Ôn tập các thao tác lập luận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 5 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ÔN TẬP CÁC THAO TÁC LẬP LUẬN

    [​IMG]

    I. Lý thuyết

    1/ Thao tác lập luận giải thích:
    – Là cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, khái niệm để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề.
    – Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ được tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm.
    – Cách giải thích: Tìm đủ lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa vấn đề đó. Đặt ra hệ thống câu hỏi để trả lời.

    Ví dụ: "Chẳng qua so với người lớn, trẻ con sống trong một bầu khí quyển khác và dưới một thứ ánh sáng khác. Ở đó, bọn trẻ tiếp cận thế giới theo cách của chúng, nghĩa là chúng không nhìn mọi thứ chung quanh dưới khía cạnh sử dụng. Đó là điểm khác biệt căn bản giữa trẻ con và người lớn. Với người lớn, ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trên đời đều thu gọn vào hai chữ chức năng. Bạn lật bất cứ một cuốn từ điển nào của người lớn mà coi. Người ta định nghĩa thế giới này bằng chức năng, và chỉ bằng chức năng. Áo để mặc, ghế để ngồi, răng để nhai và lưỡi để nếm. Cho nên không thể trách được nếu ba tôi quả quyết ly mới làthứ dùng để uống nước, còn chai chỉ dùng để đựng nước, nếu mọi ông bố bà mẹ khác đều nhanh chóng đồng ý với nhau rằng nón lưỡi trai dùng để che nắng, bút để viết và tập vở tất nhiên dùng để ghi chép. Trẻ con không quan tâm đến chức năng. Đơn giản vì trẻ con có kho báu vô giá: óc tưởng tượng."
    (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Nguyễn Nhật Ánh)

    2/ Thao tác lập luận phân tích:
    -Là cách chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận để đi sâu xem xét một cách toàn diện về nội dung, hình thức của đối tượng.
    – Cách phân tích: Chia tách đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận theo những tiêu chí, quan hệ nhất định.

    Ví dụ: "Cuộc đời của chúng ta đạt được những thành tựu gì, trở nên như thế nào, hạnh phúc hay bất hạnh, có ích hay có hại cho xã hội là do cách chúng ta lựa chọn. Kinh nghiệm cuộc đời cho tôi thấy có ba yếu tố quyết định sự lựa chọn của chúng ta: một lànăng lực trí tuệ, hai là giá trị, ba là tầm nhìn. Hiển nhiên là năng lực trí tuệ có vai trò quan trọng trong sự lựa chọn. Năng lực trí tuệ ở đây là nắm bắt được những thông tin đầy đủ, phân tích những thông tin ấy và nhận thức được bản chất của những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta. Tôi lưu ý nhiều hơn đến hai yếu tố sau là giá trị và tầm nhìn. Giá trị là những gì chúng ta xem là quan trọng, thiết yếu, sống còn đối với mình, là những gì chúng ta có thể sẵn sàng đánh đổi tự do, an toàn, sự no ấm của mình để bảo vệ nó. Mỗi người có thể có những giá trị giống nhau và khác nhau. Nó là một cái thang bậc đa dạng thể hiện thứ tự ưu tiên của những gì chúng ta coi trọng."
    (Cuộc đời là một sự lựa chọn TS Phạm Thị Ly , Bao Tuổi trẻ Online, 29/4/2013)

    3/ Thao tác lập luận chứng minh:
    – Dùng những bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ đối tượng.
    – Cách chứng minh: Xác định vấn đè chứng minh để tìm nguồn dẫn chứng phù hợp. Dẫn chứng phải phong phú, tiêu biểu, toàn diện sát hợp với vấn đề cần chứng minh, sắp xếp dẫn chứng phải lô gic, chặt chẽ và hợp lí.

    Ví dụ: "Báo chí mới đây đăng ý kiến của một người Nhật sống ở Việt Nam hơn 20 năm, nhận xét rằng người Việt lười hơn 20 năm trước. (...) Này đây, người học ít chịu đọc sách, ít tìm hiểu mà thường sao chép từ bài giảng, từ giáo trình, từ tài liệu trên mạng, sao chép lẫn nhau và kể cả gian lận trong thi cử. Này đây, không ít học sinh muốn thi vào đại học để làm "thầy", không thích học nghề, phải làm "thợ"; một số người thích học ngành nào dễ kiếm tiền mà không quan tâm đến năng lực thực sự của mình. Này đây, một số người thường xuyên "nhảy việc" không phải vì tìm thử thách mới hay để có môi trường làm việc tốt hơn mà bởi tâm lý "đứng núi này trông núi nọ".
    (Người Việt lười hơn...
    – Trúc Giang)

    4/ Thao tác lập luận so sánh:
    – Làm sáng tỏ đối tượng đang nghiên cứu trong mối tương quan với đối tượng khác.
    – Cách so sánh: Đặt đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí, nêu rõ quan điểm, ý kiến của người viết.

    Ví dụ: "Có một cậu bé vào tập việc trong một tiệm sửa xe đạp, có người khách đem đến một chiếc xe đạp hư, cậu bé không những sửa lại cho thật tốt, mà còn lau chùi cho chiếc xe cho sạch đẹp. Những người đang học việc khác cười nhạo cậu bé đã dại dột, đã chẳng được thêm chút tiền công nào lại còn tốn sức. Hai ngày sau, người khách trở lại, thấy chiếc xe đạp vừa tốt vừa đẹp như mới mua, cậu bé liền được người khách nhận đưa về hãng của ông ta để làm việc với mức lương cao. Hóa ra để thành đạt trong đời thật đơn giản, chỉ cần cố gắng chịu thiệt thòi một chút...
    (Trích Mọi thứ đơn giản hơn chúng ta nghĩ – Cửa sổ tâm hồn Việt)

    5/ Thao tác lập luận bình luận:
    – Bình luận là bàn bạc, nhận xét, đánh giá về một vấn đề .
    – Cách bình luận: Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá là xác đáng. Thể hiện rõ chủ kiến của mình.

    Ví dụ:
    "...Nguy hơn, thực phẩm bẩn chính là kẻ sát nhân thầm lặng, ảnh hưởng và di hại đến nhiều thế hệ làm kiệt quệ giống nòi, người tiêu dùng có còn đủ tỉnh táo để phân biệt trong ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện ấy đâu là sạch, đâu là bẩn hay lực bất tòng tâm để rồi "nhắm mắt đưa chân".
    Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều. Mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!
    Phát triển sẽ là gì nếu không phải giúp người dân nâng cao đời sống, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi chúng ta sống và đóng góp cho xã hội, nhưng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa.
    (Vấn nạn thực phẩm bẩn, chẳng lẽ bó tay?
    – Trương Khắc Trà – Báo Dân trí 3/1/2016).

    6/ Thao tác lập luận bác bỏ:
    – Là cách trao đổi, tranh luận để bác bỏ ý kiến được cho là sai .
    – Cách bác bỏ: Nêu ý kiến sai trái, sau đó phân tích, bác bỏ, khẳng định ý kiến đúng; nêu từng phần ý kiến sai rồi bác bỏ theo cách cuốn chiếu từng phần.

    Ví dụ: "Tôi không đồng ý với ý kiến của nhà Sử học Dương Trung Quốc rằng, nếu có doanh nghiệp trả lương 3.000 USD thì học sinh sẽ chăm học Sử. Lại có vị quan chức từng thoải mái nói rằng: "...nếu mà không biết (Sử ta ) thì... tra google"?
    Học Sử không phải là để kiếm kế sinh nhai.
    Học Sử không phải là để trang bị cho mình một kiến thức để dùng nó đi kiếm tiền.
    Học Sử là để hiểu về những gì cha ông đã làm, hiểu về đất nước, về con người và hiểu về những giá trị mà con người hiện nay đang được hưởng. Học Sử còn là để hun đúc tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Những cái đó mang lại một giá trị vô cùng to lớn và tiềm ẩn trong mỗi con người, tất nhiên không thể tính được bằng tiền...".

    II. Bài tập
    Xác định các thao tác lập luận chính được sử dụng trong các ví dụ sau, lí giải sự lựa chọn đó:

    1. "Làm sao trong đêm tối ngày xưa đó, Ngô Tất Tố đã mò ra được những thực tế đó và trong đêm tối, ông lụi hụi thắp được bó hương mà tự mình soi đường cho nhân vật mình đi? Lúc đó, không phải là không ai nói về làng xóm dân cày, nhưng người ta nói năng khác ông, người ta bàn cải lương hương ẩm, người ta xoa xoa mà ngư ngư tiều tiều canh canh mục mục. Còn Ngô Tất Tố thì xui người nông dân nổi loạn. Cái cách viết như thế, cái cách dựng truyện như thế, không là phát động quần chúng nông dân chống quan Tây, chống vua ta thì còn là cái gì nữa! " (Nguyễn Tuân)


    2. Từ sau khi Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước tăng lên đáng kể. Đầu tư từ ngân sách cho KH&CN vẫn giữ mức 2% trong hơn 10 năm qua, nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên rất nhanh, đến thời điểm này đã tương đương khoảng 1tỷ USD/năm. Cơ sở vật chất cho KH&CN đã đạt được mức độ nhất định với hệ thống gần 600 viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu của Nhà nước, hơn 1.000 tổ chức KH&CN của các thành phần kinh tế khác, 3 khu công nghệ cao quốc gia ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã bắt đầu có sản phẩm đạt kết quả tốt. Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng thông tin tốt trong khu vực ASEAN (kết nối thông tin với mạng Á- Âu, mạng VinaREN thông qua TEIN2, TEIN4,...)

    3. "Xét về nghĩa đen có người bảo "Lá lành đùm lá rách" là để chỉ một hiện tượng tự nhiên. Trên cây, những chiếc lá lành lặn, mạnh mẽ bao giờ cũng vươn lên và cũng luôn ỏ phía trên những chiếc lá có đôi chút rách nát, yếu ớt như để che chở, bao học. Tuy đó chỉ là một cái nhìn chủ quan của dân gian xưa về một hiện tượng tự nhiên nhưng nó cũng đã thể hiện tình cảm của họ thời đó. Còn có một cách giải thích khác được lưu truyền. Cách giải thích ấy cho rằng "Lá lành đùm lá rách" là để chỉ những lớp lá khi gói luôn là những chiếc lá không mấy lành lặn rồi mới đốn những chiếc lá lành lặn, đẹp đẽ. Cái cách gói ấy đã có từ muôn đời, đến nay đã thành cái lệ, cái tập tục, cái thói quen của những người làm bánh."

    4. "... Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. [...] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình..."
    ( Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức, Nguyễn An Ninh)


    5. "Ai cũng biết Hàn Quốc phát triển kinh tế khá nhanh, vào loại "con rồng nhỏ" có quan hệ khá chặt chẽ với các nước phương Tây, một nền kinh tế thị trường nhộn nhịp, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Khắp nơi đều có quảng cáo, nhưng không bao giờ quảng cáo thương mại được đặt ở những nơi công sở, hội trường lớn, danh lam thắng cảnh. Chữ nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, nếu có thì viết nhỏ đặt dười chữ Triều Tiên to hơn ở phía trên. Đi đâu. nhìn đâu cũng thấy nổi bật những bảng hiệu chữ Triều Tiên. Trong khi đó thì ở một vài thành phố của ta nhìn vào đâu cũng thấy tiếng Anh, có bảng hiệu của các cơ sở của ta hẳn hoi mà chữ nước ngoài lại lớn hơn cả chữ Việt, có lúc ngỡ ngàng tưởng như mình lạc sang một nước khác".
    (Chữ ta, bài Bản lĩnh Việt Nam,
    Hữu Thọ)

    6. "...Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Lời trách cứ này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?
    Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?
    Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?
    Ở An Nam cũng như mọi nơi khác, đều có thể ứng dụng nguyên tắc này:
    Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra...."
    (Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức, Nguyễn An Ninh)


    7. Trời thu xanh ngắt mấy từng cao
    Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
    (Nguyễn Khuyến)

    Từ xanh ngắt gợi tả không gian trời thu cao xanh vời vợi, nền trời là một màu xanh ngăn ngắt. Màu xanh này gợi tả được cảnh trong veo và thật im vắng, yên tĩnh. Cụm từ mấy từng cao đã diễn tả không gian sâu thẳm vô cùng. Trên nền không gian bao la ấy, tác giả điểm xuyết một cành trúc. Từ láy lơ phơ giàu sức tạo hình, gợi tả cành trúc khẳng khiu, thanh mảnh, nhẹ nhàng, thưa thớt lá, đang đong đưa trong làn gió nhẹ của chiều thu. Nhờ cần trúc với dáng nét lơ phơ mà cảnh thu có vẻ đẹp duyên dáng thơ mộng, thanh thoát.

    GỢI Ý
    Bấm để xem
    Đóng lại
    1. Thao tác lập luận: so sánh
    2. Thao tác lập luận: chứng minh
    3. Thao tác lập luận: giải thích
    4. Thao tác lập luận: bình luận
    5. Thao tác lập luận: so sánh
    6. Thao tác lập luận: bác bỏ
    7. Thao tác lập luận: phân tích.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...