1. Bí ẩn hồ nước Hồng: Hồ Hillier là một hồ nước màu hồng nằm trên đảo Middle, là hòn đảo lớn nhất trong số các hòn đảo trên quần đảo Recherche, Tây Australia. Từ trên nhìn xuống, hồ Hillier trông như một chiếc bong bóng kẹo cao su được thổi phồng lên. Điều đó đã khiến hồ Hillier trở nên vô cùng đặc biệt. Hồ dài khoảng 600 m, được bao phủ bởi một dải cát và một khu rừng rậm Paperbark và rừng bạch đàn. Một dải cát hẹp được bao phủ bởi thảm thực vật chia tách hồ với vùng biển phía Nam. Không giống như các hồ nước màu hồng trên thế giới như hồ ở Retba và hồ muối ở Vịnh San Francisco, các nhà khoa học vẫn chưa xác định màu hồng của Hillier là do đâu. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học suy đoán rằng, màu hồng của hồ được tạo bởi các loài sinh vật Dunaliella salina và Halobacteria. Giả thuyết khác lại cho là do một loài vi khuẩn màu đỏ trong lớp vỏ muối tạo nên. Màu sắc này cũng không phải là tác phẩm từ ánh sáng mặt trời. 2. Dingo Fence - Hàng rào dài nhất thế giới: Dingo Fence hay hàng rào chống chó Dingo (loài chó hoang đặc trưng sống tại Australia) được dựng lên từ những năm 1880 và hoàn thành năm 1885, để ngăn lũ chó Dingo khỏi phá hoại mùa màng cũng như đàn cừu ở phía nam Queensland. Đây là một trong những công trình dài nhất thế giới và là hàng rào dài nhất (5.614 km). Hàng rào đã phát huy mạnh mẽ tác dụng của nó cho dù thi thoảng người ta vẫn có thể tìm thấy vài chú chó Dingo ở miền Nam. Những năm 1990, các lỗ hổng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên hàng rào và chó Dingo đã tranh thủ tìm đến vùng đồng cỏ đầy thỏ non và kangaroo để kiếm ăn. 3. The flying doctor - Bác sĩ bay: "Dịch vụ y tế bay Hoàng Gia" hay còn gọi là "bác sĩ bay" là hoạt động chăm sóc sức khỏe trong các trường hợp khẩn cấp dành cho những người sống ở vùng thôn dã hẻo lánh tại Australia. Đây thật ra là một tổ chức phi lợi nhuận giúp những cư dân không thể đến bệnh viện một cách dễ dàng vì khoảng cách quá xa. "Bác sĩ bay" cũng là biểu tượng đặc biệt trong cuộc sống của người Australia, bởi khi diện tích đất đai quá rộng lớn và dân cư sống rất thưa thớt, rất khó để xây dựng thật nhiều bệnh viện với đầy đủ cơ sở vật chất. 4. Nhà của 100 triệu con cừu: Vào đầu thế kỷ 21, người ta ước tính có khoảng 120 triệu con cừu ở Australia. Do những ảnh hưởng của hạn hán và nhu cầu sử dụng lông cừu giảm, số lượng cừu cũng đi xuống và hiện còn khoảng 100 triệu. Con số này gần gấp 5 lần dân số của Australia vốn chỉ có hơn 20 triệu người. 5. Tại sao Canberra lại là thủ đô của Australia? Khu vực Canberra đã được chọn là thủ đô của Australia năm 1908 trong một thỏa hiệp giữa hai thành phố lớn lúc bấy giờ là Sydney và Melbourne. Vị trí này cách Sydney 248 km và Melbourne 483 km. Đây là đô thị được thành lập với một kế hoạch hoàn toàn cụ thể. 6. Trại gia súc lớn nhất thế giới: Nếu đã xem bộ phim Australia do 2 diễn viên nổi tiếng Hugh Jackman và Nicole Kidman đóng hẳn bạn sẽ ấn tượng bởi mảnh đất bụi bặm với đàn gia súc khổng lồ tràn ngập màn ảnh. Khung cảnh ấy hoàn toàn có thật ở ngoài đời, thậm chí hoành tráng hơn. Anna Creek ở vùng Nam Australia xa xôi được xem là trang trại lớn nhất thế giới với diện tích lên đến 34.000 km2 (to hơn trang trại tại Bỉ hay trang trại lớn nhất ở Mỹ với diện tích 6.000 km2). Anna Creek có thể chứa khoảng 16.000 đầu gia súc nhưng hiện tại vì hạn hán, số gia súc đang được chăn thả chỉ khoảng 2.000 con. 7. Rặng núi Australia có lượng tuyết nhiều hơn Thụy Sĩ: Mỗi mùa đông, dãy núi Australian (nằm giữa Canberra và Melbourne) có lượng tuyết phủ nhiều hơn cả ở Thụy Sĩ. Dãy núi tuyết là một phần của rặng núi lớn ở bờ Đông đất nước, trải trên chiều dài 3.500 km từ bắc xuống nam qua các bang Queensland, New South Wales và Victoria. Các ngọn núi phủ tuyết đóng vai trò quan trọng cho ngành du lịch Australia. Khi thời tiết đang là mùa hè ở bắc bán cầu thì ở Australia lại là mùa đông. Hàng nghìn du khách ở các quốc gia nhiệt và ôn đới vì thế sẽ muốn tránh cái nắng gắt của hạ sang để thoải mái chơi trượt tuyết cũng như các hoạt động vào mùa đông tại xứ sở chuột túi. 8. Hệ thống động vật quần cư lớn nhất thế giới: Great Barrier Reef là dải san hô và cũng là hệ thống động vật quần cư lớn nhất hành tinh, trải dài 2.000 km ngoài khơi bang Queensland. Vỉa san hô lớn được hợp thành từ những cụm san hô riêng rẽ nằm cách xa bờ. Chúng phát triển mạnh mẽ thành những khu phá cạn và dễ dàng ngắm nhìn chỉ với chiếc vòi hơi cùng chân vịt. Vẻ đẹp của loài sinh vật giàu màu sắc dưới đại dương này thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm. Tuy vậy, do số lượng người đến khám phá đông đúc, dải san hô cũng đối mặt với nhiều ảnh hưởng về hệ thống sinh thái thủy sinh. 9. Nhà hát Opera Sydney: Được biết đến với nickname "nhà hát con sò", đây là công trình mang ý nghĩa biểu tượng của cả thành phố với những mái vòm bê tông có hình dáng vỏ sò. Nhà hát tọa lạc trên diện tích 1, 8 ha, dài 183 m và rộng 120 m. 588 cột trụ bê tông đã được đúc để làm nền tảng cho nhà hát và chôn ở độ sâu 25 m dưới mặt nước biển. Nhà hát do kiến trúc sư Jorn Utzon người Đan Mạch thiết kế năm 1955 và hoàn thành năm 1973. Chỉ riêng mái vòm đã có trọng lượng 161.000 tấn. Để nhìn toàn cảnh nhà hát, bạn có thể đăng ký tour leo cầu cảng Sydney hoặc đi tàu quanh vịnh. 10. Lãnh thổ Nam cực của Australia: Australian Antarctic Territory (AAT) là một phần của Nam Cực. Người Anh đã thiết lập chủ quyền và trao nó cho Australia quản lý với tư cách là thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung – Commonwealth năm 1933. Đây là vùng đất do một quốc gia sở hữu lớn nhất ở Nam Cực. AAT có diện tích 5, 9 triệu km2 (2, 3 triệu dặm vuông).