đừng hành động giống tôi vì càng muốn đi theo tôi, anh sẽ càng gặp khó khăn đấy. Nếu đi ra bờ sông rồi cố gắng bơi để mong được vui sướng thì anh sẽ không bao giờ có được cảm giác đó đâu". Bơi có thể trở thành thiền định. Chạy cũng có thể trở thành thiền định – bất cứ việc gì cũng có thể trở thành thiền định. Hạnh phúc ở trong tim chúng ta. Trái tim là sự hợp nhất tất cả. Nếu thích, hãy nhảy múa ngay lúc này bằng tâm hồn mình, như một "người say" từ bỏ bản thân mình. Trò chơi thực sự là một cuộc say. Đó là cơn say của người biết chơi đùa một cách hồn nhiên. Những kẻ quá tỉnh táo không bao giờ biết chơi, không bao giờ nỗ lực với trò chơi nên cũng không bao giờ điều khiển được nó. Xã hội không thể điều khiển được một người thích chơi đùa. Còn chúng ta, nếu không thể điều khiển trò chơi thì ta cũng không thể làm chủ niềm hạnh phúc của bản thân mình. Nhiều người tâm sự với tôi rằng họ muốn thoát khỏi nỗi đau khổ, nhưng họ không sẵn sàng chấp nhận buông xả. Họ vẫn cứ mong mỏi điều khiển cái này cái khác, như thể điều khiển trò chơi vậy. Họ vẫn cứ muốn làm ông chủ. Đó là điều không thể. Niềm vui thực sự chỉ đến khi chúng ta từ bỏ mọi ước muốn điều khiển cái này cái khác. Trò chơi, hay niềm vui là một cái gì đó rất hồn nhiên, nó không biết đến sự điều chỉnh nào. Hạnh phúc cũng vậy, là một cái gì đó rất hồn nhiên. Người ta không thể điều khiển hạnh phúc được. Bạn chỉ có thể cảm nhận mình rơi sâu vào niềm an vui như bước vào một trò chơi vô tận. Đó là một cuộc chơi vĩnh cửu. Với trò chơi ấy, làm sao chúng ta có thể điều khiển, sắp xếp? Khi đang nhảy múa một cách say sưa, ca hát một cách say sưa, chúng ta tựa hồ như không có mặt nữa – trò chơi đã tràn đầy trong ta, tuôn chảy cùng lúc với dòng máu trong ta. Tất cả đều như một phép màu. Sống với chết đang nhảy múa cùng nhau bởi vì cả hai đều biến mất. Nếu bạn không cảm nhận một sự hòa hợp cao độ, sự ngăn cách sẽ xuất hiện, và không còn hạnh phúc nữa. Nếu tách mình ra khỏi thế giới, thế giới sẽ chia cắt chúng ta. Sự tồn tại của ta vươn lên một cách cô đơn trên tấm màn vũ trụ. Nếu gắn bó hài hòa với vũ trụ, chúng ta không còn bị giày vò bởi sự chia cắt. Sự sống và cái chết không phải là hai thể đối lập mà chúng bù đắp cho nhau trong một điệu múa. Vật chất và ý thức không phải là hai thứ khác biệt mà chúng hòa quyện bên trong chúng ta: Linh hồn và thể xác đang nhảy múa cùng nhau. Tất cả hiện hình làm một và hòa trộn nhau trong cái nhất thể tuyệt đối. Linh hồn và thể xác luân phiên ẩn hiện. Thượng Đế không phải là một đấng siêu nhiên nào xuất hiện trên bầu trời mênh mông kia. Người ở đây, trên những hàng cây, những hòn đá, trong tôi, trong bạn, trong mọi sự hiện hữu. Thượng Đế là linh hồn của tồn tại, vô hình và sâu thẳm. Bên trong nhảy múa với bên ngoài, thiên đường nhảy múa với cõi tục, cái thánh thiện nhảy múa với tội lỗi. Và khi bạn trở thành một thực thể hợp nhất, lập tức, những mặt đối lập này sẽ biến mất. Vậy nên, một người thông thái cũng có thể là một kẻ ngớ ngẩn, bởi cái thông thái kia nhảy múa với cái ngốc nghếch. Bậc hiền triết có thể thành kẻ tinh quái. Thượng đế và ma quỷ không hẳn là hai. Bạn đã bao giờ nghĩ về từ "ma quỷ" (devil) chưa? Từ ấy cùng gốc với từ "thánh thần" (divine) đấy. Ở tiếng Sankrit cũng vậy, diva cùng gốc với từ deva. Một cái cây trong sâu thẳm của nó là một sự hợp nhất hoàn thiện, dù nó có đến hàng trăm cành nhánh hướng về những nơi khác nhau, dù nó có đến hàng triệu chiếc lá. Khi chúng ta bắt đầu điệu múa, cả thế giới sẽ múa cùng chúng ta. Một câu cách ngôn nói rất đúng: Nếu khóc, hãy khóc một mình; khi cười thì cả thế giới sẽ cười với bạn. Khi đau khổ, chúng ta sẽ bị cô lập. Đau khổ sẽ là bức tường ngăn cách chúng ta với thế giới. Nỗi đau đớn sẽ cô lập bạn, hay đúng hơn, sự cô lập đó sẽ làm bạn đau đớn. Mỗi khi rời khỏi cái toàn thể, lập tức bạn sẽ đau khổ. Đó là lý do mà một cá thể duy nhất không thể có được niềm vui thật sự, bởi bản chất của niềm vui là sự giao hòa. Niềm vui chỉ đến khi người ta không bao giờ còn bị cách chia. Con người cá nhân nếu cố sức sống vui trong đơn độc thì ở đâu đó trong lòng anh ta vẫn âm ỉ một nỗi khổ đau. Càng vùng vẫy anh ta càng tạo thêm chất chồng nỗi khổ tâm, càng duy trì cái tôi của mình anh ta càng rơi vào cô đơn. Khi thật sự hạnh phúc, cái tôi cá nhân của mỗi người sẽ biến mất. Khi thật sự hạnh phúc, chúng ta thấy mình ở trong cái toàn thể. Hạnh phúc gắn với sự sẻ chia. Khi Đức Phật buồn chán, Người đã bỏ vào rừng, bỏ lại cả thế giới sau lưng. Sáu năm sau, khi đã giác ngộ, Ngài hân hoan biết bao khi trở lại chốn kinh kỳ bởi lẽ khi ấy, trong Ngài đã tràn ngập tình cảm chia sẻ lớn lao. Đau khổ là hạt giống, hạnh phúc viên mãn là đóa hoa. Hương thơm của niềm hạnh phúc tràn đầy ấy sẽ hòa cùng cánh gió lan tỏa khắp nơi nơi. Khi buồn, bạn khép chặt lòng mình lại, bạn không muốn nhìn thấy bạn bè người thân, không muốn đi đâu, không muốn tham dự vào cuộc chơi nào. Bạn nói: "Để tôi yên, để tôi một mình!". Khi rơi vào nỗi đau cùng cực, bạn muốn tự sát. Điều đó nghĩa là gì? Tự sát là gì? Tự sát chỉ là một nỗ lực chạy thoát khỏi thế giới mà sau đó người ta không có cách quay trở lại. Đó là cuộc trốn chạy với nỗi cô đơn tuyệt đối, bất lực tuyệt đối, cuộc ra đi ấy nhất quyết không còn lối trở về. Không ai muốn tự sát khi đang sống trong niềm hạnh phúc, an lạc. Chỉ có những người tràn ngập niềm vui mới có thể nhảy múa một cách hồn nhiên và mời gọi người khác đến với mình, sẵn sàng cho đi niềm vui bất tận của bản thân mình. Ai cũng được chào đón trong phút giây mà tâm hồn chúng ta rộng mở hân hoan. Nhưng nếu đang khổ đau, chúng ta cũng không thể chào đón bất kỳ ai – kể cả những người bạn vốn rất yêu thương và có sự đồng cảm sâu sắc. Người Hindu nói điệu nhảy thiêng liêng hợp nhất chúng ta và vũ trụ là Ras-Leela – một đấng tối thượng đang nhảy múa trong khi xung quanh ngài, trăng sao, thiên hà cũng quây quần hòa điệu. Đó là điệu nhảy vô tận đang diễn ra trước mắt ta, nhưng chỉ khi nào ta học được cách nhảy múa, học được ngôn ngữ của niềm hạnh phúc chân thật, ta mới nhận ra điệu nhảy kỳ diệu ấy. Trong Thế chiến thứ hai, một binh sĩ bỗng dưng bỏ súng tại chiến trường và chạy đến nhặt bất cứ mẩu giấy nào anh ta nhìn thấy, hối hả đọc nó và buồn bã lắc đầu khi những mảnh giấy rơi lả tả xuống đất. Người ta đưa anh vào bệnh viện, và dù bị tác động đến mấy, anh vẫn câm lặng, chỉ lắp bắp những từ không rõ nghĩa. Anh lang thang một mình trong khuôn viên bệnh viện, nhặt những mảnh giấy và cứ mỗi lần như vậy, gương mặt anh ánh lên vẻ hy vọng rồi lại lập tức buồn bã. Một ngày kia, anh nhận được giấy chứng nhận miễn trừ tham gia quân đội. Đến lúc này, người ta mới nghe tiếng nói của anh: "Nó đây rồi!". Anh khóc òa trong niềm hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự chính là tự do cuối cùng. Chỉ là tiếng kêu đơn giản của một trò chơi: "Nó đây rồi! Eureka! Ta đã tìm thấy nó rồi!". Điều khôi hài ở chỗ chúng ta chẳng cần đi đâu xa để tìm kiếm hạnh phúc. Nó ở ngay đây. Nó nằm ở cuộc sống bên trong chúng ta. Nếu phải đi tìm nó, bạn hãy tìm ngay thời khắc này, không nên trì hoãn một giây phút nào. Khát khao lớn có thể mở mọi cánh cửa tự do. Sức mạnh thôi thúc bên trong có thể mang đến tự do cho bạn ngay lúc này. (8) Rockefeller (1839 – 1937) : Nhà công nghiệp người Mỹ. Theo tính toán của tạp chí tài chính Forbes, ông được xem là người giàu nhất trong lịch sử.