Núi Đôi Vũ Cao Bảy năm về trước, em mười bảy Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa Bữa thì em tới, bữa anh sang Lối ta đi giữa hai sườn núi Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi Em vẫn đùa anh: Sao khéo thế Núi chồng núi vợ đứng song đôi! Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới Ngơ chùa cháy đỏ những thân cau Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹn Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau. Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc Chiến đấu quên mình năm lại năm Mấy bận dân công về lại hỏi Ai người Xuân Dục, núi Đôi chăng? Anh nghĩ, quê ta giặc chiếm rồi Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi Mỗi tin súng nổ vành đai địch Sương trắng người đi lại nhớ người. Đồng đội có nhau thường nhắc nhở Trung du làng nước vẫn chờ trông Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm Em vẫn đi về những bến sông? Náo nức bao nhiêu ngày trở lại Lệnh trên ngừng bắn, anh về xuôi Hành quân qua tắt đường sang huyện Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi. Mới tới đầu ao, tin sét đánh Giặt giết em rồi, dưới gốc thông Giữa đêm bộ đội vây đồn Thửa Em sống trung thành, chết thuỷ chung! Anh ngước nhìn lên hai dốc núi Hàng thông bờ có con đường quen. Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói Núi vẫn đôi mà anh mất em! Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo: Em còn trẻ lắm, nhất làng trong; Mấy năm cô ấy làm du kích Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng? Từ núi qua thôn, dường nghẽn lối Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút đầy Sân biến thành ao, nhà đổ chái Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay Cha mẹ đưa nhau về nhận đất Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau Nứa gianh nửa mái lều che tạm Sương nắng khuây dần chuyện xót đau. Anh nghe có tiếng người qua chợ: Ta gắng: Mùa sau lúa sẽ nhiều Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu! Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ. Oán thù còn đó, anh còn đây Ở đâu cô gái làng Xuân Dục Đã chết vì dân giữa đất này! Ai viết tên em thành liệt sĩ Bên những hàng bia trắng giữa đồng Nhớ nhau anh gọi em: Đồng chí Một tấm lòng trong vạn tấm lòng. Anh đi bộ đội sao trên mũ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường Em sẽ là hoa trên đỉnh núi Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm. Nguồn: thivien.net/Vũ-Cao/Núi-Đôi/poem-pbwxo1K-G3OaumM5trleXQ